Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-07-2021] Một kỹ sư và chồng bà đã liên tục bị đe doạ, bắt giữ, giam cầm và tra tấn vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần và thiền định đã bị bức hại tại Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999.

Bà Lý Tú Hoa và ông Mạnh Phàm Toàn ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị giam tổng cộng 15 năm, nhà họ bị lục soát năm lần. Cả hai đều bị mất việc.

Bà Lý bị bắt giữ lần cuối cùng vào ngày 13 tháng 5 năm 2019 vì bà treo một biểu ngữ Pháp Luân Công. Bà đã bị kết án một năm tù và bị tra tấn trong trại tạm giam Số 1 Đường Sơn cho đến khi được thả vào ngày 12 tháng 5 năm 2020. Bà đã qua đời bảy tháng sau đó vào ngày Giáng sinh, hưởng dương 57 tuổi.

Sức khoẻ của hai vợ chồng được hồi phục nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Bắc, một trong những trường đại học tốt nhất ở tỉnh Hà Bắc. Bà là một kỹ sư tại viện nghiên cứu của Công ty Thiết bị Bảo vệ Môi trường Thanh Nguyên. Chồng bà, ông Mạnh, là giảng viên Học viện Công nghiệp nhẹ Hà Bắc. Họ kết hôn vào năm 1992 và sau đó một năm sinh một cậu con trai.

Năm 1994, bà Lý bị chẩn đoán mắc chứng “cường giáp”, gây ra do áp lực từ công việc. Bất chấp tất cả các loại thuốc bà đã uống, bà Lý bị sút cân, trở nên mệt mỏi nghiêm trọng và thường xuyên bị tức ngực.

Ông Mạnh lớn lên trong một gia đình nghèo và thấp bé hơn bạn đồng trang lứa do sức khoẻ kém. Sau đó, ông mắc bệnh viêm gan và liên tục cảm thấy đau rát ở ngực mà không rõ lý do. Một bác sỹ chẩn đoán cho ông nói rằng nội tạng của ông hoạt động giống như người 70 tuổi.

Cuối năm 1994, ông Mạnh tham dự một khoá giảng Pháp Luân Công tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông đồng ý với các nguyên lý phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn và không còn oán giận với những khổ nạn mà ông chịu trong quá khứ. Ông ngừng tranh đấu cho lợi ích cá nhân tại nơi làm việc và chăm sóc cho học trò của mình, bao gồm cả giúp đỡ họ về tài chính. Thay vì trừng phạt học sinh khi họ mắc lỗi, ông đã nói lý với họ. Hàng xóm thấy ông là một người tốt bụng, có ích và đáng tin cậy.

Theo lời giới thiệu của ông Mạnh, bà Lý cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Một tháng sau khi bà xem các video bài giảng và luyện công, bà đã dừng uống thuốc cường giáp. Dần dần bà lấy lại được cân nặng và sức khoẻ đã hồi phục.

Chồng bị giam vì lên tiếng cho Pháp Luân Công

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, ông Mạnh đã thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1999. Khi bị giam trong một cái lồng, một cảnh sát ở Đồn Công an Quảng trường Thiên An Môn đã đánh đập ông đến gãy một cái xương sườn.

Ông bị giam ở Sở Công an Lộ Bắc trong 15 ngày, trong thời gian này ông bị nhốt trong một cái lồng bẩn thỉu, bị thẩm vấn và tra tấn. Sau đó ông bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Đường Sơn trong ba tháng. Phòng giam của ông chỉ chứa được 12 người nhưng lại bị quá tải đến hơn 30 người. Họ được cung cấp rất ít thức ăn.

Bà Lý phải một mình vất vả để chăm sóc đứa con trai bảy tuổi và thăm chồng trong tại tạm giam mỗi tháng.

Sau khi ông Mạnh được bảo lãnh vào tháng 12 năm 1999, ông đã bị loại khỏi vị trí giảng dạy ở trường và bị giáng xuống làm gác cổng.

Con trai bị bắt nạt vì tình cảnh của cha mẹ

Mùa hè năm 2000, bà Lý và ông Mạnh rời khỏi nhà để tránh sự sách nhiễu của cảnh sát. Sau đó, họ đã bị bắt trong các sự kiện riêng biệt và bị gửi đến trại tạm giam Số 1 Đường Sơn, bỏ lại đứa con bảy tuổi ở một mình.

Đứa bé phải chuyển đến một ngôi trường khác để có thể sống với ông bà trong một ngôi làng. Em thường xuyên bị bạn cùng lớp bắt nạt bởi sự kỳ thị Pháp Luân Công do ĐCSTQ tuyên truyền phỉ báng gây ra.

Cả hai vợ chồng bị đưa vào hai trại lao động cưỡng bức ở thành phố Đường Sơn

Trước năm mới 2001, bà Lý vô cớ bị giam ba năm trong Trại Cưỡng bức Lao động Khai Bình, trong khi ông Mạnh bị giam trong Trại Lao động Cưỡng bức Hà Hoa Khanh một năm.

Sau khi ông Mạnh được thả vào tháng 11 năm 2001, ông đã viết thư gửi đến Đồn Công an Hà Bắc Lộ và giải thích lý do tại sao cuộc bức hại này là sai trái. Bức thư đã được gửi tới trường học của ông, và các đồng nghiệp đã cưỡng ép ông vào một trung tâm tẩy não vào tháng 7 năm 2002, giam ông ở đó 1,5 năm. Trong trung tâm tẩy não, ông bị tra tấn thể xác, cấm ngủ và phải xem các video lăng mạ Pháp Luân Công.

Tháng 5 năm 2003, ông Mạnh đã trốn thoát khỏi trung tâm tẩy não. Chính quyền liên tục đến nhà ông để khủng bố con trai ông nhằm tìm ra nơi ông ở. Ngay sau khi ông Mạnh quay về nhà vào tháng 8, cảnh sát đã cạy cửa nhà họ, xông vào và bắt giữ ông. Ông đã bị giam một tháng trong trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn và sau đó bị đưa về lại trung tâm tẩy não.

Trong trại lao động cưỡng bức, bà Lý đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Khi mạng sống của bà gặp nguy hiểm, chính quyền mới thông báo cho anh rể của bà đến đón bà ở bệnh viện. Sau khi bà Lý hồi phục sức khỏe, vì sợ bị bức hại, anh rể bà đã thông đồng với cảnh sát để đưa bà trở lại trại lao động cưỡng bức.

Năm 2003, bà Lý đã được thả vào mùa hè, còn ông Mạnh được trả tự do vào cuối năm.

Người chồng bị tra tấn bảy năm trong tù

Ngày 17 tháng 4 năm 2006, ông Mạnh bị bắt lần nữa khi đang làm việc trong thư viện trường sau khi bảo vệ trường yêu cầu ông ra ngoài nói chuyện. Khi ông vừa mới bước ra khỏi toà nhà, cảnh sát đã bắt giữ ông. Họ còng tay ông, lấy chìa khoá và lục soát nhà ông trước mặt người con trai 13 tuổi.

Ông Mạnh bị xét xử vào tháng 9 và bị kết án bảy năm tù vào tháng 10. Nhà trường nhanh chóng sa thải ông sau khi ông bị kết tội.

Khi ông Mạnh đang thụ án trong Nhà tù Ký Đông, lính canh đã xúi giục các tù nhân trông chừng ông cả ngày và đánh ông để ngăn ông ngủ. Ông không được gia đình thăm viếng. Khi ông tuyệt thực vào tháng 3 năm 2007 để phản đối tra tấn, lính canh đã bức thực ông và lấy của ông 100 Nhân dân tệ mỗi lần bức thực.

Theo lệnh của lính canh, các tù nhân đã trói ông vào một cái ghế và để ông dưới cái nắng chói chang; nhiệt độ 43°C ban ngày. Vào ban đêm, nơi này tràn ngập muỗi. Muỗi cắn gây nên những vùng sưng lớn ở mặt, cổ, cánh tay và chân của ông. Tra tấn kéo dài trong ba ngày.

Vào năm mới 2011, một lính canh đã dùng dùi cui điện cao thế để đốt và làm biến dạng khuôn mặt ông.

Nhiều lần khi bà Lý cố thăm chồng trong tù, cách lính canh đã lôi bà vào một xe hơi và đưa bà đi. Họ hăm doạ sẽ không bao giờ thả bà và bảo cảnh sát bắt giữ hai mẹ con bà nếu bà lại đến. Cảnh sát địa phương cũng theo dõi bà và sách nhiễu bà cùng lãnh đạo của bà ở nơi làm việc.

Ngày 18 tháng 4 năm 2013, ông Mạnh được thả khỏi Nhà tù Ký Đông, và bị cảnh sát địa phương bắt giữ một tháng sau đó vào ngày 23 tháng 5. Ông đã bị giam 10 ngày.

Cha mẹ già bị khủng bố

Một nhóm cảnh sát thường phục đã bắt giữ ông Mạnh vào sáng sớm ngày 13 tháng 3 năm 2014 khi ông trên đường đi làm. Họ đã tịch thu máy tính xách tay và điện thoại di động của ông. Cảnh sát quay lại lúc 9 giờ sáng và lục soát nhà ông. Mẹ của bà Lý đã 93 tuổi ở nhà một mình và bị kinh khiếp khi chứng kiến cảnh sát lấy đi tài sản cá nhân của họ.

Ông Mạnh bị tra tấn 16 tháng trong trại tạm giam Số 1 Đường Sơn và được thả vào ngày 2 tháng 7 năm 2015.

Vợ bị kết án một năm tù vì treo một biểu ngữ, qua đời sau bảy tháng được thả

Bà Lý lại bị bắt vào ngày 13 tháng 5 năm 2019 sau khi bị tố giác vì treo một biểu ngữ Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các thẻ tín dụng và tiền mặt. Bà bị giam trong trại tạm giam Số 1 Đường Sơn vào tối hôm đó.

Ngày 8 tháng 11 năm 2019, Toà án Quận Lộ Bắc đã xét xử bà. Luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà. Bà Lý đã thuật lại những lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công và đề nghị tha bổng. Thẩm phán đã kết án bà một năm tù vào ngày 5 tháng 12.

Khi ở trong trại tạm giam Số 1 Đường Sơn, bà bị tăng huyết áp và thường xuyên cảm thấy chóng mặt. Bảy tháng sau khi được thả, bà đã qua đời vào ngày 4 tháng 12 năm 2020.

Tóm tắt về những đau khổ của hai vợ chồng

Là một cặp vợ chồng trí thức, ông Mạnh và bà Lý đã trải qua tuổi đời đẹp nhất của họ trong các nhà tù và trại lao động cưỡng bức vì bị ĐCSTQ đàn áp tín ngưỡng. Cuối cùng họ không có tiền, không công việc và gia đình tan vỡ. Dưới đây chúng tôi liệt kê những bức hại mà họ phải chịu đựng theo thứ tự thời gian:

Ngày 20 tháng 7 năm 1999: ngày mà cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, lãnh đạo của ông Mạnh đã quản thúc ông tại gia và không cho ông về nhà trong vài ngày. Họ cố ép ông phải ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Tháng 9 năm 1999: ông Mạnh đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công. Cảnh sát đã bắt giữ và giam ông 15 ngày trước khi chuyển ông đến một trại tạm giam trong ba tháng.

Tháng 11 năm 2000: Lãnh đạo của ông Mạnh đưa ông vào Trạm tạm giam Số 1 Đường Sơn. Sau đó ông bị vô cớ kết án một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Hà Hoa Khanh.

Tháng 12 năm 2000: Bà Lý bị kết án ba năm trong trại cưỡng bức lao động Khai Bình vì thỉnh nguyện ở Bắc Kinh.

Tháng 7 năm 2002: Lãnh đạo của ông Mạnh đưa ông vào một trung tâm tẩy não ở Đại học Dệt Đường Sơn trong 18 tháng. Ông đã trốn thoát sau 10 tháng và bị bắt ba tháng sau đó vào ngày 29 tháng 8 năm 2003. Ông đã được thả vào cuối năm.

Ngày 22 tháng 8 năm 2005: Người của Đồn Công an Kiến Thiết Lộ, Sở Công an Lộ Bắc và Đồn Công an Hồ Bắc Lộ đã xông vào nhà hai vợ chồng khi chỉ có người con ở nhà. Họ đã lục soát nơi ở và tịch thu tài sản cá nhân của hai người.

Ngày 18 tháng 4 năm 2006: Cảnh sát ở Sở Công an Lộ Bắc đã bắt giữ ông Mạnh và đưa ông vào trại tạm giam Phong Nhuận. Ông bị xét xử vào ngày 12 tháng 12. Một thẩm phán ở Toà án Quận Lộ Bắc đã kết án ông bảy năm vào ngày 29 tháng 9, và lãnh đạo đã sa thải ông sau khi kết án. Ông được thả vào ngày 18 tháng 4 năm 2013.

Ngày 23 tháng 5 năm 2013: Cảnh sát ở Sở Công an Lộ Bắc đã bắt giữ ông Mạnh tại nhà và lục soát nhà ông. Ông đã bị giam ở trại tạm giam Đường Sơn trong 10 ngày.

Ngày 13 tháng 3 năm 2014: Cảnh sát ở Sở Công an Lộ Bắc đã bắt giữ ông Mạnh tại nhà và lục soát nhà ông. Sau một phiên xử ở Toà án Quận Lộ Bắc vào ngày 23 tháng 4, ông đã bị kết án 16 tháng.

Tháng 8 năm 2018: Người của Đồn Công an Long Đông đã sách nhiễu hai vợ chồng.

Ngày 13 tháng 5 năm 2019: Bà Lý bị bắt và nhà bị lục soát. Bà bị xét xử vào ngày 7 tháng 11 và bị kết án một năm trong trại tạm giam Số 1 Đường Sơn. Nửa năm sau khi được thả, bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 12 năm 2020.

Báo cáo liên quan:

Một cặp vợ chồng liên tục bị bắt giữ vì đức tin, lại một lần nữa lâm vào cảnh chia ly sau khi người vợ bị bắt giữ

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/18/428319.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/7/194489.html

Đăng ngày 17-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share