Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-04-2021] Theo dự kiến, ông Hác Phúc Khuê, 84 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh sẽ được trả tự do vào ngày 2 tháng 6 năm 2021, sau khi mãn hạn ba năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Hác bị bắt trong một đợt bắt giữ quy mô lớn diễn ra vào ngày 8 tháng 10 năm 2017. Mặc dù ông đã được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 26 tháng 10, nhưng đã bị đưa trở lại giam giữ trong Nhà tù Đại Liên vào ngày 11 tháng 6 năm 2018 sau khi bị Tòa án quận Khai Phát xét xử, và ông đã bị kết án ba năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.

Ông Hác và người vợ quá cố Quách Ngọc Anh của ông là người gốc thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Bà Quách là người tu luyện Pháp Luân Công trước. Sau khi chứng kiến sức khỏe của bà được cải thiện, ông Hác và ba con gái của họ cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Khi cuộc bức hại bắt đầu, nhà máy dệt nơi ông Hác và vợ công tác trước kia đã đưa họ đến trung tâm tẩy não vào ngày 27 tháng 10 năm 2000, và theo dõi các hoạt động hàng ngày của họ.

Hai ngày sau, vợ chồng ông Hác đã trốn thoát và đến Bắc Kinh kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng đã bị bắt và giam giữ trong 33 ngày. Sau đó cả hai người sau đó đều bị cưỡng bức lao động hai năm và bị treo lương hưu trong 45 tháng.

Sau khi được thả, để tránh bị bức hại thêm nữa, hai người đã chuyển đến thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 20 tháng 5 năm 2005, trong khi luyện công, khoảng hơn 20 cảnh sát bất ngờ đột nhập vào tư gia của họ ở Đại Liên, chụp hình và lục soát mọi căn phòng.

Cảnh sát đã xới tung và đảo lộn ngôi nhà của cặp vợ chồng. Sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, máy tính, 4 điện thoại di động, 6 máy ghi âm và các đồ dùng cá nhân khác có trị giá hàng chục nghìn nhân dân tệ của họ đã bị tịch thu. Một cảnh sát cao khoảng hơn 1,8 m đã đá vào lưng ông Hác ba lần, lúc đó ông Hác ngoài 60 tuổi.

Sau khi bị giữ tại đồn công an một ngày, bà Quách được thả vào khoảng 6 giờ chiều. Ông Hác bị chuyển đến Trại tạm giam quận Khai Phát. Ở đây ông bị đột quỵ và rơi vào tình trạng nguy kịch. Bất chấp điều đó, cảnh sát vẫn từ chối thả ông, mà thay vào đó, ông còn bị kết án hai năm và đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng vào ngày 28 tháng 3 năm 2006.

Tại thời điểm trở về nhà từ trại lao động, sức khỏe của ông Hác rất kém. Sau khi khôi phục tu luyện Pháp Luân Công, ông dần dần phục hồi.

Cuộc sống yên ổn của vợ chồng ông Hác không kéo dài được bao lâu, vào năm 2012, cảnh sát lại bắt đầu sách nhiễu và giám sát cuộc sống hàng ngày của họ. Áo lực tinh thần to lớn đã tàn phá sức khỏe của bà Quách và bà đã qua đời vào ngày 12 tháng 5 năm 2014.

Ngoài cặp vợ chồng lớn tuổi này, ba cô con gái của họ là cô Hác Nguyệt Linh (một thủ thư), cô Hác Nguyệt Sơn (một giáo viên vật lý cấp hai) và cô Hác Nguyệt Hồng cũng bị bức hại vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.

Bài liên quan:

Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh: 21 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi, trong đó hai người ngoài 80 tuổi, vẫn đang bị cầm tù vì đức tin của họ

Cụ ông 81 tuổi bị kết án ba năm tù vì đức tin của mình

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/10/423193.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/16/191897.html

Đăng ngày 07-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share