Theo một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-02-2011] Tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 2000, bị bắt giữ bất hợp pháp và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh. Điểm đặc thù của trại lao động cưỡng bức này là sự nổi tiếng về vi phạm nhân quyền. Khi tôi ở đó, tôi đã chứng kiến nhiều điều xấu.
Vị trí của Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh
Không kể tuổi tác chúng tôi thế nào, hoặc sức khỏe chúng tôi tồi tệ ra sao, tất cả tù nhân Pháp Luân Công phải thức dậy lúc 5 giờ sáng và chạy ở bên ngoài bất kể thời tiết. Sau một bữa sáng nuốt không trôi, chúng tôi phải làm việc tại các xưởng, làm hoa, áo len dài tay, đồ thủ công, và quần áo cotton để xuất khẩu. Chúng tôi tiếp xúc với những hóa chất độc hại hàng ngày. Chúng tôi làm việc trong một thời gian dài, đến tận 10 giờ tối, và đôi khi là đến nửa đêm.
Lính canh liên tục đưa những học viên Pháp Luân Công lớn tuổi đi và tra tấn họ. Một học viên tên Tô Cúc Trân đã bị tra tấn đến chết. Họ không cho bà ngủ vào ban đêm và buộc bà phải ngồi xổm trong thời gian dài. Giám đốc Vương Nãi Dân và đội trưởng Tô Cảnh Thường đã nhiều lần khuyến khích Dương Kiếm Hồng (một tù nhân khác) và nhiều cộng tác viên khác đánh đập hai bà Tô Cúc Trân và Trâu Quế Vinh bằng một tấm bảng. Dương Kiếm Hồng đã đánh họ gần như mỗi ngày, gây ra nhiều vết thâm tím trên khắp cơ thể họ. Họ thường xuyên không được cung cấp thức ăn. Bà Trâu bị ép phải ăn thức ăn thừa rơi vãi ở trên các bậc vào nhà tắm. Bà Trâu bị tra tấn đến mức chỉ còn có thể nhìn lờ mờ.
Bà Lưu, 67 tuổi, một học viên ở Cẩm Châu, đã bị tra tấn vì niềm tin của bà vào Chân – Thiện – Nhẫn. Bà bị ép phải ngồi ở một tư thế với đầu cúi xuống, hai tay ở sau lưng. Bà sẽ bị đánh nếu cử động. Sau khi giữ nguyên tư thế này trong một tiếng, mồ hôi của bà đã chảy thành từng vũng nước trên nền nhà, hai chân và người bà run rẩy không kiểm soát được. Sau đó bà bị ép phải viết cái gọi là tuyên bố bảo đảm.
Một học viên khác, bà Vương, vẫn không có tự do, kể cả sau khi bị cưỡng ép ký vào tuyên bố bảo đảm. Bà bị ép phải kìm hãm kinh nguyệt vì lính canh không cho bà dùng nhà vệ sinh. Mỗi ngày bà được dùng nhà vệ sinh 5 lần. Khi bà đang lao động cưỡng bức, bà đã yêu cầu đi vệ sinh nhiều lần, nhưng họ không cho bà đi. Thay vào đó họ bắt bà đi xung quanh cho đến khi kinh nguyệt chảy xuống dưới chân bà, khiến bà phát khóc. Chỉ sau khi làm bẽ mặt bà như vậy, họ mới cho bà dùng nhà vệ sinh.
Mỗi ngày chúng tôi có 10 phút vào buổi sáng và buổi đêm để vệ sinh. Khi chúng tôi muốn giặt quần áo, chúng tôi phải chờ đến lúc lính canh có tâm trạng tốt, hoặc trong khi chúng tôi đợi có nhiều việc hơn để làm. Đôi khi quần áo của chúng tôi không được giặt giũ trong thời gian các viên chức đến thăm trại, vì vậy họ bắt chúng tôi phải mua đồng phục mới. Chúng tôi cũng phải mua mọi thứ liên quan đến cuộc sống ở trong nhà tù. Nếu họ nói quần áo của chúng tôi không đủ tốt, chúng tôi phải mua quần áo mới; nếu không, chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Có từ 30 đến 40 người ở mỗi phòng, và đến mùa hè thì căn phòng nóng không tưởng tượng nổi.
Chúng tôi không có nước dùng trong mùa hè năm 2000. Có một đập nước nhân tạo gần đó mà các trang trại sử dụng để nuôi động vật của họ. Các loại thuốc trừ sâu được dùng trên cánh đồng đã khiến cho nguồn nước nhiễm độc và không thích hợp để sử dụng. Thậm chí động vật đã bị ngộ độc sau khi uống nước. Lính canh ép chúng tôi uống nước từ nguồn đó, và 95% học viên Pháp Luân Công đã bị đầu độc và trở nên rất yếu.
Lính canh cấm học viên gọi điện thoại cho gia đình và không cho phép bất kỳ ai đến thăm trong thời gian 20 ngày sau khi bị ngộ độc. Trong những ngày đó, họ ép học viên phải uống thuốc. Học viên Ngô ở Cẩm Châu và học viên Hòa ở Đại Liên là hai trường hợp bị ngộ độc nước uống nặng nhất. Họ bị đưa đến bệnh viện nhà tù. Máu của họ có màu tím đen khi được bệnh viện kiểm tra. Ngay cả nhân viên ở bệnh viện nhà tù cũng hỏi lính canh tại sao họ phải chờ khá lâu để đưa các học viên đến bệnh viện. Giám đốc Vương Nãi Dân, cùng Vương Thụ Chinh, Khâu Bình, Hoàng Hải Yến, Trương Quân, ngay lập tức ép hai học viên quay lại làm việc để tiếp tục kiếm tiền từ họ. Khi nhân viên y tế đến kiểm tra hai học viên này, họ được thông báo rằng dạ dày của học viên hoạt động không bình thường vì ăn uống thất thường.
Bành Canh, một học viên nam bị tra tấn đến chết, trước đây từng làm việc tại phòng luật công an ở Liêu Ninh. Anh chỉ mới 26 tuổi khi anh bị đưa từ trại giam đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Hai bên mông của anh đã mưng mủ do bị ngược đãi ở trại. Anh bị đưa đến Bệnh viện nhà tù Thiết Lĩnh. Khi anh trở lại, anh đã bị tra tấn đến chết ở trong tù. Anh là con một trong gia đình, mẹ anh vì đau buồn mà suy sụp.
Vương Thụ Chinh, trưởng Đội nữ số 2, đã dùng dùi cui điện để sốc điện một học viên nữ ở Triều Dương trong hai tiếng. Ông ta bịt miệng học viên bằng một cái giẻ, và liên tục hét vào học viên, “Cô có ghét tôi không?”
Bà Tôn Tố Trân ở Thiết Lĩnh đã bị tra tấn đến chết. Bà bị ép phải ngồi xổm ở hành lang trong thời gian dài. Họ kéo bà xung quanh nhiều nền nhà ở trong tù cho đến khi toàn bộ quần áo của bà bị rách. Phần trên cơ thể của bà bị lộ ra, và bà đã bị làm bẽ mặt.
Các viên chức và lính canh tù dùng nhiều phương cách tra tấn dã man đối với các học viên Pháp Luân Công để cố buộc họ từ bỏ niềm tin vào Chân – Thiện – Nhẫn. Báo cáo này chỉ là những gì tôi đã chứng kiến.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/2/24/辽宁省马三家教养院二零零零年间的奴役和暴力-236690.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/3/8/123677.html
Đăng ngày: 03-04-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.