Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Missouri, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 21-07-2021] Ngày 19 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở thành phố St. Louis, Missouri đã tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm bên Hồ Creve Coeur, để tưởng nhớ các học viên ở Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc bức hại kéo dài hai thập kỷ đối với đức tin của họ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để chấm dứt cuộc bức hại.

c1751b730bcfa316df6b231969a75ddd.jpg

6162acc05b02e866ada4147c53a5dbd1.jpg

Các học viên Pháp Luân Công ở thành phố St. Louis, Missouri tổ chức lễ thắp nến để tưởng nhớ các học viên ở Trung Quốc bị thiệt mạng trong cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đức tin của họ, hôm 19 tháng 7 năm 2021

Ngày 20 tháng 7 năm 2021, ghi dấu 22 năm ngày ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Một số học viên tham gia buổi thắp nến đã từng bị bức hại ở Trung Quốc trước khi chuyển đến Hoa Kỳ. Bất chấp việc bị giam giữ và tra tấn, họ vẫn kiên định với đức tin của họ và bền bỉ hướng sự chú ý của thế giới đến cuộc bức hại.

Lựa chọn “Chân-Thiện-Nhẫn” khi đối diện với cái chết

Ông Cảnh Táp, một nhà khoa học nghiên cứu, đã từng bị Viện Thực vật, trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đình chỉ học vị Tiến sỹ. Sau đó, khi ông tìm được một công việc khác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nam, nhà trường này đã cấm ông giảng dạy và nghiên cứu khi biết ông tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã cắt giảm, rồi sau đó đình chỉ hoàn toàn lương của ông. Ngay cả đến tận bây giờ, ban giám hiệu nhà trường này vẫn cắt hết điện, nước cho căn hộ nhà ông ở Trung Quốc, đồng thời không cho ông bán hay cho thuê căn hộ này.

Trong khi ông Cảnh có thể sống sót sau cuộc tra tấn tàn bạo, thì vợ của ông, bà Quản Qua, đã bị tra tấn đến chết trong Trại Lao động Cưỡng bức Thập Bát Lý Hà

Bị góa vợ, và không thể sống một cuộc sống bình thường ở Trung Quốc, ông Cảnh đã chuyển tới Hoa Kỳ để bắt đầu một cuộc sống mới. Hồi tưởng lại 22 năm qua, ông cho biết: “Sau khi miệt mài tìm kiếm, cuối cùng tôi đã thấy Pháp Luân Công, cuộc sống của tôi trở nên viên mãn và hạnh phúc. Khi ĐCSTQ ra lệnh bức hại [Pháp Luân Công], tôi đã phải đấu tranh tư tưởng. Tôi đã suy nghĩ rất lâu xem mình phải làm những gì. Cuối cùng, tôi tự nhủ: Chân-Thiện-Nhẫn là gốc rễ của cuộc đời mình và là thứ gì đó mà mình không thể sống thiếu được. Mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiên định với nguyên lý này.“

“Khi tôi đang cận kề cái chết, khi trông thấy thi thể của người vợ đầu tiên của tôi, và khi tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng về tương lai của mình, ý nghĩ về sự kiên định với đức tin của tôi lại càng trở lên mạnh mẽ hơn. Quyền được thực hành đức tin là quyền cơ bản của tôi, và tôi chẳng làm gì sai cả khi tin vào Chân-Thiện-Nhẫn.”

Sẽ nâng cao nhận thức cho tới ngày kết thúc cuộc bức hại

Bà Điền làm việc cho một công ty về nông nghiệp ở Hoa Kỳ. Khi cuộc bức hại xảy ra đột ngột vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà mới chỉ tu luyện Pháp Luân Công được một năm. Bà không hiểu tại sao một môn tu luyện dạy con người trở thành người tốt lại bị bức hại. Tin tức về các học viên bị bắt giữ và tra tấn ở Trung Quốc cứ liên tục đổ về. Bà cảm thấy mình cần phải làm gì đó để trợ giúp chấm dứt nó. Vậy nên, vài ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà cùng một số học viên khác đã lái xe đến thủ đô Washington D.C để thỉnh nguyện bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc.

Bà thấy có nhiều học viên khác trên khắp Hoa Kỳ [cũng ở đó]. Họ tụ họp một cách ôn hòa và hy vọng các nhân viên bên trong đại sứ quán nghe được tiếng nói của họ. Nhưng không có một ai ra ngoài để nói chuyện với họ.

Bà kể: “Sau đó, chúng tôi bắt đầu tổ chức các sự kiện để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại cho chính phủ Mỹ và công chúng. Với tôi, việc đến Washington D.C để tham gia các sự kiện nhằm chấm dứt cuộc bức hại đã trở thành một truyền thống hàng năm.”

Mới từ Washington D.C trở về vài ngày trước, bà Điền cho biết bà cảm thấy hiện nay ngày càng có nhiều người hơn hiểu được bản chất tà ác của ĐCSTQ và đứng cùng phía với người dân Trung Quốc đấu tranh cho nhân quyền của họ.

Bà Điều nói bà rất vui khi thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xử phạt một cảnh sát và một giám đốc của phòng 610 vì vai trò của họ trong cuộc bức hại. Ngoài ra còn có một dự luật được đưa ra tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm chống lại tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, và một nghị quyết khác của Hạ viện đang được xem xét trong đó lên án việc giết người đẫm máu cũng như sự cai trị độc tài của ĐCSTQ hàng thế kỷ qua.

Bà cho biết cuộc bức hại Pháp Luân Công là sự thất bại hoàn toàn của ĐCSTQ và ĐCSTQ hoàn toàn không thể sử dụng bạo lực hoặc sự chuyên chế của nó để thay đổi tâm trí của người dân. Bà mong chờ ngày cuộc bức hại chấm dứt, nhưng trước khi ngày đó tới, bà sẽ không ngừng nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bà nói.

b46034b0d719d93ffa5cf953db0c6e9b.jpg

Các học viên nói với người đi bộ về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Lễ thắp nến tưởng niệm của các học viên cũng đã thu hút được nhiều cư dân địa phương đang đi dạo quanh hồ. Nhiều người đã bị sốc khi nghe nói đến cuộc bức hại, trong đó có nạn giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng của họ do ĐCSTQ hậu thuẫn. Họ cho biết cuộc bức hại cần phải chấm dứt ngay lập tức và các thủ phạm phải được đưa ra trước công lý.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/21/428473.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/22/194208.html

Đăng ngày 30-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share