Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-06-2019] Một phụ nữ ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt một lần nữa vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện giúp cải biến sức khỏe và đề cao tâm tính hiện đang bị bức hại tại Trung Quốc.

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 2019, cảnh sát đột nhập vào nhà của bà Lý Tú Hoa, sau khi được báo rằng bà Lý đã treo một biểu ngữ Pháp Luân Công vào hôm trước đó. Nhà của bà đã bị lục soát năm lần kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999.

Tại thời điểm viết bài này, bà Lý vẫn đang bị giam trong Nhà tù Số 1 Đường Sơn. Chồng bà, ông Mạnh Phàm Toàn, cũng là một học viên Pháp Luân Công bị bức hại và được thả ra khỏi nhà tù cách đây chưa đầy bốn năm – đang phải tiếp tục chịu đựng cảnh gia đình ly tán thêm một lần nữa.

Dưới đây là sơ lược những gì mà hai người đã phải chịu đựng trong suốt 20 năm qua, chỉ vì kiên trì giữ vững đức tin vào Pháp Luân Công.

Sức khỏe của người vợ phục hồi nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý, 56 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Bắc, một trong những trường đại học tốt nhất ở tỉnh Hà Bắc. Bà là một kỹ sư tại viện nghiên cứu của Công ty Thiết bị bảo vệ môi trường Thanh Nguyên. Chồng bà, ông Mạnh, là giảng viên Học viện Công nghiệp nhẹ Hà Bắc. Cả hai sau đó đã bị mất việc vì tu luyện Pháp Luân Công.

Năm 1994, bà Lý bị chẩn đoán mắc chứng “cường giáp”, gây ra do áp lực từ công việc và mối quan hệ căng thẳng với mẹ chồng. Bất chấp tất cả các loại thuốc bà đã uống, bà Lý bị sút cân, trở nên mệt mỏi nghiêm trọng và thường xuyên bị tức ngực.

Năm 1995, ông Mạnh đã giới thiệu môn tu luyện Pháp Luân Công cho vợ. Một tháng sau khi bà Lý xem các bài giảng và học động tác luyện công, bà đã ngưng dùng thuốc tăng cường hormone tuyến giáp. Bà dần tăng cân và sức khỏe được cải thiện.

Con trai bị bắt nạt vì tình cảnh của cha mẹ

Tháng 9 năm 1999, ông Mạnh bị bắt tại Bắc Kinh khi đang tham gia thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Trong quá trình bắt giữ, cảnh sát đã đánh gãy xương sườn của ông và giam giữ ông tại Phân cục Công an Lộ Bắc trong ba tháng rưỡi, trước khi bị đưa đến một nhà tù khác. Trong thời gian đó, bà Lý phải vất vả một mình chăm sóc đứa con trai 5 tuổi và thăm nuôi chồng hàng tháng.

Đến mùa hè năm 2000, bà Lý và ông Mạnh rời khỏi nhà để tránh sự sách nhiễu của cảnh sát. Sau đó, họ đã bị bắt trong các sự kiện riêng biệt và bị gửi đến Trại tạm giam Số 1 Đường Sơn. Đứa con 7 tuổi của họ phải chuyển về sống chung với bà ngoại. Ở đó, em thường xuyên bị bạn cùng lớp bắt nạt bởi sự kỳ thị do Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công gây ra.

Cả hai vợ chồng bị đưa vào trại lao động cưỡng bức

Vào hai ngày trước năm mới 2001, bà Lý vô cớ bị giam ba năm trong Trại Cưỡng bức Lao động Triệu Trang, trong khi ông Mạnh bị giam Trại Lao động Cưỡng bức Hà Hoa Khanh một năm.

Trong trại lao động cưỡng bức, bà Lý đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Khi mạng sống của bà gặp nguy hiểm, chính quyền mới thông báo cho anh rể của bà đến đón bà ở bệnh viện. Sau khi bà Lý hồi phục sức khỏe, vì sợ bị bức hại, anh rể bà đã thông đồng với cảnh sát để đưa bà trở lại trại lao động cưỡng bức.

Sau khi ông Mạnh được thả vào tháng 11 năm 2001, ông đã viết thư gửi đến Đồn Công an Lộ Bắc để khẳng định rằng không hề có bất cứ điều gì sai trái với việc tu luyện Pháp Luân Công và rằng cuộc bức hại này là sai trái. Chính vì điều đó, ông đã bị bắt lại vào tháng 5 năm 2002 và bị giam trong một trung tâm tẩy não một năm rưỡi.

Năm 2003, bà Lý đã được thả vào mùa hè, còn ông Mạnh được trả tự do vào cuối năm.

Người chồng bị tra tấn bảy năm trong tù

Ngày 17 tháng 4 năm 2006, ông Mạnh bị bắt lần nữa tại nơi làm việc. Cảnh sát đã lấy chìa khóa, lục soát nhà cửa và tịch thu đồ đạc của vợ chồng ông. Ông Mạnh bị xét xử vào tháng 9 và bị kết án phi pháp bảy năm tù vào tháng 10 bởi thẩm phán của Tòa án Lộ Bắc.

Trong trại tạm giam Ký Đông, ông Mạnh đã bị lính canh dùng dùi cui điện cao thế để tra tấn và làm biến dạng khuôn mặt của ông. Ông còn bị tước mất vị trí công tác trong trường đại học. Sau đó, ông Mạnh được thả ra vào ngày 18 tháng 4 năm 2013.

Vào ngày 23 tháng 5 năm 2013, chưa đầy một tháng kể từ khi được thả, cảnh sát địa phương lại tiến hành lục soát nhà của ông, tịch thu đồ đạc cá nhân và giam giữ ông trong mười ngày.

Vào sáng ngày 13 tháng 3 năm 2014, hàng chục cảnh sát đã đột nhập vào nhà của vợ chồng ông Mạnh khi họ vắng nhà. Mẹ của bà Lý (93 tuổi) đang nằm trên giường bệnh chỉ biết nhìn cảnh sát đang lục soát và lấy đi các tài sản của họ. Cùng hôm đó, ông Mạnh cũng bị bắt một lần nữa, để lại bà Lý với một người mẹ già và đứa con nhỏ của họ.

Tại Nhà tù Số 1 Đường Sơn, ông Mạnh đã bị tra tấn suốt 16 tháng trước khi được thả ra vào ngày 2 tháng 7 năm 2015.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/13/388631.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/14/178437.html

Đăng ngày 24-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share