Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-01-2021] Vào nửa cuối năm 2020, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch “Xóa sổ” nhằm mục đích khiến mọi học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ đức tin của họ.

Nhà chức trách ở quận Phong Nam, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã phát động chiến dịch vào sáng sớm ngày 12 tháng 8 năm 2020 và huy động gần 100 cảnh sát để khủng bố, bắt giữ và tra tấn hơn 20 học viên nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.

Một học viên đã qua đời do áp lực quá lớn, và một số học viên còn lại đã bị chuyển đến huyện Loan Nam cho các phiên tòa xét xử sắp tới. Tên của các học viên đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử vẫn đang được điều tra.

Một vài học viên ở Thiên Tân gần đó cũng bị bắt.

Ba người ở thị trấn Ngân Phong bị bắt, một người trong số họ đã qua đời

Vào lúc 5 giờ sáng, sáu cảnh sát xuất hiện tại nhà của ông Đổng Kiến Toàn ở thôn Đại Trang Tử, thị trấn Ngân Phong. Sau nỗ lực cạy cửa không thành, cảnh sát đã phá cửa sổ và trèo hàng rào. Họ lục soát nhà của ông Đổng và tịch thu tiền mặt và các thiết bị trước khi bắt giữ ông.

Tại Đồn Công an Ngân Phong, cảnh sát đã thẩm vấn ông Đổng và cố gắng buộc ông cung cấp thông tin của các học viên khác mà ông có liên hệ. Cảnh sát trưởng Vương Tiểu Đông đã không cung cấp thức ăn và nước uống cho ông.

Từng bị tổn thương nghiêm trọng bởi các lần tra tấn trong tù và trại lao động cưỡng bức trước đây, ông Đổng đã uống thuốc tẩy để cố kết liễu cuộc đời mình và tránh bị tiếp tục bức hại. Ông được đưa đến Bệnh viện Quận Phong Nam vào ngày 15 tháng 8 và được chẩn đoán là bị thủng dạ dày, tăng huyết áp và lượng đường trong máu cao. Ông nôn ra máu và có máu trong phân. Cảnh sát buộc gia đình ông phải trả 9.000 Nhân dân tệ tiền viện phí trước khi thả ông ra.

Ông Đổng đã không thể hồi phục và qua đời tại nhà hai tháng sau đó vào ngày 25 tháng 10, hưởng thọ 62 tuổi.

Ông Đổng trước đó đã bị bắt bốn lần, bị kết án hai lần và bị giam tổng cộng 5,5 năm vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Ông bị bắt vào năm 2001 và sau đó bị kết án 3,5 năm tại Nhà tù Số 1 Tỉnh Hà Bắc. Cảnh sát đã bắt ông lần thứ hai vào ngày 30 tháng 7 năm 2008, và đưa ông vào Trại Lao động Cưỡng bức Thạch Gia Trang trong 2 năm. Ông bị tê từ thắt lưng trở xuống và hầu như không thể đi lại được. Ông cũng bị tăng huyết áp và tiêu chảy trong nhiều tháng do hậu quả của việc tra tấn.

Các nhân viên thuộc Phòng An ninh Nội địa của Công an Quận Phong Nam và Đồn Công an Tư Các Trang đã bắt ông vào ngày 6 tháng 8 năm 2014, và đưa ông vào Trại tạm giam Phong Nam trong 15 ngày. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2016, ông lại bị bắt cùng với 30 học viên khác và được thả vào cùng ngày.

Ngoài ông Đổng, hai học viên khác từ thôn Đại Trang Tử cũng bị bắt vào ngày 12 tháng 8 năm 2020. Ông Đổng Kim Ba được thả 5 ngày sau đó vào ngày 17 tháng 8, và học viên bị bắt khác là bà Đổng Lệ Mai (cả hai đều không có quan hệ họ hàng với ông Đổng Kiến Toàn).

Ba thành viên của cùng một gia đình bị bắt ở thị trấn Hoàng Các Trang.

Hai xe cảnh sát đã đến nhà của ông Tả Đức Sinh và vợ ông là bà Vương Hội Lâm ở thôn Hồng Hoa Viên, thị trấn Hoàng Các Trang, trước 7 giờ sáng. Cảnh sát đã bắt giữ hai vợ chồng và con gái của họ, người không phải là học viên và tịch thu đồ đạc của họ.

Con gái của bà Vương đã ký vào một văn bản tại Đồn Công an Hoàng Các Trang và được thả vào tối hôm đó. Ông Tả sau đó đã được thả và cảnh sát đã giám sát ông.

Bà Vương bị chuyển đến trại tạm giam Quận Phong Nam vào ngày 15 tháng 8. Mặc dù bà đã được thả vì bệnh tăng huyết áp, các viên chức thị trấn vẫn tiếp tục quay lại để sách nhiễu bà và cố ép bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Tả Tú Thương, bí thư chi bộ của thôn Hồng Hoa Viên và Lưu Tử Nham từ Phòng 610 Hoàng Các Trang, đã đến nhà bà Vương vào ngày 9 tháng 9 và lại yêu cầu bà ký các bản tuyên bố. Bà đã từ chối và các quan chức đe dọa sẽ sa thải công việc của con gái bà.

Vào ngày 25, 26 và 27 tháng 9, các quan chức buộc bà Vương phải đo huyết áp tại bệnh viện địa phương trong ba ngày liên tiếp. Họ bắt bà vào ngày 28 tháng 9 mặc dù bà bị tăng huyết áp, 210/110 mmHg. Cảnh sát đưa bà vào trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn, nơi bà vẫn từ chối ký vào bản tuyên bố. Bà được trả tự do cùng ngày.

Cảnh sát Đổng Tuyết Phong và Phùng Lỗi đã đến nhà bà Vương vào ngày 20 tháng 10 và yêu cầu gia đình bà ký lệnh bắt giữ. Hai người từ Viện kiểm sát địa phương đã đến thăm bà một tuần sau vào ngày 28 tháng 10 và muốn bà ký vào một tờ giấy có những lời lẽ phỉ báng Pháp Luân Công. Bà đã từ chối tuân thủ.

16 học viên khác ở quận Phong Nam bị bắt

Bí thư thôn của thị trấn Đại Tân Trang và cảnh sát địa phương đã bắt giữ bà Đông Tú Lan, bà Lý Hải Anh và Tăng Tương Duyệt lúc 5 giờ sáng và lục soát nhà của họ.

Hai xe cảnh sát từ Đồn Công an Xóa Hà đến nhà bà Lưu Kim Anh ở thị trấn Xóa Hà, quận Phong Nam, lúc 5 giờ sáng. Khi bà Lưu không trả lời, cảnh sát đã ập vào và bắt bà. Họ tịch thu tiền mặt và các vật dụng có giá trị của bà. Bà sau đó đã được thả.

Bà Cao Bảo Chi ở thôn Tứ Thần Trang và bà Vương Tử Anh ở thôn Tống Trang Tử ở thị trấn Xóa Hà cũng bị bắt cùng ngày. Bà Cao sau đó đã được trả tự do. Nhà của bà Vương bị lục soát và bà bị quản thúc trong 15 ngày.

Cũng bị bắt cùng ngày hôm đó là bà Vi Mĩ Kim và bà Tần Mặc Phượng ở thôn Tân Trang Tử. Nhà của cả hai đều bị lục soát. Cảnh sát đã lấy 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt từ bà Vi trước khi thả bà.

Lôi Triệu Vũ, trưởng thôn Trịnh Gia Đà, và các sĩ quan từ Đồn Công an Tiểu Tập đã bắt giữ ông Trịnh Bảo Khuê. Ông sau đó đã được thả.

Lữ Lập Phát đã bị bắt và hiện đang bị giám sát tại nhà và sẽ phải đối mặt với phiên tòa xét xử bất hợp pháp.

Cảnh sát đã bắt và lục soát nhà của ông Hầu Kiến Quảng, ông Hầu Kiến Khoan và bà Tất Quán Cần. Ông Hầu Kiến Quảng và ông Hầu Kiến Khoan bị nhốt trong các trại tạm giam riêng biệt ở quận Phong Nam.

Cảnh sát cũng lục soát nhà của Sử Thiếu Lan và tịch thu các sách Pháp Luân Công của Sử.

Ông Vương Bảo Trụ, ở thị trấn Vương Lan Trang, bị lục soát nhà lúc 5 giờ sáng.

Cảnh sát đã ập vào nhà của bà Trương Chí Lan ở thôn Nam Thanh Đà lúc 7 giờ sáng và bắt bà đi trong khi bà vẫn đang mặc đồ ngủ. Họ đã tịch thu rất nhiều đồ đạc của bà. Bà bị nhốt trong trại tạm giam Khai Bình ở thành phố Đường Sơn.

Các học viên ở quận Ninh Hà lân cận Thiên Tân cũng bị bắt vào ngày hôm đó

Có thông tin cho rằng chính quyền đã bí mật đặt một thiết bị giám sát trên xe của một học viên Pháp Luân Công để theo dõi vị trí và ghi lại các hoạt động của ông. Vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, các sĩ quan từ Công an Thành phố Đường Sơn và Đồn Công an Quận Ninh Hà ở Thiên Tân đã theo dõi lịch sử vị trí và bắt giữ học viên này cùng một số người khác ở thị trấn Nhạc Long, quận Ninh Hà. Tên của những học viên này vẫn đang được điều tra.

Ba chị em đã bị bắt và dự kiến ​​bị đưa ra xét xử vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, tại Tòa án Quận Ninh Hạ. Họ là bà Tôn Diễm Bình ở thôn Tây Ngụy Điếm; bà Tôn Thúy Bình ở thôn Nhạc Long, và bà Tôn Kiến Bình ở thôn Vũ Triều.

Bà Tôn Thúy Bình có thể bị giam giữ tại trại tạm giam Quận Ninh Hà. Bà Tôn Kiến Bình bị thẩm vấn. Bà được tại ngoại và đang chờ xét xử sau khi nộp 5.000 Nhân dân tệ. Bà Tôn Diễm Bình có thể bị giam tại trại tạm giam Vũ Thanh.

Bà Lưu Thục Kim và con trai ở thôn Vu Triều đã bị bắt. Con trai bà đã được trả tự do cùng ngày. Bà Lưu bị ốm và được cho tại ngoại với số tiền 5.000 Nhân dân tệ và đang chờ xét xử.

Các học viên ở quận Phong Nam bị sách nhiễu và / hoặc bị bắt trong suốt năm 2020

Ngoài vụ bắt giữ nhóm vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, nhà chức trách đã sách nhiễu nhiều học viên khác trong suốt cả năm, cố gắng buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Dưới đây là các thông tin chi tiết.

1. Ba viên chức ở thị trấn Hoàng Các Trang đã đột nhập vào nhà của bà Đổng Chúc Anh vào ngày 21 tháng 8. Họ muốn bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình và bà đã từ chối. Một ngày trong tháng 10, họ gõ cửa nhà bà Đổng từ lúc 2 giờ chiều và đến 4:30 chiều hai viên chức đưa bà Đổng đến trung tâm tẩy não vào ngày 14 tháng 10. Năm người thay nhau tẩy não bà. Bà rời trung tâm hai giờ sau đó.

2. Trịnh Liên Dũng, Bí thư chi bộ thị trấn Tây Cát và một nhân viên từ Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công) đã đột nhập vào nhà của bà Đổng Quế Hoàn vào ngày 26 tháng 8. Bà Đổng đã từ chối ký vào bản tuyên bố. Ngày hôm sau, Trịnh quay lại với một cảnh sát trưởng và hai người khác. Dưới áp lực khủng khiếp, chồng của bà Đổng đã ký tên vào bản khai cho bà. Ông nắm lấy tay bà và ép bà ấn dấu vân tay lên giấy tờ.

3. Các nhân viên từ Đồn Công an Thị trấn Hoàng Các Trang đã đến nhà bà Trương Thụy Liên vào ngày 2 tháng 7 với một máy quay video. Họ hỏi bà có còn tu luyện Pháp Luân Công không và muốn bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Bà đã từ chối tuân thủ.

Mã Hi Tĩnh bí thư chi bộ thôn, đã đến gặp bà Trương tại nhà vào ngày 23 tháng 7 và thúc giục bà đến đồn công an để ký vào các bản tường trình. Mã trở lại một lần nữa vào ngày 21 tháng 8. Sau khi bà Trương từ chối tuân thủ, Mã đã gọi điện cho chồng và các con của bà và yêu cầu họ thuyết phục bà Trương từ bỏ đức tin của mình.

Mã đến gặp bà Trương vào ngày 4 tháng 9 và đe dọa bà. Mã đã gọi cho mẹ chồng của bà Trương và nói chuyện với cháu trai về việc gây áp lực buộc mẹ anh từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Trương vẫn từ chối tuân thủ. Chiều cùng ngày, Mã và ba sĩ quan lại đến với cùng một mục đích. Họ nói với bà rằng bà sẽ không phải gặp lại họ trừ khi bà ký. Bà Trương vẫn từ chối tuân thủ.

Mã và một viên chức khác đến nhà bà Trương vào ngày 9 tháng 9. Sau khi sách nhiễu bà, họ đã gọi các con của bà. Con gái bà sau đó đã khóc và cầu xin mẹ từ bỏ việc tu luyện.

Đổng Tú Quốc, người đứng đầu thị trấn, đã gọi cho chồng của bà Trương vào ngày 24 tháng 9. Sau đó chồng bà nói chuyện với bà về việc từ bỏ Pháp Luân Công và bà đã từ chối tuân thủ.

4. Trưởng thôn Ma Xuân Diễm đã đến nhà của bà Trương Thục Ngân ở thị trấn Hoàng Các Trang vào ngày 26 tháng 7 để yêu cầu bà ký vào các bản tuyên bố. Ma đe dọa sẽ không bao giờ cho cháu trai của bà Trương gia nhập quân đội nếu bà từ chối.

Bà Trương đang làm việc trong trang trại của bà khi Ma tìm thấy bà vào ngày 29 tháng 8. Ma đề nghị quay video việc bà từ bỏ đức tin của mình và bà đã từ chối.

Ma cùng hai sĩ quan đến nhà bà Trương vào tối ngày 2 tháng 9 và muốn ghi lại việc bà ký vào các bản tường trình. Sau khi bà từ chối, Ma ép con dâu ký vào biên bản thay cho bà.

5. Phí Vệ Quốc, Bí thư chi bộ thôn Hồng Nhạ Bạc, đã sách nhiễu bà Hạ Hữu Hội tại nhà vào ngày 23 tháng 8, và yêu cầu bà bảo không được tu luyện Pháp Luân Công vì ĐCSTQ đã có lệnh cấm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/7/418225.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/21/190019.html

Đăng ngày 04-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share