Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Tây Úc
[MINH HUỆ 29-07-2021] Ngày 16 và 20 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở Perth, thủ phủ của Tây Úc, đã tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ những học viên đã qua đời trong cuộc bức hại đức tin kéo dài 22 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tối 16 tháng 7, các học viên đã tổ chức một lễ thắp nến tưởng niệm tại Trung tâm Thương mại Murray Street, thuộc trung tâm thành phố. Các đại diện từ mọi tầng lớp xã hội đã phát biểu để thể hiện sự ủng hộ của họ.
Học giả pháp lý: Tôi sẽ luôn ở bên các bạn trong cuộc chiến chống lại chế độ chuyên chế
Học giả pháp lý, Tiến sỹ Augusto Zimmermann, phát biểu trong lễ thắp nến tưởng niệm
Tiến sỹ Augusto Zimmermann là giáo sư luật tại Đại học Notre Dame ở Sydney, và là một trong những người đi đầu quốc gia trong việc ủng hộ tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Ông phát biểu: “Chúng ta ở đây vì chúng ta có mối quan tâm đến việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm.” Ông cũng đề cập rằng người Trung Quốc có quan niệm truyền thống về các quyền tự nhiên, như nghĩa vụ chung, quyền đứng lên và hạ bệ một nhà cầm quyền nếu họ chống lại Thiên ý và không còn cai trị vì lợi ích của người dân.
Ông cho biết cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công “là điều mà người dân Trung Quốc đã kế thừa từ tổ tiên của họ… Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự chuyên chế, chống lại áp bức. Tôi đứng về phía các bạn, phía của tự do, pháp quyền và công lý.”
Luật sư nhân quyền: Chúng ta phải chấm dứt cuộc diệt chủng này
Luật sư nhân quyền, Tiến sỹ Andrea Tokaji, phát biểu trong lễ thắp nến tưởng niệm
Tiến sỹ Andrea Tokaji, một học giả pháp lý và nhà ủng hộ nhân quyền, là Chủ tịch của Hiệp hội Pháp lý Cơ đốc bang Tây Úc. Trong bài phát biểu, bà cho biết bà hiểu rất rõ về chủ nghĩa cộng sản bởi bà và gia đình từng phải chạy trốn khỏi nước Cộng sản Romania và bà rất biết ơn khi được tị nạn tại Úc.
Khi mô tả tình hình của các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác ở Trung Quốc, bà cho biết mỗi ngày có hàng trăm nghìn người bị bức hại vì họ tin hoặc nghĩ khác với ĐCSTQ. Bà thuật lại quá trình cưỡng bức thu hoạch nội tạng, trong đó những người bị giam giữ phi pháp bị lấy mẫu máu và lưu giữ cho đến khi tìm được người nhận tạng.
Tiến sỹ Tokaji phát biểu: “Đây là tội ác diệt chủng do chính phủ hậu thuẫn. Đây là một sự vi phạm nhân quyền đáng ghê tởm.”
Cuối bài phát biểu, bà cho biết: “Là một quốc gia tự do và dân chủ, chúng ta có trách nhiệm đứng lên để bảo vệ quyền của những người trong khu vực chúng ta. Nếu chúng ta không đứng lên phản đối nó thì sự việc sẽ trở nên tồi tệ hơn, và cũng sẽ đến lượt chúng ta.”
Các chính quyền cộng sản xem thường nhân mạng
Ông Trịnh, giám đốc điều hành của một công ty đại chúng, phát biểu tại lễ thắp nến tưởng niệm
Ông Trịnh (Tshung Chang), giám đốc điều hành của một công ty đại chúng, có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty tài chính hàng đầu ở Perth, Sydney và Hồng Kông.
Trong bài phát biểu, ông đề cập đến lời khai của cựu bác sỹ phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ Enver Tohti, người vào năm 1995 đã được chỉ đạo mổ lấy gan và thận của một người vẫn còn sống sau khi bị cảnh sát bắn vào ngực, gọi đó là “sự khởi đầu của ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc, nơi nội tạng được thu hoạch phi pháp từ các tù nhân để cung cấp cho một ngành công nghiệp khổng lồ, bao gồm cả du lịch ghép tạng.”
Ông cũng đề cập đến báo cáo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc thực hiện, chỉ ra rằng kể từ năm 2000, có thể có hơn một triệu ca ghép tạng đã được thực hiện ở Trung Quốc.
Ông phát biểu: “Cốt lõi của những thảm họa này chính là việc chính quyền cộng sản xem nhẹ nhân mạng.”
Nhà hoạt động vì Nhân quyền ở Trung Quốc: ĐCSTQ đã thất bại trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Ông Richard Lue, nhà hoạt động vì nhân quyền ở Trung Quốc, phát biểu tại lễ thắp nến tưởng niệm
Ông Richard Lue là một thạc sỹ kỹ thuật, chuyên gia CNTT và là người ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc. Ông đã thành lập Hiệp hội chống ĐCSTQ ở Perth vào năm 2019.
Ông phát biểu: “Tất cả chúng ta đều biết Pháp Luân Đại Pháp là một nhóm tín ngưỡng đề cao sự bình an nội tâm và thân thể khỏe mạnh, và không liên quan gì đến chính trị.” Ông đề cập đến lệnh cấm Pháp Luân Công vào năm 1999 của ĐCSTQ và cuộc bức hại và tra tấn tàn bạo, trong đó “ĐCSTQ đã cố gắng chuyển hóa các học viên Pháp Luân Đại Pháp thành tín đồ của hệ tư tưởng cộng sản” nhưng không thể thành công.
Ông Lue nói: “Thế giới chưa làm đủ để ngăn những tội ác tày trời của ĐCSTQ.”
Các học viên phải tiếp tục vạch trần tội ác của ĐCSTQ
Ông Michael Darby, một người ủng hộ tự do, phát biểu tại lễ mít-tinh
Ông Michael Darby là một người ủng hộ tự do, nhà văn, cựu sỹ quan quân đội kiêm thông dịch viên và tích cực tham gia các chiến dịch chính trị. Ông cũng có thể nói và viết tiếng Trung Quốc phổ thông.
Ông rất vui khi một học viên Pháp Luân Công từng kể lại trải nghiệm bản thân về cuộc bức hại ở Trung Quốc vẫn sống sót để truyền rộng câu chuyện của mình trong một thế giới tự do.
Ông phát biểu: “Một trong những điều họ [ĐCSTQ] làm là bắt các học viên Pháp Luân Công, tống họ vào tù và giết họ để lấy nội tạng.”
Ông cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta không ngừng nói với mọi người về sự sai trái của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Các bạn phải tiếp tục vạch trần tội ác của ĐCSTQ. Các học viên Pháp Luân Công đều là những người tốt. Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Cư dân Perth ủng hộ Pháp Luân Công
Trong lễ thắp nến tưởng niệm, các học viên đã cầm vòng hoa có di ảnh của những người bị ĐCSTQ tra tấn đến chết. Nhiều người đã dừng lại xem lễ tưởng niệm và chụp ảnh. Họ ký vào bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt tội ác này sau khi biết đến sự tàn bạo của cuộc bức hại.
Hiệu trưởng Tod cho biết: “Nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ rất hữu ích cho sự phát triển của cá nhân và xã hội”
Ông Tod, một hiệu trưởng, cho biết: “Tôi từng sống ở Trung Quốc và bắt đầu theo dõi tin tức về cuộc bức hại Pháp Luân Công từ rất sớm. Nguyên lý cốt lõi của môn tu luyện – ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ – rất hữu ích cho sự phát triển của cá nhân và xã hội.”
Trước đây ông là hiệu trưởng của một trường ngôn ngữ ở Thượng Hải, và ông cũng từng sống ở Vũ Hán. Ông nói: “Tôi đã thấy các bạn [các học viên] ở Hồng Kông. Tôi nghĩ chúng ta nên hỗ trợ người dân Hồng Kông đấu tranh cho nhân quyền.”
Bà Janet cho biết ĐCSTQ đã sai lầm khi bức hại chính người dân của mình
Bà Janet đã biết đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công từ một cuốn sách nhiều năm trước và bà cũng biết về cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ. Bà phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc cố gắng kiểm soát người dân bằng vũ lực. Họ đã sai khi ngược đãi chính người dân của họ.“
Bà đứng lặng lẽ và nhìn di ảnh của các học viên đã qua đời. Bà nói: “Chính quyền này không muốn người dân có tự do tư tưởng. Đây là những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, và họ đã bị giết vì đức tin của mình.”
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì?
Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Sư phụ Lý Hồng Chí truyền ra công chúng tại Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện đã phổ biến ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng triệu người đã học theo các bài giảng, dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cũng như năm bài công pháp nhẹ nhàng, và trải nghiệm những chuyển biến tích cực cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, nhìn nhận sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ và đã ra lệnh cấm Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Trang Minh Huệ (Minghui.org) đã xác nhận có hàng ngàn học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chết trong 22 năm qua vì bị bức hại; con số thực tế được cho là còn lớn hơn nhiều. Nhiều người đã bị bỏ tù và tra tấn vì đức tin của họ.
Có bằng chứng xác thực rằng ĐCSTQ đã hậu thuẫn cho tội ác thu hoạch nội tạng bằng cách sát hại các học viên bị bắt giữ làm nguồn cung cho ngành công nghiệp ghép tạng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/29/428867.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/1/194377.html
Đăng ngày 07-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.