Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Ottawa, Canada

[MINH HUỆ 17-03-2021] Ngày 24 tháng 2, trong một diễn đàn do Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) tổ chức, giáo sư đạo đức lâm sàng Wendy Rogers đã nói về các nghĩa vụ đạo đức của các chuyên gia y tế trong việc hợp lực chấm dứt tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

9cb39495a38a1ba44c54e0a972b1f738.jpg

Bà Wendy Rogers phát biểu tại một diễn đàn do Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) tổ chức vào ngày 24 tháng 2 năm 2021.

Bà Rogers là giáo sư của Đại học Macquarie ở Úc. Năm 2019, bà được vinh danh là một trong mười Nature’s 10 (10 nhân vật quan trọng trong lĩnh vực khoa học năm đó).

Nature’s 10 công bố, “Trong hai thập kỷ qua, đã có những tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của một số bộ phận gan, tim và thận sử dụng cho hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Bà Wendy Rogers, nhà đạo đức sinh học của Đại học Macquarie ở Sydney, Úc, đã tìm ra một phương thức mới giúp tháo gỡ vấn đề này, đó là tra cứu các ấn phẩm nghiên cứu của các bác sỹ cấy ghép Trung Quốc. Đội ngũ của bà đã thực hiện một cuộc điều tra, và công bố kết quả vào tháng 2 vừa qua (W. Rogers et al. BMJ Open 9, e024473; 2019). Kết quả điều tra đã khiến hơn hai chục báo cáo về ghép tạng bị gỡ bỏ, sau khi các bác sỹ không chứng minh được rằng người hiến tạng đã đồng ý hiến tặng.”

Bà Rogers trích dẫn trong bài viết, “Nếu bạn nghĩ về những gì đang thực sự diễn ra thì sẽ thấy nó quá sức chịu đựng.”

ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cuối cùng

Trong diễn đàn ETAC, bà Rogers cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm lớn nhất về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng vì các cuộc đàn áp các nhóm yếu thế đã tạo điều kiện cho các ca cấy ghép nội tạng quy mô công nghiệp diễn ra. Tuy nhiên, chỉ nói về tội ác thì chưa đủ, chúng ta phải hối thúc ĐCSTQ hành động cũng như chấm dứt tội ác này.

Bà Rogers đồng ý với quan điểm của Ngài Geoffrey Nice QC rằng nạn nhân của tội ác thu hoạch nội tạng là những con người giống như chúng ta. Cũng như những người khác, họ có những quyền cơ bản của mình và cần sự giúp đỡ của chúng ta khi quyền của họ bị xâm phạm. Cùng là đồng loại, chúng ta có nghĩa vụ đáp lại tiếng kêu cứu của họ.

Các tổ chức và cá nhân trong ngành

Bà Rogers giải thích rằng có hai điều kiện tiên quyết để các tổ chức và cá nhân trong ngành hành động nhằm giải quyết tội ác như cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Hai điều kiện này bao gồm nhận thức và sức mạnh. Điều kiện thứ nhất đề cập đến nhận thức về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng, điều kiện thứ hai đề cập đến thẩm quyền của những cá nhân và tổ chức trong ngành để hành động chống lại tội ác. May mắn thay, cả hai điều kiện này đều đã đạt được.

Trước hết, các tổ chức và cá nhân trong ngành không nên làm ngơ trước tội ác vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này. Có thể thấy hết sức rõ rằng đây là vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Chẳng hạn như Tòa án Trung Quốc do Ngài Nice làm chủ tọa đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập và toàn diện để xác minh sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Phán quyết của tòa đã được phổ biến và đưa tin rộng rãi. Các chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng không thể nói họ không biết về vấn đề này.

Thứ hai, các tổ chức và cá nhân trong ngành có thể truy cứu trách nhiệm của những thủ phạm nhân quyền đó. Điều này không có nghĩa là họ – hay bất kỳ ai khác – có thẩm quyền để buộc ĐCSTQ làm gì đó. Mà là khi các tổ chức và cá nhân trong ngành cùng hợp tác, họ có thể gây áp lực rất lớn cho Trung Quốc. Người dân trên khắp thế giới có thể cùng chung tiếng nói để nói với ĐCSTQ rằng hoạt động thu hoạch nội tạng không được chấp nhận ở bất kỳ đâu trên thế giới này.

Phương pháp tiếp cận đa chiều

Bà Rogers giải thích rằng có một loạt hành động có thể thực hiện để chấm dứt tội ác này. Các chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng có thể yêu cầu các hiệp hội trong ngành thể chế hóa và thực thi các chính sách đối với Trung Quốc. Do có liên quan đến tội ác này, các chuyên gia y tế từ Trung Quốc có thể bị cấm tham gia các hiệp hội này hoặc tham dự các hội nghị. Các hiệp hội này cũng có thể khuyến khích các thành viên không sang Trung Quốc để tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến cấy ghép nội tạng.

Nếu không có những hành động này, nếu những hiệp hội này tiếp tục các chương trình giáo dục và nghiên cứu với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là những thủ phạm tham gia tội ác cấy ghép nội tạng sẽ không phải chịu trách nhiệm. Do đó, cần chấm dứt những sự hợp tác và tương tác như vậy đối với Trung Quốc.

Những biện pháp khác mà các chuyên gia cấy ghép nội tạng có thể thực hiện bao gồm thông báo cho bệnh nhân ghép tạng về sự nguy hiểm của việc sử dụng nội tạng thu hoạch từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Hơn nữa, các chuyên gia y tế có thể vận động chính phủ của họ phê duyệt và thực thi các luật như “Công ước của Hội đồng Châu Âu về chống Buôn bán Nội tạng Người.”

Bên cạnh việc giáo dục công chúng, các hiệp hội chuyên ngành và thành viên của họ thường có nhiều mối quan hệ có thể được sử dụng để kiểm tra các hoạt động nghiên cứu và giáo dục liên quan đến Trung Quốc. Các tạp chí về cấy ghép nội tạng có thể cấm các ấn phẩm từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc hoặc loại chúng khỏi danh mục bài được biên tập. Có thể giải thích rõ cho độc giả lý do của những hành động này.

Bắt đầu từ các tổ chức và cá nhân trong ngành ghép tạng, ngày càng có nhiều người chống lại tội ác thu hoạch nội tạng và truy cứu trách nhiệm của những thủ phạm có liên quan.

Diễn đàn ngày 24 tháng 2 có sự tham gia của 117 tổ chức ở 25 quốc gia trải khắp 10 múi giờ. Thành phần tham dự còn có 12 trường đại học, 7 hãng thông tấn báo chí, và hơn 40 quan chức chính phủ.

Bài viết của Naturecó đoạn: “Bước chuyển của bà Rogers từ nhà học thuật sang nhà hoạt động bắt đầu tại một hội nghị năm 2015 có trình chiếu bộ phim tài liệu Hard to Believe (Điều khó tin)nói về tội ác cưỡng bức hiến tặng nội tạng từ các tù nhân chính trị. Bà Rogers đã nghiên cứu hệ thống cấy ghép tạng của Úc và bị sốc trước những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Năm 2016, bà trở thành chủ tịch không nhận lương của ủy ban cố vấn quốc tế thuộc Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC), một tổ chức vận động phi lợi nhuận ở Sydney.

Theo một nguồn tin ẩn danh, bà Rogers đã điều tra một bài nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Liver International, trong đó bà thấy không có hồ sơ nào về người hiến tạng; bài nghiên cứu này đã bị gỡ bỏ vào năm 2017. Sau đó, nhiều bài nghiên cứu hơn nữa cũng bị gỡ bỏ do sử dụng dữ liệu về nguồn nội tạng không rõ ràng.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/17/422200.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/18/191458.html

Đăng ngày 23-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share