Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ tại Ottawa, Canada

[MINH HUỆ 25-02-2021] Ngày 24 tháng 2 năm 2021, Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Nạn Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) đã tổ chức một hội nghị về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hơn 100 chuyên gia y khoa và pháp lý, cũng như các quan chức đắc cử đã tham dự cuộc thảo luận trực tuyến.

b715014988dd8a306b745774d733cdad.jpg

Hội nghị của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Nạn Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc về việc ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng hôm 24 tháng 2 năm 2021

Sau khi nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc bị phơi bày ra công chúng vào năm 2006, rất nhiều cuộc điều tra và nghiên cứu độc lập đã xác nhận hành vi tàn ác này đối với các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.

Một tội ác quy mô lớn

Một trong những diễn giả chính là ngài Geoffrey Nice, luật sư của Nữ hoàng Anh, một luật sư kiêm giáo sư nổi tiếng thế giới với nhiều thập niên kinh nghiệm. Từ năm 1998 đến năm 2006, ông là công tố viên trưởng của vụ truy tố cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milošević tại Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Nam Tư cũ. Ngày 17 tháng 6 năm 2019, Tòa án độc lập về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc (Tòa án Trung Quốc/China Tribunal), cũng do ông Nice đứng đầu, đã công bố bản tóm tắt dài 60 trang về phán quyết cuối cùng đối với tội ác này ở Trung Quốc.

Tòa án Trung Quốc bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 năm 2018 và diễn ra liền vài ngày. Đến tháng 4 năm 2019, phiên tòa được triệu tập trở lại để điều tra sâu hơn về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Trong các phiên điều trần, hội đồng đã nghe lời chứng từ hơn 50 nhân chứng và chuyên gia về chủ đề này. Mục tiêu cuối cùng của Tòa án Trung Quốc là xem xét liệu có đi đến kết luận đây là tội ác quốc tế như tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại hay không.

Tòa án Trung Quốc phát hiện rằng đây là tội ác phản nhân loại, theo định nghĩa trong Điều 7 của Quy chế Rome, đó là: “giết người; hủy diệt; cầm tù hoặc các hình thức tước đoạt quyền tự do thân thể nghiêm trọng khác vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tra tấn; hãm hiếp hoặc bất kỳ hình thức lạm dụng tình dục nào khác có mức độ tương đương; bức hại vì nguyên nhân chủng tộc, quốc gia, sắc tộc, văn hóa hoặc tín ngưỡng, mà luật pháp quốc tế công nhận rộng rãi là không được phép; và cưỡng chế mất tích,“ theo một bài báo hôm 17 tháng 6 năm 2019 của Forbes với tiêu đề“ Tòa án Trung Quốc đã công bố phán quyết về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc” (The China Tribunal Pronounced Its Verdict On Organ Harvesting In China).

Trong bài phát biểu tại hội nghị ETAC hôm 24 tháng 2 năm 2021, ông Nice cho biết phán quyết của Tòa án Trung Quốc không bị bất kỳ ai thẩm vấn hay phản đối. Ông cho biết đây là tòa án nhân dân, và nó đại diện cho lẽ phải của công chúng. Cũng như ông, nhiều công dân nhận thấy cưỡng bức thu hoạch nội tạng là tội ác khủng khiếp nhất kể từ Thế Chiến II.

Điều khoản bổ sung về thu hoạch nội tạng của Dự luật Thuốc và Thiết bị Y tế ở Anh đã được thông qua ở lưỡng viện với sự ủng hộ của chính phủ. Dự luật này là một hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn việc đồng lõa với nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng trong ngành y tế của Vương quốc Anh. Đây là lần đầu tiên Vương quốc Anh thông qua một đạo luật để chiến đấu với nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc nhắm vào các tù nhân lương tâm. Ngày 11 tháng 2 năm 2021, dự luật đã trở thành luật.

Chấm dứt tội ác diệt chủng

Ông Sean Lin, cựu giám đốc phòng thí nghiệm bệnh do virus tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, cho biết các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại nhiều năm qua, và họ là mục tiêu chính của nạn thu hoạch nội tạng. Sau khi chính quyền cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, số ca ghép tạng ở Trung Quốc đã tăng mạnh, từ các bệnh viện quân y cho đến hàng loạt bệnh viện trên khắp đất nước. Tội ác này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, nguồn cung ứng nội tạng cũng dồi dào hơn. Khi các nhà điều tra liên hệ với các bệnh viện ở Trung Quốc, họ được cho biết thời gian chờ là rất ngắn. Ông Lin giải thích, rõ ràng ở Trung Quốc có một nguồn cung ứng nội tạng lớn, và nói thêm rằng việc hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc hầu như không tồn tại vì nguyên nhân văn hóa.

Bởi vậy, ông Lin đã cảnh báo cộng đồng quốc tế hãy thận trọng khi hợp tác với ĐCSTQ. Ông nhấn mạnh: “Nếu không thẳng tay xử lý Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc sẽ không dừng lại.“ Như Tòa án Trung Quốc chỉ ra, cộng đồng quốc tế nên yêu cầu ĐCSTQ lập tức hành động để chấm dứt tội ác này thay vì chỉ tiến hành thêm các cuộc điều tra.

Tương tự như cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chỉ ra, trước hết mọi người hãy đặt câu hỏi về độ tín nhiệm của ĐCSTQ dựa trên các hành vi của nó trong lịch sử, rồi hãy xác minh sự thật. Hơn nữa, điều quan trọng là phải phân biệt ĐCSTQ với Trung Quốc. Hiện tại, WHO vẫn đang che đậy tội ác này dưới ảnh hưởng của ĐCSTQ và Hoàng Khiết Phu, một quan chức cấp cao tham gia thu hoạch nội tạng đã được WHO công nhận là chuyên gia ghép tạng. Do đó, Trung Cộng đang đe dọa toàn thế giới, còn nhiều chính phủ vẫn chưa thực hiện các biện pháp cần thiết để kiềm chế các mối đe dọa của họ.

Ông Lin nhấn mạnh rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng không chỉ là tội ác phản nhân loại mà còn là tội ác diệt chủng.

Đạo luật Magnitsky

Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã đề xuất các hành động pháp lý để trừng phạt Trung Cộng. Ông nói rằng tình hình hiện tại ở Trung Quốc sẽ không khiến ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm pháp lý về tội ác này.

Do đó, ông kêu gọi một cách tiếp cận thống nhất đối với nạn thu hoạch nội tạng, chẳng hạn như Đạo luật Magnitsky. Ví dụ, Đạo luật có thể được sửa đổi để áp dụng cho nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, khiến những người có liên quan trở thành tòng phạm. Để ngăn họ tham gia vào tội ác này, thì những cá nhân này phải bị từ chối tham gia các hiệp hội khoa học hoặc tham dự các hội nghị.

Bà Wendy Rogers, Giáo sư Đạo đức Lâm sàng của Đại học Macquarie ở Úc, nhắc đi nhắc lại rằng thu hoạch nội tạng là tội ác kinh hoàng và ĐCSTQ là thủ phạm chính.

Bà Rogers phát biểu tại hội nghị: “Rõ ràng, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cuối cùng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Chính ĐCSTQ đã ra lệnh bức hại các nhóm nạn nhân và cho phép phát triển ngành ghép tạng với quy mô công nghiệp ở Trung Quốc.”

Chính quyền này không chỉ cho phép điều này xảy ra ở Trung Quốc, mà còn biến nó thành một ngành công nghiệp béo bở ở nước này. Bà Rogers cho biết những nỗ lực hiện tại để ngăn chặn tội ác này vẫn chưa đủ. Nạn nhân ở đây là con người, và chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ họ.

Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả tổ chức nghề nghiệp. Bà đề xuất rằng nhiều cơ sở và tổ chức khoa học có thể gây áp lực cho ĐCSTQ và cấm các bác sỹ có liên quan tham dự các hội nghị quốc tế hoặc xuất bản các bài báo. Bệnh nhân nước ngoài cũng nên bị hạn chế đến Trung Quốc để nhận nội tạng thu hoạch từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Các hành động của quốc tế

Sau khi Tòa án Trung Quốc công bố phán quyết vào tháng 6 năm 2019, nó đã được nhiều chính phủ và các nhóm nhân quyền trích dẫn. Chẳng hạn, báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chỉ đưa phán quyết này vào mà còn ghi nhận cái chết của 96 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong năm đó vì bị bức hại.

Bà Kristina Olney, Giám đốc Quan hệ Chính phủ của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (VOC), cho biết ĐCSTQ đã điều hành một doanh nghiệp hàng tỷ đô la liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, ngoài ra còn có người Duy Ngô Nhĩ, và điều quan trọng là Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác phải chấm dứt thảm kịch này.

Ngày 16 tháng 12 năm 2020, Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton, cùng các Hạ Nghị sỹ Chris Smith và Tom Suozzi, đã đề xuất một dự luật để chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Dự luật này được gọi là Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng, nhằm ngăn Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

Ông Marilou McPhedran, Nghị sỹ Quốc hội Canada, cho biết Dự luật S-240 đã được đề xuất để sửa đổi Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư (buôn bán nội tạng người). Ngày 22 tháng 2, các nghị sỹ quốc hội Canada đã nhất trí bỏ phiếu thông qua một kiến nghị của Đảng Bảo thủ nhằm xác định việc cộng sản Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng.

Ông Sameer Zuberi, Nghị sỹ Quốc hội Canada, cho biết Canada là quốc gia đầu tiên thừa nhận tình trạng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ là tội ác diệt chủng thông qua luật pháp. Ông cho biết Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc kiềm chế ĐCSTQ, và hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.

Ông Eric Abetz, Nghị sỹ Úc, cho biết thu hoạch nội tạng là một trong nhiều tội vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Ông nói rằng hành động này đi ngược lại các giá trị phổ quát. Mặc dù ĐCSTQ đã cố gắng bịt miệng Úc về vấn đề nhân quyền bằng áp lực kinh tế, nhưng sẽ không làm lung lay quyết tâm của chính phủ Úc trong việc chống lại các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Ông Ivan Vilibor Sinčić, nghị sỹ Nghị viện Châu Âu từ Croatia, cho biết cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất. Nó đã kéo dài hơn 10 năm, và nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công vô tội, muốn trở thành công dân tốt hơn. Lần đầu tiên nghe nói đến tội ác này, ông thấy phẫn nộ và buồn vì còn quá ít người biết đến vấn đề này. Giờ đây, nhiều người đã biết rồi. Tuy nhiên, vì lợi ích tài chính, EU đã không chỉ trích ĐCSTQ suốt một thời gian dài. Điều này cần phải thay đổi, không chỉ với EU, mà cả với các quốc gia trên thế giới.

Ông David Kilgour, nhà hoạt động nhân quyền, cựu luật sư, cho biết nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là một hình thức diệt chủng, nó đe dọa các giá trị cơ bản của nhân loại, thậm chí là đạo đức của xã hội. Ông hy vọng Canada sẽ thông qua luật can thiệp của nước ngoài giống như Úc để kiềm chế ĐCSTQ.

Theo thông tin của Minh Huệ, hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công đã bị thiệt mạng vì cuộc bức hại ở Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2020, ít nhất 84 người đã chết. Do việc kiểm duyệt và phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, số nạn nhân thực tế có thể cao hơn nhiều. Hơn nữa, rất nhiều học viên đã bị mất tích trong cuộc bức hại suốt 21 năm qua, kể từ năm 1999.

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/25/421346.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/26/191136.html

Đăng ngày 10-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share