Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ ở Khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-03-2021] Sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công, một cặp vợ chồng ở thành phố Ngân Xuyên, Khu tự trị Ninh Hạ lại bị bắt vào ngày 24 tháng 10 năm 2020 và hiện đang đối mặt với việc bị truy tố lần nữa.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần và thiền định đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Tháng 10 năm 2020, ông Trịnh Vĩnh Tân và vợ là bà Dương Khiết đã đến thành phố Trung Vệ ở trong cùng khu vực để thăm cha mẹ của bà Dương nhưng lại bị nhắm đến trong một vụ bắt giữ theo nhóm ở địa phương vào ngày 24 tháng 10. Hiện có thông tin xác nhận rằng việc bắt giữ chín người trong số các học viên bị bắt đã được thông qua.

Trong số họ, ông Trịnh, bà Dương, bà Hoàng Ngọc Hà, bà Thường Tú Nga và bà Ôn Tĩnh đã bị giam tại trại tạm giam Thành phố Trung Vệ. Bà Cảnh Ngọc Linh bị giam ở trại tạm giam Thành phố Ngân Xuyên. Bà Vương Thuận Cần ở trại tạm giam Thành phố Thạch Chuỷ Sơn. Bà Ôn Ngọc Tú và bà Trương Ngọc Liên bị giám sát tại nhà.

Trước lần bắt giữ cuối cùng này, ông Trịnh, một nhân viên về hưu của Cục Điện lực Thành phố Ngân Xuyên, đã liên tục bị bắt và giam giữ. Ông từng bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và vì ông đã tuyệt thực trước khi mãn án giam một năm nên chính quyền đã kết án ông sáu năm và chuyển ông đến nhà tù. Nơi làm việc đã sa thải ông không lâu sau đó. Người vợ trước cũng ly dị ông và ông buộc phải chuyển chỗ ở. Do bị áp lực từ cuộc bức hại mà cha ông đã qua đời vào năm 2014.

Bà Dương, 51 tuổi, một cựu nhân viên công ty bảo hiểm nhân thọ, đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Vì kiên định đức tin của mình, bà đã bị giam năm năm trong các trại lao động và bị một án tù 3,5 năm. Chồng trước của bà đã ly dị bà do cuộc bức hại và bà đã kết hôn với ông Trịnh vào năm 2010.

Sau đây là bức hại trong quá khứ của ông Trịnh và bà Dương.

Ông Trịnh Vĩnh Tân bị bức hại

Ông Trịnh bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 20 tháng 8 năm 2000. Cảnh sát đưa ông về nhà và lục soát nơi ở. Các sách Pháp Luân Công và video các bài giảng đã bị tịch thu. Trong khi ông bị giam tại trại tạm giam địa phương, lính canh đã ép ông phải lao động không công.

Sau đó ông bị kết án ba năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Thổ Cương Tử. Ông bị ép phải tải xi măng, than và đá cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày khi ông về giường, cả cơ thể và các ngón tay đều bị đau liên tục do lao động nặng. Vào buổi sáng, ông phải rất khó khăn mới dậy được.

Lính canh chỉ cho ông một bộ đồng phục làm việc. Nó luôn ẩm ướt sau một ngày làm việc. Vào mùa đông, bộ đồng phục vẫn ẩm ướt vào sáng hôm sau và khi ông mặc vào thì giống như là bước vào một căn phòng lạnh giá.

Khi các tù nhân không thể hoàn thành chỉ tiêu, các lính canh sẽ đánh họ bằng thắt lưng da. Một số tù nhân (không phải học viên Pháp Luân Công) không thể chịu nổi tra tấn và đã tự sát.

Khi ông Trịnh tuyệt thực tại trại lao động vào ngày 12 tháng 11 năm 2001 để phản đối bức hại, chính quyền đã kết án ông sáu năm tù để trừng phạt ông. Ông bị chuyển đến Nhà tù Ngô Trung và cũng bị nơi làm việc sa thải.

Trong tù, lính canh đã biệt giam ông và sắp xếp chín lính canh thay phiên trông chừng ông. Khi phát hiện ông đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, họ đã còng tay ông vào các cạnh giường. Còng chặt đến nỗi nó cắt vào thịt của ông. Chỉ khi tay ông chuyển sang màu xanh thì họ mới tháo còng tay. Khi ông ngủ vào buổi tối thì lính canh còng chân ông vào khung giường.

Khi ông mãn hạn tù vào tháng 11 năm 2007, Phòng 610 Ninh Hạ, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã từ chối thả ông và chuyển ông đến một trung tâm tẩy não, ông bị giam ở đây thêm ba tháng.

Ông Trịnh lại bị bắt vào tháng 6 năm 2008 trước Thế Vận Hội Bắc Kinh và bị giam một tháng. Cảnh sát lại bắt ông vào ngày 28 tháng 8 năm 2012 và giam ông một tháng. Lương hưu của ông cũng bị đình chỉ trong vài tháng vào năm 2018.

Ngày 17 tháng 9 năm 2019, ông Trịnh và bà Dương bị bắt cùng nhau và bị giam 14 ngày tại Trại tạm giữ Tôn Gia Than. Bà Dương được thả vào ngày 1 tháng 10 và ông Trịnh bị giam thêm một ngày tại đồn công an và được thả vào ngày 2 tháng 10.

Trước lần hai vợ chồng bị bắt vào tháng 10 năm 2020, hơn mười cảnh sát đã xông vào nhà họ vào ngày 2 tháng 9 năm 2020 và lệnh cho ông Trịnh phải ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông từ chối tuân theo, họ đã lục soát nhà ông và giam ông tại Đồn Công an Phú Ninh Nhai đến tận tối ngày 3 tháng 9.

Bà Dương Khiết bị bức hại

Sau khi chính quyền ra lệnh đàn áp vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Dương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt vào tháng 8 trong khi ở Bắc Kinh và bị đưa trở về Ninh Hạ. Cảnh sát đã thả bà sau khi tống tiền bà 3.000 Nhân dân tệ.

Vài ngày sau khi trở về nhà, bà bị cảnh sát truy tìm vì truy cập thông tin về Pháp Luân Công trên mạng internet và lại bị bắt. Lần này, bà bị giam trong một tháng và bị công ty bảo hiểm nhân thọ sa thải.

Tháng 10 năm 2000, bà quay trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và lại bị bắt lần nữa. Khi bà tuyệt thực trong cơ sở giam giữ, hai tay bà bị còng ra sau lưng và chân bị xích. Lính canh cũng đưa bà đến bệnh viện để bức thực và tra tấn bà.

Sau đó bà bị đưa trở về thành phố Trung Vệ và bị giam tại hai trại tạm giam mỗi nơi một tháng trước khi bị kết án hai năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Ninh Hạ.

Ngày 19 tháng 9 năm 2001, chỉ 16 ngày sau khi được thả, bà lại bị bắt tại nhà của người bà con. Cảnh sát đã kết án bà thêm hai năm lao động cưỡng bức sau một tháng giam giữ.

Trong trại lao động, bà Dương bị bức thực khi tuyệt thực để phản đối bức hại. Bà cũng bị ép phải lao động không công, bị đánh đập, treo lên, sốc điện bằng dùi cui điện vào mặt, cổ và miệng. Lính canh cũng trói hai tay bà ra sau lưng vào một cái cây và để bà đứng đó dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Khi mãn hạn hai năm, lính canh kéo dài thời gian giam giữ bà thêm một năm và bà đã suýt chết do bị tra tấn.

Bà lại bị bắt vào tháng 9 năm 2005 và bị Toà án Thạch Chuỷ Sơn kết án 3,5 năm. Trong Nhà tù Nữ Ninh Hạ, bà bị ép phải lao động không công, bị đánh đập và hai tay bị còng ra sau lưng. Phòng 610 Ninh Hạ đã giam bà thêm ba tháng tại một trung tâm tẩy não khi án tù của bà kết thúc vào tháng 3 năm 2009.

Sau khi bà Dương và ông Trịnh bị bắt vào ngày 28 tháng 8 năm 2012, bà Dương lâm vào tình trạng nguy hiểm sau khi bị giam bảy ngày và sau đó được thả.

Ngày 23 tháng 3 năm 2016, khi bà đến thăm một người bạn ở thành phố Thanh Đồng Hạp, bà đã bị cảnh sát theo dõi bắt giữ. Bà bị thẩm vấn và bị giam một ngày.

Trong thời gian bà bị giam, cảnh sát đã liên tục sách nhiễu cha mẹ bà. Áp lực tinh thần to lớn đã gây tổn hại đến sức khoẻ của họ khiến họ liên tục lâm bệnh và nhập viện. Chi phí y tế mà họ tiêu tốn trong vài năm qua đã lên đến hơn 100.000 Nhân dân tệ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/9/421869.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/19/191477.html

Đăng ngày 08-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share