Bài viết của Kỷ Trân Nghiên, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 15-01-2021] Sơn Đông, một trong những địa danh khởi nguồn của nền văn minh Hoa Hạ của chúng ta; quê hương của Khổng Tử (551-479 TCN), ông tổ của Nho giáo; và là nơi sinh của Tôn Võ – cũng được gọi là Tôn Tử, một danh tướng, chiến lược gia, triết học gia cùng thời với Khổng Tử, tác giả của “Binh pháp Tôn Tử”. Nơi đây cũng có rất nhiều danh nhân, như bậc thầy toán học cổ đại Lưu Huy, đã viết “Cửu chương toán thuật chú” tại đây; nhà văn thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm đã dành cả tuổi thanh xuân của ông ở đây, và viết cuốn “Nhạc Dương lâu ký” được lưu truyền qua nhiều thời đại.

Tuy nhiên, thật không may, một địa danh với lịch sử và văn hóa lâu đời như vậy đã phải trải qua sự cướp bóc dưới thời “Cách mạng Văn hóa” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); và một số lượng lớn sách cổ, tranh vẽ và thư pháp cũng như các di tích lịch sử khác đã bị phá hủy. Hơn 20 năm qua, từ năm 1999 đến nay, nơi đây cũng trở thành một trong những địa khu bức hại các học viên Pháp Luân Công, những người tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt, nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ. Trong số các học viên Pháp Luân Công bị bức hại này, nhiều người thuộc tầng lớp ưu tú trong xã hội ngày nay. Những gì chúng tôi kể cho bạn ngày hôm nay là câu chuyện của một trong số họ.

Ông tên là Vương Kiến Trung, năm nay 62 tuổi, là một nhà thư pháp và họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng. Thư pháp và tranh của ông đã được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, trong các viện bảo tàng ở Hồng Kông, Tokyo – Nhật Bản; cũng như tại bảo tàng Louvre, Pháp. Năm 2010, một trong những tác phẩm của ông đã giành được huy chương vàng tại Triển lãm Giao lưu Văn hóa và Nghệ thuật Trung Quốc lần thứ 10 tại Paris, Pháp. Các bài phỏng vấn và tác phẩm của ông cũng được đăng tải trên nhiều tạp chí nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ông Vương thành lập Viện Nghệ thuật Hội họa và Thư pháp Long Đô ở thành phố Tân Châu vào tháng 10 năm 2000, và đảm nhận vị trí Viện trưởng. Lão tiên sinh Vương Học Trọng, phó chủ tịch Hiệp hội Thư pháp gia Trung Quốc, kiêm chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật gia Thiên Tân đương thời đã viết lời chúc mừng khi biết tin. Nhiều quan chức như Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật đều đến chúc mừng và dự lễ cắt băng khai mạc. Tác phẩm của ông Vương trở thành món đồ được giới doanh nhân, chính trị gia và những người nổi tiếng săn lùng.

f6fea1d097a55ec35266ae3431e01f90.jpg

Ông Vương Kiến Trung thăm bảo tàng Louvre, Pháp vào năm 2008

Tuy nhiên, trong một buổi giao lưu văn hóa và nghệ thuật Trung-Mỹ vào năm 2012, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông Vương đã chọn rời quê hương và ở lại Hoa Kỳ để xin tị nạn chính trị. Sau đây là câu chuyện của ông.

Biến cố thay đổi cuộc đời ông Vương

Vào đầu những năm 90, ông Vương đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Tác phẩm của ông thường được các ấn phẩm quốc gia đánh giá cao. Ông là người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình và thường là khách mời danh dự của các quan chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một vụ tai nạn giao thông đã thay đổi tất cả.

Ông Vương nhớ lại: “Đó là vào tháng 3 năm 1998. Tôi đang băng qua đường thì bị một nam thanh niên đi xe máy tông vào. Tôi bị văng xa gần 10 mét. Tất cả đột ngột đến mức tôi thậm chí không biết chuyện gì đã xảy ra khi tỉnh lại. Sau đó, tôi được thông báo rằng người tài xế bị say rượu.”

Ông Vương được đưa đến bệnh viện và phải khâu sáu mũi. Bác sĩ nói rằng ông bị chấn động não mạnh và cần phải nằm viện ít nhất một tháng.

Một người bạn nghe tin về vụ tai nạn và đến thăm ông Vương tại bệnh viện. Ông khuyên ông Vương nên thử luyện Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi nghe những trải nghiệm tu luyện Pháp Luân Công của bạn mình, ông Vương quyết định tự mình bắt đầu tu luyện. Ông rời bệnh viện và bắt đầu đọc sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công.

aaf54f5b8988a34743924583e31911b5.jpg

Ông Vương Kiến Trung đọc sách Chuyển Pháp Luân

Ông Vương vẫn có thể nhớ lại cảm xúc của mình khi đọc cuốn sách lần đầu tiên.

“Tôi không thể đặt cuốn sách xuống khi đã bắt đầu đọc. Càng đọc, tôi lại càng muốn đọc hơn. Tôi cảm thấy toàn bộ sinh mệnh của mình được đắm chìm trong những nguyên lý được mô tả trong cuốn sách. Mặc dù bị chấn thương não do tai nạn nhưng tôi đã hoàn toàn quên đi những triệu chứng của mình khi đọc cuốn sách.”

Ông Vương đã đọc xong cuốn sách sau hai ngày. Sau đó, ông quyết định đọc lại cuốn sách nhiều lần. Trong vòng một tuần, ông đã hoàn toàn bình phục chấn thương. Bạn bè và gia đình ông đều nghĩ đó là một phép màu.

Khi được hỏi tại sao ông lại đọc đi đọc lại cuốn sách, ông nói: “Do thụ nhận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trước đây tôi không tin có Thần có quỷ. Cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi. Thật khó để diễn tả cảm giác vui mừng đó – cảm giác như tôi đột nhiên minh bạch ra nhiều điều. Pháp Luân Công thật sâu sắc và huyền bí. Tôi đã bị nó hấp dẫn một cách sâu sắc.”

Ông Vương cảm thấy rất may mắn khi biết Pháp Luân Công, và muốn chia sẻ môn tu luyện với những người khác. Ông bắt đầu truyền bá và nhanh chóng trở thành điều phối viên tình nguyện tại một số điểm luyện công ở thành phố Tân Châu.

thỉnh nguyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh

Khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Vương được cho là nhân vật chủ chốt và bị giam giữ ngay lập tức. Trong suốt hai tuần diễn ra các buổi tẩy não, ông Vương bị buộc phải xem các tuyên truyền được tạo ra để bôi nhọ Pháp Luân Công.

Sau khi được thả khỏi trung tâm tẩy não, ông Vương kiên trì tu luyện Pháp Luân Công. Khi chứng kiến bức hại leo thang, ông quyết định thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Vào ngày 31 tháng 12 năm 2000, ông Vương và ba học viên Pháp Luân Công khác đã lên Bắc Kinh.

Để tránh bị cảnh sát chặn lại, ông Vương và các bạn đồng hành của mình đã đến một huyện khác để bắt xe khách lên Bắc Kinh. Ông nhớ lại: “Ngay khi lên xe, tôi cảm thấy tất cả những vọng niệm trong đầu mình đều biến mất. Tôi chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác thuần tịnh, thư thái và thần thánh như vậy trước đây.”

Ông Vương và ba học viên khác đã đến Quảng trường Thiên An Môn vào sáng ngày 1 tháng 1 năm 2001. Sau khi ông Vương đi qua lối vào của quảng trường, ba học viên kia bị cảnh sát thẩm vấn và đưa đi. Ông Vương chỉ còn lại một mình. Ông chỉ mang theo một số tờ tài liệu, vì biểu ngữ mà họ chuẩn bị trước đó do ba học viên kia giữ.

Ông Vương nhớ lại: “Tôi đứng cạnh một cột cờ. Bầu trời bị mây đen bao phủ. Mặt trời bị che khuất và tôi chỉ có thể nhìn thấy một đám ánh sáng mờ nhạt.”

Ông Vương đã chứng kiến nhiều học viên trưng biểu ngữ trên quảng trường, rải tài liệu và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Ông cũng thấy quảng trường có rất nhiều cảnh sát, cả cảnh sát mặc thường phục và cảnh sát vũ trang mặc sắc phục.

Ông kể: “Tôi thấy các học viên bị cảnh sát đánh đập. Có một học viên nữ bị đánh đến bất tỉnh. Tôi nghĩ có thể cô ấy đã chết. Một học viên nam khác ngoài 50 tuổi bị hai cảnh sát giữ tay đẩy về phía một chiếc xe cảnh sát. Ông vẫn đang hô lớn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!’”

Những tiếng hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” cứ lần lượt vang lên. Ông Vương quyết định không thể đợi được nữa. Ông tung tài liệu về phía đám đông và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”

“Tâm trí tôi rất thanh tỉnh. Cảm giác thật tuyệt vời!” ông nhớ lại. Sau đó, ông nhanh chóng bị bốn năm cảnh sát vũ trang bắt giữ.

Trong vài tháng đầu năm 2001, nhiều học viên Pháp Luân Công, từ trẻ em đến người già, đã lên Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Họ đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm các quan chức chính phủ, quân nhân, trí thức, sinh viên và doanh nhân. Một nữ học viên từ nông thôn, người chưa bao giờ rời quê nhà trước đây, cũng tham gia thỉnh nguyện. Thậm chí các học viên ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hắc Long Giang hay Tân Cương – cách Bắc Kinh cả nghìn dặm – cũng đến thỉnh nguyện cho đức tin của họ.

Theo thông tin từ Cục Công an, ước tính có hơn một triệu học viên đã lên Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào lúc cao điểm nhất. Tính đến tháng 4 năm 2001, đã có hơn 830.000 vụ bắt giữ các học viên. Nhiều người đã không cho biết tên của họ vì sợ người thân bị liên đới. Ông Vương là một trong số đó.

Bị tra tấn trong khi giam giữ

Ông Vương bị đưa lên xe buýt và đưa đến Cửu Kính Trang, một địa điểm đặc biệt dùng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Trong hai căn phòng mà bình thường chứa được từ 50 đến 60 người, có hơn 200 học viên bị nhốt chen chúc ở đó. Ông Vương nhớ lại: “Chúng tôi đã cùng nhau đọc thuộc lòng các bài thơ của Sư phụ Lý Hồng Chí. Mặc dù chúng tôi không đọc to, nhưng tôi cảm thấy âm thanh của mọi người thực sự kinh thiên động địa.”

Sau đó, ông Vương được đưa đến khu 7, Trại giam số 1 Bắc Kinh, được biết là nơi giam giữ tất cả các tù nhân chính trị. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, nơi này cũng là nơi giam giữ nhiều người được gọi là “nhân vật chủ chốt” của Pháp Luân Công. Nhiều người đã bị tuyên án nặng.

Ngày đầu tiên bị giam, ông Vương bị đưa vào một phòng cùng với các học viên nam khác. Cảnh sát đã bắt họ cởi hết đồ và mở cửa sổ phòng. Nhiệt độ bên ngoài là -10ºC. Các học viên đã dựa sát vào nhau để giữ ấm. Ông Vương kể: “Suốt một ngày đêm, chúng tôi đã đọc thuộc lòng các bài thơ và kinh văn của Sư phụ.”

Ngày hôm sau, ông Vương được chuyển đến một phòng giam khác, và ông là học viên Pháp Luân Công duy nhất trong phòng giam. Cảnh sát đã chỉ dẫn các tù nhân khác khai thác thông tin cá nhân của ông Vương. Thay vào đó, ông Vương giảng cho các tù nhân về Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, ông Vương được chuyển đến một phòng giam khác, nơi toàn là các phạm nhân mang trọng tội giết người hoặc các tội ác bạo lực khác.

Dưới sự xúi giục của cảnh sát, những phạm nhân này đã thay nhau đánh đập ông cho đến khi ông không thể cử động được. Ông Vương đã tuyệt thực để phản đối việc bị ngược đãi. Vào ngày thứ 10 tuyệt thực, ông đã có một giấc mơ.

Ông Vương kể lại: “Tôi mơ thấy mình đang ở trên một chiến trường cổ xưa. Tôi bị nhiều kẻ thù bao vây. Nhưng tôi đã xuyên thủng bức tường của kẻ thù bằng thanh kiếm trên tay. Sau khi tỉnh dậy, tôi tự nhủ rằng có lẽ đó là điểm hóa rằng: Tôi có thể thoát khỏi trại giam.”

Hai ngày sau, khi cảnh sát thẩm vấn ông Vương về quê quán của ông, ông nói với họ rằng ông sống ở thành phố Tế Nam. Sau đó, trung tâm giam giữ đã thông báo cho Văn phòng Liên lạc Tế Nam ở Bắc Kinh đến đón ông. Khi đến Văn phòng Liên lạc Tế Nam, ông Vương được phép sử dụng nhà vệ sinh. Ông nhìn thấy một cửa sổ nhỏ hình vuông có chiều rộng và chiều cao nửa mét. Ông Vương trèo qua cửa sổ và đáp xuống sân của một tòa nhà khác. Sau khi trèo qua một bức tường khác để sang một cái sân khác, ông nhìn thấy một con phố đông đúc và ngay lập tức bắt taxi rời đi.

Ông chỉ mang theo 100 nhân dân tệ, nhưng không thể tìm được đã để ở đâu. Vì có người đang đợi để lên taxi, nên tài xế nói rằng ông không cần trả tiền.

Ông nhớ lại: “Tôi đã tìm thấy tiền sau khi ra khỏi xe nên tôi tự hỏi tại sao tài xế không cần tôi trả tiền. Nhưng tôi đột nhiên hiểu rằng Sư phụ Lý đang giúp tôi. Nếu trả tiền taxi, tôi sẽ không có đủ tiền để về nhà.” Vì vé xe khách về nhà ông có giá 98 nhân dân tệ.

Khi trở về quê hương Tân Châu, ông Vương đã không trở về nhà ngay lập tức. Thay vào đó, ông đã dành một vài ngày cùng các học viên khác ở một huyện khác. Khi Tết Nguyên đán đến, ông quyết định về nhà, dù biết rằng nhà mình đang bị giám sát.

[Còn tiếp]

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/15/418540.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/3/190237.html

Đăng ngày 04-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share