Bài viết của Hà Bình, phóng viên báo Minh Huệ tại Thụy Điển

[MINH HUỆ 14-09-2021] Hơn 19 năm trước, ông Lý Chí Hà, vợ là bà Trương Quế Vinh cùng con trai đã phải chạy trốn khỏi Trung Quốc để tránh bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Đầu tiên họ đến Nga nhưng suýt bị trục xuất do áp lực từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc, vào tháng 5 năm 2005 họ đã được định cư tại Thụy Điển.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là môn tu luyện thiền định dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Lo sợ trước sự phổ biến ngày càng tăng của môn tu luyện, tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Cũng như vô số học viên Pháp Luân Công khác, ông Lý và bà Trương đã bị nhắm đến vì đức tin của họ. Họ cảm thấy may mắn vì có thể tận hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở Thụy Điển trong 16 năm qua, và khi Tết Trung thu, vào ngày 21 tháng 9, đang đến gần, họ muốn gửi lời biết ơn sâu sắc nhất đến Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, vì sức khỏe thể chất lẫn thăng hoa tinh thần từ khi họ bắt đầu tu luyện vào năm 1997.

09ac3e2613be6b639d9148518fdf1b2e.jpg

Ông Lý Chí Hà (bên phải) và bà Trương Quế Vinh (bên trái) tại Thụy Điển

Bằng việc chia sẻ câu chuyện của mình, hai vợ chồng hy vọng nhiều người hơn nữa trên khắp thế giới sẽ được thụ ích từ Pháp Luân Đại Pháp giống như họ.

Người chồng bán thân bất toại và người vợ ốm yếu hồi phục sức khỏe

Ông Lý Chí Hà, hiện 63 tuổi, gia nhập quân đội khi mới 18 tuổi và làm nhân viên đường sắt trong bảy năm. Sau khi xuất ngũ, ông thường bị đau thắt lưng, sau này dẫn đến tê bì cẳng chân và bàn chân. Ngoài việc điều trị ở các bệnh viện lớn, ông còn thử nhiều phương pháp chữa trị khác như châm cứu, vật lý trị liệu, xoa bóp, và thậm chí cả khí công. Nhưng đến năm 1997 ông đã bị bán thân bất toại, liệt từ thắt lưng trở xuống. Ông tìm kiếm sự trợ giúp của bác sỹ nhưng càng khiến ông tuyệt vọng hơn.

Một số bác sỹ chuyên khoa không giúp được gì ngoài tin xấu: Ông bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng thứ ba và thứ tư và ông bị rách màng hoạt dịch cùng căng cơ thắt lưng. Một bác sỹ nói với ông, “Anh nên dừng tất cả các phương pháp điều trị và không làm gì cả; nếu không anh sẽ bị liệt hoàn toàn.”

“Lúc đó tôi chưa đến 40 tuổi và con trai tôi chưa lên 10. Tôi trở nên vô dụng khi gia đình cần tôi nhất. Tôi có thể làm được gì?“ ông hồi tưởng.

Vợ ông, bà Trương, hiện 58 tuổi, vào thời điểm đó cũng có vấn đề về sức khỏe. Bà bị đau bụng kinh mỗi tháng và bị cảm mỗi khi chuyển mùa. Không lâu sau khi sinh, bà được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Sau khi bà cắt bỏ một u nang ở một bên buồng trứng, một khối u nang khác lại được phát hiện ở buồng trứng còn lại. Bà thường xuyên phải uống thuốc giảm đau.

Ngoài nỗi đau về thể xác, bà còn phải chịu nhiều áp lực trong công việc khi bà là kế toán tổng hợp cho công ty. Tính tình của bà ngày càng trở nên tệ hơn và bà thường xuyên trút sự bực bội lên chồng và con trai.

Trong lúc đau đớn và tuyệt vọng, họ nhớ đến Pháp Luân Đại Pháp mà họ biết nhiều người trong khu dân cư của họ đang tu luyện. Họ đã thử tập vào tháng 10 năm 1997, và đây là bước ngoặt trong cuộc đời họ. Bà Trương hồi tưởng lại, “Trong vòng chưa đầy hai tuần, chứng đau lưng của chồng tôi đã biến mất. Và tôi chưa bao giờ bị đau bụng kinh kể từ đó. 24 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ rõ điều này.”

Một gia đình hạnh phúc

Cặp vợ chồng không chỉ hồi phục sức khỏe mà còn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi họ áp dụng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Mọi thứ trong công việc được cải thiện, và cuộc sống gia đình của họ trở nên hòa thuận hơn.

Ông Lý đã đưa ra một ví dụ về mức độ thay đổi của họ. “Không lâu sau khi vợ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô ấy đề nghị mời mẹ tôi đang sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở quê chuyển đến ở cùng chúng tôi tại Bắc Kinh. Vợ tôi muốn chăm sóc mẹ tôi để bà có thể vui sống với gia đình. Thành thật mà nói, tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến điều đó,” ông Lý nhớ lại.

Từng chứng kiến và nghe kể về nhiều mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng, ông Lý cảm thấy khó tin vào những gì mình đang nghe và liên tục hỏi bà Trương: “Bà có chắc không? Thật sự chắc chứ?“

Bà Trương trả lời: “Tất nhiên! Sư phụ đã dạy chúng ta trở thành người tốt và đối xử tốt với mọi người. Chúng ta đều là học viên, chúng ta có sức khỏe tốt và tài chính ổn định. Nếu bà sống cùng chúng ta, việc chăm sóc bà sẽ thuận tiện hơn nhiều.”

Mẹ chồng rất cảm động trước sự chu đáo của bà Trương và không biết cảm ơn bà thế nào cho đủ. Bà Trương nói với mẹ rằng hãy cảm tạ nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, chứ không phải là bà.

Mặc dù cuối cùng mẹ chồng bà đã về quê vì khó thích nghi với cuộc sống thành phố, nhưng tất cả họ hàng và bạn bè của họ ở quê đều nhận ra Pháp Luân Đại Pháp tốt như thế nào. Ông Lý đã về quê hai lần với sách và băng ghi âm của Pháp Luân Đại Pháp để chia sẻ với mọi người trong làng.

Bị bức hại vì đức tin

Cặp vợ chồng này không chỉ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cho riêng mình, mà họ còn giúp nhiều người hơn được thụ ích từ môn tu luyện. Họ tình nguyện dành thời gian hướng dẫn cho những người quan tâm đến các bài công pháp và tổ chức một nhóm học tại nhà để thường xuyên cùng nhau đọc các sách của Pháp Luân Đại Pháp.

Tuy nhiên, hai năm sau, cuộc sống yên bình của họ đã chấm dứt khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Ông Lý đã đi thỉnh nguyện nhưng bị bắt giữ và bị giam trong lồng kim loại. Sau đó, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu và theo dõi ông rất chặt chẽ.

Đầu tháng 12 năm 2001, các quan chức tại nơi làm việc của ông Lý đã cố gắng ép ông tham gia “lớp giáo dục về pháp luật”, thực chất là một khóa tẩy não nhằm buộc ông và các học viên khác từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Để tránh bị bức hại, ông Lý đã rời nhà đi nơi khác hơn nửa tháng. “Không lâu sau khi trở về nhà, tôi nghe nói cấp trên đã được khen ngợi vì đã làm tốt việc ‘chuyển hóa’ tôi, khiến tôi từ bỏ đức tin. Sau này, tôi được biết khi cấp trên bị thất bại trong việc đưa tôi đến trung tâm tẩy não, họ đã cử một người, vốn không phải là học viên, thay tôi ký vào văn bản từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp.”

Bà Trương cũng bị bức hại vì đức tin của mình. Theo lệnh của Phòng 610, bà bị chuyển từ vị trí kế toán tổng hợp (nơi bà đã làm việc gần 20 năm) sang phòng kế hoạch hóa gia đình của ủy ban khu phố. Bà Trương biết rằng chính quyền địa phương đang chuẩn bị đưa bà đến trung tâm tẩy não, “Tôi đã xin nghỉ vài ngày. Tôi cần phải suy nghĩ cẩn thận về tương lai của mình.”

Thắng kiện cơ quan di trú

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cặp vợ chồng đưa ra quyết định rằng họ có thể từ bỏ bất cứ thứ gì, kể cả công việc và nhà cửa, nhưng không từ bỏ đức tin.

Với sự giúp đỡ của bạn bè, họ và con trai đã thoát khỏi sự theo dõi của Phòng 610 và đến Nga vào tháng 1 năm 2002. Một người bạn sau đó đã cảnh báo họ, “Đừng quay về nhé! Đơn vị của các bạn đã thành lập những tổ chuyên án để tìm kiếm các bạn và biết các bạn đang ở Nga rồi. Hãy tự bảo vệ mình và thận trọng hơn nữa.“

Họ đã ở trong tình trạng nguy hiểm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã thông đồng với cảnh sát địa phương đưa họ đến trung tâm hồi hương trước khi trục xuất họ về Trung Quốc. Nhưng hai vợ chồng không hề sợ hãi, đơn xin tị nạn của họ đã được nộp lên tòa án di trú. Họ đã nhân cơ hội này để nói với các cơ quan chính phủ khác nhau về trải nghiệm bản thân với Pháp Luân Đại Pháp và việc ĐCSTQ đã bôi nhọ môn tu luyện này cũng như bức hại các học viên như thế nào. Mặc dù đại sứ quán Trung Quốc đã cung cấp lời khai dối trá và video vu khống Pháp Luân Công cho tòa án di trú, nhưng nỗ lực giảng chân tướng của hai vợ chồng đã thành công. Sau nhiều phiên điều trần, thẩm phán đã phán quyết rằng hai vợ chồng cùng con trai sẽ được thả khỏi trung tâm hồi hương.

Kết quả này khiến cộng đồng người Hoa ở địa phương đó chấn động, vì đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc thắng kiện cơ quan di trú ở Nga. Nhiều người đã thay đổi thành kiến của họ về Pháp Luân Đại Pháp và nói rằng Pháp Luân Đại Pháp thật phi thường.

Sau khi thua kiện, Cơ quan Di trú Nga đã cử một cán bộ đến nói chuyện với vợ chồng ông Lý. Viên chức này nói rằng họ biết là Pháp Luân Đại Pháp đang bị bức hại ở Trung Quốc nhưng ĐCSTQ đã gây áp lực với Bộ Ngoại giao Nga để trục xuất họ. Vì sự an toàn của họ, họ đề nghị gia đình ông Lý đi đến một nước thứ ba. Vì vậy, tháng 5 năm 2005, họ đã được Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc chuyển đến Thụy Điển. Họ vẫn nhớ khoảnh khắc rời khỏi hải quan Nga – cảnh sát thu giữ hộ chiếu của họ và bật chuông báo động.

Ông Lý nói, “Chúng tôi đã bị ĐCSTQ đưa vào danh sách đen trong một thời gian dài. May mắn là, có một đại diện của Liên Hợp Quốc được chỉ định đặc biệt đến hộ tống gia đình tôi ra khỏi Nga; nếu không, chúng tôi sẽ không thể đến được Thụy Điển. Trong nỗ lực trục xuất chúng tôi về lại Trung Quốc, ĐCSTQ đã vươn các xúc tu của nó ra khỏi đất nước.”

Chia sẻ sự tốt đẹp của Đại Pháp tại Thụy Điển

Đã 16 năm kể từ khi gia đình định cư tại Thụy Điển. Ông Lý và bà Trương tiếp tục sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Họ cũng phối hợp với các học viên khác để chia sẻ sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp với người dân tại Thụy Điển và phơi bày cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.

Hồi tưởng lại hành trình của họ, bà Trương chia sẻ, “Tôi rất vinh dự khi được gặp Pháp Luân Đại Pháp. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là sự lựa chọn của tôi, sự lựa chọn mà tôi sẽ không bao giờ hối hận. Chồng, con trai và con dâu của chúng tôi cũng là học viên. Chúng tôi vô cùng biết ơn Sư phụ. Chúng tôi chia sẻ câu chuyện của mình để nhiều người hơn nữa biết đến Pháp Luân Đại Pháp.”

Nhân dịp Tết Trung thu đang đến gần, vợ chồng bà kính chúc Sư phụ một ngày lễ vui vẻ và hứa sẽ làm ba việc mà các học viên cần làm một cách tinh tấn hơn nữa.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/14/430789.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/17/195105.html

Đăng ngày 20-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share