Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Sacramento, California, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 19-05-2021] Tôi là một đệ tử Đại Pháp đắc Pháp vào năm 1994, trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công.

Học thuộc Pháp

Mặc dù tôi là học viên đắc Pháp vào thời kỳ đầu khi Đại Pháp được truyền ra công chúng nhưng tôi đã không tinh tấn trong tu luyện bản thân. Kể từ năm ngoái khi có lệnh phong tỏa do dịch bệnh virus Trung Cộng, tâm an dật của tôi càng trở nên mạnh mẽ, khiến tôi không thể luyện công và học Pháp đầy đủ mỗi ngày. Đôi khi tôi thậm chí còn lỡ mất giờ phát chính niệm toàn cầu và không dành nhiều thời gian cho việc giảng chân tướng. Từ thâm tâm tôi biết mình không thể cứ mãi tu luyện trong trạng thái này.

Trong vùng của chúng tôi có hai học viên thường xuyên dậy sớm học một bài giảng và sau đó còn học thuộc một đoạn Pháp trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi cũng từng thử học thuộc Pháp một lần nhưng đã bỏ dở giữa chừng chỉ sau vài trang. Tôi thấy học thuộc Pháp thật khó vô cùng.

Được truyền cảm hứng từ các học viên đó, tôi quyết định học thuộc Pháp một lần nữa. Tôi bắt đầu bằng cách học thuộc 1 đoạn Pháp mỗi ngày. Sau đó tăng lên thành 2 trang 1 ngày. Tôi bắt đầu học thuộc Pháp vào đầu tháng 3 và đã học xong bài giảng thứ nhất, hiện giờ tôi đang tiếp tục học thuộc bài giảng thứ hai. Mặc dù mới chỉ học thuộc được một bài giảng nhưng tôi đã thể ngộ được rất nhiều Pháp lý. Sư phụ giảng:

“Chỉ một chút đề cao cảnh giới tư tưởng, [thì] đã có những thứ xấu trong thân chư vị được loại bỏ bớt rồi. Đồng thời chư vị phải chịu khổ một chút, chịu tội một chút, [thì] nghiệp lực nơi thân chư vị được tiêu trừ một phần; qua đó chư vị có thể thăng hoa lên một chút;” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Chịu khổ là hảo sự và là một nhân tố trong tu luyện giúp chúng ta đề cao tầng. Tôi đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân rất nhiều lần và cũng ngộ được rằng trong tu luyện cần nhẫn chịu thống khổ. Tuy nhiên khi đối diện với khổ nạn tôi lại không hề vui vẻ chút nào. Lý do là bởi vì tôi mới chỉ hiểu được câu chữ trên bề mặt mà thôi. Trong khi học thuộc Pháp, tôi ngộ được tầng hàm nghĩa sâu hơn của đoạn Pháp đó và hiểu rõ ý nghĩa của câu

“Lấy khổ làm vui” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Tôi có cảm giác một tầng thân thể đã được chuyển hóa từ một người thường sang người tu luyện.

Học thuộc Pháp còn giúp tôi dễ dàng hướng nội tìm ở bản thân mỗi khi gặp mâu thuẫn. Một vài tuần trước, tôi đi lấy một số bản Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Trên đường về nhà tôi gửi một vài tờ cho một đồng tu theo địa chỉ mà cô ấy đã chỉ định để cô đến lấy và mang báo đi phân phát ở các cửa hiệu. Đồng tu sau đó nhắn tin báo cho tôi biết là những tờ báo đó đã bị gió thổi rơi rải rác trên mặt đất.

Đồng tu khuyên tôi lần sau nên bỏ báo vào trong túi ni lông. Cô ấy nói một cách rất lịch sự nhưng tôi lại cảm thấy như mình đang bị chỉ trích, cảm giác bất mãn và muốn bao biện cho bản thân. Tuy vậy, tôi cố kìm nén và trả lời đồng tu một cách lịch sự rằng mình sẽ làm theo cách cô ấy nói. Tôi vẫn cảm thấy không vui, nhưng sau đó rất nhanh chóng tôi nhận ra rằng mình đã sai rồi. Đồng tu không phải là người Trung Quốc Đại Lục nên không bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền của văn hóa đảng. Cô ấy rất lịch sự nhưng tôi lại không hề ưng ý. Tuy nhiên nếu đổi lại vị trí tôi với cô ấy, nhìn thấy cảnh xấp báo rơi lộn xộn khắp nơi như thế, tôi sẽ vô cùng thất vọng và tức giận. Các đồng tu làm việc tại Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã phó xuất không mệt mỏi để cứu người. Mỗi một tờ báo cũng đều rất trân quý, vậy mà tôi đã không đặt tâm vào việc giao nhận chúng cho cẩn thận. Người sai là tôi và sau này tôi phải cẩn trọng hơn.

Sau buổi luyện công tập thể ngày hôm sau, tôi đã xin lỗi đồng tu và hứa sẽ thay đổi việc này.

Học thuộc Pháp còn giúp tôi hóa giải những mâu thuẫn với gia đình, một vấn đề mà tôi vẫn chưa xử lý được tốt. Tôi có một quan niệm rằng gia đình là nơi để tôi nghỉ ngơi thư giãn. Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường xuyên cãi vã vì vậy tôi rất phản đối việc xô xát tranh cãi giữa những người trong nhà. Khi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi đã gọi điện cho một người họ hàng phàn nàn rằng đôi khi bố mẹ khiến tôi cảm thấy lo lắng nên chẳng thể cảm thấy thoải mái khi ở nhà.

Khi tôi nhớ lại cuộc điện thoại đó tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng. Sau đó một đoạn Pháp của Sư phụ hiện lên trong tâm trí tôi:

“Người ta nói: ‘Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi’.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Dù vẫn chưa học thuộc đến bài giảng thứ chín trong cuốn Chuyển Pháp Luân, nhưng Sư phụ đã điểm hóa cho tôi đoạn Pháp này. Tôi ngộ ra rằng quãng đời ngắn ngủi nơi người thường vốn chẳng là gì khi so sánh với thời gian dài đằng đẵng của của sinh mệnh thực sự của chúng ta trong vũ trụ bao la này. Vậy vì sao tôi phải chấp trước vào gia đình nơi thế gian con người khi mà tôi chỉ tá túc ở đây vài ngày?

Thân tâm tôi trở nên cao lớn và những vấn đề mà tôi đang gặp bế tắc bỗng trở nên nhỏ bé. Trước đây, những khó nạn dường như to lớn hơn bản thân tôi nên tôi cứ vướng mắc ở đó, nhưng giờ chúng trở nên rất nhỏ đến mức không còn có thể khiến tôi động tâm. Sau khi ngộ ra điều này, tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng, tựa như có thể nhảy lên tầng thứ cao hơn một cách rất dễ dàng. Với tôi đây quả là một bước đột phá trong tu luyện. Tôi dần dần nhận ra mình đã nghĩ sai về bố mẹ bởi vì trước nay tôi vẫn luôn dùng nhân tâm mà đánh giá đúng sai. Tôi vẫn không nhận ra sai lầm của mình ngay cả khi nói chuyện điện thoại với người họ hàng. Tôi nghĩ rằng mình đã tu nhẫn, nhưng thực ra nó chỉ là trên bề mặt mà thôi. Tôi đã không đề cao, chưa làm được tâm đại nhẫn mà người tu luyện nên có. Tôi vẫn còn bực tức. Suốt một thời gian dài, tôi đã tích tụ tâm oán giận và luôn cho rằng mẹ tôi đã sai còn tôi mới đúng. Tôi đã không chiểu theo Pháp mà nhận định.

Trong lúc tôi chuẩn bị viết bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, Sư phụ lại tiếp tục điểm hóa. Dù tôi chưa học thuộc Pháp đến bài giảng thứ tư nhưng đoạn Pháp này chợt hiện lên trong tâm trí:

“Có thể vừa vào đến cửa nhà, ái nhân của chư vị liền cho chư vị một trận vào đầu; chư vị nếu nhận nhịn qua được, thì công chư vị luyện hôm nay sẽ không uổng phí.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

“Là vì nghiệp lực vẫn còn ở kia, họ giúp chư vị tiêu đi nhưng chư vị đã không chịu mà còn gây sự với người ta; [nên nghiệp lực] không tiêu được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Đoạn Pháp này đã chỉ ra vấn đề của tôi, trong trường hợp này người đó chính là bố mẹ chứ không phải là chồng tôi. Tôi đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân rất nhiều lần và Sư phụ cũng giảng hết sức minh bạch. Giờ tôi đã ngộ ra đoạn Pháp này chính là nói về mình. Bất luận gặp vấn đề gì, thay vì đứng trên góc độ của người tu luyện mà đánh giá thì tôi vẫn luôn đối đãi bằng nhân tâm. Nguyên nhân của mọi mâu thuẫn là do nghiệp lực chứ không phải do mẹ tôi. Kể cả khi nhìn nhận vấn đề theo cách người thường tôi cũng không làm tốt vì tôi đã không quan tâm nhiều tới mẹ và thường mang suy nghĩ tiêu cực về bà. Tôi đã không quan tâm, giúp đỡ mà còn cố gắng giữ khoảng cách với mẹ mình. Hiện giờ hai mẹ con tôi không sống chung một nhà, vậy nên đây là dịp tốt để tôi bình tâm lại và đề cao tâm tính. Từ khi tôi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi đã có thể buông bỏ tâm oán giận và đạt được một bước đột phá vì bây giờ tôi luôn tâm niệm mình là một người tu luyện chứ không phải là một người thường.

Tuy rằng tôi mới học thuộc Pháp một đoạn thời gian ngắn và mới học xong bài giảng thứ 1, nhưng Sư phụ đã điểm hóa cho tôi nhiều đoạn Pháp khác trong đó có nhiều đoạn mà tôi vẫn chưa học thuộc. Đó là điều mà tôi không ngờ đến. Có thể là vì Sư phụ thấy được cái tâm mong muốn đề cao và hướng nội thực tu, nên tôi có thể ngộ được Pháp lý thâm sâu hơn khi tôi học thuộc Pháp.

So sánh với các học viên khác, tôi mới đạt một bước rất nhỏ đề cao trong tu luyện nhưng so với bản thân tôi trước đây, đó quả thực là cả một quá trình. Tôi lấy làm tiếc mình đã không học thuộc Pháp sớm hơn. Tôi biết một học viên phương Tây đã học thuộc Pháp tới 10 lần và mỗi khi 1 bản hiệu chỉnh được xuất bản cô đều học thuộc lại. Tới giờ cô đã học thuộc ba phiên bản tiếng Anh của cuốn Chuyển Pháp Luân. Trước đây tôi đã nghĩ rằng học thuộc Pháp thật quá khó. Lần này khi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi không đề ra mục tiêu cụ thể phải thuộc bao nhiêu trang nhưng bắt buộc phải ghi nhớ không sai một chữ.

Sau khi học thuộc bài giảng thứ nhất, tôi kiểm tra lại xem liệu mình có nhớ sai không. Nếu tôi nhớ sai một chữ, tôi sẽ học lại cả đoạn cho đến khi đọc đúng toàn bộ phần đó. Bây giờ tốc độ học thuộc Pháp đã nhanh hơn trước, một ngày tôi có thể thuộc một trang, đôi khi là hai trang một ngày. Nếu ngày hôm đó trạng thái tu luyện của tôi không được tốt, tốc độ học thuộc cũng chậm lại, nhưng tôi không vì thế mà nản chí. Tôi chỉ đặt tâm vào việc tiếp tục học thuộc Pháp.

Tăng cường luyện công

Đúng vào thời gian tôi bắt đầu học thuộc Pháp, vị điều phối viên người phương Tây đã chia sẻ một bài viết trên trang Chánh Kiến có tiêu đề “Luyện tốt động tĩnh công.” Bài viết giúp tôi nhận ra rất nhiều thiếu sót, tôi đã không chú trọng việc luyện công và đây là lúc tôi phải thay đổi.

Khi tôi học thuộc Pháp, việc luyện công cũng trở nên tốt hơn. Bây giờ tôi thường dành 1 tiếng rưỡi để luyện công. Ví dụ, 30 phút đầu tôi sẽ luyện bài công pháp thứ nhất, thứ hai và thứ tư. 1 tiếng còn lại tôi sẽ luyện bài công pháp thứ hai hoặc thứ năm. Đôi khi nếu có đủ thời gian, tôi sẽ cố gắng sắp xếp để luyện cả 5 bài công pháp trong 2 tiếng rưỡi mỗi ngày.

Bởi vì luyện công đầy đủ hơn, tôi cảm thấy thân thể nhẹ nhàng và tràn đầy năng lượng. Tâm trí trở nên minh mẫn và không hề mệt mỏi chút nào. Khi luyện công không bị lẫn tạp niệm, đầu não vô vi thanh tỉnh. Bây giờ, hàng ngày tôi đều muốn học Pháp luyện công bởi vì tôi được thụ ích rất nhiều. Tôi cảm nhận được mình đã đắc Pháp và hạnh phúc như thuở đầu tu luyện. Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa luyện công đầy đủ và nên dành nhiều thời gian hơn cho việc luyện công.

Chính các đồng tu đã truyền cảm hứng để tôi học thuộc Pháp và luyện công nhiều hơn. Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc luyện công tập thể. Tôi thật may mắn và biết ơn khi chúng tôi đã xây dựng được một môi trường tu luyện tập thể rất tốt nhờ đó tôi cũng được thụ ích rất nhiều.

Những kinh nghiệm chia sẻ trên đây còn rất nông cạn. Tôi đã không định viết bài chia sẻ vì muốn đợi cho đến khi tôi học thuộc Pháp và đề cao tâm tính hơn nữa. Nhờ bài chia sẻ của đồng tu và sự khích lệ của các học viên trong khu vực, cuối cùng tôi cũng hoàn thành.

Đó cũng là một quá trình tu luyện và đề cao. Tôi ngộ được nội hàm sâu hơn trong Pháp và nhìn thấy rất nhiều chấp trước của bản thân như tâm cầu danh, tâm hiển thị và tâm truy cầu an dật.

Tôi hi vọng những gì chia sẻ trên đây sẽ khích lệ mọi người cùng nhau giao lưu đề cao trong tu luyện, làm cho môi trường tu luyện ngày càng tốt hơn. Nhờ đó nỗ lực trong cứu độ chúng sinh ngày càng có uy lực.

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/19/425808.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/14/193688.html

Đăng ngày 29-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share