Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-01-2021] Vì giữ vững đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, một cặp vợ chồng ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 13 năm và 12 năm vào năm 2003. Người chồng 13 năm và người vợ là 12 năm tù.

Từ Hồng Nhạn, cô con gái của cặp vợ chồng khi đó mới 12 tuổi đã phải chịu sự phân biệt đối xử và bị các bạn cùng trường lấy ra làm trò cười. Nhiều khi vì quá nhớ bố mẹ, cô bé tự tìm một chỗ để khóc một mình và không để cho ông bà ngoại nhìn thấy.

Chịu đựng nỗi đau to lớn đối với lứa tuổi của mình, cô gái nhỏ còn phải chăm sóc ông bà ngoại già yếu, cả hai đều bị khuyết tật ở tay. Cô bé cũng thỉnh thoảng đến thăm cha mẹ mình ở trong tù. Gia đình phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè hoặc thuê người làm việc trên ruộng đồng của họ. Cô bé và ông bà ngoại đã có cuộc sống rất khó khăn.

Bất chấp mọi thứ phải trải qua, cô bé vẫn ủng hộ cha mẹ vì họ đã giữ vững đức tin của mình. Khi được hỏi liệu cha mẹ cô bé tu luyện Pháp Luân Công có sai hay không, cô đã trả lời: “Cha mẹ cháu tu luyện để trở thành người tốt, họ không làm gì sai cả. Những người bắt họ là những người xấu. Cháu tự hào về cha mẹ mình.“

Khởi đầu của cuộc bức hại

Ông Từ Quế Lương, 51 tuổi, được sinh ra khi mẹ ông đã 41 tuổi. Ông là người con trai duy nhất trong gia đình và là người được cha mẹ yêu quý hơn tất cả. Ông Từ và vợ ông, bà Nhâm Tú Anh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Họ cố gắng sống theo Nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công và chăm sóc cha mẹ mình một cách chu đáo.

Bà Nhâm đã gửi đơn thỉnh nguyện lên chính quyền thành phố Trường Xuân vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 khi cuộc bức hại Pháp Luân Công chính thức được phát động vào ngày hôm đó. Sau khi nhận đơn thỉnh nguyện, các nhân viên từ Đồn Công an Thị trấn Song Tỉnh đã đột nhập vào nhà bà nhiều lần và tịch thu sách Pháp Luân Công, biểu ngữ và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Các cảnh sát ra lệnh cho cặp vợ chồng ký vào những tuyên bố khẳng định rằng họ sẽ không đi thỉnh nguyện, không tu luyện Pháp Luân Công và không liên hệ với các học viên khác.

Các viên chức thường xuyên tới lui gõ cửa, có khi cả nửa đêm để kiểm tra sinh hoạt của hai vợ chồng khiến cả nhà phải sống trong lỗi lo sợ thường trực.

Bà Nhâm lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2000. Bà bị cảnh sát mặc thường phục bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị giam tại trại tạm giam Quận Tây Thành. Cảnh sát đã lấy ảnh và dấu vân tay, và hỏi địa chỉ của bà.

Vì không chịu khuất phục, bà Nhâm bị bắt phải đứng chân trần ngoài trời tuyết lạnh trong hai đến ba giờ. Việc bức hại diễn ra hàng ngày. Bốn tháng sau, bà được trả về Trường Xuân và bị giam trong Trung tâm Tẩy não Hưng Long.

Tất cả các loại áp phích phỉ báng Pháp Luân Công đều có trên các bức tường trong trung tâm tẩy não. Mọi học viên đều bị buộc phải xem các video phỉ báng đức tin của họ. Bà Nhâm đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và bị bức thực.

Bà Nhâm đã quá yếu để có thể đi lại khi bà được thả sáu tháng sau đó vào tháng 9 năm 2001. Chồng bà phải dìu bà ra xe.

Bị tra tấn trong các trại tạm giam

Để tránh bị sách nhiễu, cặp vợ chồng đã phải sống xa nhà và chuyển đến thành phố Vũ Xương, tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 4 năm 2002.

Vào ngày 29 tháng 8 năm 2002, bà Nhâm lại bị bắt khi bà trở về Du Thụ. Bà bị đưa đến một địa điểm bí mật để thẩm vấn, nhưng bà đã từ chối tiết lộ khi nhận được tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, và các học viên mà bà đã tiếp xúc.

Cảnh sát treo cổ tay bà lên khung cửa với hai tay bị còng ra sau lưng và kéo lên. Họ không thả bà ra cho đến khi khung cửa bị vỡ. Tuy nhiên, năm hoặc sáu nhân viên cảnh sát tiếp tục đánh đập và đấm đá bà suốt buổi chiều. Hậu quả của cuộc bức hại tàn bạo, phần lớn cơ thể của bà Nhâm đã bị thương và cánh tay trái của bà bị trật khớp, sưng tấy nghiêm trọng và bầm tím.

Sau khi bị đánh đập dữ dội, các cảnh sát đã đưa bà Nhâm đến trại tạm giam Thành phố Du Thụ vào khoảng nửa đêm. Cuộc bức hại vẫn tiếp tục trong trại giam. Lính canh bắt bà phải phân loại đậu. Thức ăn cấp cho bà rất nhạt và đôi khi có lẫn cát và đất. Đôi khi các lính canh cố gắng để bà nhịn đói. Họ thẩm vấn bà mỗi ngày và đánh đập bà nếu bà không trả lời câu hỏi của họ.

Bà Nhâm đã tuyệt thực để phản đối sự tra tấn tàn bạo. Bà đã bị bức thực bằng nước muối bởi các tù nhân tội phạm do các lính canh xúi giục.

Bị kết án tù

Ba tháng sau khi bà Nhâm bị bắt, vào ngày 2 tháng 11 năm 2002, ông Từ cũng bị bắt khi trở về Du Thụ để chuẩn bị bó thân cây ngô cho cha mẹ và con gái để sưởi ấm vào mùa đông. Cảnh sát khám xét nơi ở tạm trú của ông và tịch thu 600 Nhân dân tệ tiền mặt, điện thoại di động và một số sách Pháp Luân Công. Ngay cả vòi nước cũng bị cảnh sát làm vỡ dẫn đến vài phân nước ngập tràn trong phòng.

Ông Từ bị khóa trên một chiếc ghế kim loại tại đồn công an, nơi ông bị các sỹ quan đánh đập và lăng mạ. Ông còn bị thẩm vấn vài lần nữa sau khi bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Du Thụ.

Cả bà Nhâm và ông Từ đều bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Vũ Xương ở tỉnh Hắc Long Giang vào khoảng tháng 12 năm 2002. Cảnh sát trói họ rất chặt đến nỗi chân và bàn chân của họ bị sưng tấy. Bà Nhâm đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại trong trại tạm giam và trở nên tiều tụy.

Nhà chức trách kết án bà Nhâm 12 năm tù vào tháng 7 năm 2003 và ông Từ 13 năm sau đó một tháng.

Người vợ bị bức hại trong Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân

Bà Nhâm bị đưa đến Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân sau bản án của tòa án. Trên đường đi, họ còng tay và cùm chân bà, cũng như bịt miệng bà bằng băng keo để bà không thể hét lên.

Bác sỹ nhà tù đã tiến hành khám sức khỏe cho bà Nhâm khi bà đến nơi. Bác sỹ dùng kim châm cứu chọc vào móng tay nhưng bà Nhâm không phản ứng. Do đó, nhà tù đã từ chối nhận bà, với lý do rằng bà đang gặp một số vấn đề về sức khỏe. Bà đã bị đưa trở lại trại tạm giam.

Ngày hôm sau, lính canh trại tạm giam buộc Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân tiếp nhận bà Nhâm. Bà bị đưa vào đội giáo huấn và bị giam trong phòng biệt giam trong bốn hoặc năm ngày, với cả hai tay bị còng sau lưng và bị nhốt vào một cái thùng trên sàn. Bà chỉ được cho ăn hai bữa ngô mỗi ngày.

Mỗi ngày trong ba tháng tiếp theo, bà Nhâm bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và học thuộc nội quy nhà tù. Sau đó, bà bị chuyển đến Khu số 5. Để phản đối việc giam giữ bất hợp pháp, bà đã từ chối đeo bảng tên, ngồi xổm hoặc điểm danh. Kết quả là bà đã bị các tù nhân hình sự dẫm đạp vào chân.

Vào một buổi tối, hơn 20 học viên đã cùng nhau học thuộc lòng các bài giảng của Pháp Luân Công. Nhà tù cử các nhân viên có vũ trang và không ngừng sốc điện các học viên vào miệng họ bằng gậy điện. Họ cũng dùng cây gậy nhỏ đập vào đầu các học viên gây chảy máu nghiêm trọng.

Khi nhiệt độ xuống thấp dưới mức đóng băng, các lính canh đã bắt các học viên ra ngoài và chịu lạnh trong hai ngày.

Sau sự việc, bà Nhâm bị nhốt trong phòng biệt giam. Bà chỉ được cho [ăn] một bát súp ngô hai lần mỗi ngày. Khi bà Nhâm tuyệt thực, bà bị trói vào khung cửa và bị bức thực khi đang đứng. Cuộc bức hại kéo dài hơn 40 ngày.

Sau khi bà bị đưa trở lại Khu vực số 5, các lính canh đã tra tấn bà dã man hơn vì bà không chịu tuân theo mệnh lệnh của nhà tù. Trong 18 ngày đầu tiên, các lính canh còng hai tay bà lên trên đầu và treo bà lơ lửng từ sáng cho đến nửa đêm mỗi ngày. Sau đó, họ bắt bà ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ cho đến 5 giờ sáng. Thời gian dài bị treo lên, bị bắt ngồi và cấm ngủ khiến chân bà bị sưng tấy nghiêm trọng, và bà không thể thay được quần ra sau 18 ngày bị tra tấn.

Bà Nhâm bị chuyển đến Khu số 13 vào tháng 3 năm 2007. Khu vực này được thành lập để buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Bà bị buộc phải xem những video phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập môn tu luyện. Một số người từng tu luyện Pháp Luân Công nhưng đã thỏa hiệp trong cuộc bức hại đã hỗ trợ lính canh tẩy não các học viên và thuyết phục họ từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Nhâm sau đó bị đưa đến Khu số 7 để lao động không công trong vài năm cuối cùng bị giam cầm. Bà chủ yếu được giao gấp túi giấy.

Sự hành hạ về tinh thần và thể xác trong thời gian dài khiến bà nổi những khối u bạch huyết, khối u lở loét chảy mủ và máu. Bà được trả tự do vào tháng 10 năm 2011. Tuy nhiên, không lâu sau khi bà được thả, các nhân viên từ Phòng 610 địa phương đã đột nhập vào nhà bà và cố ép bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Người chồng bị bức hại trong tù

Ông Từ bị chuyển đến khu giáo huấn ở Nhà tù Cáp Nhĩ Tân vào ngày 1 tháng 10 năm 2003. Ông bị buộc phải ngồi xổm cả ngày và đọc thuộc các nội quy nhà tù. Các lính canh sẽ đánh ông nếu ông không thể đọc thuộc lòng. Sau khi ông được chuyển đến một khu bình thường, các lính canh đã bố trí các tù nhân theo dõi ông suốt ngày đêm.

Ông Từ bị chuyển đến Nhà tù Mẫu Đơn Giang vào năm 2004, nơi ông tiếp tục bị theo dõi và tra tấn.

Nhà tù bắt đầu một chiến dịch cố gắng buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ từ bỏ đức tin của họ vào tháng 10 năm 2009. Một số phương pháp tra tấn bao gồm cấm ngủ, dội nước lạnh và sốc điện. Không thể chịu đựng được sự tra tấn, ông Từ đã buộc phải viết đơn tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Sau một thập kỷ bị giam giữ và tra tấn, ông Từ được trả tự do vào mùa hè năm 2014. Khi đó, cả cha và mẹ của ông, ở độ tuổi 80, đều đã qua đời trong đau khổ tột cùng mà không được gặp ông lần cuối.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/14/418533.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/4/190252.html

Đăng ngày 24-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share