Theo một phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Tên: Hoàng Linh (黄玲)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 35
Địa chỉ: Không rõ
Nghề nghiệp: Giảng viên
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 11 tháng 9 năm 2007
Nơi bị giam gần nhất: Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (山西太原新店女子劳教所)
Thành phố: Bắc Kinh
Hình thức bức hại: Cấm ngủ, lao động cưỡng bức, đánh đập, biệt giam

[MINH HUỆ 6-12-2010] Cô Hoàng Linh, một giảng viên tại Đại học truyền thông Trung Quốc, đã bị bức hại nhiều lần trong 11 năm qua. Cô Hoàng bị đưa đến nhà giam vào ngày 11 tháng 9 năm 2007. Cô bị kết án hai năm sáu tháng lao động cưỡng bức và bị giam tại Trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh trong chín tháng, và sau đó bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, trước Thế Vận Hội 2008. Thời hạn giam của cô bị kéo dài thêm ba tháng. Cô được thả vào ngày 8 tháng 6 năm 2010, sau hai năm bị giam tại Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm. Cô bị ép phải ngồi trong thời gian dài và bị đánh đập tàn bạo.

Sau đây là câu chuyện về những trải nghiệm của cô Hoàng Linh tại Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm:

Ngày 17 tháng 7 năm 2008 tôi bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm sau chín tháng bị giam tại Trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh. Họ đã kéo dài thời hạn giam giữ của tôi thêm ba tháng vì “dấu các bài viết về Pháp Luân Công.” Tôi bị đánh tàn nhẫn, bị lăng mạ, và bị biệt giam. Tôi đã kể về những điều xảy ra với tôi trước đây và lời kể của tôi đã được đăng trên Minh Huệ.net. Tôi sẽ kể về những việc xảy ra với tôi sau khi tôi khiếu nại đến Phòng lao động thông qua Cục tái giáo dục tỉnh Sơn Tây về việc kéo dài thời hạn giam giữ tôi.

Bị nhốt trong phòng biệt giam vì viết đơn khiếu nại

Theo luật của trại lao động, chúng tôi có thể gửi một đơn xin xem xét về việc kéo dài thời hạn giam giữ của chúng tôi. Tôi đưa tờ đơn của tôi cho một lính canh tên là Trương Na, và yêu cầu cô ta gửi nó đi. Trong đơn, tôi nói về cách các lính canh đội số hai đã đối đãi với các học viên Pháp Luân Công như thế nào. Một đội trưởng có họ là Thương từ phòng lao động đã đưa cho tôi bản xác nhận rằng đơn của tôi đã được nhận. Cô ta không đề cập gì về điều tôi đã viết về việc lính canh gây bức hại. Khi tôi hỏi cô ta về điều đó, cô ta nói cô ta chưa bao giờ nhận được điều gì như vậy, và sau đó cô ta nói đó không phải là việc của cô ta và tờ đơn đã được gửi đến ban ngành liên quan. Cô ta nói tôi có thể nộp một bản xem xét lại trong vòng 30 ngày khi nhận được thông báo kéo dài thời hạn giam giữ. Tôi cũng tiến hành các trình tự hợp pháp với tòa án trong vòng 60 ngày. Tôi trả lời rằng tôi đã viết bảy bức thư gửi cho tòa án, Viện kiểm sát và Văn phòng pháp lý, nhưng các lính canh không cho tôi gửi đi.

Ngày 15 tháng 10 năm 2009, buổi sáng sau khi tôi nói chuyện với lính canh, tôi bị đưa đến một căn phòng bởi Trần Tuệ Như, đội trưởng đội số hai, và bị giữ trong phòng biệt giam cho đến khi tôi được thả ra vào ngày 8 tháng 6 năm 2010. Đầu tiên tôi không được phép có bút chì hoặc một tờ giấy, và không được phép viết một điều gì. Sau khi tôi yêu cầu nhiều lần, tôi được đưa cho một mảnh giấy để viết thư.

Ngày 11 tháng 12 năm 2009, tôi nhận được các văn bản về việc kéo dài thời gian giam giữ tôi thêm ba tháng bởi phòng lao động. Lý do cho việc kéo dài này là “truyền bá các ý tưởng độc hại.” Tôi nói với lính canh là tôi muốn nộp một bản xem xét lại. Trần Tuệ Như đưa cho tôi ba tờ giấy. Tôi viết lên cả hai mặt của mỗi tờ giấy. Một lính canh nói rằng tôi có thể gửi các lá thư vào ngày hôm sau. Khi tôi đi lấy bảy lá thư khiếu nại mà tôi đã viết cho tòa án, Viện kiểm sát và Văn phòng pháp lý trước khi tôi bị giam trong phòng biệt giam, tất cả các lá thư đều biến mất. Trần Tuệ Như nói với tôi là các lá thư đã bị tịch thu trong một đợt kiểm tra an ninh.

Từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010, tôi viết sáu lá thư cho gia đình tôi và cho đồng nghiệp nơi làm việc của tôi. Tôi nói về việc bị kéo dài thời hạn giam thêm ba tháng và các trải nghiệm của tôi tại Trại lao động cưỡng bức nữ Tân Điếm. Lính canh đã không gửi các lá thư đi. Họ chỉ gửi một lá thư tôi viết cho con tôi, và chỉ sau khi tôi đã nhiều lần yêu cầu. Tôi không được phép nhận thư từ gì. Tôi không nhận được bốn lá thư mà chồng tôi và cha mẹ tôi đã gửi cho tôi từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2009. Chồng tôi gửi thư bảo đảm, nhưng tôi không nhận được lá thư bảo đảm nào từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2010. Tất cả các lá thư đều bị giữ bởi Lôi Hồng Trân, trưởng nhóm số hai.

Các quyền cơ bản bị từ chối trong lúc biệt giam

Tôi bị nhốt trong một phòng biệt giam nhỏ và bị giám sát bởi hai tù nhân nghiện ma túy mỗi ngày. Tôi không được phép đi ra ngoài hoặc nói chuyện với bất cứ ai. Tôi bị ép phải ngồi trên một cái ghế nhỏ trước một camera giám sát cả ngày. Tôi không được phép đứng gần cửa sổ, và cửa chính thường bị đóng. Tôi có một cái chuông và phải sử dụng nó mỗi khi tôi muốn uống nước hoặc đi nhà vệ sinh. Tôi không được phép tắm rửa trong sáu tháng. Trần Xuân Hương, trưởng nhóm nói rằng, “Tôi không quan tâm nếu cô không tắm trong một năm.”

Các bữa ăn được mang đến cho tôi và tôi không được phép đi đến phòng ăn. Các món ăn thường đã nguội lạnh khi đến tay tôi. Tôi bị loét tá tràng từ khi tôi lên sáu tuổi và tôi bị đau dạ dày một hoặc hai lần vào mỗi mùa Đông. Bệnh của tôi được cải thiện đáng kể sau khi bắt đầu tập Pháp Luân Công năm 1996, nhưng đồ ăn lạnh khiến cho tôi bị đau dạ dày trở lại. Để hâm nóng đồ ăn, tôi đặt bánh bao vào một bao nhựa và đặt bao nhựa bên cạnh lò sưởi. Sau đó tôi cũng làm như vậy với các đồ ăn khác, nhưng tôi không có cách nào để hâm nóng cháo và tôi phải ăn cháo lạnh. Bệnh đau dạ dày của tôi càng trở nên nặng hơn và tôi thường bị thức giấc lúc đêm vì đau. Tôi yêu cầu Trần Tuệ Như cho tôi ăn ở phòng ăn, nhưng cô ta không trả lời.

Từ cuối tháng 10 năm 2009 đến tháng 12 năm 2009, tôi không có đủ thức ăn. Điều này kéo dài trong hơn một tháng. Tôi nói với Trần Tuệ Như nhiều lần về việc cho tôi thêm đồ ăn. Tôi đã bị giam trong hai năm và chín tháng, và tôi đã chịu nhiều hình thức tra tấn. Khi tôi được thả ra, người tôi rất yếu, hai chân tôi bị sưng, ba cái răng của tôi bị gãy, và tôi có tóc bạc.

Bị đánh đập tàn nhẫn nhiều lần vì yêu cầu chấm dứt sự biệt giam

Sau bốn tháng bị biệt giam, tôi bắt đầu nói với trưởng nhóm số hai và viết thư cho giám đốc của trại lao động, yêu cầu chấm dứt sự biệt giam. Các yêu cầu của tôi đều không được trả lời. Tôi nộp yêu cầu của tôi nhiều lần. Tôi nói với họ là tôi rất yếu và cần chỗ rộng rãi hơn để sinh hoạt. Tôi cũng nói với họ là họ không nên nhốt tôi trong một phòng nhỏ và tối. Không dễ mà nói chuyện với các lính canh vì người giám sát luôn đi theo tôi. Người giám sát thường lăng mạ tôi sau khi tôi nói chuyện với lính canh. Tôi thường bị kéo đi trong khi đang nói chuyện và áo quần tôi thường bị rách.

Một tháng trôi qua và không có ai cho tôi một câu trả lời. Ngày 20 tháng 3 năm 2009, tôi yêu cầu Trần Tuệ Như và Lôi Hồng Trân cho tôi một tờ giấy và đã viết các yêu cầu của tôi:

  1. Tôi muốn họ chấm dứt sự biệt giam.
  2. Tôi muốn có một câu trả lời cho đề nghị của tôi về việc xét xử lại của Văn phòng lao động thông qua tái giáo dục.
  3. Tôi muốn có quyền nhận và gửi thư đi.

Trong khi tôi đang viết thư, khoảng một chục tù nhân nghiện ma túy đã xông vào phòng tôi. Họ lấy đi bức thư và hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói, “Tôi đang viết một bức thư. Các người đang làm gì vậy?” Một người nói, “Trần Tuệ Như bảo chúng tôi đến và xem cô đang làm gì.” Sau đó họ bắt đầu nắm tóc tôi và đánh vào mặt và đầu tôi. Tôi ngã xuống. Cổ Băng Hà đánh vào lưng và đầu tôi bằng tấm bảng và giày. Cô ta cũng đá vào chân tôi. Việc đánh đập kéo dài khoảng 50 phút. Tôi bị bầm tím đầy mình và rất đau. Các tù nhân nghiện ma túy liên quan đến cuộc đánh đập này có Cổ Băng Hà, Vương Tú Lan, Tắng Diệp, Bạch Xảo Linh, Tạ Tố Cần, Tào Tố Phương và những người khác. Các lính canh Trần Tuệ Như và Lôi Hồng Trân giám sát toàn bộ sự việc. Khi các lính canh nghĩ rằng tôi đã bị đánh đủ rồi, họ bảo ai đó nói với các tù nhân nghiện ma túy rời khỏi phòng. Trần Tuệ Như hăm dọa các tù nhân khác và nói rằng họ sẽ bị đối xử như vậy nếu họ nói ra chuyện này.

Tôi bị chấn động não sau cuộc đánh đập. Tôi cảm thấy chóng mặt khi cúi đầu xuống, và không thể ngồi hoặc ngồi xổm. Tôi cảm thấy những cơn đau dữ dội trong đầu, và bị đau đầu nếu tôi đọc sách một hồi. Tôi không thể ngủ vì cơn đau. Ngày 22 tháng 3 năm 2010, tôi viết về sự đánh đập trong một lá thư và bỏ vào thùng thư của giám đốc. Sau đó tôi càng bị đánh nhiều hơn nữa. Hai tù nhân nghiện ma túy giám sát lăng mạ tôi vào ngày 27 tháng 3. Sau đó họ bảo những tù nhân nghiện ma túy khác giúp đỡ, và hai người đã đè tôi xuống trong khi một người khác đá vào bụng và chân tôi. Họ đánh vào mặt và mắt tôi, và sau đó hai mắt tôi rất đau. Tôi nói, “Các người không nên đánh người khác như thế. Tôi muốn gặp đội trưởng.” Họ càng đánh tôi nặng hơn sau khi nghe như vậy. Họ đánh vào đầu và lưng tôi bằng giày. Tôi bị đè xuống đất. Một người ngồi lên đầu tôi và đánh vào mặt tôi. Cô ta thậm chí còn đánh vào đầu tôi bằng một xô nước. Một lính canh, tên Vương, nghe tiếng kêu khóc của tôi và đến xem việc gì. Tôi nói với cô ta là những người giám sát đang đánh tôi. Cô ta nhìn mặt tôi và nhanh chóng rời đi không nói một lời. Họ nhìn thấy lính canh không ngăn họ lại, nên còn đánh tôi nặng hơn. Tôi bị đánh từ 11 giờ sáng đến 8 giờ tối, và họ không ngừng cho đến khi thấm mệt. Các vết thương cũ của tôi vẫn chưa lành, và các vết thương mới đè lên vết thương cũ.

Tôi không có cách gì báo cáo lại tình trạng của tôi. Ngày 28 tháng 3 năm 2010, tôi kêu lớn trước một cửa sổ đang mở và yêu cầu được gặp giám đốc trại lao động. Người giám sát tôi nắm lấy tóc tôi và đè tôi xuống đất. Cô ta đóng cửa sổ lại sau đó.

Bị cấm ngủ và bị đánh đập nhiều hơn

Lôi Hồng Trân sau đó chỉ định hai người giám sát mới, Vương Mỹ Lệ và Trương Miêu. Vương Mỹ Lệ là một tù nhân nghiện ma túy. Để được giảm thời hạn giam, cô ta đã tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vương Mỹ Lệ nói với tôi là cô ta không muốn đối xử tệ với tôi, nhưng cô ta phải làm điều mà cô ta bị bảo làm, và cô ta chỉ là làm theo lệnh. Trương Miêu đã bị giam nhiều lần và có tính khí rất xấu.

Ngày 29 tháng 3 năm 2010, Vương Mỹ Lệ bảo Lưu Lệ Quân, người mang đồ ăn cho tôi, để cho tôi ít đồ ăn hơn. Lưu Lệ Quân không nghe lời. Vương Mỹ Lệ nói với Lưu Lệ Quân nhiều lần. Cuối cùng cô ta hăm dọa Lưu Lệ Quân, “Đây là để chuyển hóamột học viên Pháp Luân Công. Đó là lệnh của Lôi. Tôi sẽ báo cáo lại nếu bà cứ mang đủ đồ ăn cho cô ấy, tỏ ra thiện cảm, và giúp đỡ cô ấy.” Trong trại lao động, một người trở thành mục tiêu tấn công nếu tỏ ra thiện cảm với các học viên Pháp Luân Công hoặc giúp đỡ họ. Lưu Lệ Quân sau đó không dám mang đủ đồ ăn cho tôi. Cô ta nói riêng với tôi rằng cô ta không có sự lựa chọn. Tôi không có đủ thức ăn và luôn bị đói từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2010. Tôi đã nói chuyện với Lôi Hồng Trân nhiều lần nhưng cô ta không giúp gì cho hoàn cảnh của tôi.

Chiều ngày 2 tháng 4 năm 2009, Vương Mỹ Lệ và Trương Miêu bắt tôi đứng trong một thời gian dài. Họ không cho tôi ăn, uống hoặc dùng nhà vệ sinh. Họ đẩy tôi vào một góc, và Vương Mỹ Lệ đánh vào ngực tôi, làm tôi đau đến khó thở. Trương Miêu tát vào mặt tôi hàng chục lần. Cô ta đá vào chân tôi và dẫm lên bàn chân và ngón chân tôi. Sau này họ nhéo vào hai cánh tay và xương sườn của tôi.

Lôi Hồng Trân bắt đầu dùng cách cấm ngủ, một phương cách mà cô ta đã dùng trước đây với các học viên Pháp Luân Công. Tôi không được ngủ một chút nào vào ban ngày và họ không để cho tôi ngủ cho đến nửa đêm. Lôi Hồng Trân ra lệnh cho Vương Mỹ Lệ và Trương Miêu trông chừng tôi và không cho tôi ngủ. Vương Mỹ Lệ và Trương Miêu rất mệt sau ba ngày. Họ không muốn tiếp tục trông chừng tôi, và tôi cuối cùng có thể ngủ một chút.

Vương Mỹ Lệ và Trương Miêu lăng mạ và đánh tôi, họ dùng nhiều lý do khác nhau để làm điều đó. Tôi bị đánh mỗi ngày. Vào chiều ngày 9 tháng 4, Trương Miêu lại đánh tôi tàn nhẫn. Tóc tôi bị rụng và rơi khắp mặt đất. Trương Miêu bị chuyển đi nơi khác vào ngày hôm sau.

Con tôi bị buộc phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong khi cả cha mẹ đều bị giam

Vợ chồng tôi bị công an Đồn công an trấn Phong Đài vào ngày 11 tháng 9 năm 2007 bắt giữ tại nơi làm việc. Sau đó, một công an đã gọi đứa con tám tuổi của chúng tôi ra khỏi lớp học tại nhà trường và thẩm vấn cậu bé tại phòng hiệu trưởng. Vì cả hai chúng tôi đều bị giam, con trai chúng tôi phải đi từ nơi này đến nơi khác. Đôi lúc cậu bé không đủ ăn, và phải tự chăm sóc bản thân khi bị bệnh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/12/6/中国传媒大学女教师在劳教所遭受的迫害-233335.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/12/23/122073.html
Đăng ngày: 30-1-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share