Bài viết của Lương Trân

[MINH HUỆ 18-03-2021] Ngày 14 tháng 3 năm 2002, mười mấy học viên Pháp Luân Công tập trung bên ngoài Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông (HKSAR) để phản đối cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các đồng tu của họ ở Trung Quốc đại lục. Họ bị đuổi đi bằng vũ lực và bị buộc tội cản trở nơi công cộng. Họ đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa Chung Thẩm và cuối cùng được tuyên trắng án.

Vụ Dương Mỹ Vân cùng những người phản đối HKSAR này là một ví dụ điển hình về việc người dân Hồng Kông bảo vệ quyền của mình bằng Luật Cơ bản. Vụ việc này mất khoảng ba năm để kháng cáo, và bà Dương đã chia sẻ trải nghiệm của mình trong một bài viết gần đây trên Minh Huệ. Bài viết này sẽ bổ sung một số nhân chứng thuật lại những gì họ đã trải qua.

Luật sư nhân quyền: Một vụ án quan trọng về luật cơ bản

Ông John Clancey, luật sư nhân quyền người Mỹ, và ông Paul Harris, chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội Luật sư Hồng Kông, là hai luật sư biện hộ cho vụ án này.

8b9e22634e5038e0795d9486a6d27c73.jpg

Ông John Clancey, luật sư người Mỹ 79 tuổi, đã giúp biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công trong vụ án năm 2002.

Vì tham gia cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ, ông Clancey đã bị bắt vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. “Ông Clancey, hiện là một luật sư, là người Mỹ đầu tiên bị giam giữ theo luật [an ninh quốc gia] mới, đã nhấn mạnh phạm vi áp dụng rộng và việc chính quyền muốn sử dụng luật này với cả cư dân địa phương lẫn người nước ngoài”, tờ Wall Street Journal đưa tin trong bài báo ngày 13 tháng 1 năm 2021 có tiêu đề “Ở Hồng Kông, một linh mục người Mỹ trở thành luật sư vấp phải sự tức giận của Trung Quốc nhưng vẫn giữ vững đức tin” (In Hong Kong, an American Priest Turned Lawyer Faces China’s Wrath but Keeps the Faith).

Sau khi được tại ngoại, ông Clancey đã hồi tưởng lại vụ Dương Mỹ Vân cùng những người phản đối HKSAR. Khi coi đây là một vụ án quan trọng trong sự nghiệp của mình và lịch sử luật pháp của Hồng Kông, ông cho rằng các sinh viên nghiên cứu luật cơ bản đều nên nghiên cứu vụ án này.

Ngày 14 tháng 3 năm 2002, bốn học viên Pháp Luân Công Thụy Sỹ và 12 học viên Hồng Kông đã tổ chức một cuộc kháng nghị ôn hòa và tuyệt thực bên ngoài HKSAR để phản đối cuộc bức hại tàn bạo ở Trung Quốc đại lục. Cảnh sát đã bắt giữ họ bằng vũ lực. Tháng 8 năm 2002, họ bị kết tội bằng những tội danh như cản trở nơi công cộng và hành hung cảnh sát.

852c7f214435ff89592d0c02e3e0f8bf.jpg

Các học viên Pháp Luân Công đả tọa ôn hòa trước HKSAR vào ngày 14 tháng 3 năm 2002

Sau gần ba năm, ngày 5 tháng 5 năm 2005, năm chánh án từ Tòa Chung Thẩm, trong đó có ông Andrew Lý Quốc Năng, đã tuyên bố bác bỏ mọi cáo buộc. Phán quyết nêu, “Trọng tâm của vụ án này là việc bắt giữ các bị cáo và tội danh cản trở nơi công cộng vì thực hiện cuộc biểu tình công khai ôn hòa. Ở đây, việc các bị cáo, tại thời điểm bị bắt giữ, đang tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa là có liên quan đến quyền biểu tình đã được hiến pháp bảo vệ.”

Ông Clancey cho biết thêm, phán quyết đã trích dẫn Điều 27 của Luật Cơ bản rằng “Cư dân Hồng Kông có quyền tự do ngôn luận, tụ họp, …… và biểu tình ……”, “Theo Điều 39 của Luật Cơ bản, quyền tự do quan điểm, ngôn luận và hội họp ôn hòa cũng được hiến pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 16 và 17 của Luật về các quyền của Hồng Kông, tương đương với Điều 19 và 21 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và là một bộ phận của ICCPR được áp dụng cho Hồng Kông.”

Ông Clancey giải thích, vì vậy, đây là trường hợp bảo vệ quyền biểu tình của công dân và là một vụ điển hình để tham chiếu cho các trường hợp sau này. Trên thực tế, con đường phía trước HKSAR rộng như một bãi đậu xe, trong khi các học viên Pháp Luân Công chỉ đứng trên một diện tích nhỏ. Bốn học viên Thụy Sỹ bắt đầu tuyệt thực ở đó, rồi có 12 học viên Hồng Kông tham gia. Vì chỉ chiếm một diện tích nhỏ, những người nhìn thấy sự kiện này không coi đây là sự cản trở.

Sau đó, HKSAR đã xây một bồn hoa lớn trước cửa ra vào, khiến không gian công cộng nhỏ hơn rất nhiều và rất khó để những người biểu tình tụ tập. Một số cư dân địa phương gọi nó là “bồn hoa chính trị”.

Kiên định nỗ lực trong ba năm

Vụ kháng cáo vụ án này phải mất ba năm mới được giải quyết tại Tòa Chung Thẩm. Qua đây, ông Clancey cho biết ông rất ấn tượng trước sự kiên trì của các học viên. Vì luật pháp được xây dựng để bảo vệ người dân, và các học viên tin rằng mình vô tội, nên họ đã tìm kiếm sự trợ giúp của các luật sư và cuối cùng đã giành chiến thắng dựa vào quyền biểu tình hợp pháp của họ.

Khi được hỏi ông có phải chịu áp lực khi bảo vệ các học viên vì cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc đại lục hay không, ông Clancey nói rằng đức tin của ông đã cho ông tình thương và sức mạnh. Hơn nữa, ông đã làm tất cả những điều này vì tình thương dành cho người khác, chứ không phải vì tiền bạc hay danh vọng. Bởi vậy, ông không sợ hãi.

052710fdb1ab8b8b94dd699cf4f13d03.jpg

Ông Paul Harris, chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội Luật sư Hồng Kông, sau khi bảo vệ các học viên vào năm 2002, đã viết cuốn sách mang tên Quyền được biểu tình.

Ông Paul Harris là một luật sư bào chữa khác cho vụ án này, vừa được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hồng Kông. Khi đại diện cho các học viên, ông nhận thấy Hồng Kông không có sách về biểu tình ôn hòa, vì vậy ông đã viết một cuốn sách có tựa đề Quyền được biểu tình (The Right To Demonstrate), được xuất bản vào năm 2007. Ông viết, “Biểu tình ôn hòa trao tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng… biểu tình ôn hòa có tác động tốt cần phải là quyền của mỗi người ở mọi quốc gia.”

Sau khi các học viên Pháp Luân Công thắng kiện, ông Tư Đồ Hoa (Szeto Wah), nhà hoạt động dân chủ và chính trị gia nổi tiếng ở Hồng Kông, đã ca ngợi họ vì đã bảo vệ quyền biểu tình cho toàn dân Hồng Kông. Ông cho biết đây là một hành động tuân theo niềm tin Chân – Thiện – Nhẫn.

Truyền động lực cho công chúng

Cô Chu Thắng, một học viên đã quay video cuộc biểu tình, cho biết bốn học viên Pháp Luân Công từ Thụy Sỹ đã lên kế hoạch tuyệt thực ba ngày. Nhưng HKSAR đã liên lạc với cảnh sát vào ngày thứ ba yêu cầu họ bắt các học viên. Đầu tiên, cảnh sát cảnh báo, sau đó cưỡng chế bắt các học viên đi.

50c7a33bde98fbb3fcfc4e3ad24373be.jpg

Cô Chu Thắng, một trong những bị cáo trong vụ án năm 2002

Với một chiếc máy quay nhỏ, cô Chu đã quay được cảnh một nữ cảnh sát ấn vào huyệt sau tai của một nữ học viên cao tuổi, khiến bà ngất xỉu. Một học viên nam cũng bị đối xử tương tự, khiến anh không đứng được nữa. Sau đó, anh bị đưa vào xe cảnh sát. Trong lúc cấp bách, cô Chu đã vội vàng đưa máy quay cho một học viên bên ngoài khu vực bị phong tỏa, rồi bị hai cảnh sát khiêng lên xe cảnh sát. Sau đó, cảnh sát buộc tội các học viên Pháp Luân Công một số tội.

Trong phiên tòa, cô Chu cũng nghe các cảnh sát công khai bịa đặt lời chứng. Một cảnh sát đã tự cắn tay cô ta và tuyên bố rằng một học viên đã cắn cô ta trong khi bị bắt giữ. Trên thực tế, đó chỉ là hàm dưới của người học viên đó đã tình cờ tiếp xúc với tay của viên cảnh sát này. Nhưng viên cảnh sát này đã nói dối trong phiên tòa rằng học viên đã hành hung cô ta. Thay vì bị xử phạt, sau này, viên cảnh sát nói dối thậm chí còn được thăng chức.

Sau khi các học viên bị cáo thảo luận về tình huống lúc đó, họ quyết định thông báo cho các cơ quan chính quyền về những gì đã xảy ra, bao gồm các lãnh sự quán ở Hồng Kông, bộ tư pháp, tòa án, các ủy viên lập pháp, đoàn luật sư và cảnh sát. Họ đã dến những cơ quan này và gửi tài liệu qua đường bưu điện.

Ba học viên, gồm cả cô Chu, cũng đã sang Hoa Kỳ để nói với thế giới về sự việc này. Họ đã đệ trình vụ việc này lên Liên Hợp Quốc và nhấn mạnh về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Cô Chu cho biết sự thành công của vụ án đã truyền cảm hứng rất nhiều cho người dân Hồng Kông. Vì ĐCSTQ gần đây đã leo thang khủng bố đỏ ở Hồng Kông, cô tin rằng mọi người nên tiếp tục làm điều đúng đắn thay vì chịu sự uy hiếp của chính quyền. Nói cách khác, mọi người cần bảo vệ quyền tự do hợp pháp của mình; nếu không, ĐCSTQ ngày càng táo tợn. Cô cho biết, “Chúng ta nên phản đối ĐCSTQ và không nhượng bộ chủ nghĩa độc tài.“

ab48653c32785194beabc413e0c90e06.jpg

Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài 22 năm ở Trung Quốc đại lục. Các học viên ở Hồng Kông đã nỗ lực hết mình để nâng cao nhận thức về một trong những vi phạm nhân quyền lớn nhất trong xã hội hiện đại.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/18/422239.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/22/191526.html

Đăng ngày 27-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share