Bài viết của Thư Tuệ, phóng viên báo Minh Huệ tại Đan Mạch

[MINH HUỆ 16-07-2021] Một ngày cách đây 18 năm, cô Tiểu Dĩnh, một phụ nữ trẻ đến từ Trung Quốc, đã bế đứa con gái nhỏ chưa đầy một tuổi đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen, Đan Mạch để làm một số thủ tục giấy tờ để làm hộ chiếu cho đứa bé. Sau khi cô nộp giấy tờ, người quản lý đại sứ quán hỏi: “Chồng cô làm nghề gì để kiếm sống?” Cô trả lời: “Người đang ngồi bên ngoài kia là chồng tôi.” Rồi nhìn thấy các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp được trưng bày trong sảnh của đại sứ quán, cô Tiểu Dĩnh nói: “Thông tin này không đúng sự thật. Các ông còn dám bày cái này ở đây à?”

“Người đang ngồi ngoài kia” mà cô Tiểu Dĩnh nói đến là những học viên Pháp Luân Đại Pháp hàng ngày đả tọa bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen. Những học viên này đã lặng lẽ ở đó để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công). Trong số họ có ông Chu Học Trí, chồng của cô Tiểu Dĩnh.

18 năm đã trôi qua. Giờ đây, vào mỗi ngày làm việc, các học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn tiếp tục bày tỏ lời kêu gọi lặng lẽ bên ngoài đại sứ quán này. Tại sao ông Chu và các học viên Pháp Luân Đại Pháp khác lại chọn tọa thiền trước Đại sứ quán Trung Quốc? Họ đã trải qua những gì trong suốt 18 năm này?

9cc9a0c3be251fb5e8366447a2ac675b.jpg

Ông Chu Học Trí ở trước Đại sứ quán Trung Quốc để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công

Đưa ra quyết định

Ngược dòng thời gian về đầu thế kỷ này, ông Chu là một doanh nhân thành đạt. Khi đến Đan Mạch để mở rộng việc kinh doanh, ông đã liên lạc với các học viên Pháp Luân Đại Pháp địa phương. Hồi đó, tin tức về cuộc bức hại tàn khốc đối với Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc liên tục xuất hiện và các học viên ở nước ngoài thường đến các Đại sứ quán Trung Quốc tại nước họ để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và bày tỏ sự ủng hộ đối với các đồng tu ở Trung Quốc.

Vào lúc đó, ông Chu đã lo lắng và lưỡng lự. Ông chia sẻ, “Khoảnh khắc tôi bước tới Đại sứ quán Trung Quốc và tham gia kháng nghị, cũng tương đương việc tôi thông báo với toàn thế giới rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Vì điều đó, công ty của tôi ở Trung Quốc sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tịch biên. Tuy nhiên, nếu tôi không đi, tôi sẽ không cảm thấy thoải mái. Pháp Luân Đại Pháp quá chân chính và các học viên ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc bức hại tàn khốc.” Ban đầu, do lưỡng lự nên ông đã không thực hiện được điều này.

Đêm đó, ông Chu cảm thấy rất tệ. Ông không thể an tâm và cảm thấy khó chịu đến nỗi ông không thể ngủ được. “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để tu luyện bản thân và trở thành người tốt, mang lại lợi ích cho mọi người. Thế nhưng, ĐCSTQ đã sử dụng đủ loại thủ đoạn tàn ác để bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, hủy hoại sự thiện lương trong bản tính con người. Nếu mình không đứng lên và nói cho mọi người biết chân tướng, liệu mình có còn xứng đáng là một người tu luyện không?” Khi những ý nghĩ này tiến nhập vào tâm trí ông, ông đã trở nên minh bạch.

Khi ông lại được thông báo về một hoạt động sắp tới tại Đại sứ quán Trung Quốc, không chút do dự, ông Chu đã quyết định tham gia. Ông nói: “Cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, tôi sẽ tới đó.” Trong tâm ông rất bình tĩnh vì ông cảm thấy ông đang làm theo sự chỉ dẫn từ bản tính của mình.

Đêm dài vô tận, và cuộc bức hại tà ác vẫn tiếp tục diễn ra. Các học viên đã quyết định đến trước Đại sứ quán Trung Quốc để lời kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của họ được lắng nghe.

Vào mùa xuân năm 2003, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Đan Mạch đã bắt đầu cuộc kháng nghị ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc trong một giờ mỗi ngày. Từ đó đến nay, hầu như ngày nào mọi người cũng có thể nhìn thấy ông Chu cùng những học viên khác ngồi tọa thiền trước Đại sứ quán Trung Quốc.

Hướng dẫn viên du lịch: “Đây là một điểm thu hút khách du lịch của Đan Mạch”

Ông Chu chia sẻ: “Đại sứ quán là nơi mọi người có thể tìm hiểu chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Những người ở Đại sứ quán Trung Quốc cũng có thể thấy được vẻ thiện lương và sự quyết tâm ngoan cường của những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Qua bao nhiêu năm, những cư dân xung quanh, người Đan Mạch và người Trung Quốc đến đại sứ quán để giải quyết vấn đề đều có thể nhìn thấy được. Tất cả họ đều có cơ hội để biết thêm Pháp Luân Đại Pháp là gì, nhóm những người tu luyện này là gì,…“

Mọi người dần dần thay đổi từ “không biết” và “không chắc về điều đó” thành “tôi biết điều đó” và “tôi có thể giúp gì cho các bạn không?” Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động trong hơn 18 năm qua. Mấy năm trước là thời kỳ cao điểm khi nhiều người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Nhiều người đến đại sứ quán mỗi ngày. Đôi khi, những chiếc xe buýt lớn chở đầy khách du lịch Trung Quốc đến thăm Đại sứ quán Trung Quốc.

Ông Chu kể lại rằng đã từng có một hướng dẫn viên du lịch đến và nói, “Tôi đặc biệt đưa những người này (du khách Trung Quốc) đến dây để cho họ thấy rằng có những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở nước ngoài.” Ông Chu đã vô cùng xúc động và nói: “Đúng vậy, chúng tôi ở đây vì thiện niệm và theo đó những người tốt bụng sẽ tới để nhìn thấy hy vọng. Ở các quốc gia khác, sinh viên đến từ Trung Quốc đã hiểu được chân tướng thông qua các học viên kháng nghị trước Đại sứ quán Trung Quốc, và một số cuối cùng đã bước vào tu luyện.”

Mới đây, các học viên đã làm một biểu ngữ bằng tiếng Trung Quốc “Thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới để được an toàn và bình an.” Ông Chu cho biết: “Cơ hội được trao cho tất cả mọi người, kể cả các nhân viên ở đại sứ quán. Cuộc kháng nghị của chúng tôi không nhắm vào họ. Sinh mệnh là trân quý nên chúng tôi mong rằng họ có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn.”

“Tôi chỉ tin các học viên Pháp Luân Đại Pháp”

Ông Chu cũng cho biết: “Chừng nào chúng tôi còn ở đây, chúng tôi sẽ nhắc nhở mọi người rằng ĐCSTQ vẫn đang bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, tôi tin rằng sự chân thành và thiện lương có thể hóa giải tất cả những yếu tố không đúng.”

Một quan chức ở Thiên Tân từng làm việc cho Phòng 610, đã nắm được thông tin về các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại trong khu vực mà ông phụ trách. Trong đó cũng có thông tin về ông Chu: Do tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ba công ty của ông Chu đã bị đóng cửa, tài sản của ông bị đóng băng và tất cả nhân viên của ông đều bị sa thải. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào về việc ông đã vi phạm pháp luật.

Sau đó, vị quan chức này đã trở thành nhân chứng và có cơ hội ra nước ngoài để làm chứng về những tội ác mà ĐCSTQ và Phòng 610 đã gây ra. Khi vị quan chức này biết được bản chất tà ác của ĐCSTQ, giết người để bịt miệng và có các đặc vụ trên toàn thế giới, ông đã rất sợ hãi và lo lắng. Khi được mời đến Đan Mạch để tham gia một cuộc họp về nhân quyền, ông nói: “Tôi chỉ tin ông Chu, vốn là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi hy vọng rằng ông ấy có thể đến đón tôi tại sân bay.” Khi dân chúng nhận ra chân tướng, họ sẽ không còn bị lừa dối bởi những lời nói dối và sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Thành viên của một Nhóm Nhân quyền: “Tôi muốn chất vấn Đại sứ quán Trung Quốc”

Một ngày nọ, một nhà hoạt động nhân quyền đã dừng lại để lấy một số tài liệu và đặt nhiều câu hỏi. “Tất cả các bạn ở đây được bao lâu rồi?” “Có ai từ đại sứ quán đến hỏi các bạn và bày tỏ lo lắng về vấn đề mà Pháp Luân Đại Pháp đang gặp phải chưa?” Sau khi biết thêm sự việc, người phụ nữ này trở nên giận dữ. Khi bà nghe về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp và tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ phi pháp, bà càng hoảng sợ hơn. Bà nói: “Hôm nay, tôi sẽ viết thư cho Đại sứ quán Trung Quốc để hỏi họ rằng tại sao họ không ra ngoài và lắng nghe tiếng nói của những người này. Tại sao nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng lại diễn ra, và tại sao nó vẫn chưa chấm dứt?!”

Cũng có một số người làm việc gần Đại sứ quán Trung Quốc đi ngang qua nhóm học viên mỗi ngày. Nhiều người đã dừng lại để lấy tài liệu và sau khi đọc chúng, ngày hôm sau họ đã đến để tìm hiểu thêm. Sau đó, hễ khi nào họ đi ngang qua các học viên, họ đều hợp thập hoặc giơ ngón tay cái lên để bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên.

“Chừng nào cuộc bức hại chưa chấm dứt, chúng tôi sẽ không dừng lại!”

Có các trường mầm non, trường học, công viên nhỏ và thư viện gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Copenhagen. Vì vậy, hàng ngày có nhiều học sinh đi ngang qua các học viên. Một số đang học mầm non trong khi một số là học sinh trung học hoặc tiểu học. Học sinh tiểu học được các giáo viên dẫn đường. Khi chúng đi ngang qua đại sứ quán, các giáo viên giải thích cho chúng rằng đây là các học viên Pháp Luân Đại Pháp và lý do họ ở đây là vì những hành vi tà ác của ĐCSTQ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng cũng đọc đi đọc lại câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên biểu ngữ. Một số thậm chí còn chào các học viên bằng tiếng Trung.

Ông Chu xúc động kể: “Đôi khi chúng thấy chúng tôi đang nhắm mắt để thiền định, khi chúng đến gần chúng tôi, những học sinh đang cười và đùa giỡn lập tức trở nên im lặng và chúng lặng lẽ đi ngang qua. Những đứa trẻ này rất nhạy cảm và trong sáng. Đã 18 năm rồi. Các em học sinh mầm non hiện đã đến tuổi vào đại học. Mỗi năm sẽ có những đứa trẻ mới bắt đầu bước vào các trường mầm non, tiểu học. Vậy nên, nhiều người ở đây đã biết đến ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ và cảnh các học viên Pháp Luân Đại Pháp lặng lẽ thiền định đã in sâu vào ký ức của họ.”

Để kiên trì trong 18 năm quả thật không dễ. Khi được hỏi: “Ông đã bao giờ nghĩ đến việc ngừng lại chưa? Ông đã bao giờ đặt câu hỏi liệu tất cả những điều này có đáng hay không chưa?” Ông Chu trả lời: “Ngay cả khi chỉ được nhìn thấy những đứa trẻ này, bạn sẽ cảm thấy điều đó thật xứng đáng. Nói chính xác, đôi khi tôi cảm thấy cô đơn, đặc biệt là khi chỉ có mình tôi ở đó. Tuy nhiên, thường vào những lúc đó, sẽ có người hỏi han hoặc chào hỏi nồng nhiệt và giơ ngón tay cái lên với tôi.” Ông Chu nói thêm: “Tôi không nghĩ về nó quá nhiều. Niệm đầu của chúng tôi là: Chừng nào cuộc bức hại chưa chấm dứt, chúng tôi sẽ chưa dừng lại.”

Thời gian 18 năm gần như là một thế hệ. Con gái của ông Chu Học Trí và bà Tiểu Dĩnh, người bị từ chối đơn xin cấp hộ chiếu vì cha mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đã trở thành một đứa trẻ không có quốc tịch cách đây 18 năm. Giờ đây, cô đã là một thiếu nữ sắp tốt nghiệp trung học. Ông Chu cho biết, mặc dù mất tiền và tài sản nhưng ông đã sống hết mình. Điều này là do tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp tin chắc rằng tất cả chúng ta đều có quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do này là vô giá, cuộc bức hại phải được chấm dứt, và lương tâm sẽ trở lại.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/16/428249.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/20/194170.html

Đăng ngày 02-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share