Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Úc và New Zealand
[MINH HUỆ 21-07-2021] Ngày 20 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, New Zealand, để tưởng nhớ các học viên đã bị tra tấn đến chết bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong 22 năm qua, và kêu gọi người dân New Zealand lên tiếng phản đối các hành động tàn bạo vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Khi màn đêm buông xuống, các học viên một tay cầm nến một tay nâng di ảnh các học viên đã bị thiệt mạng trong cuộc bức hại. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện buồn về việc học viên Pháp Luân Công đã hy sinh mạng sống của mình như thế nào để bảo vệ nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, đó như một trận chiến giữa thiện và ác ở nhân gian.
Một đoàn xe liên tục chạy ngang qua lễ tưởng niệm, hết tài xế này đến tài xế khác bấm còi để bày tỏ sự kính trọng và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các học viên Pháp Luân Công.
Các học viên Pháp Luân Công tổ chức thắp nến tưởng niệm bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, New Zealand, để tưởng nhớ các học viên đã bị giết hại ở Trung Quốc vì đức tin của mình
Luật sư Nhân quyền kêu gọi cần có luật pháp để cấm Du lịch Cấy ghép tạng
Ông Kerry Gore, luật sư nhân quyền, phát biểu trong buổi thắp nến
Ông Kerry Gore, luật sư nhân quyền ở New Zealand, đã phát biểu tại buổi lễ. Ông nói ngày 20 tháng 7 năm 2021 này ghi dấu 22 năm ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông nói: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong chiến dịch bức hại này đã phải chịu bức hại dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí còn bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng khi vẫn còn sống khiến bị mất đi sinh mạng. Đây là một hình thức giết người được nhà nước hậu thuẫn.“
“ĐCSTQ đã vi phạm một số điều khoản trong luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, đó mới chỉ nêu một số văn bản.”
“Mới đây, một cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân New Zealand muốn Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc nêu quan ngại về vấn đề nhân quyền với ĐCSTQ. Tôi hy vọng rằng các Nghị viên sẽ ủng hộ việc thông qua đạo luật khẩn cấp qui định rằng hoạt động du lịch ghép tạng là bất hợp pháp, như vậy sẽ cứu sống được nhiều người”, ông nói.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ đã hủy hoại gia đình tôi
Học viên Pháp Luân Công, Hoàng Quốc Hoa (黄国华), làm việc trong ngành công nghiệp chế biến thủy tinh trước khi cuộc bức hại bắt đầu. Anh có một tương lai đầy hứa hẹn và một gia đình hạnh phúc. Vợ anh, cô La Chức Tương (罗织湘), là kiến trúc sư tại trụ sở chính của một công ty phát triển nông nghiệp ở tỉnh Quảng Đông. Anh Hoàng và vợ lúc đó đang mang thai đã bị bắt vào năm 2002 vì đức tin của mình. Trước khi chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2004, anh Hoàng đã chịu đựng gần ba năm bị giam giữ phi pháp, bị tra tấn về thể chất và tinh thần. Vợ anh và đứa con trong bụng đã bị ĐCSTQ giết hại vào năm 2002 .
Trong thời gian bị giam giữ trái phép, anh Hoàng từng bị ép phải khám sức khỏe.
“Dựa trên hiểu biết hiện tại của tôi về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng, tôi có đủ lý do để tin rằng việc xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra độ phù hợp của nhóm máu của tôi, chuẩn bị cho việc lấy tạng”, anh Hoàng chia sẻ. “Tôi sống sót vì kết quả không đạt yêu cầu. Trong thời gian bị giam giữ, tôi không chỉ bị tra tấn về thể xác, mà tinh thần còn bị suy sụp nặng nề. Thậm chí đến nay, sau khi rời Trung Quốc hơn một thập kỷ rồi, tôi vẫn thường gặp ác mộng về việc bị cảnh sát truy tìm khắp nơi. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi đó.”
“Hôm nay, với câu chuyện của bản thân mình, tôi muốn phơi bày bản chất tà ác của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tôi hy vọng nhiều người hơn nữa có thể biết được sự thật và đứng về chính nghĩa”, anh nói.
Cuộc bức hại này không nên xảy ra
Luna lên án ĐCSTQ vì đã giết hại mẹ cô
Luna là con gái của anh Hoàng Quốc Hoa (黄国华) và cô La Chức Tương (罗织湘). Khi mẹ và người em còn chưa chào đời bị giết hại, cô mới hai tuổi. “Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu được tại sao mình không có mẹ trong khi những đứa trẻ khác thì có”, cô nói. “Đó là sự thật mà tôi luôn phải chấp nhận từ khi còn nhỏ, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự lý giải được điều đó.
“Qua những bức ảnh, tôi biết rằng mình đã tham dự lễ tang của mẹ khi mới chập chững biết đi. Mãi cho đến khi lớn hơn, tôi mới hiểu rằng phần lớn gia đình mình đã không còn nữa… đó là mẹ và một người em mà tôi không bao giờ được gặp mặt. Bố đã kể chuyện về mẹ cho tôi khi tôi lên ba tuổi. Khi tôi nhìn thấy một bà mẹ đang ôm con mình trên xe buýt, đột nhiên tôi bật khóc và tự hỏi tại sao những đứa trẻ khác lại có mẹ trong khi tôi thì không?
Việc mất mẹ từ khi còn quá nhỏ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô. “Giống như rất nhiều gia đình khác bị ảnh hưởng bởi cuộc bức hại, tôi không phải là người duy nhất bị mất đi người thân. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị mất đi con cái, vợ/chồng, cha mẹ và đại gia đình của họ. Những tổn thương hằn sâu trong tâm họ, thậm chí là hàng năm trời, giống như tôi vậy.”
“Mặc dù tôi không thể khiến mẹ quay trở lại, nhưng tôi có thể lên tiếng và chia sẻ câu chuyện của mình, để tất cả mọi người đều biết, để mọi người có thể có hành động nào đó giúp giải quyết vấn đề này. Cuộc bức hại ngay từ đầu đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra. Không ai đáng phải chết vì đức tin của mình”, cô nói.
Loại bỏ ĐCSTQ, lựa chọn một tương lai tươi sáng
Ông Hòa Tam Phổ (和三普) kêu gọi người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và lựa chọn một tương lai tươi sáng
Ông Hòa Tam Phổ (和三普) trước đây là phó trưởng ban tuyên truyền tỉnh Hà Nam, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Trước khi cuộc bức hại diễn ra, ông đã đạt được nhiều khen thưởng trong công việc. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông và gia đình đã bị tra tấn tàn bạo, và ông suýt bị mất mạng.
“Vì đố kỵ cá nhân và sợ hãi trước “Chân-Thiện-Nhẫn”, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân cùng bè phái của ông ta đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm xóa sổ Pháp Luân Công”, ông Hòa nói. “Chính quyền đã huy động bộ máy cả nước để bôi nhọ môn tu luyện, lừa gạt nhân dân Trung Quốc và toàn thế giới. Đó là lý do tại sao các học viên Pháp Luân Công đã và đang tiếp tục nói với mọi người sự thật về môn tu luyện và phản bức hại trong suốt 22 năm qua.”
“Trong khi phạm tội diệt chủng, ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng từ những người bị bức hại rồi buôn bán kiếm lợi nhuận khổng lồ, đó là hành vi tà ác chưa từng có. Đây là một tội ác có hệ thống liên quan đến Đảng, quân đội và các bác sỹ.”
“Cuộc bức hại ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ của ĐCSTQ đả kích đến ranh giới đạo đức và lương tri của con người, khiến tiêu chuẩn đạo đức của xã hội Trung Quốc sụp đổ hoàn toàn, khiến văn hóa truyền thống Trung Hoa phải đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt. Người Trung Quốc đã mất đi di sản văn hóa, trở thành một dân tộc đã mất đi linh hồn và gốc rễ.”
“Hãy loại bỏ ĐCSTQ, thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Đừng thông đồng với tà ác, mà hãy tuân theo đạo đức của con người. Im lặng trước tội ác của ĐCSTQ chính là đồng nghĩa với trợ giúp chính quyền đó làm điều ác. Hỡi những người anh em Trung Quốc, hãy nhanh chóng thoái xuất ĐCSTQ; chỉ khi đó các bạn mới có một tương lai tươi sáng.”
Canberra: Buổi thắp nến tưởng niệm được tổ chức nhằm ngăn chặn cuộc bức hại tàn bạo
Các học viên đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra, Úc, vào ngày 19 tháng 7 năm 2021, để tưởng niệm các học viên đã bị tra tấn đến chết ở Trung Quốc.
Các học viên tổ chức buổi thắp nến tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra để tưởng niệm các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì đức tin của mình
Cô Hác Lệ (郝丽), một học viên Pháp Luân Công, nói rằng ĐCSTQ đã sử dụng đủ loại thủ đoạn lưu manh để khiến các học viên từ bỏ đức tin của mình.
“Trong 22 năm bị bức hại, vô số học viên và gia đình của họ đã trường kỳ phải chịu sự giám sát, bắt bớ, tù đày và tra tấn. Nhiều gia đình bị tan vỡ. Và tội ác tà ác nhất chính là cưỡng bức thu hoạch nội tạng”, cô nói.
“Trong 22 năm qua, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và nước ngoài đã không quản hiểm nguy, không oán thán không hối tiếc mà tận tâm tận lực phản bức hại. Chính niềm tin vào ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ đã mang chúng tôi quy tụ lại với nhau. Cho dù ĐCSTQ hung hăng đến đâu, chúng tôi cũng sẽ không dao động và không nhượng bộ trước áp lực. Chúng tôi sẽ lần lượt vạch trần những dối trá của chính quyền cộng sản Trung Quốc về Pháp Luân Công và truyền rộng vẻ đẹp của môn tu luyện khắp toàn thế giới.”
Ông Lưu (刘), một học viên Pháp Luân Công, buộc phải rời khỏi Trung Quốc để tránh bị bức hại
“Tối hôm nay, cầm vòng hoa trong tay khiến tôi nhớ đến các đồng tu đã từng cùng tôi giảng chân tướng ở Trung Quốc. Một số người đã bị giết hại ở trong tù, một số khác đang tiếp tục bị tra tấn một cách dã man. Tôi hy vọng cuộc bức hại này sẽ sớm kết thúc”, ông nói.
Khi ĐCSTQ phát động chiến dịch bức hại vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Lưu cũng cảm thấy một áp lực chưa từng có. Ông đến Bắc Kinh để kháng cáo vào tháng 10 năm 1999, nhưng ông đã bị bắt trước khi đến văn phòng kháng cáo, và bị giam trong 15 ngày. Ông tiếp tục bị bắt vào năm 2000 và 2005. Trong ba lần bị giam giữ, ông Lưu đã phải chịu đủ loại tra tấn.
“Các lính canh yêu cầu những người đã từ bỏ tu luyện cố gắng thuyết phục tôi cũng từ bỏ đức tin của mình”, ông nhớ lại. “Tôi bị tẩy não từ sáng đến tối. Một tháng sau, tôi bị kết án lao động ba năm.”
“Tại trại lao động, hàng ngày tôi bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu và không được phép nói chuyện với bất kỳ ai. Tôi đã phải ngồi hơn 12 giờ một ngày. Phần mông tiếp xúc với mặt ghế giống như bị kim châm. Tôi phải chịu đựng sự đau đớn này hàng ngày. Thông thường, những người nghiện ma túy bị bắt và giam chung trong một phòng giam rộng chưa đầy 20 mét vuông. Khi đông người, các bạn vẫn phải chen chúc nhau ngay cả khi đã nghiêng người khi ngủ, ngực người này chạm vào lưng của người kia. Việc đó khiến bạn khó thở, nhưng nếu bạn ngồi dậy thì bạn sẽ không thể nằm xuống lại được nữa. Chúng tôi bị bắt phải nghe các chương trình phát thanh phỉ báng Đại Pháp từ sáng đến tối. Sức khỏe của tôi xấu đi khi bị tra tấn về thể xác và tinh thần. Khi tôi được thả ba năm sau đó, tình trạng của tôi rất yếu”, ông chia sẻ.
“Các nhân viên cảnh sát thường đến nhà sách nhiễu tôi sau khi tôi được thả. Năm 2015 và 2016, cảnh sát yêu cầu tôi đến đồn để xét nghiệm máu và lấy dấu vân ngón tay cái. Thời điểm đó, tôi đã biết về tội ác mổ cướp nội tạng. Được sự bảo vệ của gia đình, tôi đã thoát khỏi sự bức hại.”
Theo báo cáo từ trang Minh Huệ, trong nửa đầu năm 2021, 9.470 học viên từ 30 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương đã bị bắt giữ. Nhà cửa của họ bị lục soát, họ bị sách nhiễu, giam giữ, đánh đập, và bị truy tố, 674 người đã bị kết án phi pháp. Trong số những người tu luyện, có cả quan chức chính phủ, giảng viên đại học, giáo sư, luật sư, nhà báo, sỹ quan cảnh sát, kỹ sư, kế toán, bác sỹ và doanh nhân. Người lớn tuổi nhất là 94 tuổi và người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 12 tuổi.
“Tại đất nước tự do này, tôi trân quý môi trường tu luyện”, ông Lưu nói. “Trong khi, nhiều học viên lâu năm đang tiếp tục phải đối mặt với việc bị bắt giữ cùng các hình thức bức hại khác ở Trung Quốc. Tôi hy vọng rằng cùng với các học viên và người dân ở nước ngoài, chúng ta có thể sớm chấm dứt cuộc bức hại này và đưa thủ phạm ra công lý.”
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Báo cáo liên quan tiếng Trung: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/21/428484.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/21/428495.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/25/194257.html
Đăng ngày 07-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.