Bài viết của Kha Hồng Nguyên

[MINH HUỆ 11-02-2021] Lệnh phong tỏa hà khắc do Đảng Cộng sản Trung Quốc tiên phong áp đặt đã được các chính phủ trên toàn thế giới chấp nhận ngày càng nhiều nhằm kiểm soát đại dịch virus corona gây chết người. Sau khi phát hiện ra biến thể lây lan mạnh hơn từ Vương quốc Anh, các quốc gia khác đang áp đặt lệnh cấm di chuyển nghiêm ngặt hơn đối với người từ Vương quốc Anh. Nhưng liệu điều đó có thể thực sự ngăn chặn sự lây lan của chủng virus này?

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm: Số ca nhiễm tiếp tục tăng sau khi phong tỏa

Cuối tháng 1 năm 2021, giáo sư Steven Riley, chuyên ngành động lực bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial College London, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu REACT-1 (Đánh giá thời gian thực về quá trình truyền nhiễm virus corona trong cộng đồng), cho biết tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh ở Anh vẫn “rất cao” và “không có bằng chứng cho thấy dấu hiệu suy giảm” trong 10 ngày đầu tiên gia hạn các lệnh hạn chế.

Theo dữ liệu được thu thập từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 1, tỷ lệ nhiễm COVID-19 là 1,58%, tỷ lệ cao nhất được nghiên cứu REACT-1 ghi nhận kể từ khi bắt đầu vào tháng 5 năm 2020. Đây là mức tăng hơn 50% số ca nhiễm kể từ đợt báo cáo gần đây nhất vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Trên toàn thế giới, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins thu thập trong 46 ngày từ ngày 24 tháng 12 năm 2020 (khi chủng virus biến thể này được tìm thấy ở Anh) đến ngày 8 tháng 2 năm 2021, tổng số ca nhiễm mới được xác nhận trên toàn thế giới đã lên đến gần 27 triệu ca, trung bình mỗi ngày có 5,8 triệu ca. Trong khi đó, số người chết trong khoảng thời gian này là 575.700 người, trung bình mỗi ngày có 12.500 người chết.

ĐCSTQ báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong kể từ tháng 12 năm ngoái, nhưng những con số này bị nhiều tổ chức và cá nhân nghi ngờ vì ĐCSTQ vẫn luôn bưng bít thông tin. Nhiều người lo ngại tình hình dịch bệnh có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với những gì được thừa nhận chính thức.

Nhật ký phong tỏa bệnh dịch hơn 300 năm trước

Nhà sử học người Mỹ William Hardy McNeill đã viết trong cuốn Bệnh dịch và Con người (Plagues and Peoples): “Kỹ năng và kiến ​​thức cho dù đã thay đổi sâu sắc cách ứng phó thông thường với bệnh dịch cho hầu hết loài người, nhưng về bản chất, không bao giờ có thể giải thoát nhân loại khỏi tình trạng cố hữu, là làm trung gian giữa những vật ký sinh vi tiểu đang lặng lẽ tấn công và những đại ký sinh trùng là đồng loại. Trí tuệ, kiến ​​thức và cách tổ chức thay đổi nhưng vẫn không thể loại bỏ tính dễ bị tổn thương của loài người trước sự xâm lăng của các dạng sống ký sinh.“

Mấy trăm năm qua, mặc dù đã có những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học và y học phương Tây, nhân loại vẫn chưa tìm ra cách vượt qua bệnh dịch.

Trong khi nhiều quốc gia hiện đại đang đi theo hình thức phong tỏa của Đảng Cộng sản Trung Quốc để đối phó với đại dịch virus corona, nhưng thực tế đã có những ví dụ tương tự cả 300 năm trước, theo tiểu thuyết nhật ký Ký sự về năm xảy ra dịch bệnh (A Journal of the Plague Year) của nhà văn nước Anh Daniel Defoe.

Trong cuốn sách này, ông Defoe đã thuật lại chi tiết về bệnh dịch hạch bùng phát ở London vào năm 1665. Mặc dù là một cuốn tiểu thuyết, nhưng nhiều người tin rằng nó đã được chuyển thể từ nhật ký của chú của Defoe là ông Henry Foe, sống ở quận Whitechapel, Đông London.

Trong sách, ông Defoe cho biết chính phủ đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát bệnh dịch. Cảnh sát, nhân viên y tế, và cán bộ các lĩnh vực khác thuộc mọi tầng lớp xã hội đã tiến hành phong tỏa khu vực bị nhiễm bệnh. Mọi hoạt động xã hội đã bị hủy bỏ. Động vật bị giết. Nhân viên phòng chống dịch đã đốt các chất đốt có mùi khó chịu để khử trùng không khí. Biện pháp cách ly gây tranh cãi nhất do văn phòng Thị trưởng ban hành là giữ người bệnh ở trong nhà trong một tháng, kể cả khi họ đã chết.

Nhưng cho dù kiểm soát gắt gao đến vậy cũng không thể ngăn bệnh dịch lây lan rộng hơn. Tình hình ở “làng đồ tể” là nghiêm trọng nhất. Ông Defoe viết, “Tôi thực sự bị sốc trước cảnh tượng ấy; nó khiến tôi gần như lịm đi, rồi tôi rời đi trong tâm trạng đau khổ tột cùng, lòng trĩu nặng, suy nghĩ ngổn ngang, tôi không sao diễn tả được khi ra khỏi nhà thờ, và rẽ vào con đường hướng về nhà, tôi nhìn thấy một chiếc xe kéo khác với những ngọn đuốc, đi trước là một người đánh chuông, đi ra từ hẻm Harrow Alley ở Butcher Row, bên kia đường, như tôi thấy, chất đầy xác người, nó đi thẳng qua con đường hướng về phía nhà thờ.”

Theo ghi chép lịch sử, năm 1665, trận đại dịch ở London đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người ở vùng này. Rồi nó đột nhiên biến mất sau một vụ hỏa hoạn lớn. Một số người cho rằng vụ hỏa hoạn đã thiêu sạch chủng virus này và kết thúc đợt dịch. Nhưng nhiều người đã thắc mắc tại sao lệnh phong tỏa không có tác dụng và đâu là nguyên nhân gốc rễ gây nên dịch bệnh này.

Một số bác sỹ cũng tự hỏi tại sao đại dịch này chỉ nhắm vào một số người, một số hộ gia đình, hay một số khu vực của thành phố này mà không phải những đối tượng khác. Ngay cả trong cùng một nhà, không phải ai cũng mắc dịch này cho dù họ ăn ở cùng nhau và hít thở cùng một bầu không khí. Một bác sỹ thời đó đã suy đoán rằng chính trí huệ của Chúa đã phân định rõ ai sẽ phải mắc bệnh dịch này, và chúng ta phải tin rằng đức Chúa đang kiểm soát mọi thứ.

Nhật ký phong tỏa thời hiện đại

Ngày nay, sau hơn 300 năm, một tác giả bị mắc kẹt ở Vũ Hán trong thời gian phong tỏa cũng đã ghi lại lịch sử trong cuốn Nhật ký phong tỏa của cô.

Cô viết, “Vũ Hán giờ là trung tâm của thảm họa. Thảm họa gì? Không phải là bảo người ta phải đeo khẩu trang, nhốt trong nhà mấy ngày không cho ra ngoài, hay yêu cầu ra vào khu dân cư của mình cũng phải có giấy phép. Thảm họa là sổ chứng tử trước kia mấy tháng mới dùng hết một quyển, mà nay vài ngày đã dùng xong một quyển; thảm họa là nơi hỏa táng, trước kia, một xe tang chở một thi thể, mà còn có quan tài, giờ là thi thể bỏ vào túi đựng xác, một xe chồng chất hàng mấy thi thể mà kéo đi; thảm họa là trong nhà không chỉ một người chết, mà là mấy ngày, nửa tháng, cả nhà đã chết sạch; thảm họa là bạn phải lê thân xác ốm yếu của mình đi khắp nơi trong mưa gió lạnh lẽo để gắng tìm một chiếc giường bệnh để nằm… thảm họa là nằm nhà ngóng trông thông báo khi nào mới có giường bệnh, rồi khi thông báo đến thì người cũng chẳng còn sống nữa…”

Cuốn nhật ký không chỉ ghi lại tình cảnh của người dân Vũ Hán, mà cả cách Đảng Cộng sản Trung Quốc làm giả các con số để che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Cô viết, “Hôm qua, số ca nhiễm mới được xác nhận đã giảm đột ngột như rơi thẳng xuống vực, khiến dân tình sôi nổi bàn tán. Người bạn bác sỹ của tôi bảo tôi rằng đây là kết quả của một thuật toán khác. Mục đích sửa đổi thuật toán chỉ cốt để các con số trông đẹp hơn thôi.”

Cuốn nhật ký này giống như một cái tát vào mặt đối với chiến thắng tự xưng của ĐCSTQ trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, khi các ca nhiễm mới bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2021, ĐCSTQ đã áp dụng “kinh nghiệm của nó ở Vũ Hán” cho nhiều khu vực. Nó không chỉ khiến cư dân không có lương thực, thuốc men mà còn mất cả khả năng kiểm soát cảm xúc và gần như phát điên, tạo thành thảm họa về lòng nhân đạo và sự hoảng loạn không kém gì chủng virus này.

Theo một bài báo của thời báo The Epoch Times, một ông lão ở thành phố Nam Cung, tỉnh Hà Bắc, đã chết khi đang gọi điện đến đường dây nóng của thị trưởng để yêu cầu giúp đỡ sau khi ông phát sốt. Nhiều cư dân khác mắc bệnh tại nhà và không được ra ngoài chữa bệnh trong thời gian phong tỏa.

Cô Công ở huyện Hô Lan, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cho biết, “Chỉ sau một đêm, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các trường học, nhà máy, và cơ sở kinh doanh. Không ai được đến chỗ làm. Các cửa hàng không được mở cửa. Không cho người đi bộ hay xe cơ giới lưu thông trên đường. Mọi người đều phải ở nhà. Cả thành phố giống như thị trấn ma vậy.” Ngày 3 tháng 2 năm 2021, vì không có đủ lương thực và nhu yếu phẩm, một nhóm cư dân từ một khu dân cư đã mất kiểm soát cảm xúc và đâm chết một người gác cổng tình nguyện.

Khi ĐCSTQ chuẩn bị tổ chức các hội nghị chính trị thường niên, thông tin chính thức về các ca nhiễm virus corona đã được hạ xuống một cách có mục đích, song các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì.

Đâu là lối thoát

Người đoạt giải Nobel Joshua Lederberg từng nói, “Mối đe dọa lớn nhất và duy nhất đối với sự thống lĩnh liên tục của loài người trên hành tinh này là virus.”

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đã được ban hành, dù là ở các nước dân chủ phương Tây hay quốc gia cộng sản độc tài Trung Quốc, nó dường như có một số tác dụng hữu hạn trong việc kiềm tỏa chủng virus này. Tính đến ngày 14 tháng 2 năm 2020, đã có gần 110 triệu ca dương tính và 2,4 triệu ca tử vong đã được báo cáo trên toàn thế giới.

Nhưng cho dù tình hình có nghiêm trọng đến đâu, bệnh dịch vẫn chưa bao giờ xóa sổ được loài người và luôn có những điều kỳ diệu được ghi chép trong lịch sử.

Khi những bệnh dịch gây ảnh hưởng đến Đế chế La Mã ở Châu Âu, thì những thảm họa tương tự cũng diễn ra vào thời nhà Hán ở Trung Quốc. Trương Lăng, một đạo sỹ nổi tiếng vào thời điểm đó, đã khuyên những người mắc bệnh nhớ lại những việc làm sai trái mà họ đã phạm phải trong đời và viết xuống từng việc một, rồi đem ngâm vào nước, đồng thời, họ phát thệ rằng từ đó trở đi sẽ không tái phạm việc xấu nữa; nếu không, theo lời thề của họ, họ sẽ bị mất mạng trong bệnh dịch. Nhiều người đã làm theo lời khuyên này và hàng trăm nghìn người đã khỏi bệnh nhờ đó.

Laurence Chadderton, một nhà thần học Thanh giáo của Vương quốc Anh, cũng nói về cách loại bỏ bệnh dịch như sau: “Bởi vì việc giữ gìn vệ sinh và quét dọn nhà cửa và đường phố của chúng ta không phải là cách để xua đi sứ giả đáng sợ của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời… mà phải là sự thanh lọc và tẩy tịnh lương tâm của chúng ta khỏi mọi thứ dơ bẩn, nhơ nhớp và tội lỗi, thoát khỏi nỗi sợ hãi và hiểm họa của mọi điều tà ác.“

Thực ra, khi chúng ta xem xét kỹ những gì ĐCSTQ đã làm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949 và thảm họa mà nó đã gây ra cho Trung Quốc, bao gồm Cách mạng Văn hóa, đấu tranh giai cấp, giết hại và bức hại người có tín ngưỡng, thì có thể chúng ta sẽ giải thích được tại sao dịch bệnh virus corona lại bùng phát ở đó trước tiên.

Bên ngoài Trung Quốc, những quốc gia có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì chủng virus này. Chẳng hạn, Ý là quốc gia G7 đầu tiên và duy nhất hợp tác với ĐCSTQ trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) để thúc đẩy sự thống trị của ĐCSTQ trên toàn cầu. Tương tự, Iran là một đối tác chiến lược của ĐCSTQ. Mặt khác, Hoa Kỳ có lẽ là nhân tố lớn nhất giúp ĐCSTQ nhanh chóng phát triển thành một cường quốc lớn thống trị thế giới đến mức cả Liên Hợp Quốc và WHO về cơ bản đã trở thành sân chơi của ĐCSTQ để truyền bá hệ tư tưởng cộng sản của nó.

Nếu ôn dịch có mắt, có thể nó đang tìm đến Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người đi theo Đảng. Khi chúng ta tránh xa ĐCSTQ cùng hệ tư tưởng cộng sản, điều đó có thể giúp chúng ta xua tan bệnh dịch và thoát khỏi tai họa này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/11/420076.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/16/190963.html

Đăng ngày 22-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share