Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan

[MINH HUỆ 09-07-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Lúc 20 tuổi, tôi đã được chứng kiến sự thay đổi to lớn của mẹ sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước đây sức khỏe của bà rất yếu nên đi lại khó khăn và cần có người trợ giúp. Hàng sáng, mấy anh chị em chúng tôi phải giúp bà ngồi dậy. Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cơ thể của bà trở nên tràn đầy năng lượng, dáng vẻ bà nhanh nhẹ như một người thanh niên trẻ của hai thập kỷ trước. Được truyền cảm hứng từ những thay đổi tích cực của mẹ, tôi cũng bắt đầu bước vào tu luyện.

Vào thời điểm đó, các học viên ở Đài Loan tập trung vào việc phân phát các tài liệu giảng chân tướng, thu thập chữ ký để lên án cuộc bức hại và thực hiện các hoạt động luyện công tập thể ngoài trời. Khi đó tôi đang là một sinh viên đại học. Tôi đã mang hàng trăm cuốn tài liệu giảng chân tướng đến trường mỗi ngày và phân phát tài liệu đến từng ngôi nhà ở các khu dân cư gần đó sau giờ học.

Khi thời báo Đại Kỷ Nguyên được thành lập ở Đài Loan, tôi đã chủ động đến thăm và phỏng vấn các chủ doanh nghiệp và doanh nhân ở địa phương. Tôi đã viết các bài về những câu chuyện hậu trường của họ để làm phong phú thêm nội dung của tờ báo.

Ngay sau đó, tôi đã được các đồng tu tiếp cận để mời tham gia hạng mục đăng tin và viết bài cho Minh Huệ. Do tôi cũng tham gia vào các hạng mục khác nên tôi vẫn chưa thực sự coi mình là một phần của Minh Huệ, và hiếm khi tôi tham gia vào các cuộc họp của Minh Huệ.

Tuy có suy nghĩ như vậy nhưng tôi chưa bao giờ rời khỏi hạng mục Minh Huệ, bởi vì tôi tin rằng Sư phụ đang theo dõi tất cả các bài viết trên Minh Huệ. Mặc dù tôi không thể gặp trực tiếp Sư phụ nhưng niềm tin này đã giúp tôi luôn tiếp tục công việc ở đây.

Tu luyện tâm tính thông qua viết bài phỏng vấn

Trong buổi giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2018, lần đầu tiên Sư phụ đã tặng cho Minh Huệ những lời kích lệ tuyệt vời. Sau khi bài giảng Pháp này được công bố, tôi cảm thấy rằng Sư phụ đang nói về những người học viên chăm chỉ làm việc cả ngày lẫn đêm cho trang web — chứ không phải tôi, bởi tôi chỉ thỉnh thoảng viết báo cáo về hoạt động của các học viên và phỏng vấn mọi người.

Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ về những lời giảng của Sư phụ. Tôi tự hỏi bản thân: “Nếu Sư phụ không đọc Minh Huệ thì liệu tôi có còn viết bài không? Tôi thực sự không phải là một trong những học viên làm việc cho Minh Huệ mà Sư phụ đã nhắc đến sao?”

Tôi tự nhủ rằng mình là đệ tử của Sư phụ và là thành viên của Minh Huệ. Những lời dạy của Sư phụ đã chỉ ra một cách rõ ràng những thiếu sót của tôi. Tôi hiểu rằng mình phải chủ động hơn và có đóng góp lớn hơn trong việc cứu người.

Vì vậy, tôi bắt đầu gọi điện cho các đồng tu và nói với họ rằng tôi là một phóng viên Minh Huệ và tôi muốn giới thiệu những câu chuyện tu luyện của họ cho mọi người trên khắp thế giới. Tôi giải thích rằng có nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Đài Loan đã được hưởng lợi ích cả về tâm lẫn thân từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và đã cống hiến quên mình cho gia đình và cho xã hội.

Ngay sau đó, người học viên đầu tiên mà tôi phỏng vấn đã kể cho tôi nghe câu chuyện tu luyện của anh ấy. Bài viết của tôi đã được đăng trên trang nhất của Minh Huệ và tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều.

Sau đó, tôi đặt cho mình mục tiêu phải hoàn thành ít nhất hai câu chuyện tu luyện của các học viên mỗi tháng. Một số học viên không muốn được phỏng vấn vì họ cảm thấy trạng thái tu luyện của bản thân chưa tốt. Những học viên khác không chỉ đồng ý mà còn cảm động rơi lệ trước lòng từ bi của Sư phụ khi kể về câu chuyện tu luyện của họ.

Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng hai giờ. Mỗi lần sau khi tôi nghe câu chuyện tu luyện của một đồng tu, tôi cảm thấy dường như mình đã được tẩy tịnh từ trong ra đến ngoài.

Tôi cảm thấy quyết tâm tu luyện của họ làm chấn động mười phương thế giới. Tôi đồng cảm với họ khi họ phải trải qua sự dày vò về thể xác trong quá trình vượt quan nghiệp bệnh, về niềm tin và việc hướng nội vô điều kiện của họ. Tôi cũng thấy cách họ nhẫn chịu và áp dụng các Pháp lý để giải quyết những khó khăn mà họ phải đối mặt tại nơi làm việc và trong gia đình, cũng như cách ứng xử của họ khiến những người xung quanh phải cảm động. Những câu chuyện của họ khiến tôi xúc động và được truyền cảm hứng.

Trong những năm qua, Sư phụ đã nhiều lần giảng “…tu luyện như thuở đầu …” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009], Giảng Pháp tại các nơi IX)

Mỗi câu chuyện của đồng tu mà tôi phỏng vấn đã giúp tôi tìm lại sự nhiệt huyết và cảm giác thiêng liêng mà tôi đã có khi mới bắt đầu tu luyện. Thật là trùng hợp, khi tôi có chấp trước mà không thể tu bỏ hoặc có chướng ngại trong cuộc sống mà không thể vượt qua thì cuộc phỏng vấn với một đồng tu giống như một tấm gương giúp tôi nhìn thấy những thiếu sót của mình. Những chấp trước cứng đầu mà tôi không thể tu bỏ sẽ bị giải thể trong suốt cuộc phỏng vấn.

Tất nhiên, có rất nhiều tình huống yêu cầu tôi phải làm tốt hơn. Sau khi một bài viết về một học viên được đăng tải, anh ấy đã gọi cho tôi và yêu cầu chúng tôi gỡ bài xuống. Mẹ của anh đã rất buồn sau khi đọc được đoạn viết về cách bà đối xử với anh. Tôi đã cố gắng thuyết phục anh giữ lại bài viết nhưng anh vẫn nhất quyết yêu cầu gỡ xuống. Tôi đã phải liên hệ với biên tập viên của Minh Huệ và yêu cầu họ xóa bài viết đó. Tôi cảm thấy bản thân bị mất mát, sau khi tôi đã dành rất nhiều thời gian để viết và liên tục chỉnh sửa để có được một bài viết tốt — làm sao anh ấy có thể dễ dàng yêu cầu xóa bỏ nó đi như vậy?

Ngay sau đó tôi cũng gặp phải trường hợp tương tự. Tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn, viết bài rồi gửi cho người học viên đó đọc và chỉnh sửa lần cuối. Anh ấy gọi cho tôi vào ngày hôm sau. Ban đầu anh ấy khen tôi viết hay. Anh ấy nói rằng anh đã đưa cho đồng nghiệp của mình đọc nhưng đồng nghiệp của anh lo lắng bài viết có thể gây rắc rối cho công ty của họ, vì vậy anh ấy đã yêu cầu tôi hủy bài viết đó. Tôi đề nghị chúng tôi sẽ sử dụng một bí danh cho câu chuyện của anh nhưng anh vẫn không muốn bài viết được công bố, và tuyên bố rằng anh ấy có thể sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc phỏng vấn nào nữa trong tương lai.

Tôi đã rất bối rối. Tôi nghĩ rằng khi ai đó đồng ý phỏng vấn có nghĩa là họ đã phải cân nhắc đến những yếu tố này. Tại sao họ lại dễ dàng coi nhẹ công sức của người khác chỉ vì mối bận tâm của bản thân mình như vậy? Tôi rất buồn nên đã xóa thông tin liên hệ của người học viên này khỏi danh bạ. Tôi cảm thấy thất vọng và bất lực với bất kỳ cuộc phỏng vấn nào tiếp theo.

Tôi bắt đầu tự hỏi bản thân rằng tại sao tôi lại buồn và tại sao tôi không muốn tiếp tục công việc. Có phải tôi thất vọng vì công việc khó khăn của tôi sẽ không được nhìn nhận? Tôi làm việc này để làm gì? Tôi đang làm việc này cho chính bản thân mình hay là vì mục đích cứu người? Tôi có thể chịu khổ vì viết bài nhưng tại sao tôi lại không thể buông bỏ cảm giác khó chịu khi nó không được đăng?

Sư phụ giảng:

“…Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui…”. (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tuy nhiên, tôi thấy rằng bản thân vẫn không thể thay đổi được quan niệm hậu thiên này của mình. Trong tiềm thức, tôi vẫn cảm thấy tôi nên nhận được một phần thưởng nào đó cho công việc khó khăn của mình. Tôi đã không thể “lấy khổ làm vui ”. Nói rõ hơn là tôi đã rất đau khổ vì những mất mát của mình. Đó chẳng phải là tâm ích kỷ hay sao? Nếu sự việc này không xảy ra thì làm sao tôi có thể nhìn thấy tâm người thường của mình chứ chưa nói đến việc phải tu bỏ nó? Chẳng phải những gì đã xảy ra là một điều tốt sao?

Tôi đột nhiên cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Tôi thậm chí không thể buông bỏ một điều tầm thường như vậy. Tôi không thể nghĩ cho người khác hoặc suy xét mọi chuyện từ quan điểm của họ. Tôi chỉ tập trung vào nỗ lực của bản thân và tôi cảm thấy người khác coi thường công việc khó khăn của mình như thế nào.

Khi tôi nghĩ đến lòng từ bi của Sư phụ và cách mà các đồng tu của chúng ta ở Trung Quốc phải chịu đựng thì nỗi buồn, tâm phàn nàn và tức giận của tôi đều tan biến.

Tham gia vào hạng mục truyền thông xã hội của Minh Huệ

Tháng 9 năm ngoái, một học viên khác nói với tôi rằng Minh Huệ dự kiến sẽ thành lập một trang mạng xã hội ở Đài Loan, chuyên đăng các bài viết của Minh Huệ phù hợp với công chúng và được công chúng đón nhận. Tôi nhanh chóng hưởng ứng. Với sự giúp đỡ từ các học viên có kinh nhiệm, chúng tôi đã thành lập được một trang web, tìm hiểu các bước hoạt động và thảo luận về một mô hình xuất bản để đăng các bài viết liên quan đến Minh Huệ.

Tôi phụ trách duyệt các bài viết trong suốt hai tháng đầu. Khi đó, tôi cảm thấy phần giới thiệu và hình ảnh trong mỗi bài viết phải đạt tiêu chuẩn thì mới thu hút được người đọc. Tôi cảm thấy rằng nhiều điểm mà các thành viên trong nhóm đã viết có thể cải thiện được.

Vào thời điểm đó, tôi đã từng lo lắng về cảm xúc của các học viên khác. Tôi đã lo lắng rằng họ sẽ thấy phiền vì những thay đổi của tôi. Nhưng để có trách nhiệm với Pháp, tôi phải chỉnh sửa bài viết. Các đồng tu đã rất hiểu và thậm chí còn đưa ra phản hồi tích cực để khích lệ tôi, nói rằng chất lượng các bài viết tốt hơn sau khi được chỉnh sửa. Sự động viên của họ đã khiến tôi dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn để trau chuốt ngôn từ và làm cho các ý chính của bài viết trở nên rõ nét hơn.

Tôi dần dần nhận ra suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Tôi không còn làm mọi việc vì lợi ích của nhóm hay chú trọng vào chất lượng bài viết nữa – thay vào đó tôi phát triển một chấp trước để chứng thực bản thân. Tôi đặt mình lên trên các học viên khác. Tôi cảm thấy bản thân thiếu khiêm tốn khi thực hiện việc chỉnh sửa bài viết và coi đó như là một công việc mà tôi phải làm.

Sau đó, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Hoa Kỳ bắt đầu diễn ra sôi động. Minh Huệ đã xuất bản một số bài bình luận và thông tin chi tiết về cuộc bầu cử và trang mạng xã hội của Minh Huệ cập nhật các sự kiện đang diễn ra. Tôi chuyển trọng tâm sang viết các bài có liên quan đến cuộc bầu cử. Trong trận chiến giữa thiện và ác, tôi bắt đầu chú ý đến trạng thái tâm tính của mình, truy xét xem liệu tôi có thể thực sự chứng thực Đại Pháp mà không lẫn lộn với các chấp trước của bản thân hay không.

Khi tôi đặt Đại Pháp và các học viên lên trước nhất thì tôi nhận ra cách viết của tôi cần phải được cải thiện. Tôi nhận ra tôi đã nhấn mạnh nhiều đến kỹ thuật – thứ chỉ là bề ngoài không có nền tảng của sự từ bi. Cách duy nhất để thể hiện cảm xúc của khán giả là đặt mình vào vị trí của họ và sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu nhất đối với họ. Chúng ta cũng cần làm việc này với trái tim thuần khiết nhất của một người tu luyện, để thể hiện uy đức vĩ đại của Đại Pháp, lòng từ bi của Sư phụ và những điều mà các đồng tu muốn thể hiện trong các bài viết của họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thực sự thay đổi được thế giới và đạt được mục đích cứu người.

Sư phụ giảng:

“Tâm thái của họ là như thế nào? Là ‘khoan dung’, là khoan dung rộng lớn phi thường, có thể dung [hoà] các sinh mệnh khác, có thể thật sự suy nghĩ như đang ở địa vị của sinh mệnh khác. Đây là điều mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa đạt đến được trong quá trình tu luyện, nhưng chư vị đang nhận thức dần dần, đang đạt đến. Khi một vị Thần [khác] đề xuất một cách làm nào đó, họ đều không vội vã phủ định, cũng không vội vã biểu đạt bản thân, cho rằng cách làm bản thân mình mới tốt; họ xem xem phương pháp của vị Thần kia đề xuất có kết quả cuối cùng ra sao. Các con đường đều khác nhau, con đường của mỗi người đều khác nhau, [Pháp] Lý chứng ngộ trong Pháp của các sinh mệnh đều là khác nhau, tuy nhiên kết quả rất có thể là tương đồng. Do đó họ xem xem kết quả của [vị] khác, kết quả của vị kia [nếu] cũng đạt được, thật sự có thể đạt được điều cần đạt, thì mọi người đều đồng ý; Thần đều suy nghĩ như thế cả; ngoài ra, nếu chỗ nào chưa hoàn thiện, thì còn im lặng bổ xung giúp vị kia một cách vô điều kiện, giúp vị ấy viên mãn hơn nữa. Họ đều xử lý vấn đề như thế”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002, GiảngPháptại các nơi II)

Tôi nghĩ về bút danh của mình trên trang web Minh Huệ có từ “Rong (nghĩa là vị tha hoặc chấp nhận trong tiếng Trung)”. Tôi đột nhiên hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn của từ “Rong”. Nó không chỉ là mở rộng năng lực và lòng vị tha đối với những người khác. Từ “Rong” đó bao hàm nhiều nỗ lực cần mẫn của Sư phụ. Là học viên, chúng ta cần chiểu theo Pháp, phối hợp với chỉnh thể và hoàn thành vô điều kiện những gì Sư phụ an bài trên con đường tu luyện của chúng ta. Đó là trách nhiệm của chúng ta và ý nghĩa sinh mệnh của chúng ta!

Lời kết: Tu luyện vững chắc, bước đi thật tốt trên con đường tu luyện

Gần đây tôi đã trải qua một số nghiệp bệnh, nhưng thay vì gọi nó là nghiệp bệnh, tôi muốn coi nó như một quan khảo nghiệm tâm tính. Tôi phát hiện ra bất cứ khi nào xuất hiện một trạng thái bất thường thì đó là do tôi vẫn còn ẩn giấu nghi tâm về việc liệu cơ thể mình có khỏe mạnh hay không và tôi sợ rằng mình sẽ mắc phải một loại “bệnh” nào đó. Nghi tâm này khiến tôi cảm thấy rất buồn. Tôi đã tu luyện nhiều năm như thế vậy mà tại sao tôi lại bị dao động về vấn đề cơ bản nhất là niềm tin vào Sư phụ và Đại Pháp?

Tôi tiếp tục hướng nội. Tôi nhận thấy trạng thái tu luyện của bản thân chưa thật chắc chắn và vững vàng, thậm chí nhiều vấn đề nhỏ tôi đã không coi trọng để tu bỏ mà lại ẩn giấu đi.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta có những học viên không vượt qua nổi quan [ải] nghiệp bệnh. Chư vị không cần nghĩ tới chỗ lớn. Chư vị bảo ‘Tôi không có sai lầm gì lớn, rất kiên định với Pháp’. Nhưng mà, chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể. Tà ác sẽ chui vào sơ hở, rất nhiều học viên là vì việc nhỏ mà thậm chí đã ra đi rồi, cũng quả thực đều vì những việc hết sức nhỏ bé. Là vì tu luyện là nghiêm túc, là vô lậu, chư vị tại những việc đó qua thời gian lâu mà không tu [vượt] qua, tuy là nhỏ, chư vị thời gian lâu không coi trọng, thì chính là sự việc rồi, cho nên rất nhiều người là vì thế mà ra đi”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Tôi biết rằng có vô số vị thần đang chăm chú quan sát xem tâm tôi đang nghĩ gì. Khi tôi xem đi xem lại các video và bài giảng của Sư phụ để đối chiếu bản thân với Pháp, tôi cảm thấy những lớp bụi bẩn đang bao phủ cơ thể tôi bắt đầu bong ra dưới năng lượng từ bi của Sư phụ và uy lực của Đại Pháp.

Trong lúc tôi viết bài chia sẻ này thì đứa con bé bỏng của tôi đang bị sốt cao và nằm trên giường. Tôi tiếp tục hướng nội trong khi đánh máy bài viết. Tôi biết rằng bất kỳ điều gì tôi gặp phải là để tôi loại bỏ các nhân tố bất hảo và để đề cao tầng – tất cả đều là việc tốt.

Đã hai mươi năm kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hồi còn 20 tuổi. Mặc dù tôi không thể nhìn thấy các không gian khác và không thể cảm nhận được bất cứ điều gì, nhưng tôi biết rằng Sư phụ vẫn luôn dõi theo tôi. Trước đây đã có lúc tôi tu luyện chểnh mảng, nhưng là một đệ tử Đại Pháp, tôi không có đường tắt. Tôi cần phải đi thật tốt trên con đường tu luyện, tu bỏ vô điều kiện các tâm chấp trước và đạt được tiêu chuẩn, nắm bắt thời gian, và tu luyện tâm tính để có thể cứu được nhiều người hơn.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì còn thiếu sót.

Ghi chú của người biên tập: Bài viết dựa trên nhận thức cá nhân của tác giả về trạng thái tu luyện hiện tại, cùng quý đồng tu đối chiếu, để chúng ta có thể “Tỷ học tỷ tu”.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/9/427800.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/10/194031.html

Đăng ngày 15-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share