Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở vùng Đông Bắc Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-05-2021] Tôi từ nào đến giờ chưa từng nghĩ mình sẽ kiếm sống bằng nghề bán thức ăn đường phố. Tôi cũng không có nghĩ tới chuyện mình đã làm nghề này mười mấy năm rồi.

Mười mấy năm trước, do tôi kiên trì tín ngưỡng vào Pháp Luân Đại Pháp, nên buộc phải trôi dạt tha hương đến một thành phố khác để tránh bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thời đó, cửa tiệm kinh doanh mà tôi đầu tư toàn bộ gia tài vào đã bị bắt đóng cửa, thiệt hại kinh tế rất lớn. Lúc đó thật sự là trắng tay, nếu tôi không ra ngoài kiếm tiền thì ngay cả cuộc sống bình thường cũng trở thành vấn đề. Lúc mua rau và trái cây, tôi thường mua hàng dạt của người ta. Vào mùa hè, tuy dưa hấu là trái cây rẻ nhất nhưng tôi cũng chỉ đủ tiền để mua một vài lần.

Vì để duy trì cuộc sống, tôi đã đi bán bắp và kẹo hồ lô. Dù cho tôi có đạp xe khắp thành phố rao bán thì cũng chỉ có thể giúp mình đủ no bụng. Trong tâm tôi vẫn luôn mong muốn tìm được một kế sinh nhai vừa có thể kiếm tiền duy trì chi phí sinh hoạt, vừa có thời gian để tu luyện.

1. Bắt đầu bán xe thức ăn

Một hôm, chồng tôi đang dùng bữa với người bạn thân hàng xóm. Người bạn hàng xóm nói nhà anh ấy có một chiếc xe bán thức ăn nhỏ từ trước đang bỏ xó không ai đụng đến. Anh ấy hỏi tôi có cần nó không. Kỳ thực, tôi nghĩ mình sẽ bày bán thức ăn đường phố. Do thức ăn đường phố thường bán vào buổi tối, nên tôi có thời gian cho riêng mình vào ban ngày. Nhưng vì trước đây tôi toàn đi làm và mở tiệm kinh doanh, rất ít đụng vào việc tay chân, nên tôi khá lo lắng về công tác chuẩn bị lúc ban đầu.

Chồng tôi về nhà kể cho tôi nghe chuyện này, và chúng tôi đã cùng nhau đi xem một chút. Thật không ngờ là thiết kế của chiếc xe đẩy vừa khớp với cái chúng tôi cần, giống như là nó đã được đo ni đóng giày cho chúng tôi vậy. Chiếc xe đẩy này đã giúp chúng tôi giảm bớt phần việc chuẩn bị phức tạp nhất lúc ban đầu. Bằng cách này, tôi đã bắt đầu kiếm sống bằng xe bán thức ăn nhỏ.

Tuy nó chỉ là một xe thức ăn đường phố, nhưng tôi chọn mua nguyên liệu hết sức nghiêm ngặt. Tôi không mua trứng loại nhỏ, không mua dầu ăn giá rẻ. Tôi phải mua rau tươi và thịt ngon. Một lần nọ, một người quen vừa mở quán cơm bảo tôi giá thịt nhà anh ấy cung cấp rất rẻ, nên tôi cũng thử mua xem sao. Khi thịt được chuyển tới, tôi mở bao ra xem thì thấy thịt có màu đỏ, tuy không phải thịt thối nhưng chất lượng thịt không ngon. Đúng thật là tiền nào của đó, tôi không chút do dự không mua chỗ đó nữa.

Lúc đi mua hàng, đặc biệt là lúc mua nguyên liệu đồ ăn, tôi đều trả thêm khoảng 3 đến 5 đồng cho một cân. Tôi thà trả thêm vài đồng còn hơn là đưa ít cho người ta, ngay cả thực khách không ở trước mặt thì tôi cũng đối đãi như vậy. Bởi vì cán cân nằm ở trong tâm tôi. Có thực khách từng nói: “Phần ăn thật nhiều.” Có người còn nói: “Tôi trả cùng số tiền ở quán khác, nhưng không thể mua được phần ăn nhiều thế này.”

Tôi còn nhớ có một người khách đưa tiền cho tôi với bàn tay lấm lem bùn đất, nhìn qua có vẻ anh ấy làm lao động chân tay. Tôi bèn chọn một quả trứng thật to và gắp cho anh ấy đồ ăn nhiều hơn một tí. Tuy chút hành động này của tôi có thể không đáng là gì, cũng không thể gây ra xôn xao gì cho thực khách, nhưng tự tôi làm vậy, là thiện niệm xuất ra trong quá trình tu luyện lâu dài của một người tu luyện Đại Pháp, không cầu hồi báo, không đòi hỏi người khác công nhận. Những việc làm thế này rất nhiều.

Đối với những thực khách ghé qua xe thức ăn của tôi, khi có cơ hội thì tôi sẽ tán gẫu về một số chủ đề mà họ quan tâm. Ví dụ như giá nhà tăng cao; giáo dục, chữa trị y tế và nhà cửa là ba vấn đề lớn đối với người dân; chi phí dưỡng lão đắt đỏ, chậm trễ lương hưu; Đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ ra hàng tỷ nhân dân tệ xây dựng Tường lửa để ngăn cản người dân không thấy được sự thật v.v. Nếu còn có cơ hội, thì tôi sẽ tiến thêm một bước nói về chân tướng Pháp Luân Công, khuyên tam thoái (thoái xuất khỏi các tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của Trung Cộng).

2. Những vị khách đến từ phương xa

Một lần nọ, một vị khách đến chỗ tôi mua đồ ăn. Cô ấy vừa ăn vừa tán gẫu với tôi. Cô ấy nói nhà mình không phải ở thành phố này, nhưng nhà em gái của cô ấy ở đây. Cô ấy nghe em gái nói thức ăn ở quán của tôi nấu ngon và sạch sẽ, nên cô ấy muốn đến chỗ tôi và muốn tôi dạy cho cô ấy, sau đó cô ấy sẽ trả tôi tiền phí.

Trước khi tu luyện Đại Pháp, tôi rất bảo thủ, tâm tật đố mạnh mẽ. Tôi không muốn nói chuyện của mình cho bất kỳ người nào khác. Ngay cả người thân trong nhà, thì tôi cũng chỉ nói một chút, chứ không nói ra toàn bộ. Nhưng sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi thấy những thứ tâm không tốt này đều phải vứt bỏ. Hơn nữa, những người mà tôi có thể tiếp xúc đều là đến để nghe chân tướng, giúp người ta được đắc cứu mới là việc quan trọng nhất.

Tôi nói: “Tôi có thể chỉ cho cô, nhưng tôi sẽ không thu tiền.” Cô ấy có chút ngạc nhiên. Tôi nói: “Kỳ thực, thứ này rất đơn giản, có lẽ là cực kỳ dễ dàng, nói một chút là thấu. Thế nhưng người khác không thể chỉ cho cô về nó. Hiện nay buôn bán không dễ dàng, người cùng nghề kỳ thị lẫn nhau. Ai nói cho cô biết để thêm một đối thủ cạnh tranh với mình phải không?” Cô ấy liên tục gật đầu đồng ý.

Tôi nói tiếp: “Cô có nghe qua Pháp Luân Đại Pháp chưa? Tôi là người tu luyện Đại Pháp. Cô đừng tin những lời nói dối Trung Cộng tuyên truyền trên TV, ‘vụ tự thiêu Thiên An Môn’ là giả mạo. Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp, thì dù cô có đưa tiền cho tôi, tôi cũng không truyền nghề cho cô đâu.” Tiếp đó, tôi đã nói cho cô ấy nghe về chân tướng Đại Pháp và vì sao cần phải làm tam thoái. Cuối cùng, tôi đã chọn cho cô ấy một hóa danh là “Mỹ Liên”, cô ấy đã thoái xuất khỏi Đoàn và Đội. Tôi bảo cô ấy vào lúc nguy hiểm, nhớ niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.

Cô ấy vui mừng hớn hở, mãn nguyện ra về. Vừa đi, cô ấy vừa lầm bầm nói: “Mỹ Liên, Mỹ Liên, cái tên này nghe hay quá.” Tuy cô ấy nói là tới học nghề, nhưng mà sau khi nghe xong chân tướng và làm tam thoái thì cô ấy không đến quán tôi lần nào nữa. Tôi biết cô ấy đến để nghe chân tướng.

3. Sau khi chân bị thương

Sư tôn giảng:

“…chúng ta là tu Thần, thế thì nhất định có Thần tích tồn tại.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Một ngày nọ, khoảng hơn 4 giờ chiều, tôi vừa mới đẩy xe ra bán thì có hai người đàn ông say rượu đi tới. Họ ngồi bệt xuống đất cách chỗ quán tôi tầm 3 hay 4 mét; vừa uống rượu vừa lè nhè nói chuyện. Đột nhiên, một người trong số họ làm rơi chai rượu xuống đất, mảnh chai văng tứ tung. Ngay lúc trời tháng 7 nóng như thiêu đốt, tôi mặc quần ngắn, nửa phần chân dưới phơi ra ngoài.

Lúc đó, tôi đang dọn dẹp vệ sinh xung quanh cửa tiệm, không có để ý nên cũng không kịp tránh. Trong chớp mắt, mảnh chai vỡ ra đâm vào chân tôi. Ngón chân phải của tôi bị đâm toạc một lỗ lớn. Máu bắn ra tung tóe. Tôi không cảm thấy đau, chỉ nhìn thấy máu phun về phía trước. Một lát sau, máu chảy nhiều hơn. Tôi dùng tay ấn vào miệng vết thương, nhưng máu vẫn tuôn ra như nước.

Tôi rất trầm tĩnh. Lúc này, có một người hảo tâm đã gọi cấp cứu 120. Tôi nghĩ mình không sao, mình không cần đến bệnh viện. Nhưng tôi cũng nghĩ phải đi khâu miệng vết thương, vậy mình đi khâu vết thương xong rồi về. Tôi bảo chồng mình: “Anh chờ em đi khâu vết thương xong rồi quay lại nhé.”

Sau khi tới bệnh viện, lúc bác sỹ xử lý vết thương, ông ấy dùng tay nhặt ra một mảnh thủy tinh từ trong vết thương. Hơn nữa, ông ấy phát hiện bên trong vết thương còn có mảnh vỡ thủy tinh nên chỉ có thể làm phẫu thuật để lấy nó ra. Nếu không làm phẫu thuật thì bác sỹ sẽ không khâu vết thương cho tôi. Vậy nên, tối hôm đó tôi đã tiến hành làm phẫu thuật hơn 3 tiếng đồng hồ. Lúc tôi ra khỏi phòng phẫu thuật là đã hơn 10 giờ đêm. Vết thương trên chân dài hơn 10cm, khâu khoảng 15 mũi.

Bác sỹ nói gân ngón chân bị đứt và vết thương rất sâu. Sau khi khâu xong, bác sỹ đã nẹp chân cho tôi để tránh động đến gân cốt. Bác sỹ nói nếu dùng lực quá sức vào chỗ bị thương, thì chỗ gân đã khâu có thể bị đứt, khi đó cần phải làm phẫu thuật lần nữa, tiền mất tật mang. Vì thế, bác sỹ yêu cầu tôi không được xuống giường đi lại trong vòng một tháng. Nếu có việc cần phải xuống giường thì phải dùng nạng, không để cho chân chạm đất, không được dùng lực vào gân chân. Bác sỹ còn nói: “Vết thương của cô chỉ còn khoảng 0,5cm nữa là đụng tới dây thần kinh. Nếu mà đụng vào dây thần kinh thì cô sẽ tàn phế suốt đời …”

Mặc dù bác sỹ yêu cầu tôi ít nhất 15 ngày sau khi cắt chỉ mới được xuất viện, nhưng tôi đã lái xe về nhà vào buổi sáng ngày thứ 3. Mặc dù bác sỹ yêu cầu tôi một tháng không được xuống giường đi lại, nhưng ngày thứ 2 sau khi về nhà, tôi đã bỏ nẹp chân, sáng sớm bắt đầu luyện công; tôi cũng không tiêm thuốc và uống thuốc chống viêm. Ngay lúc những ngày nóng nhất mùa hè, nhiệt độ đâu đó vào khoảng 30 độ, tôi không tiêm thuốc, không uống thuốc, thế mà vết thương không bị viêm, không bị sưng, hơn nữa nó dần dần khô lại và lên da non. Thật sự khiến người ta khó mà tin nổi. Vì tôi tin vào Đại Pháp nên mới được như vậy.

Tôi giảng chân tướng cho một vị khách, kể cho cô ấy nghe về vết thương ở chân của mình. Cô ấy nói cô ấy đã từng bị xe đụng. Lúc đó, bác sỹ cũng yêu cầu cô ấy không được xuống giường đi lại trong một tháng, thế là cô ấy nằm yên trên giường, ngay cả việc đại tiểu tiện đều đi trên giường, chồng và con gái phải dọn dẹp cho cô. Vết thương ở chân tôi chưa đến một tháng đã có thể đi lại bình thường. Trong khi đó, cô ấy bị thương đã gần một năm trời, đi lại vẫn còn cà nhắc. Cô ấy bảo tôi đi mấy bước cho cô ấy xem thử, sau đó không ngừng khen ngợi: “Thần kỳ quá!”

Pháp Luân Đại Pháp thần kỳ như vậy đó. Bác sỹ bảo tôi một tháng không được xuống giường đi lại, nhưng vào ngày thứ 15 thì tôi đã ra bán hàng. Ngày thứ 15, tôi đã tự mình lái xe đi cắt chỉ, bác sỹ nhìn thấy hết sức ngạc nhiên: “Ai da! Sao cô không chống nạng, mà còn tự mình đến đây nữa chứ? Nếu vết thương lại hở ra thì phiền phức to đấy!” Tôi nói với ông ấy: “Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên không sao đâu.” Ông ấy không tin, cứ nhắc lại nhiều lần lỡ như gân đứt thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Một tháng sau, tôi tự ngồi xe buýt rồi sau đó đi bộ một đoạn đến bệnh viện tìm bác sỹ đã chữa trị cho tôi. Bác sỹ là một người đàn ông lịch thiệp, trước đó ông ấy vẫn luôn hỏi tôi là người gây thương tích đã bồi thường cho tôi bao nhiêu tiền. Tôi nói với ông ấy: “Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên không bảo người ta bồi thường tiền.” Ông ấy có chút cười mỉa tôi. Tôi đưa cho ông ấy USB chân tướng nhưng ông ấy không nhận. Có thể thấy ông ấy chế nhạo cách làm của tôi.

Lần sau tôi để cho bác sỹ xem chân tôi hồi phục ra sao, giảng chân tướng cho ông ấy, để ông ấy tận mắt chứng kiến sự thần kỳ của Pháp Luân Đại Pháp. Tuy trên bề mặt ông ấy không nói lời nào, nhưng lần này tôi giảng chân tướng, ông ấy không phản bác nữa. Tôi lại đưa USB chân tướng cho ông và ông ấy cũng nhận nó ngay.

Sau khi ra bán hàng, những người xung quanh cùng với thực khách hỏi tôi nhiều nhất về vấn đề người ta đã bồi thường cho tôi bao nhiêu tiền. Tôi nói với họ: “Tôi không bảo người ta bồi thường tiền.” Họ tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi, tôi nói với họ: “Do tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nếu không thì tôi không làm như vậy.” Mùa hè là mùa buôn bán bận rộn nhất trong năm, nếu tôi tìm người giúp việc thì cũng phải trả tiền lương cho người ta, hơn nữa không phải tự tôi bán hàng nên lượng bán hàng cũng giảm tương đối.

Có một người đàn ông cảm thấy hết sức tò mò, ông ấy bối rối hỏi tôi: “Vì sao thế? Vì sao cô phải làm vậy? Cô bị thiệt hại nhiều vậy, sao không bắt người ta bồi thường? Anh ta bồi thường thiệt hại cho cô cũng là chuyện bình thường mà?” Tôi lấy cuốn sách nhỏ chân tướng Pháp Luân Công từ trong quầy hàng đưa cho ông ấy. Tuy ông ấy không đồng ý cho lắm với cách làm của tôi, nhưng ông đã minh bạch những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là nhóm người như thế nào.

Trong một xã hội chú trọng về vật chất, ai nấy đều đặt lợi ích lên hàng đầu, người ta rất khó tưởng tượng và cũng không dám tin vẫn còn những người tốt thế này. Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ Đại Pháp dạy chúng tôi cần phải đâu đâu cũng nghĩ cho người khác, làm một người tốt, làm người tốt hơn nữa.

Tôi cũng tự nhiên giảng chân tướng cho người gây thương tích cho mình, tôi nói với anh ấy rằng: “Nếu như không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không làm thế này.” Tôi cũng tặng anh ấy một số tài liệu chân tướng. Người nhà của anh ấy kiên quyết mang tặng cho tôi đủ loại rau xanh nhà tự trồng, lúc bé con nhà tôi xuống lầu nhận rau, cô ấy nhắc đi nhắc lại với con bé: “Mẹ con tốt quá, mẹ con thật là quá tốt mà!”

4. Xe bán thức ăn mấy lần bị gián đoạn

Xe bán thức ăn nhỏ của tôi đã từng mấy lần trải qua mưa gió, mấy lần bị gián đoạn. Nhưng dưới sự từ bi bảo hộ của Sư phụ, xe thức ăn nhỏ đã cùng tôi vượt qua những tháng ngày mưa gió bước đi cho đến hôm nay.

Mấy năm trước, Phòng 610 địa phương vẫn luôn muốn tìm tôi, hơn nữa họ còn đe dọa bắt cóc tôi, áp lực của người nhà cũng rất lớn, họ nằng nặc không cho tôi đi bán, buộc tôi rời khỏi nơi bản địa. Có một lần, tôi đã bị bắt cóc, cảnh sát lấy chìa khóa nhà tôi mang theo và xông vào nhà một phen. Tôi nghĩ lần này chắc xe thức ăn nhỏ của mình phải ngừng bán rồi. Nhưng điều khiến tôi không ngờ tới là chồng tôi vẫn cứ tiếp tục đẩy xe đi bán.

Chồng tôi bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhồi máu não, triệu chứng rõ ràng nhất của ông ấy là phản ứng chậm chạp. Ví dụ như, thứ gì đó ở ngay trước mắt thì ông ấy tìm không ra; trời lạnh ông ấy không biết mặc thêm áo; trời nóng ông ấy không biết cởi bớt áo. Đã từng có một thời gian, ông ấy đột nhiên nói chuyện nói không rõ, chỉ có thể nói vài chữ mà người khác nghe cũng không hiểu. Sau này, tôi dẫn ông ấy theo mình hàng ngày đọc một đoạn nhỏ trong sách “Chuyển Pháp Luân”.

Một tháng trôi qua, chồng tôi đã dần dần hồi phục. Trước đây lúc bán hàng, dù cho bận thế nào tôi cũng không nhờ ông ấy, bởi vì ngay cả gói hàng thì ông ấy cũng không biết làm. Một người như thế trong hơn một tháng tôi bị bắt không có ở nhà, ông ấy đã kiên trì đẩy xe bán hàng thay cho tôi. Dù rằng có chị gái phụ giúp, nhưng tôi thấy nó thật quá thần kỳ!

Trong lúc tôi bị bức hại lần này, tinh thần của chồng tôi đã khởi lên một cách thần kỳ. Sau khi tôi về nhà, chồng tôi lấy ra một cuốn “Chuyển Pháp Luân” từ chỗ ông ấy giấu trong nhà đưa cho tôi và nói: “Bà xem, cuốn sách này là tôi cố ý giữ lại trong nhà cho bà xem. Những sách còn lại tôi đã giấu đi chỗ khác rồi.” Việc làm thiện của chồng tôi đã đắc được phúc báo.

Nhồi máu cơ tim, nhồi máu não là những chứng bệnh mà y học hiện đại rất khó chữa khỏi, họ chỉ có thể giữ cho bệnh tình không tiến triển tệ hơn, về căn bản không thể chữa hết. Anh chồng tôi nói: “Thật không ngờ, em trai tôi mấy năm nay tinh thần đã khởi lên, trông còn tốt hơn mấy năm trước nữa.” Chồng tôi nói lại: “Thế nào mà tôi quên mất nói với họ là Sư phụ Đại Pháp đã bảo hộ tôi? Lần sau gặp lại họ, tôi nhất định phải nói thêm vài câu.”

5. Đổi xe bán thức ăn

Xe bán thức ăn nhỏ của tôi cũng không ngừng nâng cấp, lúc mới khai trương người khác tặng tôi chiếc xe, về sau tôi chế nó thành chiếc xe lớn hơn. Bây giờ, tôi lại đổi xe, đổi thành một chiếc xe đẩy che kín toàn bộ, như thế không cần lo lắng gió thổi mưa tạt nữa.

Lúc tôi vừa mới mua chiếc xe này, chủ quầy bên cạnh cũng vội vàng mua một chiếc xe to và tốt hơn xe của tôi. Chiếc xe của anh ấy đứng choáng hết phía trước xe của tôi.

Mới đầu, trong tâm tôi thấy rất khó chịu. Nhưng tôi nghĩ lại, mình ở đây đang làm gì? Mình đang cạnh tranh với người ta sao? Như thế sao tính là người tu luyện cho được? Chút việc này mà còn nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình có niệm đầu bất chính. Khi đã tìm ra vấn đề, xoay chuyển tâm thái của mình thì trong tâm tôi trở nên thản nhiên.

Nhưng dường như vẫn còn khảo nghiệm xem tôi có buông tâm xuống chưa. Có người nói với tôi: “Xe của cô nằm khuất phía sau quá.” Tôi bèn nói: “Không sao, ở đâu cũng như nhau.” Cứ cách mấy ngày lại có người nói: “Xe của ông ta che hết quầy cô, chúng tôi đều thấy bất bình thay cho cô.” Tôi cười ha hả nói: “Tiền tài của tôi thì không ai chặn được hết.”

Kỳ thực hiện nay các ngành các nghề kiếm sống không dễ, đặc biệt là sau khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều người kiếm sống không còn như trước kia. Chủ quầy hàng kế bên tôi cũng buôn bán ế ẩm. Trong khi đó, quán nhỏ của tôi không những không bị ảnh hưởng gì, ngược lại càng ngày càng tốt hơn. Ngay cả trong thời kỳ phong tỏa thành phố và tiểu khu, kinh doanh của quán tôi cũng không bị gián đoạn. Các chủ quầy hàng xung quanh tôi do sợ bị nhiễm bệnh nên không ra buôn bán nữa. Có người rất ngạc nhiên hỏi tôi: “Chị không sợ bị nhiễm bệnh sao?” Tôi nói với họ: “Ôn dịch có mắt, đều do Ôn Thần khống chế.” Từ đó tôi bắt chuyện giảng chân tướng, và đã tặng thực khách hai mã QR có chứa sự thật về dịch bệnh.

Thực ra nơi tôi bày bán không ở khu thành thị náo nhiệt, cũng không phải ở mặt tiền đường, xung quanh chỉ có một tiểu khu ít dân cư. Bên cạnh đó, xung quanh có một tiểu khu đã được di dời nên phần lớn dân cư đã rời khỏi đó. Hiện nay ở đâu cũng có các quầy hàng nhỏ, rất nhiều người đi qua các quầy hàng lân cận, dạo quanh rồi cũng đến chỗ tôi đây. Rất nhiều thực khách hàng đến quầy tôi đều là những người quay lại nhiều lần, cũng có người nói với tôi: “Tôi đến đây vì nghe nói chỗ cô nổi tiếng lắm.” Ngày nay, người ta đều có xe hơi nên xe cộ thường hay qua lại trước xe thức ăn của tôi.

Trải qua biết bao mưa gió, xe bán thức ăn nhỏ này đã cùng tôi bước đi hơn mười mấy năm. Mười mấy năm nay, dù cho mưa to gió lớn cỡ nào, dù cho tà ác mưu đồ bức hại, hay là tôi bị bắt cóc không thể về nhà, xe thức ăn nhỏ dưới sự bảo hộ từ bi của Sư phụ đã đi cho đến hôm nay. Tôi cũng từ hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, đến hôm nay điều kiện kinh tế đã phát sinh thay đổi to lớn. Từ lúc mới đầu trôi dạt tha hương, không dám bước ra, cho đến bây giờ tôi đã có thể thản nhiên nói với mọi người: “Tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Tôi rất vui mừng vì mình không đánh mất bản thân trong hoàn cảnh sinh hoạt túng quẫn và áp lực của cuộc đàn áp. Đệ tử được tắm trong hồng ân của Sư tôn, không có cách nào biểu đạt lòng cảm kích của mình. Cảm ân từ bi cứu độ của Sư tôn! Tôi cũng mong mọi người đều có thể minh bạch chân tướng, cảm nhận được sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/5/19/【慶祝513】風雨中的小吃攤-425776.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/24/193299.html

Đăng ngày 31-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share