Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trùng Khánh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-06-2021] Cảnh sát thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã di chuyển 1600km đến Trùng Khánh để sách nhiễu bà Lôi Xương Dung, ngoài 70 tuổi, sau khi chặn lá thư mà bà gửi cho công tố viên địa phương, hối thúc anh ta không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 2 tháng 6 năm 2021, khi bà Lôi đang đi bộ trên phố, thì tám cảnh sát chặn bà lại. Một cảnh sát tra hỏi: “Bà có phải là Lôi Xương Dung không? Hãy xuất trình giấy tờ tùy thân và theo chúng tôi về đồn”.
Bà Lôi trả lời rằng bà không mang theo giấy tờ tùy thân và bà yêu cầu được xem giấy tờ chứng minh thân phận của các cảnh sát đó. Hai người mặc cảnh phục nhanh chóng xuất trình giấy tờ và nói rằng họ đến từ một đồn công an địa phương ở Trùng Khánh. Sáu người mặc thường phục còn lại cho biết, họ thuộc Công an thành phố Tô Châu.
Cảnh sát đã đẩy bà Lôi lên xe cảnh sát và đưa bà về đồn công an. Bà Lôi muốn viết lại tên của các sĩ quan cảnh sát và số hiệu của các cảnh sát này nhưng họ từ chối cung cấp thông tin và nói: “Chúng tôi mới là người đang thẩm vấn bà. Bây giờ bà lại đang thẩm vấn ngược lại chúng tôi.”
Một người khác nói: “Tôi là người của ủy ban khu dân cư Thạch Kiều. Bà đã gửi một bức thư cho tôi qua bưu điện và nó dài vài trang.“ Bà Lôi khẳng định rằng mình không gửi bất kỳ lá thư nào tới ủy ban và yêu cầu người đó cho bà xem lá thư, nhưng anh ta đã không thể đưa ra.
Bà Lôi chất vấn người đàn ông đó: “Vậy anh là người của ủy ban khu dân cư? Anh biết chức trách của mình chứ? Chúng tôi tuyển anh là để phục vụ cho cư dân, chứ chọn anh vào vị trí đó để bức hại chúng tôi à?” Nghe xong những lời này, anh ta đã xoay người rời đi.
Bà Lôi đã viết lại việc cảnh sát chặn bà trên đường phố và bắt giữ bà. Trước khi bà viết xong, cảnh sát đã lấy những ghi chép đó của bà. Khi bà yêu cầu trả lại, cảnh sát đã từ chối.
Bà Lôi sau đó bị đưa đến phòng thẩm vấn. Các cảnh sát đến từ Tô Châu lấy ra một lá thư và hỏi bà: “Bà đã gửi lá thư này phải không?”
Bà hỏi tên của các sĩ quan và số hiệu cảnh sát. Ban đầu họ từ chối, nhưng sau đó đã nhượng bộ khi bà nói sẽ tố cáo họ.
Cảnh sát đã cho bà Lôi xem một đoạn video ghi lại cảnh bà đang đi bộ trở về nhà sau khi gửi bức thư qua đường bưu điện. Đồng thời cũng có một bức ảnh chụp cận cảnh biển số nhà bà. Bức thư đã được gửi đến cho Trương Năng, một công tố viên của Viện Kiểm sát quận Ngô Giang ở Tô Châu. Cảnh sát cũng đưa ảnh của ba học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh lưu trên điện thoại di động của họ và hỏi bà Lôi có biết họ không.
Khi bà Lôi từ chối các câu hỏi của cảnh sát, họ nói: “Chúng tôi đã điều tra rõ mọi thông tin về bà, thì mới đến đây tìm bà.”
Bà hỏi: “Gửi thư thì vi phạm pháp luật sao?”
Cảnh sát đáp: “Không. Nhưng bức thư có nội dung liên quan tới Pháp Luân Công”. Cảnh sát nói rằng bà đã vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự (Điều luật này đã được các nhà chức trách lạm dụng để kết tội và hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công trong suốt 22 năm của cuộc bức hại.)
Bà Lôi bác bỏ rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc và pháp môn tu luyện cũng không nằm trong danh sách các tổ chức tà giáo của chính phủ. Ngoài ra, Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc cũng đã thu hồi lệnh cấm đối với sách Pháp Luân Công. Bà nói rằng bà không hề vi phạm pháp luật khi gửi lá thư đó, và cần phải được thả ngay lập tức.
Sau khi thẩm vấn, cảnh sát Tô Châu đã đến nhà bà Lôi để khám xét. Họ cố gắng chụp ảnh, nhưng bị bà ngăn lại. Một cuốn lịch để bàn và một số tấm thẻ có thông tin Pháp Luân Công của bà bị tịch thu.
Sau đó, cảnh sát đã đưa bà Lôi trở lại đồn công an và yêu cầu bà ký vào lệnh khám xét và quyết định tại ngoại. Bà đã từ chối ký tên và khẳng định rằng bà không làm sai bất kỳ điều gì.
Cảnh sát đe dọa: “Việc tại ngoại đã là hình phạt nhẹ nhất rồi, bằng không chúng tôi có thể tạm giữ hình sự bà.”
Bà Lôi nói lại rằng bà không làm gì phạm pháp và yêu cầu cảnh sát chấm dứt việc sách nhiễu bà. Cảnh sát Tô Châu nói: “Nếu bà vẫn đi ra ngoài hoặc nói chuyện với các học viên khác, hoặc gửi thông tin ra nước ngoài, thì vẫn sẽ có người đến tìm bà nói chuyện”.
Bà Lôi trở về nhà với con gái vào khoảng 2 giờ sáng.
Sáng hôm sau bà quay lại đồn công an và cố gắng lấy lại những ghi chép của bà về vụ bắt giữ. Nhân viên tiếp bà cho biết các ghi chú đã bị cảnh sát Tô Châu đem đi và một lần nữa anh ta cảnh báo bà Lôi không được gửi thông tin cho Minh Huệ Net, nếu không bà sẽ gặp rắc rối.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/25/重庆、江苏多名警察路上绑架古稀老人雷昌蓉-427401.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/6/193972.html
Đăng ngày 15-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.