Bài của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 7-4-2011] Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hơn 11 năm qua, cô Lý Khánh Anh từng bị bắt giữ bất hợp pháp, bị tẩy não, giam cầm, và quấy rối chỉ bởi cô tin vào Pháp Luân Công. Sau đây là lời tự thuật của cô về sự bức hại mà cô đã phải chịu.
Pháp Luân Công đã cho tôi một cuộc đời mới
Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tôi từng là một người ích kỷ. Tôi không hòa thuận với chị chồng và than phiền mẹ chồng đối với mình bất công. Tôi vất vả đương đầu với căng thẳng và sự nghèo hèn, từng tự tử bằng cách uống thuốc ngủ quá liều. Sau khi được cứu sống, tôi vẫn cảm thấy vô vọng.
Ngày 22 tháng 9 năm 1998 là ngày đáng nhớ và may mắn nhất đời tôi. Đó là ngày mà tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Nhờ học Pháp, tôi hiểu ra như thế nào là một người tốt, làm thế nào tự nhìn vào bên trong bản thân mình khi gặp chuyện không hay, và làm sao để tốt với người khác. Điều đó đã thay đổi tôi hoàn toàn, giúp tôi trở nên hòa thuận với chị chồng và mẹ chồng, bỏ những thói quen xấu và quan tâm tới người khác. Mọi bệnh tật của tôi cũng biến mất. Tôi đã có thể chăm lo mọi việc trong nhà một cách có trách nhiệm, và chồng tôi có thể rời thị trấn mà không phải lo phiền về tôi. Tất cả bạn bè và thân nhân đều hạnh phúc khi thấy tôi thay đổi, đặc biệt là chồng con tôi. Họ hạnh phúc khi thấy tôi mỉm cười mỗi ngày. Chỉ trong vài năm, tình trạng tài chính cũng đã cải thiện. Chúng tôi mua một căn nhà, mua một chiếc xe tải nông trại, và con trai chúng tôi lập gia đình. Mọi người đều biết ơn Sư Phụ và Pháp Luân Công.
Bức hại một người tốt
Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào 20 tháng 7 năm 1999, tôi không hiểu tại sao một chính phủ lại muốn cấm một môn tu luyện tốt, làm lợi cho mọi người như thế. Để giải thích rõ sự thật với chính quyền, tôi đã tới Bắc Kinh. Tôi đã bị lột đồ và lục soát, rồi họ tịch thu hết tiền của tôi. Ngày hôm sau, công an đem tôi tới trại giam Nam Sơn ở thành phố Thư Lan, ở đó tôi đã bị giam 15 ngày. Rồi sau đó tôi bị đưa thẳng tới phòng tẩy não thị trấn Pháp Đặc, được thành lập tại một viện dưỡng lão.
Tại phòng tẩy não, ngay từ ban đầu tôi và nhiều học viên thậm chí còn không được phép đi vệ sinh. Chúng tôi đã tuyệt thực phản đối bức hại. Chúng tôi không được phép nói chuyện và bị buộc úp mặt vào tường với đôi bàn tay giơ cao, đứng dạng chân, hoặc quỳ gối mấy tiếng mỗi ngày. Chúng tôi đã ăn cám ngô và bắp cải không dầu. Các viên chức ĐCSTQ cùng với những người cộng tác với họ la hét và chửi rủa chúng tôi. Bởi vì tôi đã động viên các học viên Pháp Luân Công khác hãy kiên định, trưởng Phòng 610 Khương Tư Nghĩa đã giam tôi trong phòng biệt giam lạnh lẽo. Dù các học viên khác đã được thả, nhưng tôi vẫn bị giam tại đó. Cuối cùng sau 36 ngày, tôi được thả khỏi trại tẩy não ấy.
Vào tết năm 2000, nhiều công an là Tạ Phương Đồng và Triệu Đức Xương bắt tôi và 2 đồng tu khác và đưa tới nhà khách thị trấn Pháp Đặc. Họ muốn chúng tôi ký một tài liệu hứa từ bỏ tu luyện, nhưng chúng tôi từ chối. 2 ngày sau, họ chuyển chúng tôi tới trại giam Nam Sơn, ở đó chúng tôi bị bức hại 23 ngày. Chúng tôi được thả sau 8 ngày tuyệt thực.
Mùa thu năm 2002, chị dâu tôi tới than phiền về mẹ chồng chúng tôi, bởi giữa họ có xảy ra va chạm. Sau khi chia sẻ những hiểu biết của mình dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công, tôi đã trao cho chị dâu một bản sao cuốn Chuyển Pháp Luân để đọc. Chúng tôi không ngờ rằng mẹ chồng của chúng tôi lại tố giác chúng tôi với chính quyền địa phương. Công an Tào Ngọc Thạch cùng với những người khác tới bắt tôi và chị dâu rồi đưa chúng tôi tới đồn công an địa phương. Ở đó chúng tôi bị công an Lưu Tuyết Băng ngược đãi, nói rằng chúng tôi “gây rối an ninh trật tự”. Tôi bảo cô ta rằng thực tế tôi đang duy trì và giữ gìn hạnh phúc của gia đình. Ngay lúc ấy đội trưởng Long chuyển chúng tôi tới Bộ công an thành phố Thư Lan. Chị chồng tôi được thả 2 ngày sau đó, nhưng công an muốn giữ tôi ở đó thêm 15 ngày nữa. Tuy nhiên, 3 ngày sau, tôi được thả.
Vào ngày 6/5/2009, đội trưởng đội công an thị trấn Pháp Đặc tên là Hạ Xuân Lâm cùng với những người khác đã xông vào nhà tôi khi tôi ở nhà một mình. Họ lục lọi nhà tôi, xới tung mọi thứ và trong lúc lục tìm các sách Pháp Luân Công và tài liệu, họ đem tôi tới trại giam Thư Lan. Chồng tôi đã đến để yêu cầu trả tự do cho tôi, nhưng các quan chức ở đó từ chối. Tôi đã tuyệt thực phản đối bức hại. 2 ngày sau, tôi có các triệu chứng như đang mắc bệnh tim, nên các quan chức mang tôi tới bệnh viện tỉnh để kiểm tra. Sau đó tôi được thả.
Vào tháng 5/2010, trưởng phòng 610 địa phương là Lý Bưu và đội trưởng đội công an cùng với những người khác lại xông vào nhà tôi một lần nữa, bắt và đưa tôi tới trại tẩy não. Tôi bị buộc phải ký cái gọi là “ba tuyên bố” từ bỏ niềm tin của tôi đối với Pháp Luân Công, trái với lương tri của mình, tôi vẫn còn rất hối hận rằng đã làm điều sai trái ấy.
2 ngày sau khi được thả, đội trưởng đội công an và những người khác lại xông vào nhà tôi thêm lần nữa, đòi tôi chia sẻ hiểu biết của mình về cái mà tôi đã “học được” tại trại tẩy não. Con trai tôi sợ rằng tôi có thể lại bị đem đi lần nữa, cho nên nó bảo tôi hãy vào bên trong và để nó nói chuyện. Tôi đã làm theo lời con yêu cầu, nhưng rồi tôi nghĩ không muốn lại làm ra thêm một điều sai trái nữa. Tôi nói với họ “Tôi đã và đang làm những việc dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, những nguyên lý chân chính nhất. Không có niềm tin, tôi sẽ không thể sống được nữa. Tinh thần tôi hoàn toàn sụp đổ do sự tẩy não của các ông”. Một công an đã xé nát tờ giấy ghi lời chứng của con trai tôi và thay vào đó ghi lại những điều tôi đã nói. Rồi các sĩ quan ấy rời đi một cách giận dữ. Khoảng 1 tiếng sau, họ quay lại cùng với đội phó đội công an và bảo tôi phải làm lại một tờ khai khác. May mắn thay, tôi đã có thể rời khỏi nhà và tránh bị bắt thêm một lần nữa.
Trong thập niên qua, các viên chức ĐCSTQ ở làng và thị trấn chúng tôi thường xuyên sách nhiễu tôi cùng gia đình, gây hại cho chúng tôi rất nhiều.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/4/7/吉林省舒兰市李庆英自述遭遇 -238688.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/4/26/124647.html
Đăng ngày 30-4-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.