Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-02-2021] Chỉ hai năm sau khi cô Phó Yến Phi, 47 tuổi, một người dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm kết thúc thụ án bản án ba năm vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, cô lại bị kết án năm năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại của chính quyền.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Việc cô Phó bị giam giữ khiến gia đình cô vô cùng đau khổ. Bố mẹ chồng già đang phải vất vả lo cho đứa con trai 14 tuổi mắc chứng tự kỷ của cô.
Cô Phó Yến Phi và con trai
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2020, cô Phó bị bắt sau khi bị tố cáo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu các sách và tài liệu Pháp Luân Công của cô. Cô bị giam hai ngày và được thả vào ngày 13 tháng 5. Cảnh sát đã quay lại nhiều lần để sách nhiễu cô.
Chưa đầy hai tháng sau, vào ngày 7 tháng 7, cô Phó lại bị bắt sau khi bị tố cáo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công trong công viên. Ban đầu cô bị giam trong Bệnh viện thành phố Trường Xuân và sau đó bị chuyển đến Trại tạm giam số 4 thành phố Trường Xuân. Khi cô luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, lính canh đã còng tay cô ra sau lưng nhiều lần.
Gia đình cô không được vào thăm hoặc gửi quần áo cho cô. Khi gia đình đến Viện Kiểm sát quận Triều Dương để hỏi về vụ việc của cô, công tố viên đã từ chối gặp họ và chỉ cho phép họ đưa tài liệu cho nhân viên bảo vệ.
Vào ngày 5 tháng 1 năm 2021, gia đình được biết rằng cô đã bị kết án 5 năm tù, nhưng các chi tiết khác về vụ việc của cô vẫn chưa được làm rõ.
Bức hại trong quá khứ: Ba năm lao động cưỡng bức và ba năm tù giam
Cô Phó bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 trước khi tốt nghiệp đại học và nhiều bệnh tật của cô đã sớm biến mất.
Sau khi chính quyền phát động cuộc bức hại vào năm 1999, cô Phó đã bị giám đốc Viện Giáo dục Dầu khí Hoa Bắc ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, giam giữ nhiều lần. Các nhà chức trách cũng theo dõi cuộc sống hàng ngày của cô và giảm bớt các tiết giảng dạy của cô để ngăn cô nói chuyện với các học viên của mình về Pháp Luân Công.
Vào cuối tháng 10 năm 2000, cô Phó đã đến Bắc Kinh cùng với sáu học viên Pháp Luân Công khác để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Họ đã giăng một biểu ngữ và hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp” trên Quảng trường Thiên An Môn và bị bắt.
Sau khi họ bị đưa về, cô Phó bị giam trong một trại tạm giam trong một tháng trước khi bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Khai Bình ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc ba năm. Cô đã bị tra tấn trong trại, bao gồm bị đánh đập, trói và treo lên và bị sốc điện bằng dùi cui điện. Lãnh đạo đơn vị công tác đã sa thải cô.
Tái hiện tra tấn: Trói chặt
Sau khi được trả tự do, cô đã tìm được một công việc khác là giáo viên sinh học của một trường trung học phổ thông. Năm 2009, con trai cô được phát hiện mắc chứng tự kỷ khi mới 2 tuổi, cô Phó đã phải nghỉ việc để dành nhiều thời gian hơn cho con.
Cô Phó bị bắt vì nói với mọi người về Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 6 và một lần nữa vào ngày 15 tháng 11 năm 2014. Lần đầu bị bị giam 15 ngày và lần thứ hai là 5 ngày tại trại tạm giam Vi Tử Câu ở Trường Xuân.
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2015, cô lại bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cô bị giam tại trại tạm giam số 3 Trường Xuân và bị kết án ba năm tù vào ngày 20 tháng 6 năm 2016.
Trong khi cô bị giam giữ, cậu con trai tám tuổi của cô thường bị tỉnh giấc và khóc đòi mẹ. Chồng cô là lao động chính duy nhất trong gia đình đã phải chịu áp lực vô cùng lớn. Cha mẹ của cô Phó, cả hai đều 74 tuổi cũng bị giáng một đòn nặng nề bởi sự vắng mặt của cô. Mẹ của cô, người bị bệnh tim và có vấn đề ở lưng, ốm yếu và mất khả năng lao động. Cha cô, một người khuyết tật đã phải rất vất vả để chăm sóc bà.
Cô Phó bị chuyển từ trại tạm giam đến Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm vào ngày 5 tháng 8 năm 2016. Cô từ chối mặc đồng phục tù nhân để phản đối cuộc bức hại và bị trói trên giường và không được phép sử dụng nhà vệ sinh trong nhiều ngày. Kết quả khiến cô bị táo bón nhiều ngày sau đó.
Tái hiện tra tấn: Bị trói trên giường
Nhiều tù nhân trong nhà tù đã trải qua khóa huấn luyện để bức hại các học viên Pháp Luân Công, và phần thưởng là họ sẽ được giảm thời hạn tù. Lính canh thường đe dọa sẽ đình chỉ việc giảm thời hạn của họ nếu họ không bức hại các học viên đủ tàn bạo.
Khi cô Phó phàn nàn với một lính canh rằng tù nhân Ông Lệ đã đánh đập cô, lính canh đáp: “Đánh bà thì đã làm sao?” Ngày hôm sau, Ông trả đũa bằng cách đánh cô thậm chí còn nặng hơn. Bà ta cũng tìm thêm một người trợ giúp, tên là An Hải Yến, họ đập đầu cô Phó vào tường và dùng bàn chải cọ toilet chà miệng cô. Chiều hôm đó, hai tù nhân đã giật nhổ nhiều tóc của cô trong khi ghì cô xuống giường với hai tay bị còng.
Cô Phó hét lên: “Dừng lại! Bà không thể bức hại các học viên Pháp Luân Công!“ Bà ta nhét khăn vào miệng cô và tiếp tục đánh khiến miệng cô Phó chảy rất nhiều máu.
Vào ngày 16 tháng 8 năm 2016, cô Phó bị chuyển đến Phòng giam số 111. Một ngày nọ, tù nhân Lưu Bình Bình đã tát vào mặt cô ở một góc không có camera giám sát và liên tục đè cô xuống. Cánh tay và bàn tay của cô đã bị thương. Lưu lại đánh cô Phó vào một ngày khác và không dừng lại cho đến khi học viên Kinh Phượng Vĩ ngăn bà ta lại. Lính canh Đồ Cường để ý đến vết thương của cô Phó và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Cô Phó nói với bà ta về việc Lưu đã đánh cô. Sau đó, lính canh Đỗ đã chuyển Lưu sang một phòng giam khác.
Cô Phó bị đưa đến phòng quản lý nghiêm ngặt trên tầng hai vào ngày 17 tháng 9 năm 2016. Bà bị các tù nhân đánh đập và chửi bới liên tục. Tù nhân, Củng Thúy Kiệt, thường còng tay cô và không cho cô rời khỏi phòng giam nếu thấy cô Phó tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Tù nhân Củng Thúy Kiệt thậm chí còn đe dọa sẽ giết cô Phó nếu cô không từ bỏ việc tu luyện.
Khi cô Phó kiên trì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, lính canh Cao Dương thường còng tay và treo cô lên (xem hình ảnh bên dưới). Cao sẽ không ngừng tra tấn cho đến khi cô Phó tuyệt thực trong vài ngày. Khi cô Phó không bị treo lên, các tù nhân khác đã cố gắng kéo cánh tay của cô xuống hoặc vặn cánh tay của cô để ngăn cô tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Tái hiện tra tấn: treo lên bằng cổ tay
Một tù nhân khác tên Lương Hiểu Mai, cựu bí thư đảng ủy của một công ty ô tô, thường đánh và đá cô trong nhà vệ sinh. Bà ta đe dọa rằng toàn bộ gia đình của cô Phó sẽ bị bắt và giam giữ nếu cô tố cáo việc đánh đập của bà ta cho các lính canh biết.
Khi cô Phó được trả tự do vào ngày 13 tháng 3 năm 2018, cô đã trở nên tiều tụy vì bị tra tấn.
Bài liên quan:
Sau khi bị giam giữ ba năm, một người phụ nữ ở Cát Lâm lại bị kết án 5 năm vì đức tin của mình
Bà Phó Yên Phi ở tỉnh Cát Lâm bị cầm tù và bị ép phải ngồi trên một chiếc ghế rất nhỏ mỗi ngày
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/20/421129.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/22/191061.html
Đăng ngày 12-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.