Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-04-2021] Tôi có một số nhận thức sau khi đọc một bài chia sẻ có tiêu đề “Hãy chú ý đến cách chúng ta giảng chân tướng”.

Nhiều năm trước, con gái tôi thích những bài chia sẻ trên Minh Huệ về các học viên giảng chân tướng ở các sự kiện cộng đồng, như siêu thị hay hội chợ, đến nỗi cháu thường nói mình cũng muốn đến các hội chợ lớn. Cháu hét lên: “Thật quá tuyệt vời khi giảng chân tướng ở một hội chợ lớn!” “Đi tới đó và nỗ lực của chúng ta sẽ giúp hàng chục người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Khi ấy cháu vẫn còn đi học. Chúng tôi sống ở một thành phố lớn và cháu chưa bao giờ tới một hội chợ lớn.

Con gái tôi không nghĩ rằng những học viên mà dễ dàng giúp hàng chục người thoái ĐCSTQ bằng việc đi bộ quanh hội chợ phải có một nền tảng tu luyện vững chắc.

Còn có một yếu tố quan trọng khác. Một số học viên là người địa phương, và một số là người mua hàng hay người bán hàng tại hội chợ, nên họ quen với con người ở đó. Nhờ vậy, nói chuyện với những người ở hội chợ trở thành tự nhiên đối với họ.

Có một câu: “Nhập gia tùy tục.” Khi nói chuyện với dân chúng về Pháp Luân Đại Pháp, người nói phải phù hợp với tập tục ở địa phương đó, vì vùng miền khác nhau có phong tục tập quán khác nhau, bao gồm cả trang phục, mối quan tâm và hành vi ứng xử.

Với một cô gái thành thị ít trải nghiệm xã hội như con gái tôi, cháu thậm chí khó có thể giao tiếp với người khác ở một hội chợ lớn, chứ chưa nói đến việc thuyết phục họ thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng các tổ chức liên đới của nó.

Xã hội không chỉ phân chia theo vùng miền, mà còn phân theo giai tầng. Những người ở giai tầng khác nhau có hoạt động xã hội khác nhau và có thói quen khác nhau. Ví dụ, người ở giai tầng thấp có những mối quan hệ cởi mở và sẽ dừng lại trò chuyện trong thời gian dài được. Sẽ không vấn đề gì với họ khi bắt đầu trò chuyện với một người lạ.

Tuy nhiên, những người ở giai tầng cao chú trọng đến phép xã giao và đề cao không gian riêng tư. Họ không muốn làm phiền người khác và ngược lại cũng không muốn bị làm phiền.

Các đệ tử Đại Pháp đến từ mọi giai tầng xã hội và sẽ dễ dàng hơn khi cứu độ những chúng sinh hữu duyên thuộc giai tầng của mình, bởi vì bạn hiểu họ. Nếu bạn cho rằng những điều này hết sức bình thường, không để tâm đến, thì có thể sẽ không có hiệu quả tốt khi bạn đến cứu họ.

Tôi thường đọc về những ví dụ trên trang web Minh Huệ về việc giảng chân tướng thành công của các học viên. Các học viên chia sẻ cách họ nói chuyên với những người nào đó và đặc biệt là cách họ tìm những lời thích hợp để nhắm đến người nghe. Bất cứ khi nào thấy những bài chia sẻ như vậy, tôi luôn khen ngợi họ: Những lời họ sử dụng quá tốt, rõ ràng và phù hợp. Tại sao tôi không thể nghĩ ra những từ như thế để nói?

Những lời lẽ phù hợp để giảng chân tướng là trí huệ mà Sư phụ đã ban cho các học viên từ trong Pháp. Nói cách khác, thấu hiểu người mà bạn đang giảng chân tướng và biết những gì cần nói và nói như thế nào là cách thức để họ có thể tiếp nhận chân tướng.

Chỉ bằng việc giảng chân tướng theo cách này chúng ta mới có thể giảng chân tướng rõ ràng và có thể cứu họ. Nghĩa là, trong các hoàn cảnh khác nhau và với các đối tượng khác nhau, chúng ta cần giảng chân tướng phù hợp với vị trí của họ trong xã hội và phù hợp với những chấp trước của họ.

Tuy nhiên, tôi cũng đọc nhiều bài viết trên Minh Huệ nói tới việc giảng chân tướng mặt đối mặt, một số học viên cơ bản chỉ bắt chuyện, nói vắn tắt một đôi lời, rồi vội vàng hỏi họ việc thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Khi người nghe đồng ý, những học viên này liền đưa cho họ quyển sách nhỏ chân tướng và có thể đưa họ một lá bùa hộ mệnh, như vậy là xong. Đây là kiểu mẫu thường thấy trong nhiều bài chia sẻ và họ hầu như luôn nói rằng một ngày họ đã thuyết phục được bao nhiêu người thoái ĐCSTQ.

Ở đây không phải nói là họ không thể làm vậy, mà là muốn nói, nếu cách tiếp cận này chiếm một tỷ lệ đáng kể các bài chia sẻ, thì điều đó có thể trở thành kiểu mẫu được chấp nhận một cách rộng rãi. Kết quả là sẽ khiến nhiều học viên chỉ rập khuôn một cách máy móc mà không tập trung vào chất lượng của nội dung giảng chân tướng.

Điều đó cũng có thể khuyến khích các học viên sinh ra tâm cạnh tranh và tập trung nhiều hơn vào số lượng chứ không phải chất lượng. Theo cách này, các học viên có thể không thực sự cứu được người ta.

Giảng chân tướng và trợ giúp Sư phụ cứu người là sứ mệnh thần thánh của các đệ tử Đại Pháp, và là một trong ba việc mà Sư phụ yêu cầu chúng ta thực hiện.

Chúng ta dụng tâm tới mức độ nào đối với sứ mệnh này của mình sẽ phản ánh ra đầy đủ tiêu chuẩn tâm tính và trạng thái tu luyện của bản thân.

Một số những hành vi không phù hợp được nói đến trong bài viết này, bắt nguồn từ việc chưa minh bạch các Pháp lý hoặc do chạy theo số đông, là rất đáng lo. Đây không chỉ là vấn đề cách mà chúng ta giảng chân tướng mà còn là vấn đề không thể thanh tỉnh và lý trí gánh vác trọng trách của đệ tử Đại Pháp.

Tư tưởng háo hức muốn chóng đạt được thành công, áp đặt người khác, và thường là làm trò, dựng chuyện, tranh công và danh tiếng, có mang theo những nhân tố mạnh mẽ của văn hóa đảng, là những thứ chúng ta phải hoàn toàn buông bỏ.

Trên đây là thể ngộ cá nhân của tôi. Xin vui lòng chỉ ra nếu có chỗ nào chưa phù hợp.

[Ghi chú của Ban biên tập: Bài viết dựa trên nhận thức cá nhân của tác giả về trạng thái tu luyện hiện tại, cùng quý đồng tu đối chiếu, để chúng ta có thể “Tỷ học tỷ tu” (Hồng Ngâm)]

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/1/422815.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/1/193452.html

Đăng ngày 09-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share