Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-02-2021] Có rất nhiều học viên có lối sống thanh đạm. Họ không muốn tiêu tiền vào bất cứ thứ gì.

Vài năm đầu, tài chính gia đình tôi khá khó khăn, chúng tôi sống với một khoản chi tiêu rất eo hẹp. Rất ý thức về điều này, nên tôi tính toán chi li từng đồng. Chồng tôi thì ngược lại, không biết tính toán chi tiêu, do đó chúng tôi rất hay cãi nhau.

Chồng tôi luôn mua hàng hoá một cách dư thừa. Ví dụ, thường người ta chỉ mua mỗi lần một hộp đậu hũ, chồng tôi thì mua cả khay. Khi tôi bảo anh rằng anh đã mua quá nhiều đậu hũ, anh sẽ vứt những phần còn lại đi.

Tôi rất khó chịu và luôn tranh cãi với anh về việc này. Tôi biết mình là một học viên, tôi không nên cãi nhau với chồng. Tôi biết mình phải tu bản thân. Biết rằng mình đã sai, nhưng tôi không biết mình chấp trước vào điều gì. Tôi nghĩ: “Chúng tôi không giàu có, nhưng chồng tôi lại không biết cách quản lý tiền bạc. Làm sao chúng tôi có thể tiết kiệm đây.” Tôi chợt nhận ra mình đang suy nghĩ từ góc độ của người thường, và tôi nên hướng nội.

Tôi hướng nội và tự hỏi mình tại sao lại hay cãi nhau với chồng như thế. Tôi nhận ra mình có quan niệm rằng anh ấy nên tiết kiệm và học cách tính toán chi tiêu. Tôi chỉ cảm thấy anh ấy đúng nếu anh ấy phù hợp với quan niệm của tôi; anh sẽ sai nếu không phù hợp với quan niệm của tôi. Tôi nhận ra mình đã bị chi phối bởi những quan niệm. Tôi nhận ra là một học viên, tôi nên xem xét mọi thứ từ quan điểm của Pháp thay vì quan niệm của người thường.

Sư phụ giảng:

“Kỳ thực người nào có mệnh người đó, ai cũng không thể làm chủ được vận mệnh của người khác cả. Có người nói tôi chính là muốn thế hệ sau của tôi được tốt. Nếu thế hệ sau của chư vị không có phúc, chư vị có lưu lại bao nhiêu phúc phận họ cũng sẽ vung tiền sạch sẽ, hoặc một ngọn lửa đốt cháy mất, hoặc bị rơi mất, bị trộm; nếu như họ có phúc phận, vậy thì họ sẽ có thể thừa kế. Người nào có mệnh người đó, không ai có thể quản được người khác, chớ thấy [đó] là người thân của chư vị, đời này là người thân của chư vị, đời sau nói không chừng lại là người thân của người khác, hơn nữa đời trước [họ] cũng là người thân của người khác. Cho nên người nào có mệnh của người đó, nói rằng chúng ta cứ muốn người khác như thế nào, thì nhất định không được, bởi vì sinh mệnh của con người không phải do con người an bài, [mà] là Thần đến an bài.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston năm 1996)

Chồng tôi không phải là một học viên. Cuộc sống của anh đã được an bài, bao gồm cả số tiền anh sẽ có. Nó sẽ không thay đổi dựa trên sở thích và lối sống thanh đạm của tôi. Chúng ta có bao nhiêu tiền trong cuộc sống không được quyết định bởi mức độ tiết kiệm. Tất cả đã được an bài và đó là một phần của cuộc đời chúng ta.

Tôi nhận ra mình đã sai. Tuy nhiên, tôi đã không biết làm thế nào để cải thiện. Tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi thấy anh mua nhiều hơn mức cần thiết. Tôi quyết định quy chính bản thân theo Pháp và tu bỏ chấp trước vào tiền bạc.

Đầu tiên, tôi ngừng phàn nàn với chồng về việc chi tiêu quá nhiều hoặc khi anh ấy mua nhiều hơn mức chúng tôi cần.

Một ngày như thường lệ, chồng tôi lại mua quá nhiều rau củ. Tôi tự nghĩ: “Mình có chấp trước vào tiền bạc. Mình phải buông bỏ chấp trước này.” Tôi giữ lại phần chúng tôi cần, phần còn lại, tôi phân phát cho hàng xóm. Tôi cũng bắt đầu chia sẻ đồ tiêu dùng mua thừa của chúng tôi với hàng xóm và loại bỏ chấp trước của mình.

Chồng tôi như chợt tỉnh và nói: “Sao tôi lại mua nhiều rau thế nhỉ! Chúng ta không thể ăn hết. Đó chẳng phải là lãng phí sao?” Kể từ đó, anh ấy chỉ mua số lượng chúng tôi cần và thậm chí anh còn nhắc tôi đừng mua quá nhiều. Trong khoảng thời gian ngắn này, anh đã cư xử như một con người khác. Tôi nhận ra anh ấy hành xử như trước đây là để giúp tôi đề cao tâm tính. Anh ấy đã thay đổi sau khi tôi buông bỏ chấp trước của mình.

Tiết kiệm là một đức tính truyền thống; tuy nhiên, sang cực đoan lại là quan niệm của người thường. Chúng ta nên loại bỏ chấp trước vào mất và được, đồng thời xem nhẹ tư lợi.

Sư phụ giảng:

“Bất kỳ quan niệm nào của con người đều là chướng ngại, tôi không phản đối những huy hoàng xuất hiện khi xã hội nhân loại phát triển đến ngày hôm nay, tôi cũng không phản đối những kinh nghiệm tích lũy được trong xã hội nhân loại khi nhân loại phát triển đến ngày nay. Nhưng tôi bảo cho mọi người biết, [là] người tu luyện các vị ắt phải buông bỏ nó từ trong tư tưởng. Người thường bình thường họ có thể ở trong cái huy hoàng này, họ có thể ở trong quan niệm của con người mà sinh tồn, nhưng là người tu luyện, chư vị phải buông bỏ những quan niệm hậu thiên này, cũng chính là đạo lý mà tôi giảng đây, phù hợp với người thường ở mức tối đa mà tu luyện. Chư vị sống giữa người thường, chư vị có thể đi làm, đi học giống như người thường, nhưng quan niệm của con người thì chư vị phải buông bỏ” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Sư phụ cũng giảng:

“Bởi vì người tu luyện sẽ không dễ dàng hình thành quan niệm tại nơi người thường, họ đặt Pháp lên trên hết thảy, dùng Pháp phá mê, phá trừ quan niệm người thường, và hết thảy đều lấy Pháp đo lường. Ngoại trừ việc kiên định chính niệm duy hộ Pháp, đối với việc của người thường thì làm mà vô cầu, làm hay không làm đều không có chấp trước, lại càng không có quan niệm cố định.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Chúng ta nên hiểu Pháp lý này mà Sư phụ đã dạy chúng ta. Chúng ta nên làm những gì Sư phụ yêu cầu, và nhảy thoát khỏi tư tưởng người thường của chúng ta.

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/15/420828.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/19/191012.html

Đăng ngày 12-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share