Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 08-03-2021] Năm 2012, khi bà Chu Lạc Tân chạy trốn khỏi Trung Quốc đến Phần Lan, bà cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng mình có thể bắt đầu cuộc sống mới và đoàn tụ với chồng sau 11 năm xa cách.
Trước khi đến Phần Lan, bà đã thụ án 8 năm tù ở Trung Quốc vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Khi ở trong tù, bà phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp, cảm giác như mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ngay cả sau khi bà được thả, cảnh sát vẫn tiếp tục đến sách nhiễu, khiến bà phải sống trong sợ hãi mỗi ngày.
Ngày 20 tháng 7 năm 2013, khi bà Chu được mời phát biểu tại một cuộc mít-tinh ở Copenhagen với sự tham dự của các học viên Pháp Luân Công từ 27 quốc gia châu Âu và đại diện từ các tổ chức nhân quyền, để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại, tim bà đã tràn đầy cảm xúc.
Bà Chu nói: “Là một học viên Pháp Luân Công, tôi rất may mắn khi được đứng ở đây ngày hôm nay. Nhưng có hàng triệu học viên ở Trung Quốc, những người đã tan vỡ gia đình hoặc đang bị tra tấn tàn bạo trong tù, những người không có cơ hội để nói một cách tự do. Vì vậy, tôi muốn thay mặt họ kêu gọi, thỉnh cầu các bạn làm tất cả những gì có thể để giúp chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại đen tối nhất trong lịch sử nhân loại này.”
Bà Chu Lạc Tân (trái) nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trong một sự kiện ở Phần Lan
Ngày 3 tháng 12 năm 2002, trước khi bà Chu bị bắt lần đầu tiên, Phòng Công an Quảng Châu đã treo thưởng 100.000 Nhân dân tệ cho những người khai báo nơi ở của bà. Sau đó bà bị kết án và bị giam giữ trong tù cho đến năm 2009. Bà đã trải qua hai năm mười tháng bị biệt giam và bị tẩy não dữ dội, dưới nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm buộc bà từ bỏ đức tin của mình. Bà bị lính canh cấm liên lạc với bất kỳ ai hoặc nhận bất kỳ thông tin nào bên ngoài nhà tù. Sự tra tấn kéo dài khiến bà ấy đứng bên bờ vực của cái chết. Bà đã từng bị ép xuống sàn phòng giam với xiềng xích nặng 14-18 kg trong 14 ngày và không thể đi lại khi chúng được tháo ra.
Hình minh họa tra tấn: Bị ép xuống sàn bằng xiềng xích nặng
Ngày 26 tháng 1 năm 2012, với sự giúp đỡ của nhiều người bên ngoài Trung Quốc, bà Chu đã bay đến Helsinki, Phần Lan, để đoàn tụ với chồng bà, ông Ngô Chí Bình, cũng là một học viên Pháp Luân Công, người mà bà đã không gặp trong 11 năm.
Ngày 27 tháng 1 năm 2021, Ngày tưởng niệm Holocaust quốc tế hàng năm, bà Chu bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Phần Lan, bà nói: “Tôi đánh giá rất cao chính phủ Phần Lan vì viện trợ nhân đạo quốc tế để cho tôi có cơ hội nói chuyện ở một đất nước tự do về sự tra tấn vô nhân đạo cả về thể xác và tinh thần mà tôi phải chịu đựng ở Trung Quốc vì không từ bỏ đức tin của mình. Tôi còn biết ơn hơn nữa khi 26 năm trước tôi đã có cơ hội nghe các bài giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí, vì từ đó, hạt giống thiện lương được gieo vào tâm hồn tôi và tôi đã bước vào một cuộc sống tràn đầy hy vọng.”
Được chẩn đoán mắc bệnh giai đoạn cuối ở tuổi 29
Năm 1994, bà Chu 29 tuổi đang làm việc tại Hồng Kông. Một ngày, bà cảm thấy một cơn đau ngứa kỳ lạ trên mặt và có một vài nốt mụn đỏ tươi. Trong vòng hai tháng, sự đổi màu lan nhanh trên cơ thể bà. Bất cứ nơi nào bà gãi, các vết phồng rộp ngay lập tức xuất hiện trên da của bà. Cuối cùng, bà bị mẩn đỏ và sưng tấy khắp người, ngứa ngáy khó chịu. Bà đi khám bác sỹ y học cổ truyền Trung Quốc và bác sỹ Tây y đều chẩn đoán bà mắc bệnh lupus ban đỏ.
Vào thời điểm đó, bà phải chi hơn 100 đô la Hồng Kông mỗi ngày cho thuốc men. Tiền lương của bà ấy gần như không đủ chi phí. Nhưng chỉ trong vòng hai giờ sau khi bôi thuốc, cơn ngứa lại bắt đầu và thậm chí nó còn nặng hơn trước. Khi bà 30 tuổi, chỉ có bàn tay và vùng da dưới đầu gối của bà là bình thường. Bà ấy đã không thể làm việc trong giai đoạn sau của căn bệnh. Sáu tháng sau, bác sỹ khuyên bà nên “về nhà và sống nốt phần đời còn lại của mình” bởi vì cơ thể bà đã mất đi khả năng miễn dịch và không thể làm được gì hơn nữa.
Đó là khoảng thời gian chờ chết tại nhà. Thỉnh thoảng, bà đến gặp các bác sỹ dân gian và thử các đơn thuốc đặc biệt hoặc các phương pháp điều trị khác. Bà nhớ lại: “Tôi vừa mất mẹ và tôi bị bệnh nan y. Cuộc sống thật không thể biết trước được. Làm người thật là cay đắng. Tôi hy vọng có cơ hội tu luyện có thể giúp tôi thoát khỏi ‘vòng quay của’ sinh tử.”
Hoàn toàn phục hồi sau khi tu luyện Pháp Luân Công
Vào giữa tháng 12 năm 1994, Sư phụ Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã tổ chức loạt bài giảng cuối cùng ở Trung Quốc tại nhà thi đấu thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Hiệp hội Nghiên cứu Cơ thể người Quảng Châu đã tổ chức sự kiện này và khoảng sáu nghìn người từ khắp Trung Quốc đã tham dự các lớp học.
Bà Chu tình cờ đến thành phố Quảng Châu vào thời điểm đó. Một người bạn của bà đã mua hai vé và mời bà tham dự, nói rằng đó là môn khí công của Phật Gia, nó rất tốt, và vé khó có được.
Bà Chu nghĩ rằng vì cuộc sống của bà đã ở trong tình trạng như vậy, nên việc nghe các bài giảng sẽ không có hại gì. Nhưng bà ấy nói: “Tôi không mong đợi rằng những điều đáng kinh ngạc sẽ xảy ra.”
“Trong khi lên lớp, tôi không bị đau hay ngứa. Và sau buổi học thứ năm khi tôi thay đồ ở nhà, bất ngờ tôi phát hiện da mình mịn màng như da bình thường và không bị ngứa nữa. Bệnh của tôi đã được chữa khỏi mà không cần điều trị! Tôi biết rằng chính là Sư phụ Lý đã cứu mạng tôi. Lúc đó tôi thầm nói trong tâm: ‘Cảm ơn Sư phụ!’”
Bà đã trở lại làm việc và có thể sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Sau khi bình phục, bà được thăng chức làm trợ lý tổng giám đốc cho nhà phân phối Nintendo Nhật Bản tại Trung Quốc. Bà luôn tươi cười và làm công việc của mình một cách đúng đắn và chu đáo.
Cả gia đình bị ngược đãi vì kiên định vào đức tin của mình
Bà Chu là một người có tấm lòng nhân hậu và có nghị lực cao. Tháng 1 năm 1996, bà tình nguyện làm điều phối viên cho điểm luyện công của Pháp Luân Công ở huyện Lệ Loan, thành phố Quảng Châu, nơi bà gặp người chồng sau này của mình, ông Ngô Chí Bình.
Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, hai vợ chồng bà, mẹ, anh trai, chị dâu và dì của ông Ngô đều phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Bà Chu bị kết án 10 năm tù; ông Ngô Chí Bình bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong hai năm; anh trai ông, ông Ngô Chí Quân bị kết án 8 năm; chị dâu của ông, bà Lê Bội Trân đã bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong hai năm; dì của ông, bà Ngô Ngọc Uẩn bị đầu độc trong khi bị giam giữ và phải chịu đựng rất nhiều, tháng 9 năm 2004 bà ấy đã chết ngay sau khi ra tù ở tuổi 65. Mẹ của ông Ngô, bà Ngô Ngọc Nhàn bị kết án 7 năm và chết vào tháng 2 năm 2006 không lâu sau khi ra tù.
Thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, phơi bày cuộc bức hại
Khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Chu và nhiều học viên khác nghĩ rằng chính quyền chỉ đơn giản là hiểu sai về Pháp Luân Công, và họ đã đến văn phòng khiếu nại để nói rõ sự thật về môn tu luyện. Các nhân viên ở đó hoàn toàn phớt lờ khiếu lại pháp lý của họ, mà còn bắt giữ họ. Ngay sau đó bà Chu nhận ra rằng ĐCSTQ thực sự biết Pháp Luân Công là gì nhưng vẫn quyết định nhổ tận gốc môn tu luyện này khỏi Trung Quốc. Bà nghĩ rằng: “Tôi phải có trách nhiệm cho mọi người biết sự thật.”
Vào thời điểm đó, bà Chu đã bị sa thải khỏi nơi làm việc vì kiên định vào đức tin của mình. Bà nói: “Cuộc sống của tôi là do Pháp Luân Công ban tặng và tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ nó. Bây giờ Sư phụ của chúng tôi đang bị bôi nhọ, tôi phải lên tiếng thay cho Sư phụ bằng tất cả lương tri của mình. Pháp Luân Công sẽ giúp nhiều người hơn nữa trở thành người tốt. Hiện tại chính quyền và phương tiện truyền thông đang lừa dối mọi người và diễn giải những điều tốt là điều xấu và toàn bộ xã hội đang đi theo hướng ngược lại. Tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm phải nói ra sự thật.”
Sau đó, bà Chu bắt đầu tải tài liệu từ Minh Huệ Net và in chúng ra để phân phát cho công chúng.
Một ngày cuối tháng 5 năm 2001, chồng bà Chu là ông Ngô ra ngoài giao một số tài liệu cho các học viên khác nhưng mãi không về nhà. Đến sáng hôm sau, bà Chu nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Bà thu dọn một số đồ đạc và rời khỏi nhà trước bình minh để tránh bị bắt. Bà kể lại: “Tôi đã lo lắng cả đêm và hy vọng ông ấy sẽ bất ngờ xuất hiện. Tôi cố gắng bình tĩnh lại. Đêm đó dài không thể tưởng tượng được.”
Ban đầu, bà nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn trong vài ngày tới. Bà không bao giờ ngờ rằng phải 11 năm sau bà mới gặp lại chồng mình.
Phần thưởng 100.000 Nhân dân tệ cho nơi ở của bà
Để bắt giữ bà Chu, Phòng Công an Quảng Châu đã đăng thông báo treo thưởng 100.000 Nhân dân tệ cho người trình báo nơi ở của bà. Bà Chu đã suy nghĩ kỹ và khẳng định rằng việc tìm kiếm công lý cho Pháp Luân Công không phải là “tham gia vào chính trị” như ĐCSTQ đã buộc tội các học viên. Bà nói: “Mọi người có quyền biết sự thật, sau đó đưa ra nhận định của riêng mình. Ít nhất, mọi người nên có cơ hội biết Pháp Luân Công là gì. Cho dù người đó có muốn tu luyện Pháp Luân Công hay không, ít nhất người đó sẽ muốn trở thành một người tốt.”
Vào trưa ngày 3 tháng 12 năm 2001, khi bà Chu và hai học viên khác đang ở trong một chiếc taxi, cảnh sát bắt đầu theo dõi họ. Họ bị bắt ở bên kia đường chỗ Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Quảng Châu. Cảnh sát không cho gia đình bà biết nơi bà ấy đang bị giam giữ cũng như không cho phép họ đến thăm bà ấy.
Bà Chu bị giam trong phòng thẩm vấn ở Trại tạm giam Bạch Vân, nơi các bức tường được bao phủ bởi lớp đệm cách âm. Cảnh sát còng tay bà vào một chiếc ghế kim loại và thay phiên nhau thẩm vấn bà suốt ngày đêm. Họ cố ép bà cung cấp thông tin về các học viên Pháp Luân Công khác. Khi bà ấy từ chối làm theo, họ không cho phép bà sử dụng nhà vệ sinh.
Bà Chu nhớ lại: “Tôi thực sự tin rằng mình vô tội. Không có lý do gì để xúc phạm tôi và ngược đãi tôi theo cách này. Tôi bắt đầu tuyệt thực để phản đối việc bị tra tấn.” Khi cảnh sát thấy bà không ăn uống gì, họ cố ý ăn trước mặt bà để tăng thêm sự đau khổ về tinh thần cho bà.
Điều khó khăn nhất là vào ban đêm khi bà vẫn bị còng tay vào chiếc ghế kim loại và không thể ngủ được. Sau nhiều ngày thẩm vấn, bà Chu buồn ngủ đến mức không thể mở mắt. Cảnh sát thay phiên nhau theo dõi bà, đẩy bà và vỗ vào bà bất cứ khi nào bà nhắm mắt. Bà Chu đã đau đớn khủng khiếp. Bà bị xuất huyết dưới da, cũng như thường xuyên đau đầu và chóng mặt.
Đến ba bốn giờ sáng, ý thức của bà Chu ngày càng mờ nhạt. Các cảnh sát đánh bà ấy thật mạnh vào tay bị còng và chân của bà, dúi đầu bà và hỏi: “Cô đã liên lạc với ai? Cô đã gửi tài liệu đến đâu? Chỉ cần nói với chúng tôi, và cô sẽ không phải chịu đau đớn nữa.”
Mười bốn ngày sau khi tuyệt thực, bà Chu đang hấp hối và cảnh sát không thể lấy được thông tin gì từ bà. Họ quyết định bức thực bà, mặc dù có nhiều trường hợp học viên đã chết vì bị bức thực.
Bị bức thực
Hôm đó, bà Chu ngồi trên chiếc ghế kim loại ý thức không rõ ràng. Bà nghe thấy cảnh sát đi ra ngoài. Một lúc sau, bà nghe thấy tiếng bước chân lác đác. Hai hoặc ba tù nhân bế bà và kéo bà vào chỗ tắm của tù nhân. Họ đẩy bà ấy xuống đất. Một người ôm đầu bà và che mắt bà. Sau đó, bà cảm thấy một chiếc ống đang cắm vào mũi và vào bụng mình. Bà ấy rùng mình vì đau đớn. Trước khi bà có thể phản ứng, họ đã đổ một xô bột nhão vào ống.
Minh họa tra tấn: Bức thực
Lúc đầu bà Chu đã vùng vẫy vài lần. Ngay sau đó, toàn thân bà co cứng và bà bất giác run lên. Mũi và bụng bà bỏng rát. Một lúc sau, bà nghe thấy một người nói: “Sắp đến giờ rồi.” Ống được rút ra một cách thô bạo. Bà Chu run lên vì đau đớn, cơ thể bà bất giác co giật. Các tù nhân và cảnh sát đã cười và nói: “Hãy xem cô có thể chịu đựng được bao lâu. Chúng tôi sẽ không để cô chết. Chúng tôi sẽ tra tấn cô từ từ.”
Họ bỏ đi và để lại bà Chu nằm trên sàn bê tông. Bà không thể cử động và nước mắt bà đã rơi. Vài giờ sau, một số người đến và kéo bà vào phòng giam. Bà nói: “Tất cả nội tạng của tôi đều bị đau kéo dài trong vài ngày. Toàn thân tôi đau đến mức tôi không thể nói được. Não tôi hoàn toàn trống rỗng và tôi đang tự hỏi tại sao mình lại bị đối xử như vậy.”
Kể từ trải nghiệm đó, bà Chu đã được duy trì bởi ý chí tiếp tục sống. Bà nói: “Tôi tin rằng Pháp Luân Công vô tội và những gì Sư phụ dạy là đúng. Tôi quyết định rằng tôi phải thoát ra khỏi đó khi còn sống.”
Bị ép xuống sàn với xiềng xích nặng
Trong khi bà ở trong trại giam, lính canh đã sử dụng các cách tra tấn tàn nhẫn để cố bắt bà cung cấp thông tin về đồng tu của bà và từ bỏ đức tin của bà. Bà Chu nhiều lần nhớ lại những lời dạy của Sư phụ Lý Hồng Chí và nhớ lại trải nghiệm của bản thân khi luyện công. Bà ấy tin chắc rằng không có gì sai khi tuân theo các Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.
Để hủy hoại ý chí của bà, lính canh đã cùm bà xuống nền bê tông với những chiếc xiềng xích nặng khoảng 14 đến18 kg. Bà không thể nhớ mình đã bị bỏ lại đó bao nhiêu ngày mà không cử động, những sợi xích nặng đè lên da bà. Bà chỉ có thể di chuyển dây xích một chút để giảm bớt sự đau đớn.
Toàn bộ mặt bàn chân bà sưng lên. Cơn đau và tê lan từ mắt cá chân đến đầu gối và đùi, và từ da đến xương. Bà không khỏi run rẩy. Không có ngôn từ nào diễn tả hết sự đau đớn không thể chịu đựng được đó.
Minh họa tra tấn: Cùm mắt cá chân
Điều không thể chịu đựng hơn nữa là sự sỉ nhục mà bà phải chịu đựng. Bà nói: “Tôi đã phải đi tiểu trước hàng chục tù nhân cùng phòng. Các lính canh phía sau màn hình đã nhìn thấy mọi thứ rõ ràng. Tôi lớn lên trong một gia đình khá giả. Tôi đã làm việc trong một công ty nước ngoài sau khi tốt nghiệp, và tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác nhục nhã như thế. ĐCSTQ muốn tôi cảm thấy xấu hổ từng phút giây.”
Vào ngày thứ mười lăm, một nam tù nhân đến mở khóa cho bà và vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy chiếc cùm. Ông ấy hỏi: “Làm sao cô có thể chịu được điều này?” Chiếc vòng sắt đã cắt sâu vào da thịt bà và làm da bà bị phá hủy. Bắp chân bà sưng to như bắp đùi. Bà Chu nói rằng có thể người tù nhân đó có sự thông cảm với bà.
Ông ấy hạ giọng và nói: “Dù khó khăn cô cũng phải cố gắng bước đi. Nếu không đôi chân của cô sẽ bị hủy hoại.” Bà ấy lắc đầu, biểu thị rằng bà ấy không thể. Ông ấy nói: “Bọn chúng quá tàn nhẫn. Tử tù ở bên kia hành lang đeo xiềng xích nhưng nó nhẹ hơn nhiều và không có vấn đề gì khi đi lại… Sao họ có thể tàn nhẫn với các học viên Pháp Luân Công như vậy?”
Sau khi được tháo xiềng xích, bà Chu không thể đi lại được. Bà di chuyển đôi chân của mình một cách chậm rãi, nhưng mỗi bước di chuyển đều khiến chân bà run lên không kiểm soát được. Bà run rẩy, bám chặt vào tường để di chuyển, từng bước một. Bà ấy tự nhủ: “Mình phải sống sót để ra khỏi đây. Mình không thể chết. Cuộc sống không thể như thế này. Sư phụ đã cứu mình khỏi bệnh nan y, và mình sẽ sống sót. Mình không làm gì sai cả. Mọi người phải có niềm tin.”
Bà nhớ lại: “Đó là nghị lực đã chống đỡ tôi trong suốt những ngày đen tối đó.”
Cất giữ những điều tốt đẹp trong tim mình
Sau hai năm bị tra tấn, bà Chu vẫn kiên định rằng bà không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công.
Các lính canh đưa bà vào một căn phòng nhỏ, rộng 20 đến 30 mét vuông. Khi những người khác đang ngủ, lính canh bắt bà Chu xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và Sư phụ Lý Hồng Chí. Âm lượng đã được tăng đến mức tối đa. Nếu bà ấy nhắm mắt, người được giao nhiệm vụ trông chừng bà sẽ tát vào mặt bà. Vào thời điểm đó, bà Chu đã có một suy nghĩ: “Nội dung của những đoạn video này là sự giả dối vu khống và mình sẽ không nghe hay xem chúng. Sư phụ đã gieo hạt giống Chân, Thiện và Nhẫn trong trái tim mình và mình không thể để bọn chúng nhổ nó khỏi trái tim mình.”
Dưới sự bức hại tàn khốc trong thời gian dài, cơ thể bà ngày càng yếu đi, đặc biệt là thính giác. Bên tai bà thường xuyên bị ù và bà thường xuyên bị đau đầu và chóng mặt. Bà ấy chỉ có thể nằm trên giường 3 hoặc 4 tiếng mỗi ngày, nhưng bà liên tục nghe thấy tiếng ồn của âm thanh cường độ cao từ video. Bà không ngủ được. Tất cả những gì bà có thể làm là nằm xuống, nhắm mắt và cố gắng thư giãn.
Để buộc bà Chu phải thỏa hiệp, lính canh đã thay nhau tra tấn và tẩy não bà, mỗi đợt kéo dài 14 ngày. Họ cố gắng xáo trộn ký ức của bà về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bà bằng những lời nói dối lặp đi lặp lại liên tục. Bà Chu cẩn thận bảo vệ những mảnh ký ức của mình trong quá khứ. Để bản thân mãi mãi không tin vào những lời nói dối, bà liên tục nhớ đi nhớ lại những thăng trầm trong cuộc đời mình: sự ra đi đột ngột của mẹ bà, bà trực tiếp được tham dự các lớp học Pháp Luân Công và căn bệnh nan y của bà đã được chữa lành nhờ Pháp Luân Công như thế nào, v.v.
Sự khích lệ từ cha bà
Kể từ khi bà Chu bị bắt vào năm 2001, bà đã phải chịu đựng sự tra tấn liên tục cả về thể xác và tinh thần, nhưng bà chưa bao giờ từ bỏ đức tin của mình. Bởi vì bà ấy không bao giờ nhượng bộ, cảnh sát không bao giờ cho phép gia đình bà đến thăm bà. Ngày 25 tháng 4 năm 2003, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông để tẩy não trong phòng biệt giam. Vào cuối năm 2004, bất ngờ lính canh đã cho phép bà Chu gặp người cha 70 tuổi của mình.
Hôm đó, bà được đưa vào một căn phòng. Đột nhiên cánh cửa được mở ra và cha bà được đẩy vào trên một chiếc xe lăn. Ông ấy rất yếu. Vừa nhìn thấy con gái, nước mắt ông đã rơi. Bà nói: “Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng. Cha tôi cứ khóc và trái tim tôi như tan nát. Nhiều cảnh tượng trong quá khứ hiện về trong tâm trí tôi.”
Ngày hôm đó, cha bà Chu có cuộc hẹn với bác sỹ vì bệnh tiểu đường và huyết áp cao của ông. Tình trạng của ông rất nghiêm trọng, nhưng các nhân viên Phòng 610 đã kéo ông ấy đến nhà tù bằng mọi cách. Nhiều năm sau này, sau khi bà Chu được trả tự do, bà mới biết rằng mục đích của Phòng 610 sắp xếp cuộc gặp cho họ là để gây áp lực với cha bà để thuyết phục bà từ bỏ đức tin của mình.
Bà Chu nhớ lại: “Bố tôi làm việc ở Ma Cao để có thể kiếm đủ tiền nuôi tôi học đại học. Ông ấy biết tôi bị ung thư da và gia đình tôi gần như chi từng đồng để điều trị cho tôi. Ông ấy rất an tâm khi biết rằng tôi đã bình phục sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Ông thường nói với tôi rằng, không dễ để gặp được người tốt trong đời và chúng ta phải luôn nhớ đến những người đã giúp đỡ mình, nghĩ đến cội nguồn để trả ơn. Ông ấy nói với tôi rằng Sư phụ Lý Hồng Chí đã cứu mạng tôi. Tôi nên là một người tốt và trân trọng cuộc sống.”
Trong phòng tiếp đón, bà Chu khóc một cách đau khổ. Đáng lẽ ra, bà phải chăm sóc tốt cho cha mình, tuy nhiên, bà lại bị nhốt trong tù vì kiên định với đức tin của mình và nói ra sự thật. Bà cảm thấy tội lỗi vì cha bà đã bị đưa vào nhà tù mặc dù ông đã lớn tuổi. Bà cúi đầu và nước mắt bà tuôn rơi trên khuôn mặt.
Khi ngước nhìn cha, bà hơi sững người. Bà nói: “Tôi thấy bố nhìn tôi với ánh mắt khích lệ. Tôi có thể cảm thấy ông ấy đang động viên tôi tiếp tục sống.” Đúng lúc đó, người đứng cạnh cha bà thúc giục: “Nói đi! Mau nói đi!” Cha bà nhìn người đó, lắc đầu và không nói gì. Ông ấy trông buồn bã và nhanh chóng quay đi.
Hai năm mười tháng bị tẩy não
Khi ở trong tù, bà Chu ít biết rằng chồng bà đang cố gắng trợ giúp bà khi bà đang đấu tranh để giữ vững và chống lại việc tẩy não. Ông đã viết nhiều lá thư động viên bà hãy mạnh mẽ và đừng bỏ cuộc. Nhưng tiếc là bà ấy không bao giờ nhận được bất kỳ cái nào trong số chúng
Vào đầu năm 2007, bà Chu bị biệt giam trong hai năm mười tháng và bị tăng cường tẩy não. Các lính canh từ chối cho bà ấy tiếp cận với bất kỳ ai hoặc bất kỳ thông tin bên ngoài nào. Đôi khi họ hướng dẫn người nghiện ma túy đọc to những tài liệu bịa đặt vu khống cho bà ấy nghe. Khi họ biết rằng thính giác của bà đã bị tổn thương, họ hét vào tai bà. Sau đó thị lực của bà cũng trở nên kém. Bà thường xuyên bị tim đập nhanh, đổ mồ hôi lạnh và gặp ác mộng. Nhưng không gì có thể làm lung lay đức tin của bà.
Bà Chu đã kiệt quệ cả thể chất và tinh thần vì sự tra tấn lâu dài. Nhưng bà thường nhớ lại cảnh tượng khi được trực tiếp nghe Sư phụ Lý giảng Pháp vào năm 1994, và bà nhớ lại niềm hạnh phúc khi lấy lại được sinh mệnh của mình. Trong những ngày khó khăn nhất, bà Chu đã tự nhủ: “Mình đã trải nghiệm những điều kỳ diệu. Sư phụ đã cứu mạng mình để mình có thể trở thành một người có đạo đức ngay thẳng.“
Bà Chu nói: “Cuộc sống sẽ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, người ta không được quên những nguyên tắc làm người. Tôi thường nhắc nhở bản thân và cũng cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Dần dần, ý chí của tôi ngày càng mạnh mẽ và trái tim tôi tràn đầy hy vọng.”
Hy vọng cho tương lai
Bà Chu và chồng
Vào Ngày tưởng niệm Holocaust quốc tế năm nay, bà Chu đã đưa ra một thông điệp: “Trong 22 năm qua, ĐCSTQ đã không ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công và những người có đức tin khác, thậm chí mổ cướp nội tạng của họ trong khi họ còn sống. Chúng tôi kêu gọi nhiều người hơn trên khắp thế giới giúp chấm dứt cuộc bức hại tàn nhẫn này ngay lập tức. ĐCSTQ nên bị đưa ra trước công lý và bị trừng phạt nghiêm khắc.”
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/8/421551.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/14/191399.html
Đăng ngày 07-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.