Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở New York

[MINH HUỆ 28-09-2021] Trong kỳ họp lần thứ 76 mới đây của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, diễn ra từ ngày 21 đến 27 tháng 9 năm 2021, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức các sự kiện vào hôm 26 tháng 9 để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc và hối thúc các vị đại biểu của Liên Hợp Quốc trợ giúp chấm dứt sự tàn bạo này.

Các học viên đã hội tụ tại quảng trường Dag Hammarskjöld Plaza trước trụ sở của Liên Hợp Quốc, từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối. Họ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, giương các biểu ngữ chứa thông điệp về cuộc bức hại, phát tặng tài liệu thông tin, và nói với người qua đường về hàng loạt tội ác kéo dài 22 năm qua ở Trung Quốc.

4e3ba0ef60ee110b94223d983170bbbf.jpg

Các học viên ôn hòa nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc gần trụ sở Liên Hợp Quốc trong thời gian diễn ra kỳ họp lần thứ 76 của Hội đồng Liên Hợp Quốc

f55a2d04a493c42491110328f380d680.jpg

Người qua đường ký bản kiến nghị ủng hộ những nỗ lực của các học viên nhằm chấm dứt cuộc bức hại

Ông Michael Yu, một trong số các học viên tham gia sự kiện, cho biết, người dân ở Trung Quốc vẫn còn đang bị ngược đãi vì đức tin của họ vào Chân-Thiện-Nhẫn. Ông hy vọng các đại biểu đến từ tất cả các quốc gia sẽ lưu ý tới vấn đề trọng đại này, vì nó đe dọa cả xã hội nói chung.

0a70fdef8837677ddfde775e4c93bf63.jpg

Ông Michael Yu kêu gọi sự trợ giúp của các đại biểu của Liên Hợp Quốc cũng như công chúng

Giải cứu thân nhân

Mặc dù cuộc bức hại đang diễn ra ởTrung Quốc, nhưng các học viên ở khắp nơi trên thế giới đều cảm nhận được nỗi đau này. Cô Vương Tinh cho biết chồng của cô, anh Nhậm Hải Phi, đã bị bắt hôm 26 tháng 6 năm 2020. Cô nói: “Việc bị ngược đãi trong suốt thời gian giam giữ, đã khiến anh ấy bị nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh tim và suy thận. Cuối cùng, anh đã được đưa tới bệnh viện trong 19 ngày”, “Tôi rất lo cho tình trạng của anh ấy.”

Theo một báo cáo trên trang web Minh Huệ, cảnh sát thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bắt giữ anh Nhậm tại nhà. Các cảnh sát đã tịch thu của anh hơn 500.000 nhân dân tệ và lấy đi đồ đạc cá nhân của anh có giá trị hơn 200.000 nhân dân tệ. Tòa án Cam Tỉnh Tử đã tổ chức một phiên điều trần chống lại anh vào ngày 23 tháng 9 năm 2021.

Một học viên khác tham gia sự kiện là cô Cao Hồng Mai, cũng đã chia sẻ về thảm kịch của gia đình cô. Vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công, mẹ của cô là bà Hồ Ngọc Lan đã bị kết án tù 5 năm hồi năm ngoái. Hiện bà Hồ đang bị giam giữ trong Nhà tù Nữ Trường Xuân.

Cô Cao cho biết: “Mẹ của tôi đã 75 tuổi rồi, bà không phạm bất kỳ tội ác nào. Đáng ra bà ấy phải được tận hưởng quãng thời gian yên bình của mình thay vì bị cầm tù”. “Có rất nhiều học viên bị giam giữ thậm chí còn cao tuổi hơn mẹ tôi. Tôi thực sự hy vọng rằng xã hội quốc tế sẽ chú ý đến sự việc này.”

Người tị nạn Liên Hợp Quốc: Những gì chúng ta thấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi

Bà Vu Trinh Khiết, 70 tuổi, cũng là một nạn nhân của cuộc bức hại. Năm 2007, bà đã bị buộc phải trốn chạy sang Thái Lan vì đức tin của bà, tại đây bà đã nộp đơn để xin trở thành một người tị nạn của Liên Hợp Quốc. Năm 2009, Liên Hợp Quốc đã thu xếp để bà đến New York. Hàng năm, bà đều đến thỉnh nguyện tại Hội đồng Liên Hợp Quốc để tìm kiếm sự trợ giúp cho các học viên ở Trung Quốc.

753cff920e54453c03bb064b302bf98c.jpg

Bà Vu Trinh Khiết phải trốn khỏi Trung Quốc và trở thành người tị nạn của Liên Hợp Quốc. Nhiều học viên khác, gồm cả những thân nhân của bà, vẫn còn đang bị bức hại ở Trung Quốc

Chẳng hạn như, chị dâu của bà là bà Vương Mi Hoằng đã bị giam giữ tại nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân trong 11 năm vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, sau vài năm được thả ra, vào đầu tháng 3 năm nay, bà đã bị đưa trở lại nhà tù này. Anh trai của bà Vương cũng đã bị giam giữ 15 năm. Mặc dù ông đã được thả ra, nhưng gia đình của ông vẫn chưa nghe được tin tức gì từ ông, và hiện ông đang mất tích.

Bà Vu cho hay hoàn cảnh của gia đình bà mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bà giải thích: “Tôi hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc, để những thủ phạm chính như cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang Trạch Dân, sẽ phải chịu trách nhiệm”, “Đây là một trong những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất thế giới và chúng ta không thể làm ngơ nó. Chúng ta phải khôi phục lại lương tri và niềm tin vào xã hội của chúng ta.”

Bà Dị Dung đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp New York cho biết cuộc bức hại đã diễn ra được 22 năm. “Đã đến lúc các quốc gia phương Tây và các nhà lãnh đạo của họ nhận ra bản chất thực sự của ĐCSTQ”, bà nói. “Chỉ bằng cách ly khai khỏi ĐCSTQ chúng ta mới có thể có một tương lai an toàn.”

Sự ủng hộ từ công chúng

Các học viên đã đứng gần Trụ sở Liên Hợp Quốc và giương các biểu ngữ mang các thông điệp như: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chấm dứt bức hại Pháp Luân Công.”

Nhiều quan chức chính phủ và đại biểu đến tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chú ý đến sự kiện của các học viên. Phong thái ôn hòa của các học viên đã được người đi đường và các nhân viên an ninh ca ngợi, và một số đã chụp ảnh cùng các học viên.

Học viên có tên Vương Lập Vinh cho biết khi cô nói chuyện với một đại biểu Liên Hợp Quốc, ông ấy đã bảo cô rằng ông đã ký bản kiến nghị ủng hộ các học viên rồi. Ông cũng nhận một bông hoa sen giấy và khen ngợi các học viên vì những nỗ lực của họ. “Khi rời đi, ông ấy đã giơ ngón cái lên để khích lệ chúng tôi tiếp tục công việc này”, bà Vương nói thêm.

Một học viên khác là cô Tiêu Ngọc Vinh, cũng có trải nghiệm tương tự. Cô nhớ lại: “Một người đàn ông đi xe đạp có mang theo một chiếc máy ảnh”, “Khi dừng lại để chụp ảnh các tấm biểu ngữ của chúng tôi, anh ấy đã vẫy tay chào chúng tôi và giơ ngón tay cái lên tán thưởng chúng tôi.”

Một đoàn xe hơi của Pháp Luân Đại Pháp cũng đã đi xuyên qua các tuyến phố gần đó. Các bảng hiệu được gắn trên nóc xe ghi: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, và “Trung Cộng lừa dối, con người mất mạng”. Là một trong số những người tổ chức sự kiện, ông Yu cho biết đoàn xe diễu hành cũng được đón nhận nồng nhiệt, thậm chí cảnh sát còn giơ ngón tay cái lên để bày tỏ sự ủng hộ của họ.

Bà Dị cho hay sự kiện nâng cao nhận thức này truyền đi một thông điệp quan trọng, đó là: những người bị ĐCSTQ bức hại đang kêu gọi ủng hộ tự do tín ngưỡng. Bà giải thích: “Vì rất yêu Trung Quốc, nên chúng tôi muốn bác bỏ ĐCSTQ – một chế độ làm hại mọi người.”

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì?

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu truyền xuất ra công chúng vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Tới nay, môn tu luyện này đã truyền đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng, môn tu luyện đã được hàng triệu người đón nhận và bước vào tu luyện, họ đều được trải nghiệm sự đề cao cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng, nên đã ban hành lệnh cấm vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên đã mất mạng trong 22 năm qua vì bị bức hại. Con số thực tế được cho là còn cao hơn nhiều. Nhiều người hơn nữa đã bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ.

Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại các học viên bị giam cầm để thu hoạch nội tạng của họ và cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/28/431929.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/29/195957.html

Đăng ngày 02-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share