Bài viết của Hồng Đạt
[MINH HUỆ 25-03-2021] Ngày 22 tháng 3 năm 2021, một nỗ lực phối hợp giữa EU, Anh, Mỹ, và Canada đã được khởi động nhằm trừng phạt một số thủ phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.
Danh sách trừng phạt bao gồm Chu Hải Luân (Phó Bí thư Thành ủy Tân Cương), Trần Minh Quốc (Cục trưởng Cục Công an Tân Cương), Vương Minh Sơn (Bí thư Đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tân Cương, PLAC), và Vương Quân Chính (cựu Bí thư Đảng ủy PLAC, hiện là Phó Bí thư Thành ủy Tân Cương).
Đây là lần đầu tiên EU và Anh phối hợp trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tội vi phạm nhân quyền. Cả EU và Anh, cũng như Canada, đã quyết định xử phạt bốn quan chức nói trên. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trừng phạt Trần Minh Quốc và Vương Quân Chính.
Hình thức xử phạt bao gồm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. Đây là động thái tiếp theo của loạt hành động chống lại sự lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ. Ngày 9 tháng 7 năm 2020, chính quyền tiền nhiệm của Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xử phạt Cục Công an Tân Cương và bốn quan chức ĐCSTQ, trong đó có Trần Toàn Quốc , Bí thư Thành ủy Tân Cương.
Không chỉ đàn áp nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Trần Toàn Quốc còn chỉ đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Tân Cương kể từ khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại vào tháng 8 năm 2016. Các báo cáo trước đó của Minh Huệ cho thấy Trần đã leo thang lạm dụng nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương trong những năm gần đây.
Hồ sơ vi phạm nhân quyền
Tổ chức phi chính phủ (NGO) Human Rights Watch (Theo dõi Tình hình Nhân quyền) đã công bố Báo cáo Thế giới 2021 vào ngày 13 tháng 1 năm 2021. Báo cáo cho hay “Chủ nghĩa độc đoán của chính quyền Trung Quốc đã bộc lộ rõ vào năm 2020, khi nó phải vật lộn với đợt bùng phát virus corona chết người lần đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán. Các nhà chức trách ban đầu che đậy tin tức về virus, sau đó lại áp dụng các biện pháp kiểm dịch khắc nghiệt ở Vũ Hán và các nơi khác của Trung Quốc… Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ các lời kêu gọi của quốc tế về các cuộc điều tra độc lập, không hạn chế về công tác xử lý ổ dịch của chính quyền Trung Quốc, cũng như việc giám sát và sách nhiễu gia đình của những người tử vong vì virus.“
Việc ĐCSTQ đàn áp dân chúng cũng tồn tại ở các phương diện khác như Luật An ninh Quốc gia cưỡng chế ở Hồng Kông, giam giữ và tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và đàn áp tôn giáo ở Tây Tạng.
Các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và tổ chức nhân quyền khác cũng đã nhận ra sự tàn bạo ở Trung Quốc. Chẳng hạn, ngày 4 tháng 3 năm ngoái, Freedom House đã công bố báo cáo Freedom in the World 2020. Trong thang điểm 100, Trung Quốc chỉ đạt 10 điểm và tiếp tục bị coi là một trong những quốc gia ít tự do nhất.
Một tháng sau, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên, trong đó nhận định: “Năm 2019, tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi”. Như vậy, Trung Quốc đã bị chỉ định là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) trong 21 năm liền.
Ngày 9 tháng 9 năm 2020, hơn 300 tổ chức phi chính phủ đã gửi một lá thư cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet. Bức thư kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi phải có “hành động quyết liệt”.
Ngày 26 tháng 10 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền năm 2019, trong đó nêu: “Các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng bao gồm: chính quyền tùy tiện giết người phi pháp; bắt cóc; tra tấn; tùy tiện giam giữ; điều kiện trong tù khắc nghiệt, đe dọa đến tính mạng; tù nhân chính trị; tùy tiện xâm phạm quyền riêng tư; xâm phạm nghiêm trọng vào quyền độc lập tư pháp; xâm phạm thân thể và truy tố hình sự các nhà báo, luật sư, nhà văn, người viết blog, người bất đồng chính kiến, người thỉnh nguyện, cũng như người thân của họ…; kiểm duyệt và chặn trang web; can thiệp vào quyền hội họp hòa bình và tự do hiệp hội, bao gồm các luật hạn chế thái quá áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài và trong nước; hạn chế nghiêm trọng tự do tôn giáo; những hạn chế chặt đối với quyền tự do đi lại (trong nước và ra nước ngoài)… ”
Mấy thập kỷ qua, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã bị các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức khác công khai chỉ trích. Vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc luôn là một tâm điểm. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã phớt lờ những điều này và không hề có ý định cải thiện.
Biện pháp trừng phạt các thủ phạm nhân quyền
Bảo vệ các quyền cơ bản của con người có sự đồng thuận giữa các quốc gia dân chủ. Năm 2016, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Magnitsky Toàn cầu nhằm trừng phạt các thủ phạm nhân quyền và các quan chức tham nhũng. Ngày 20 tháng 12 năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí, tuyên bố tiếp tục xác định Trung Quốc và một số quốc gia khác thuộc diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 vì đã tham gia hoặc dung túng “những vi phạm lớn về tự do tôn giáo đang diễn ra một cách có hệ thống.”
Các quan chức Bộ Ngoại giao liên tục đạt được những bước tiến mới. “Vào tháng 10, chúng tôi đã đưa ra các hạn chế về thị thực đối với những quan chức của Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc” vi phạm nhân quyền. Tháng 12, “Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố danh sách 68 cá nhân và tổ chức ở 9 quốc gia vì tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu.”
Sau khi Minh Huệ đăng một thông báo vào tháng 5 năm 2019, hơn 100.000 người đã được đưa vào danh sách những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ đã nói rõ có thể gửi danh sách tên tới các quan chức Hoa Kỳ hễ có trường hợp ngược đãi. Ngay cả khi những người vi phạm nhân quyền và người nhà của họ đã vào Hoa Kỳ cũng có thể bị thu hồi thị thực hoặc trục xuất. Những biện pháp này sẽ ngăn chặn các thủ phạm nhân quyền đến Hoa Kỳ để có nơi trú ẩn an toàn sau khi phạm tội.
Ngày 7 tháng 12 năm 2020, Hội đồng Châu Âu đã thông qua một quyết định và một quy định để thiết lập một chế độ xử phạt nhân quyền trên toàn cầu. Theo một thông cáo báo chí trên trang web của Hội đồng Châu Âu, “Khuôn khổ của các biện pháp hạn chế có mục tiêu được áp dụng cho những hành vi như diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, và các hành vi vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng khác (như tra tấn, lao động nô lệ, giết người phi pháp, bắt giữ hoặc giam giữ tùy tiện).”
Cũng theo thông cáo báo chí này, “Các biện pháp hạn chế như vậy sẽ trở thành lệnh cấm nhập cảnh áp dụng cho các cá nhân và đóng băng các quỹ áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức trong khối EU sẽ bị cấm cung cấp tiền cho những người có tên trong danh sách, dù là trực tiếp hay gián tiếp.”
Trên cơ sở đó, vào đầu tháng 12 năm 2020, các học viên Pháp Luân Công đã đệ trình danh sách thủ phạm nhân quyền lên 29 chính phủ để đề nghị họ có hành động phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các quốc gia này bao gồm Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes, gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ), 18 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hungary, Slovakia, Slovenia) và 6 quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Mexico).
Các học viên Pháp Luân Công ở Canada cũng khởi động một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Canada xử phạt các quan chức Trung Quốc theo Đạo luật Magnitsky. Chỉ trong vòng một tháng, họ đã thu thập được hơn 20.000 chữ ký. Tháng 7 năm 2020, các học viên Canada cũng đệ trình một danh sách lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Danh sách dài 300 trang này liệt kê 14 cá nhân có liên quan đến tội ác chống nhân loại bao gồm Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công năm 1999), La Cán (cựu Bí thư Đảng ủy Bộ Chính trị và Pháp luật), Lưu Kinh (nguyên Giám đốc Phòng 610 trung ương), và Chu Vĩnh Khang (nguyên Bộ trưởng Bộ Công an).
Trên toàn cầu, 28 quốc gia đã triển khai hoặc có kế hoạch ban hành các luật tương tự như Đạo luật Magnitsky, trong đó có các điều khoản cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của các thủ phạm nhân quyền.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/25/422526.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/29/191633.html
Đăng ngày 01-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.