Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3

[MINH HUỆ 01-10-2011]

31. Những mâu thuẫn khác giữa các báo cáo của Trung Quốc

1) Theo bài viết trên Tân Hoa Xã ngày 30 tháng 1, những người được cho là tự thiêu đã đến Thiên An Môn vào sáng sớm, nhưng không vào được quảng trường nên họ đợi bên ngoài, đến khi “quảng trường mở cửa lại vào buổi chiều” thì họ mới đi vào và bắt đầu tự thiêu.

Nhưng trong “Bản tường trình… của Vương Tiến Đông“, Vương viết rằng cả nhóm đến nhà một người nào đó vào sáng sớm để đổ xăng vào chai. Họ ra khỏi nhà lúc 2h30 chiều – 11 phút trước khi sự việc diễn ra – và đón taxi đến Quảng trường Thiên An Môn.

2) Trong bài báo ngày 30 tháng 1 của Tân Hoa Xã, nhóm Vương Tiến Đông đến Trạm Xe buýt Tây Bắc Kinh vào sáng ngày 17 tháng 1, rồi Trần Quả đón họ tại đó.

Trong “Bản tường trình… của Vương Tiến Đông”, Vương nói rằng sau khi đến Bắc Kinh, cả nhóm đón xe buýt đến trường Cao đẳng Âm nhạc Trung ương, và Trần Quả đón họ ở đó.

3) Trong bài báo “Cuộc phỏng vấn đặc biệt với Vương Quyên” do Tân Hoa Xã công bố ngày 24 tháng 4 năm 2002, con gái Vương Tiến Đông tên là Vương Quyên xuất hiện khắp bài báo. Nhưng trong bài viết đưa tin vào ngày 28 tháng 3 năm 2001, con gái của Vương Tiến Đông lại liên tục được gọi bằng tên Vương Quyên Quyên.

Trong các bản tin thời sự, tên nhân vật trong bài viết là một trong những yếu tố trọng yếu nhất. Phóng viên chuyên nghiệp nào cũng đều hết sức chú ý đến tính chính xác của những thông tin căn bản đó. Bài báo ngày 28 tháng 3 năm 2001 dài khoảng hơn 4.600 chữ, mà tên Vương Quyên Quyên lặp lại đến 37 lần. Rõ ràng, sự khác biệt giữa hai tên gọi Vương Quyên và Vương Quyên Quyên không phải là lỗi in ấn.

4) Bài báo ngày 24 tháng 4 năm 2002 đưa tin rằng, vợ và con gái Vương Tiến Đông cảm thấy những cảnh sát trong trại đối xử với họ rất tử tế và tốt bụng trong suốt thời gian họ bị giam vào cuối năm 2000, vì thế, họ đã chấp nhận “chuyển hóa” (từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công).

Trong bài viết hơn 4.000 từ ngày 28 tháng 3 lại nói rằng Trại Cưỡng bức Lao động Hà Nam cuối cũng đã “chuyển hóa” được người mẹ và cô con gái sau quá trình “làm việc vô cùng vất vả”.

Theo một bài báo đăng trên trang web BBC tiếng Trung ngày 5 tháng 4 năm 2002, “Con gái của Vương Tiến Đông nói rằng chỉ sau 10 phút bước vào trại lao động cưỡng bức, cô đã quyết định từ bỏ Pháp Luân Công.”

Không chỉ có sự không nhất quán về thông tin hai mẹ con họ từ bỏ Pháp Luân Công như thế nào, mà cả thông tin nơi họ bị giam cũng vậy.

32. Bài báo của Tân Hoa Xã đưa ra các chi tiết sống động không có nhân chứng

Bài báo ngày 30 tháng 1 năm 2001 là bài chi tiết đầu tiên của Tân Hoa Xã về vụ tự thiêu. Bài báo đưa ra những miêu tả vô cùng sống động và cụ thể về hiện trường vụ việc. Ví dụ:

“Vào lúc 2h41 chiều, tại phía Đông Bắc Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, một người đàn ông hơn 50 tuổi, mặt quay về hướng Tây Bắc, ngồi trong tư thế hai chân bắt chéo nhau và liên tục đổ một thứ chất lỏng trong một chai nhựa màu xanh lên người. Sau đó, một mồi lửa đỏ rực bùng lên từ người đàn ông, tỏa ra một làn khói đen đặc. Trong đám cháy rừng rực, người đàn ông dùng hết sức bình sinh hô lên”… “gần như cùng lúc đó, tại phía Đông Bắc của quảng trường, một phụ nữ trung niên bất ngờ rút một chai Sprite ra khỏi túi xách. Cô há miệng uống vài ngụm chất lỏng, rồi đổ nốt phần còn lại lên mình. Khoảnh khắc đó, mùi xăng nồng nặc lan đầy không khí.”… “ở phía Đông Bắc của Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, bốn cảnh sát phát hiện ra vụ tự thiêu của người đàn ông hơn 50 tuổi đầu tiên. Họ nhanh chóng lấy bình chữa cháy và lao hết tốc lực ra chỗ ông ấy… Chưa đầy một phút sau, một số cảnh sát dùng bốn bình chữa cháy, nhanh chóng dập tắt ngọn lửa trên người đàn ông. Ngay sau đó, họ nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện cấp cứu trên xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ…”

Những tình tiết như thế chỉ có thể thu thập được nếu người viết thực sự có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, theo bài báo, chúng ta không cách nào biết tác giả có được những thông tin này bằng cách nào. Bài viết cũng không đề cập gì đến việc phỏng vấn nhân chứng chứng kiến vụ việc này.

33. Bức hình đăng trên báo cho thấy chai Sprite nằm ở vị trí khác

Theo các nhà quan sát ở Trung Quốc, một bức hình đăng trên nhật báo Cẩm Châu cho thấy chai Sprite được đặt dưới đất, ngay bên chân phải của Vương Tiến Đông. Vị trí này hoàn toàn khác với hình ảnh chai nhựa nằm giữa hai chân của Vương trong đoạn phim của CCTV. Bức hình này được đăng vào khoảng ngày 1 tháng 2 năm 2001.

34. ĐCSTQ thổi bùng lên vụ tự thiêu để đánh lạc hướng dư luận về cái chết của Triệu Tử Dương bốn năm trước đó

Ngày 17 tháng 1 năm 2005, cựu Thủ tướng, người ủng hộ dân chủ Triệu Tử Dương qua đời sau 15 năm bị ĐCSTQ quản thúc tại gia. Sự kiện ông Triệu qua đời gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận trong nước và quốc tế. Mọi người, từ dân thường Trung Quốc đến lãnh đạo tối cao ở Hoa Kỳ, từ các đại diện của Hồng Kông đến cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đều tiếc thương trước sự ra đi của ông và ca ngợi công lao của ông. Trái lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại im hơi lặng tiếng trước sự kiện này và chỉ đưa tin một dòng về cái chết của ông trên báo chí nhà nước. Cáo phó đăng trên trang web chính thức của Tân Hoa Xã cũng nhanh chóng bị gỡ xuống.

Hôm sau, ngày 18 tháng 1 năm 2005, Tân Hoa Xã lại đăng lại bản tin về “vụ tự thiêu” trước đó bốn năm. ĐCSTQ không chỉ đưa tin ở Trung Quốc mà còn tác động đến truyền thông nước ngoài buộc họ đăng tải sự kiện này. Ngày 21 tháng 1 năm 2005, tờ AP (Liên đoàn Báo chí) đã đăng một bài viết về vụ tự thiêu và hậu quả của nó theo quan điểm của ĐCSTQ. Bài báo đã chấp nhận tuyên truyền một cách thiếu suy xét mà đăng tin như thể đó là sự thật. Nhiều tờ báo, về sau, đã đứng ra xin lỗi về việc này.

Tại sao ĐCSTQ lại nỗ lực đến thế để đưa tin về một việc đã xảy ra trước đó bốn năm, một ngày sau một sự kiện quan trọng ở Trung Quốc?

35. Không có xác nhận nào về việc học viên Pháp Luân Công tự sát trước và sau “vụ tự thiêu”

Từ khi Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu được hồng truyền vào tháng 5 năm 1992 đến khi cuộc bức hại nổ ra vào tháng 7 năm 1999, chưa có bất cứ tin tức nào về việc học viên Pháp Luân Công tự sát. Với khoảng 70-100 triệu học viên Pháp Luân Công vào năm 1998, và với tỷ lệ tự sát ở Trung Quốc là 23/100.000, nếu phát hiện ra 23.000 trường hợp tự sát thì đây hẳn đã trở thành vấn đề lớn. Song không có bất cứ báo cáo nào về điều này. Đây là bằng chứng chân thật nhất về tác dụng đối với sức khỏe của Pháp Luân Công.

Ngay khi cuộc bức hại nổ ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu đăng tải hết bản tin này đến bản tin kia về các vụ phạm tội, giết người, tự sát do học viên Pháp Luân Công gây ra. Trong vòng sáu tháng đầu cuộc bức hại, hơn 30.000 bản tin đả kích Pháp Luân Công đã được đăng tải. Hiển nhiên, số bản tin gia tăng đột biến như thế cũng gây nghi ngờ. Một số bài báo đó đã được xác minh tại địa phương và bị phát hiện đều là bịa đặt hoặc sai sự thật (chẳng hạn như một người dân bình thường tự sát cũng được gán nhãn là học viên Pháp Luân Công). Những bản tin khác gọi những học viên bị thiệt mạng trong trại cải tạo lao động là tự sát, nhưng hầu hết những nạn nhân này được xác minh là bị tra tấn đến chết và bị chính quyền vội vàng đem đi hỏa táng.

Những năm gần đây, truyền thông Trung Quốc ít nói về Pháp Luân Công hơn, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn chèn vào một bản tin. Ví dụ, tháng 11 năm 2005, Nhật báo Bắc Kinh tuyên bố một học viên Pháp Luân Công tự sát ở Bắc Kinh. Tin tức này nhanh chóng bị phát hiện chỉ là tin vịt.

Có lẽ minh chứng rõ nhất chính là thái độ hành xử của các học viên hải ngoại. Có hàng nghìn học viên ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. Nhiều người sống ở các khu vực nói tiếng hoa như Hồng Kông, Singapore và Đài Loan – những nơi không bị ĐCSTQ kiểm soát. Chỉ riêng Đài Loan đã có hơn 300.000 học viên.

Chưa từng có bất cứ báo cáo nào về việc học viên Pháp Luân Công ở bên ngoài Đại lục tự sát.

36. “Vụ tự thiêu” lần này không liên quan đến những vụ tự thiêu trong lịch sử

tự thiêu vốn là điều rất bất bình thường vì nó là cái chết rất từ từ và gây đau đớn khủng khiếp. Một số vụ tự thiêu được ghi nhận trong lịch sử cận đại, đa phần đều là vì mục đích biểu tình, phản đối. Lý do của những vụ tự thiêu này gồm: phản đối chiến tranh, phản đối chế độ chuyên quyền, phản đối sự chiếm đóng quân sự, phản đối chính sách nhà nước, phản đối các phiên xét xử, và do đau khổ trầm cảm.

Tuy nhiên, lý do mà những “người tự thiêu” ở Thiên An Môn đưa ra là những điều kiểu như “để lên Thiên đường” mà chưa bao giờ đề cập đến việc phản đối điều gì, và nhóm người đó chắc chắn không bị trầm cảm. Nếu họ không định phản đối chính quyền thì nguyên nhân thật sự khiến họ đến quãng trường Thiên An Môn có vẻ rất kỳ lạ.

Tự sát tập thể mong tưởng “được lên Thiên đường” hay những lý do tương tự là cực kỳ hiếm, chẳng mấy người bận tâm đến. Lấy tà giáo Cổng Thiên đường làm ví dụ. Năm 1997, các thành viên của tà giáo này ăn bánh tráng miệng có độc và nằm chết bên nhau. Tự sát tập thể vì những lý do như thế thường được thực hiện ở nơi khuất tầm nhìn của công chúng [để tránh sự chú ý của mọi người].

Dưới đây là hai trường hợp tự thiêu có thật ở Trung Quốc:

Trường hợp #1: Ngày 15 tháng 9 năm 2003, trước cầu Kim Thủy ở Thiên An Môn, một nông dân tên Chu Chính Lượng, ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy đã tưới xăng lên người và châm lửa. Lý do ông Châu đưa ra cho hành động này là căn nhà của ông đã bị phá dỡ trái với nguyện vọng của ông, và phiên tòa không xét xử bằng công lý.

Trường hợp #2: Ngày 1 tháng 10 năm 2003, ông Dương Bồi Quyền, một công nhân 49 tuổi bị sa thải, ở huyện Công An, thị trấn Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc đã tự thiêu bằng xăng gần góc Đông Nam của Thiên An Môn, chỗ Đài Tưởng niệm để kêu oan.

Một vài trường hợp tự thiêu như thế cũng được báo chí đưa tin. Tuy nhiên, việc đưa tin không rầm rộ nên hầu hết người Trung Quốc chưa bao giờ biết đến những chuyện này. Sự khác biệt trong cách xử lý của truyền thông nhà nước về những vụ tự thiêu có thật và màn kịch tự thiêu giả là quá lớn.

37. Những “người tự thiêu” lập tức tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công

Tại sao những người tự thiêu dám thiêu sống bản thân dưới danh nghĩa Pháp Luân Công, rồi lại lập tức tuyên bố từ bỏ tu luyện khi họ sống sót?

38. Những “người tự thiêu” hoàn toàn tương phản với hành động vô tư vô ngã của học viên Pháp Luân Công

Học viên Pháp Luân Công luôn cố gắng chân thật trong mọi phương diện của cuộc sống. Trong tất cả các sách, âm nhạc và các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Công, các học viên đều nói về những thiếu sót của bản thân và làm thế nào để cải thiện những thiếu sót đó. Mọi hoạt động đều là miễn phí và công khai, công chúng có thể tiếp cận trên mạng hoặc trực tiếp với các học viên ngoài thực tế xã hội. Ở Đại lục, các học viên mạo hiểm mọi thứ để đến Quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện với chính quyền bằng cách giương biểu ngữ hay giảng chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại dưới nhiều hình thức ôn hòa.

Nếu học viên nào tự thiêu, nó sẽ khiến mọi nỗ lực của các học viên nhằm thức tỉnh lương tâm của người dân Trung Quốc Đại lục trở thành phản tác dụng. Đây có lẽ là lý do để dàn dựng vụ việc này: Trong những năm đầu bức hại, hàng trăm học viên đã đến Bắc Kinh mỗi ngày để kháng nghị lên chính phủ ở Quảng trường Thiên An Môn, họ chấp nhận nguy cơ bị bắt, bị giam. Những hành động vô tư vô ngã này đang thức tỉnh cộng đồng, và mang lại hy vọng về tương lai cho người dân dưới một chế độ chuyên chế độc tài.

Bằng cách dựng lên màn kịch “tự thiêu” theo cách ấy và cũng tại địa điểm ấy, ĐCSTQ đã trực tiếp thách thức và tạo ý nghĩa tiêu cực cho những nỗ lực của các học viên.

39. Pháp Luân Công phủ nhận mọi vai trò

Việc các đại diện của Pháp Luân Công lập tức phủ nhận bất cứ vai trò nào trong vụ tự thiêu đã nói lên tất cả.

40. Sự kết hợp các những người tham gia “vụ tự thiêu” tạo điều kiện lý tưởng để dấy động dư luận

Những người tham gia vào vụ tự thiêu có vẻ như đã được lựa chọn kỹ, đó là một đàn ông trung niên, một cô gái trẻ, một phụ nữ đứng tuổi, và một bé gái. Trong khi bé gái vừa được bế ra xe cứu thương, vừa khóc gọi mẹ đến xé ruột thì người bế em lại dừng lại một lúc để cho phóng viên ghi hình.

Vụ việc này lập tức dấy lên sự đồng cảm của dư luận, khiến công chúng phỉ báng Pháp Luân Công. Người dân khắp Trung Quốc hết sức phẫn nộ, gây ra nhiều hậu họa, trong đó có việc dân làng xông vào nhà các học viên yêu cầu họ từ bỏ Pháp Luân Công. Một số còn cướp bóc và đánh đập các học viên. Cảnh sát không can thiệp nếu biết nạn nhân là học viên Pháp Luân Công.

Xem tiếp Phần 5


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/1/128480.html

Đăng ngày 23-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share