Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-05-2021] Gần đây, kháng cáo án tù bảy năm của luật sư Đỗ Cảnh Nghĩa ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bác bỏ. Vợ ông bị bắt sau ông một năm hiện đã bị xét xử vào tháng 12 năm 2020 và hiện đang đợi phán quyết.

Ông Đỗ bị bắt và kết án vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 2019, ông Đỗ, ngoài 60 tuổi, bị bắt khi đang đi ra ngoài mua đồ tạp hóa. Sau đó họ đã lấy chìa khóa và lục soát nhà của ông. Mặc dù vợ ông, bà Thôi Ngọc Thu, và con gái họ là cô Đỗ Tân, cũng bị bắt giữ, nhưng họ đã được thả vào khoảng 11 giờ tối cùng ngày.

Ông Đỗ bị nhốt qua đêm tại Đồn Công an Nghĩa Hòa Lộ và bị chuyển đến Trại tạm giam số 2 thành phố Trường Xuân vào ngày hôm sau. Ông từng phải nhập viện vì bị ghẻ do điều kiện vệ sinh trong phòng giam không đảm bảo.

Hai ngày sau phiên xét xử sơ thẩm ngày 13 tháng 7 năm 2020 của ông Đỗ tại Tòa án quận Triều Dương, công an đã ập vào nhà và bắt vợ và con gái ông một lần nữa. Trong khi cô Đỗ được thả sau 13 ngày bị giam giữ, bà Thôi vẫn bị giam trong trại tạm giam số 4 thành phố Trường Xuân.

Trong phiên xét xử thứ hai của ông Đỗ diễn ra vào ngày 28 tháng 9, thẩm phán Trương Đan đã cấm con gái ông tham dự phiên tòa với lý do cô là nhân chứng chống lại ông Đỗ. Khi cô Đỗ đi ra ngoài để tìm một thành viên trong gia đình khác tham gia phiên xử giúp cô, thẩm phán đã bắt đầu tiến hành xét xử và từ chối cho người thân của ông Đỗ vào phòng xử án.

Ngày 10 tháng 12 năm 2020, gia đình ông Đỗ đã nhận được thông báo của Tòa án quận Triều Dương, nói rằng họ sẽ xét xử bà Thôi vào ngày hôm sau. Thẩm phán nói rằng gia đình không được phép tham dự phiên xét xử, bởi đây là vụ án “rất đặt biệt”.

Gần đây ông Đỗ đã bị kết án bảy năm tù. Gia đình ông không nhận được thông báo về phán quyết. Ông đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân, nhưng cơ quan này đã ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu của ông. Không rõ ông đã bị chuyển tới nhà tù hay chưa.

Bức hại trước đó của bà Thôi

Bà Thôi, 68 tuổi, từng làm việc trong bưu điện của trường Đại học Cát Lâm. Cả bà và ông Đỗ đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và tin rằng việc tu luyện pháp môn này đã giúp họ cải thiện sức khỏe, trong đó có bệnh tim, viêm mũi, và bệnh thận.

Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà từng bị kết án một năm vào tháng 4 năm 2002 và 1,5 năm vào tháng 11 năm 2003, cả hai lần bà đều bị giam trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử. Bà thường bị đánh đập, sốc điện, cấm ngủ, cưỡng chế lao động không công trong thời gian dài.

Án lao động lần hai của bà Thôi là một đòn nặng giáng vào người mẹ già của bà. Bà cụ đã ngoài 90 tuổi bị trầm cảm và sớm qua đời. Bởi nhớ mẹ, kết quả học tập ở của cô Đỗ ở trường trung học đã nhanh chóng tụt dốc. Cô từng là một trong những học sinh xuất sắc của lớp, nhưng lại không được nhận vào trường đại học, khiến cô gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc.

Bài liên quan:

Một luật sư bị đưa ra xét xử, vợ và con gái cũng bị bắt vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/3/424120.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/9/192254.html

Đăng ngày 21-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share