Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi ở Đài Loan

[MINH HUỆ 28-04-2021] Gần đây tôi đã tham gia một hạng mục cùng với hai học viên khác để giáo dục các giá trị đạo đức cho học sinh tiểu học Tôi chịu trách nhiệm lập kế hoạch và xây dựng nội dung tài liệu giảng dạy và hai học viên khác giúp rà soát tài liệu và kiểm tra các nội dung cần cải thiện.

Loại bỏ tâm oán hận

Trước cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi, tôi đã tự nhủ rằng mình phải buông bỏ chấp trước vào việc không muốn nghe lời chỉ trích.

Sư phụ giảng rằng:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, hai học viên ngay lập tức đưa ra những nội dung cần cải thiện và hỏi giáo trình như vậy liệu có khả thi không. Tâm tôi cảm thấy có chút khó chịu, nhưng tôi liên tục nhắc nhở bản thân rằng các học viên đang cố gắng hỗ trợ hạng mục và tôi cần phải biết ơn họ và hướng nội.

Tôi tự hỏi bản thân tại sao mình lại như vậy, và nhận ra rằng đó là vì tôi không được các học viên khác khen ngợi hay khích lệ, và thay vào đó là bị chỉ trích mạnh mẽ. Nhìn bề ngoài có vẻ như những đề xuất góp ý của các học viên không thực sự giúp ích được nhiều, mà chỉ phóng đại các chấp trước của tôi.

Sư phụ giảng:

“…tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã.” (Phật tính vô lậuTinh Tấn Yếu Chỉ)

Các học viên Đại Pháp được Sư phụ chăm sóc và bảo hộ. Sư phụ đã an bài cho tôi rơi vào tình huống này, và do đó phải có những chấp trước cần được phơi bày. Một trong những chấp trước tôi nhận ra là tâm coi mình là trung tâm, và tôi thực sự muốn loại bỏ nó. Ngay sau đó, tôi tình cờ đọc được một bài chia sẻ có tựa đề “Nhân tâm không bỏ khó thành Thần,” trong đó có đề cập đến:

“Tuy mỗi ngày họ đều làm ba việc nhưng lại không tu bỏ nhân tâm trong chứng thực Pháp, thay vào đó xem việc cứu được bao nhiêu người là đã tu luyện rồi, thỉnh thoảng còn khoa trương bản thân hôm nay khuyên thoái bao nhiêu người và cảm thấy hiu hiu tự đắc.”

Đọc những dòng này đã giúp tôi nhận ra rằng tu luyện là loại bỏ tất cả các loại chấp trước khi làm ba việc. Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều khi tâm tôi thông suốt điều này.

Tòa nhà chung cư của tôi có một cửa an ninh và gần đây tôi thấy nhiều lần cư dân không khóa cửa. Tôi nhận ra đây là điểm hóa về một số sơ hở trong tu luyện của tôi, nhưng tôi chưa thể tìm ra.

Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi luôn phàn nàn rằng cư dân đã quên khóa cửa. Tôi rất vui vì tôi đã tìm thấy chấp trước này và cố gắng loại bỏ nó. Cánh cửa này sau đó đã được khóa.

Giảng rõ chân tướng

Sư phụ giảng rằng:

“Ngoài ra, những người mà chư vị ngẫu nhiên gặp, những người gặp trong cuộc sống, những người gặp trong công tác, [với những người ấy] chư vị cần giảng chân tướng cho họ. Ngay cả với người ở nơi thế gian này mà chư vị gặp thoáng qua không kịp nói chuyện thì chư vị cũng cần để từ bi lưu lại cho họ; không được lạc mất [những ai] đáng được độ, càng không được lạc mất [người] có duyên” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Ở tầng thứ hiện tại của mình, tôi hiểu rằng tôi nên giảng chân tướng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mỗi người tôi gặp đều có duyên với tôi và tôi nên cố gắng hết sức để nói với họ về vẻ đẹp của Đại Pháp.

Với nhiều người, mối tiền duyên của tôi với họ có lẽ chỉ có một lần gặp gỡ. Khi có cơ hội, tôi đều cố gắng tặng họ một bông hoa sen giấy làm bằng tay, để họ biết “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân – Thiện – Nhẫn hảo” và nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp.

Trong thời gian thực tập, tôi thường có cơ hội nói chuyện với bệnh nhân và gia đình của họ. Có lần tôi trò chuyện với người nhà của một bệnh nhân, tôi rất cảm thông về việc cô ấy đã phải rất vất vả để lo cho gia đình. Nhưng tôi đã không nhớ ra rằng cần phải nói với cô ấy về Đại Pháp. Tôi quyết tâm sẽ nói với cô ấy nếu có dịp gặp lại. Mỗi lần đi làm tôi đều rất mong được gặp cô ấy, nhưng cô ấy không bao giờ đến nữa. Tôi rất hối hận về điều này và ước gì mình đã nói với cô ấy về Đại Pháp trong lần gặp đầu tiên.

Tôi ngộ được rằng mình phải luôn ghi nhớ vấn đề giảng chân tướng trong tâm. Tôi cầu xin Sư phụ giúp tôi gặp lại cô ấy vì tôi thực sự muốn giảng chân tướng cho cô ấy. Vào ngày cuối cùng của kỳ thực tập của tôi, cô ấy lại xuất hiện ở phòng bệnh nhân. Tôi đã nói với cô ấy về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, và tặng cô ấy một bông hoa sen nhỏ.

Có lẽ là do tôi quá cao hứng, nên cô ấy dường như cảm thấy hơi khó xử khi tôi nói chuyện với cô ấy. Tuy nhiên, cô vẫn gật đầu nhận hoa sen.

Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra rằng tôi cần phải cố gắng không có bất kỳ chấp trước nào khi giảng chân tướng, ngay cả khi tôi cảm thấy rất phấn khích trong lòng.

Không bỏ lỡ cơ hội vì tâm an dật

Trong khi đi tàu, tôi gặp một người đàn ông khoảng 50 hoặc 60 tuổi. Ông ấy cầm trên tay một chiếc túi nhựa đựng một số quần áo đơn giản, và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ suốt thời gian trên tàu. Lúc đó, tôi hơi buồn ngủ nên đã tranh thủ chợp mắt. Khi tỉnh dậy, ông ấy vẫn chưa rời đi. Ông ấy nhìn rất mệt mỏi, nhưng gần như bất động.

Tôi nghĩ về việc nói chuyện với ông ấy và tặng ông ấy một bông hoa sen, nhưng ngày hôm đó tôi mang theo vài cái túi, bông sen ở trong ba lô của tôi, và ba lô lại cất ở phía sau, nếu lấy hoa sẽ khá mất công. Vì vậy, tôi đã do dự. Nhưng sau đó tôi nghĩ, có lẽ đây sẽ là cuộc gặp duy nhất giữa chúng tôi, và tôi không muốn hối hận về sau này. Vì vậy, tôi lấy một bông hoa sen. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện và tôi phát hiện ra rằng ông ấy là một người tốt.

Ông ấy nói với tôi rằng vợ ông ấy đã mất cách đây 3 tháng, ông ấy không thể nguôi ngoai nỗi buồn nên sẽ về thăm con gái. Tôi đưa cho ông ấy bông hoa sen, nói với ông ấy rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, và tôi đã tự tay làm nó.

Mặc dù ông ấy đang đeo khẩu trang, nhưng tôi cảm thấy ông ấy đã thực sự vui khi nhận bông hoa sen này. Ông ấy nói rằng sẽ treo bông sen ở nhà và giữ gìn nó. Tôi rất cảm động và vui mừng vì một chúng sinh đã không bỏ lỡ cơ hội biết về Đại Pháp do sự an dật của tôi. Chúng ta thực sự cần tận dụng mọi cơ hội để lưu lại sự từ bi đối với chúng sinh.

Không phán xét việc tu luyện của người khác

Đôi khi tôi nhìn các học viên trẻ khác và cảm thấy rằng việc tu luyện của họ thoải mái hơn nhiều so với tôi. Sau đó, tôi sẽ có những suy nghĩ tồi tệ như: “Tại sao tôi cần phải cố gắng nhiều như vậy? Tôi muốn được như họ.”

Tôi biết suy nghĩ này là không tốt, nhưng tôi không thể loại bỏ nó. Bây giờ tôi hiểu rằng đó là do tôi học Pháp chưa đủ.

Tôi nhận ra rằng tôi không tu luyện cho các học viên khác, mà tu cho bản thân và những chúng sinh mà tôi cần cứu.

Sư phụ giảng rằng:

“Tu luyện không có khuôn mẫu, không thể nhìn theo người khác mà tu, cũng không thể dán mắt vào người khác được — ‘Anh tốt thì tôi cũng tốt, anh [tu] không tốt thì tôi cũng thôi’ — chỉ một chút chủ kiến cũng không có; chư vị thử nói xem, với những học viên như thế thì tôi dẫn dắt chư vị tu luyện thế nào đây? Đúng chư vị là [người] đang tu không? Tư tưởng toàn là tự thị nhi phi, lời nói ra cũng là ngôn bất do trung. Tu luyện là không thể bắt chước theo người khác, chỉ có thể tu một cách hết sức thực chất. Tu thế nào? Chính là học Pháp cho nhiều, không thể trông vào người khác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Pháp của Sư phụ thực sự đã chạm đến tâm tôi và tôi cảm thấy đó chính là vấn đề mà tôi gặp phải. Tôi ngộ ra rằng mình không nên luôn chỉ nhìn vào người khác.

Học Pháp nhiều hơn

Bất cứ khi nào tôi tinh tấn, tôi sẽ cảm thấy thời gian không còn nhiều và tôi phải gấp rút. Mặt khác, khi tôi an dật, ý chí cứu độ chúng sinh của tôi sẽ yếu đi. Khi tôi nhận thấy điều đó, tôi đã cố gắng học Pháp nhiều hơn, và đọc hoặc nghe các bài chia sẻ để tăng cường chính niệm của mình.

Có rất nhiều thứ trong xã hội người thường có thể lôi kéo chúng ta đi, và chúng ta có thể bị lôi ra khỏi con đường tu luyện của mình nếu chúng ta không thực sự chú tâm. Tôi hy vọng rằng trong tương lai tôi sẽ luôn có thể vững bước trên con đường tu luyện của mình và tránh đi đường vòng.

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/28/台湾青年学员-不错过提升的机会-423869.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/10/193635.html

Đăng ngày 15-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share