Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-02-2021] Vi phạm bản quyền đã trở thành bình thường ở Trung Quốc dưới chế độ cộng sản. “Của bạn cũng là của tôi” thậm chí đã trở thành một phương châm trong những năm gần đây – từ thiết kế sản phẩm đến bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác, mọi người tùy tiện lấy ý tưởng của người khác cũng như xào xáo lại và phân phối tác phẩm thuộc bản quyền của người khác để mưu lợi cho bản thân. Một số thậm chí còn tự cho mình là “có năng lực” và “thông minh” khi có thể đạt được danh lợi bằng cách sử dụng tác phẩm của người khác. Khi hành vi vi phạm bản quyền như vậy xảy ra trong cộng đồng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hoặc trong các hạng mục giảng chân tướng, nó sẽ ảnh hưởng đến việc tu luyện của bản thân cũng như toàn bộ hạng mục.

Trên thực tế, xảy ra những hiện tượng như vậy là do chịu ảnh hưởng của văn hóa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự suy đồi đạo đức. Khi ĐCSTQ tẩy não người dân bằng hệ tư tưởng cộng sản và xã hội chủ nghĩa của nó, chẳng hạn như “bình đẳng tuyệt đối”, nhiều người đã đi đến chỗ tin rằng họ được hưởng thụ như những người khác mà không cần phải đóng góp hay trả giá gì. Suy nghĩ lệch lạc đó chỉ có thể ngày càng tệ đi. Chẳng hạn, trong cuộc cải cách kinh tế bắt đầu từ những năm 1970, người ta còn châm biếm những người chỉ muốn dùng miễn phí của công. Thậm chí còn có một vở hài kịch trào phúng nổi tiếng về hành vi như vậy. Nhưng chỉ mấy thập kỷ sau, giờ đây, người ta lại ngưỡng mộ những kẻ luôn kiếm được những thứ miễn phí.

Tôi đã từng xem một cuộc phỏng vấn với một số nhà sản xuất túi xách nhái hàng hiệu. Những người được phỏng vấn không nói đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của họ đã gây tổn thất cho các nhà thiết kế và cung cấp túi xách chính hãng như thế nào, hay hành vi của họ đã vi phạm luật bản quyền như thế nào. Thay vào đó, họ tự hào về kỹ thuật làm giả tiên tiến và thời gian quay vòng nhanh. Trên thực tế, khi phô trương “kiến thức” và “sự am hiểu sâu sắc” về hàng giả, họ đang quảng bá sản phẩm nhái của mình. Có rất nhiều thứ như thế ở Trung Quốc ngày nay, khi sự suy đồi đạo đức hay gây tổn hại cho người khác cũng chẳng còn là vấn đề gì nữa.

Đáng buồn là, vi phạm bản quyền cũng xuất hiện trong cộng đồng người tu luyện. Chẳng hạn, có người lập tài khoản mạng xã hội dưới danh nghĩa Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Một tài khoản còn tuyên bố hẳn là đại diện cho Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông mà không có sự đồng ý của hiệp hội, nó đã công bố một số hình ảnh hoặc video của các học viên Hồng Kông quay cảnh họ trong công việc hay cuộc sống hàng ngày. Do đó, một số người dân Hồng Kông đã lầm tưởng đó là tài khoản mạng xã hội chính thức của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông, thậm chí còn theo dõi nó.

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông đã giải thích trong một tuyên bố rằng, kể từ khi hiệp hội được thành lập vào năm 1996, hiệp hội chưa hề thiết lập bất kỳ tài khoản mạng xã hội chính thức nào hay ủy thác cho bất kỳ ai tạo lập và quản lý tài khoản đó. Do đó, hiệp hội có quyền dùng đến hành động pháp lý đối với những người lập tài khoản giả mạo nói trên. Trên thực tế, một lượng lớn người dân Hồng Kông hiện nay ủng hộ Pháp Luân Công là nhờ những nỗ lực giảng chân tướng không ngừng trong hơn 20 năm qua của các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông và Đài Loan. Những người tin rằng họ có thể “đại diện” cho các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông và lập tài khoản giả mạo đó là sai cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, chưa kể là không đúng, xét từ quan điểm tu luyện.

Tương tự, việc sử dụng các tác phẩm đăng trên Minh Huệ Net khi chưa được Minh Huệ Net cho phép cũng là một vấn đề vi phạm bản quyền.

Sư phụ giảng:

“Những gì của Minh Huệ là các kênh thông tin khác đều đang tham chiếu; từ tình huống trong báo cáo của Minh Huệ Net cũng liễu giải được hình thế. Hơn nữa Minh Huệ Net cũng càng ngày càng được người thường nhận thức [hiểu ra]; một số người khi bắt đầu tiếp xúc với Đại Pháp thì họ đều cần đọc Minh Huệ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Minh Huệ Net mười năm)

Nhưng một số học viên bên ngoài Trung Quốc đã đăng lại các bài viết từ Minh Huệ mà không dẫn nguồn hay đường link để người khác truy cập Minh Huệ. Thay vào đó, họ thản nhiên lấy các bài viết trên Minh Huệ và coi đó là tác phẩm của riêng họ để tăng số lần nhấp chuột và lượng người xem trang web của họ. Đây không chỉ là thiếu tôn trọng tài sản trí tuệ của Minh Huệ mà còn cản trở Minh Huệ được nhiều khán giả biết đến.

Lấy đồ của người khác mà không có sự đồng ý của họ là một biểu hiện của văn hóa ĐCSTQ. Đó không phải là văn hóa Trung Hoa truyền thống, và là điều mà các học viên cần tránh. Chúng ta không nên tạo điều kiện cho hay thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm bản quyền nào, cũng không nên tiếp tay cho những hành vi tương tự.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/19/421085.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/21/191052.html

Đăng ngày 23-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share