[MINH HUỆ 05-03-2021] Vào ngày 5 tháng 3 năm 2002, các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng các chương trình vạch trần tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Ông Kim Học Triết, một trong những người tham gia, sau đó đã bị kết án 10 năm tù vì liên quan đến vụ việc. Trong tù, ông bị tra tấn dã man. Sau đó, ông đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và ra nước ngoài.

Nhân kỷ niệm 19 năm sự việc xảy ra, ông Kim bày tỏ lòng biết ơn đối với Pháp Luân Công. Ông nói: “Tôi biết ơn Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) vì nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Chính Sư phụ Lý đã dẫn dắt chúng tôi trên con đường phản bổn quy chân”.

Ông cũng nói: “Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi có thể phân biệt thiện và ác, và tìm ra ý nghĩa thực sự của sinh mệnh. Lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ không thể diễn tả thành lời”. Ông cảm ơn Sư phụ Lý vì đã rèn cho rất nhiều đệ tử Đại Pháp kiên định với đức tin của họ và có can đảm đối mặt với chế độ cộng sản độc tài.

Ông Kim tiếp tục: “Hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Đã có rất nhiều khổ nạn trên suốt chặng đường, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự bảo hộ từ bi của Sư phụ trong mỗi khổ nạn mà tôi phải vượt qua. Hành trình tu luyện Pháp Luân Công của tôi đã cho tôi thấy hết lần này đến lần khác rằng những gì Sư phụ dạy chúng tôi là chân lý, đó là lý do tại sao không gì có thể lay chuyển được đức tin của tôi cho dù hành trình có gian khổ đến đâu, cuộc bức hại nghiêm trọng như thế nào và khổ nạn khó khăn đến đâu chăng nữa”.

f8b5fd48beee6ca8d6047ffd4304e7be.jpg

Ông Kim Học Triết cảm ơn Sư phụ Lý và Pháp Luân Công

Dưới đây là hồi ức do ông Kim kể lại

Tìm hiểu Pháp Luân Công

Đầu tháng 5 năm 1996, tôi về thăm bố mẹ trong một kỳ nghỉ. Vào thời điểm đó, mẹ tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và bà đã cho tôi xem cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi đã đọc xong cuốn sách trong hai ngày và rất ấn tượng rằng quyển sách này rất sâu sắc và nó đã giải đáp mọi thắc mắc của tôi về cuộc sống. Sau đó tôi cũng đã tự mua một cuốn.

Hồi đó tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài ở Trường Xuân với vai trò giám sát bộ phận sản xuất. Công ty hoạt động tốt và giống như những người quản lý khác, tôi cũng có rất nhiều những khoản thu nhập đen. Mặc dù tiền không phải là vấn đề, nhưng tâm tôi luôn thấy trống rỗng như thiếu vắng một linh hồn. Ngoài hút thuốc và uống rượu, tôi còn thường xuyên đánh bạc.

Cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã thay đổi tất cả những điều này. Tôi biết lý do tại sao tôi đến thế giới này và quyết định trở thành một người tốt bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Nhưng sự tiến bộ của tôi rất chậm. Dù vẫn thường tự nhủ đây sẽ là lần cuối cùng mình hút thuốc và uống rượu, nhưng tôi đã liên tục phá vỡ lời hứa của chính mình. Điều này cứ tiếp tục cho đến ngày 4 tháng 7 năm 1997. Vào ngày hôm đó, tôi bị đau bụng và bị chẩn đoán là viêm ruột thừa. Sau đó tôi đến Bệnh viện Đại học Cát Lâm nhưng bác sĩ không thể xác định bệnh và đề nghị nhập viện do tôi bị đau quá nặng.

Tôi bảo em trai lấy giùm sách Chuyển Pháp Luân và đã dành cả ngày hôm sau để đọc cuốn sách. Cơn đau đột ngột dừng lại vào lúc nửa đêm như một phép màu.

Vì đã học các bài công pháp từ mẹ trước đây nên ngày hôm sau tôi đã đến một điểm luyện công gần Đại học Cát Lâm. Biết mình không cần nằm viện hay thuốc men nữa, tôi quay lại bệnh viện và làm thủ tục giấy tờ để được xuất viện. Kể từ đó, tôi ngừng hút thuốc uống rượu và trở thành một học viên chân chính.

Tôi đọc sách Đại Pháp sau giờ làm việc mỗi ngày, và thường hướng nội khi xảy ra xung đột. Dù mưa hay nắng, ngày nào tôi cũng dậy sớm để luyện công tại điểm luyện công của địa phương. Sức khỏe của tôi sớm được phục hồi và tâm tính của tôi được cải thiện.

Khi còn nhỏ, tôi thường ghen tị với những người có các bậc chân sư hướng dẫn họ trong việc tu luyện chân chính. Bây giờ khi đã trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có Sư phụ chăm sóc mình.

Khi tu luyện lâu như vậy, tôi có thể cảm nhận được lòng từ bi của Sư phụ mỗi ngày. Tôi vô cùng biết ơn sự cứu độ từ bi của Sư phụ.

Bức hại và phỉ báng Pháp Luân Công

Những ngày vui vẻ học Pháp và luyện công mà không có bất kỳ lo lắng nào của tôi không kéo dài lâu. Vào tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp chống lại Pháp Luân Công. Trong vài ngày, các phương tiện truyền thông báo chí và gần như tất cả các cơ quan nhà nước đã được huy động để vu khống môn tu luyện này.

Để tăng cường đàn áp hơn nữa, vào ngày 23 tháng 1 năm 2001 trước Tết Nguyên đán, Giang cùng bè lũ của y đã dàn dựng vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn. Các đài truyền hình nhà nước và các hãng truyền thông khác tiếp tục đưa tin về vụ việc. Tuyên truyền vu khống cũng xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục, xuất bản và thậm chí là giải trí. Điều này đã khiến một số lượng lớn người dân Trung Quốc trở nên thù hận và chống lại Pháp Luân Công và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Nhiều bằng chứng cho thấy vụ việc đã được dàn dựng. Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã trình bày tại Tiểu ban Liên Hợp Quốc về Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền vào ngày 14 tháng 8 rằng: “Chúng tôi đã thu được một đoạn video về vụ việc mà theo quan điểm của chúng tôi nó đã chứng minh rằng sự kiện này là do chính phủ dàn dựng.”

Tuy nhiên, sự tuyên truyền phỉ báng đã đầu độc nhiều người và gây ra sự thù ghét đối với Pháp Luân Công, là điều mà chế độ này đã sử dụng để biện minh thêm cho cuộc bức hại. Nhiều học viên khác đã bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn. Khi các học viên vạch trần cuộc bức hại của chế độ, họ lại phải đối mặt với sự trả thù nhiều hơn nữa từ ĐCSTQ.

Khi tất cả các kênh liên lạc này bị chặn, một số người trong chúng tôi ở Trường Xuân đã quyết định chèn tín hiệu truyền hình để vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công, đặc biệt là vụ tự thiêu được dàn dựng. Chúng tôi biết làm như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mình hoặc gia đình, nhưng chúng tôi quyết định tiếp tục vì chúng tôi không thể nhìn thấy rất nhiều người Trung Quốc bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ chống lại Sư phụ và Pháp Luân Công.

Tra tấn nghiêm trọng sau vụ chèn sóng truyền hình

Lúc 20 giờ ngày 5 tháng 3 năm 2002, các học viên ở Trường Xuân đã chèn tín hiệu truyền hình và phát hai video, một video về vụ tự thiêu được dàn dựng và một video về sự phổ biến của Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Nó kéo dài gần 50 phút và phủ sóng khoảng 300.000 gia đình (hoặc một triệu người) trên 32 kênh. Nhiều cư dân ở Trường Xuân đã biết được chân tướng của Pháp Luân Công và cách ĐCSTQ bịa đặt để vu khống môn tu luyện này.

Theo những gì chúng tôi biết, một ngày sau khi TV bị chèn sóng, nhiều người trên khắp Trường Xuân đã bàn tán về các video. Họ rất hào hứng khi biết về chân tướng của Pháp Luân Công.

5e8c3d43186bf21c0927884202bd4513.jpg

Một số học viên đã mất mạng do bị tra tấn sau vụ chèn sóng truyền hình (từ trái qua phải): Ông Lưu Thành Quân, ông Lương Chấn Hưng, ông Hầu Minh Khải, ông Lôi Minh, ông Lưu Hải Ba.

Sự trả đũa từ ĐCSTQ vô cùng dữ dội và khốc liệt. Trong vòng một giờ sau khi vụ việc xảy ra, các quan chức đã huy động lực lượng quân đội để bắt các học viên. Giang cũng ban hành mật lệnh “giết không khoan nhượng”. Khoảng 5.000 học viên ở Trường Xuân đã bị bắt. Trong số đó, ít nhất 8 người thiệt mạng. Hơn nữa, 15 học viên đã bị kết án với các thời hạn từ 4 đến 20 năm. Sau khi bị bức hại cả về thể chất và tinh thần, một số trong số họ đã chết và một số bị rối loạn tâm thần.

Trong vòng hai ngày sau khi bị bắt, ông Hầu Minh Khải bị tra tấn đến chết. Theo một nhân chứng mô tả trong một bài báo trên Minh Huệ thì ông Lưu Hải Ba “bị lột trần và bị cùm trong tư thế quỳ trên ghế hổ. Đầu ông cũng bị kẹp. Hai cảnh sát đã gây sốc ông trong khi cưỡng bức nhét dùi cui điện vào hậu môn của ông ấy.”

Các cảnh sát đã sốc điện ông Lưu Thành Quân, một thành viên chủ chốt khác của chiến dịch chèn sóng truyền hình, và tra tấn ông trong 52 giờ trên ghế hổ và các thiết bị khác trước khi đưa ông đến nhà tù Cát Lâm. Ông bị hành hạ thêm trong tù như bị treo lơ lửng trên không với tứ chi duỗi ra bốn hướng (ngũ mã phanh thây) và cuối cùng qua đời vào ngày 26 tháng 12 năm 2003. Các quan chức buộc phải hỏa táng thi thể của ông trong vòng 7 giờ. Một số học viên khác cũng chết trong nhà tù Cát Lâm do bị ngược đãi, bao gồm ông Trương Kiến Hoa, ông Thôi Vĩ Đông và ông Hà Nguyên Huệ.

53609eebd3b93a51abf4d9b2ac027db6.jpg

Minh họa hình thức tra tấn ngũ mã phanh thây

Ông Lôi Minh là một thành viên quan trọng khác. Sau khi bị bắt, ông bị giam tại Sở cảnh sát Trường Xuân và nhà tù Cát Lâm. Các phương pháp tra tấn bao gồm ngồi ghế hổ, còng quặt tay sau lưng, đánh đập, giật điện bằng dùi cui điện, làm nghẹt thở bằng túi ni lông, trùm đầu bằng xô kim loại bị gậy đập, tra tấn kéo căng và bóp vỡ tinh hoàn. Kết quả là ông bị thủng phổi lớn chỉ còn 20% mô và đã tử vong.

806ac550a9502e7298ad7939592887b3.jpg

Minh họa hình thức tra tấn: cho đầu nạn nhân vào xô sắt và gõ

Năm 2006, tôi thấy ông Lương Chấn Hưng trong tù. Một số tù nhân được chỉ định theo dõi ông. Để buộc ông từ bỏ đức tin của mình, các lính canh liên tục tra tấn ông tại một cơ sở gần Jingyuetan. Một nhân chứng cho biết ông Lương luôn tự mình bước ra khỏi phòng giam nhưng luôn bị khiêng trở lại sau khi tra tấn. Lần nào ông cũng bị bầm tím khắp người. Một bên núm vú của ông bị cháy, gãy xương sườn và vùng kín bị bỏng. Cuộc tra tấn tiếp tục cho đến khi ông Lương tử vong. Nhưng ông ấy chưa bao giờ nhượng bộ.

Ông Trương Trung Dư từng là phó tổng biên tập cho Lan Đài Nội Ngoại, một tạp chí của Cục lưu trữ tỉnh Cát Lâm. Sau khi ông bị giam giữ, các sĩ quan như Trương Hàng đã dùng hai cây roi điện chích vào người ông nhiều lần, đặc biệt là vào vùng kín. Ông Trương vô cùng đau đớn và thường xuyên bất tỉnh.

Tôi tin rằng những sinh mạng đã mất đi sẽ không hy sinh vô ích và những người trong tương lai sẽ mãi mãi ghi nhớ về ngày đặc biệt này, ngày 5 tháng 3 năm 2002.

Lưới trời lồng lộng, Phật Pháp triển hiện uy nghiêm

Trong cuộc đàn áp kéo dài 22 năm chống lại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vụ tự thiêu được dàn dựng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm leo thang sự tàn bạo, khiến hàng chục triệu học viên cùng với gia đình của họ rơi vào cảnh khốn cùng vô tận.

Một số thủ phạm chính liên quan đến vụ việc và chiến dịch bôi nhọ quy mô lớn của nó đã phải trả giá cho sự tàn ác của họ. Dưới đây là một số ví dụ.

Lưu Kinh, từng là giám đốc Phòng 610 trung ương năm 2001, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện vụ tự thiêu. Sau đó ông ta bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng.

Lý Đông Sinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, có liên quan đến âm mưu vụ tự thiêu và sản xuất video. Năm 2016, ông ta bị kết án 15 năm tù.

La Kinh là một người đưa tin từ CCTV, người đã đưa tin về Sự kiện Quảng trường Thiên An Môn (1989), cuộc đàn áp Pháp Luân Công (từ năm 1999) và vụ tự thiêu được dàn dựng (năm 2001). Năm 2009, ông ta qua đời ở tuổi 48 với những vết loét ở miệng và lưỡi.

Trần Manh, kẻ sản xuất video vụ tự thiêu được dàn dựng đã chết vì ung thư dạ dày ở tuổi 47.

Cuộc bức hại vẫn còn tiếp tục ở Trung Quốc và chúng ta cần tiếp tục nỗ lực giảng chân tướng để nhiều người hơn nữa biết đến chân tướng của Pháp Luân Công.

Dựng phim về câu chuyện chèn sóng truyền hình

Hãng phim New Realms ở Toronto, Canada, đã quyết định sản xuất một bộ phim tài liệu về vụ chèn sóng truyền hình nói trên. Tôi đã được mời đóng vai chính mình trong phim.

76240190fe0600504f2f0bfda453d9fb.jpg

Một phần của đoàn làm phim Eternal 50 Minutes (50 phút vĩnh hằng), một bộ phim tài liệu về vụ chèn sóng truyền hình năm 2002. Ông Kim là người thứ ba từ phải sang.

Trong 23 ngày sản xuất, tôi được phân công phụ trách kỹ xảo và đạo cụ. Tôi đã cố gắng hết sức để nhớ lại thiết lập vào năm 2002 khi chúng tôi chèn tín hiệu TV, để chúng tôi có thể trình bày lịch sử một cách thực tế. Cuối cùng, tất cả những thứ này đã được bày ra cùng nhau bao gồm một bộ khuếch đại tín hiệu dây, cáp trục, cột điện và một đầu đĩa VCD cũ. Nhìn tất cả những món đồ này, tôi rất xúc động không muốn chớp mắt.

Trong các cảnh phim, cứ như thể tôi đã quay trở lại ngày xưa với các học viên khác. Tôi thường rơi nước mắt. Bộ phim 50 phút vĩnh hằng, đã giúp mọi người trên khắp thế giới biết được điều gì đã xảy ra vào tháng 3 năm 2002 và các học viên đã hy sinh như thế nào để nói ra sự thật.

Tôi muốn cảm ơn những học viên đã tham gia vào vụ chèn sóng TV, đặc biệt là những người đã mất đi sinh mạng và nói với họ: “Chúng ta đã làm những gì bản thân phải làm, cho lịch sử và cho tương lai của những người khác cũng như của chính mình”. Tôi biết rằng mọi người sẽ mãi mãi ghi nhớ những người đã hy sinh mạng sống của mình để tìm kiếm công lý cho Pháp Luân Công.

Bảo vệ các giá trị cơ bản

Chiều ngày 5 tháng 9 năm 2007, Quỹ Nhân quyền Châu Á Thái Bình Dương tại Úc đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhân quyền năm 2007 tại Tòa nhà Quốc hội bang New South Wales. Tổ chức đã trao tặng Giải thưởng The Fidelity Vindicator cho học viên quá cố Lưu Thành Quân vì những nỗ lực của ông trong vụ việc chèn sóng truyền hình. Vì ông Lưu đã qua đời nên ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn của các học viên Pháp Luân Công, đã thay mặt ông nhận giải thưởng. Tổ chức đặc biệt cảm ơn ông Lưu và các học viên khác vì những đóng góp cho nhân quyền ở Trung Quốc.

Hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Đó là một chặng đường dài và gian khổ, nhưng các học viên chúng tôi đã vượt qua được. Chúng tôi biết nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và Sư phụ Lý là chính trực. Cho dù ĐCSTQ và các tín đồ của nó muốn bôi nhọ Pháp Luân Công và bức hại các học viên vô tội đến mức nào, cuối cùng thì chính nghĩa sẽ thắng.

e6ebc7e83ba0c2b7fecd3cfd81bb1c10.jpg

Ông Trương Nhi Bình (phải), thay mặt ông Lưu Thành Quân, nhận Giải thưởng Fidelity Vindicator từ Tổ chức Nhân quyền Châu Á Thái Bình Dương tại Australia năm 2007.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/5/421722.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/12/191360.html

Đăng ngày 24-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share