Bài viết của Mục Văn Thanh và Hách Dư, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 10-01-2015 ]
Chúng tôi không thể phớt lờ việc mạng sống con người được sử dụng như nguyên liệu thô để cấy ghép tạng hoặc thu hoạch tạng ở thế kỷ thứ 21 này. Đây là điều chưa từng được nghe đến kể từ sau Thế chiến thứ hai và thời kỳ Phát xít. Chúng ta sẽ không dung thứ cho việc làm độc ác này,“ ông Leonidas Donskis, Nghị sỹ Nghị viện Châu Âu nói .
Vào ngày 12 tháng 12 năm 2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi chế độ Cộng sản Trung Quốc “lập tức chấm dứt thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, các nhóm tôn giáo và nhóm dân tộc thiểu số.”
Năm 1999, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc. Dưới chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thể xác,” hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đã bị bắt giữ. Bắt cóc, giam giữ và tra tấn diễn ra khắp nơi trên cả nước.
Kể từ khi ĐCSTQ huy động cả bộ máy nhà nước để phát động cuộc bức hại, thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đang còn sống trở thành một phương cách vừa sinh lời vừa đáp ứng được mục tiêu “hủy diệt thân thể.” ĐCSTQ đã sử dụng quân đội, công an vũ trang, nhà tù và các trại cải tạo lao động cho việc làm đen tối này.
Toàn bộ quá trình là một tội ác được nhà nước dàn dựng, do chính phủ điều hành, và quân đội thực hiện. Một ngân hàng nội tạng lớn được thành lập lưu giữ các dữ liệu về sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, qua đó đã tạo nên được một mạng lưới dữ liệu nội tạng.
Cô Anne, vợ của cựu bác sỹ phẫu thuật đã lấy đi giác mạc của 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống, cùng với nhân chứng thứ hai tên là Peter, là những người đầu tiên phơi bày tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Vào đầu tháng 03 năm 2006, lần đầu tiên một nhân chứng đã tiết lộ thông tin về trại lao động Tô Gia Đồn ở Đông Bắc Trung Quốc, nơi giam giữ các học viên Pháp Luân Công với mục đích thu hoạch nội tạng. Ngay sau lần công bố đầu tiên, một vợ của cựu bác sỹ phẫu thuật đã bước ra nói rằng từ cuối năm 2001 đến tháng 10 năm 2003, chồng bà đã lấy đi giác mạc của khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống. Các nội tạng cũng bị lấy đi, và các phần thi thể còn lại của các học viên thì bị hỏa thiêu.
Một bác sỹ quân đội lớn tuổi giấu tên thuộc khu Quân sự Thẩm Dương, đã xác nhận sự tồn tại của trại tập trung Tô Gia Đồn, và cho biết ở Trung Quốc có khoảng 36 trại tập trung giống như Tô Gia Đồn.
Ông viết: “Trại lớn nhất, mang mã số 672-S, có thể giam giữ hơn 120.000 người, trong số đó là các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Trại lớn thứ năm, đặt ở quận Cửu Thái tỉnh Cát Lâm, có lúc giam giữ hơn 14.000 học viên Pháp Luân Công.
“Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ qyết định đối đãi với các học viên Pháp Luân Công như “kẻ thù giai cấp” và xử lý họ theo bất kỳ phương cách nào mang lại lợi ích kinh tế. Nói cách khác, các học viên Pháp Luân Công không còn được xem là con người, mà là nguyên liệu thô cho các sản phẩm thương mại.”
Giang Trạch Dân ra lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công
Theo một cuộc gọi điều tra bí mật vào tháng 09 năm 2014, một cựu Cục trưởng Cục quân y thuộc Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã trao đổi về lệnh mổ cướp nội tạng của Giang.
Sau đây là đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại của nhà điều tra với Bạch Thư Trung
Đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại với Bạch Thư Trung (1,5MB, click chuột phải để tải về)
Ông Bạch nói trong cuộc điện thoại: “Lúc đó, chủ tịch Giang…đã ra một chỉ lệnh, một dạng tài liệu, trong đó nói tiến hành những việc đó, cấy ghép nội tạng… Bởi vì thời đó sau khi chủ tịch Giang ban hành lệnh, tất cả chúng tôi đã làm rất nhiều việc chống lại Pháp Luân Công…“, ”… vậy mới nói, không chỉ là quân đội mới đang tiến hành việc cấy ghép thận…”
Đoạn băng này là bằng chứng xác thực thêm đoạn ghi âm điện thoại được công bố vào tháng 08 năm 2013, trong đoạn băng đó, Bạc Hy Lai khi đang có chuyến thăm Đức với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc vào năm 2006, đã thừa nhận rằng Giang Trạch Dân đã ra lệnh thu hoạch nội tạng sống.
Đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại với Bạc Hy Lai (1,5MB, click chuột phải để tải về)
Bản ghi âm được thực hiện khi Bạc Hy Lai đang có chuyến thăm thăm Đức với tư cách là Bộ trưởng Thương mại và xác nhận rằng Giang Trạch Dân đã ra lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Tổng cục Hậu cần của Quân đội giải phóng là cơ sở chính tổ chức việc thu hoạch nội tạng sống
Quân đội Trung Quốc và công an vũ trang đã mở rộng và xây dựng các cơ sở tạm giam lớn, các nhà tù, và các trại cưỡng bức lao động bên trong các cơ sở quân đội để che giấu tội ác này trước công chúng.
Tổng cục Hậu cần của quân đội đã xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu như một ngân hàng nội tạng sống. Cơ sở dữ liệu bao gồm dữ liệu nhận dạng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, và các thông tin liên quan khác như nhóm máu của họ.
Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm về mức độ bảo mật của các trại bí mật, quản lý nguồn cung cấp tạng cho các bệnh viện, cũng như vận chuyển tạng, ghi chép về sổ sách và an ninh. Các bệnh viện công an và quân đội là nhân vật chính trong ngành công nghiệp thu hoạch tạng này. Bán tạng cho các bệnh viện dân sự chỉ mang tính chất trưng bày nhằm thu hút các bệnh nhân ghép tạng nước ngoài, và kiếm thêm một khoản lợi nhỏ.
Bác sỹ quân đội nói đến ở trên đã phơi bày sự việc: “Các học viên Pháp Luân Công và những người bị giam khác bị giam giữ với tên thật của mình. Khi bị chọn làm người hiến tạng cho ca cấy ghép, tên giả sẽ được sử dụng. Nói cách khác, một dữ liệu nhận dạng giả được tạo ra. Tuy nhiên, thông tin của người đó đã có sẵn và một mẫu hiến tạng tự nguyện dành cho cấy ghép sẽ được ký (bằng chữ ký giả mạo). Tôi đã xem hơn 60.000 tài liệu có chữ ký giả mạo này.”
“Tất cả các giấy tờ này tuyên bố rằng các cá nhân tự nguyện đồng ý hiến tạng, và sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả. Một số mẫu thậm chí được ký để ghép tim. Nhiều chữ ký dường như là chữ viết tay của cùng một người. Những tài liệu này được lưu giữ 18 tháng, và sau đó phải bị hủy. Các tài liệu được lưu giữ tại các cơ sở quân đội cấp tỉnh. Việc xem xét các tài liệu này phải được sự cho phép của Ủy viên hội đồng chính quyền Trung ương ĐCSTQ tại địa phương.
“Rồi một cuộc kiểm tra thể chất được tiến hành và sau đó là việc cắt tạng để cấy ghép. Nếu ca ghép thất bại, các tài liệu về nguồn tạng, cùng với thi thể phải bị tiêu hủy trong vòng 72 giờ. Tất cả các tài liệu và thi thể (đôi khi thậm chí là của một người còn sống) phải được hỏa thiêu, và việc hỏa thiêu phải được người quản lý thuộc quân đội xác nhận. Những người bên quân đội này có quyền bắt, giam giữ hoặc xử lý bất kỳ bác sỹ, công an, công an bán quân sự hoặc nhân viên nghiên cứu nào để lộ bí mật ra bên ngoài. Người bên quân đội có thể bị Ủy ban quân sự ĐCSTQ cho thôi việc.
“Nhiều người rất chú ý đến thống kê các ca ghép được chính phủ thông báo. Thật ra, số ca ghép tạng ‘ngầm’ lớn gấp nhiều lần con số được chính phủ công bố. Chẳng hạn, nếu chính phủ nói có 30.000 ca mỗi năm, thì con số thật có thể là 110.000.
“Thực sự là có một mạng lưới cấy ghép và thu hoạch nội tạng rộng lớn toàn cầu, và Trung Quốc là trung tâm giao dịch. Kể từ năm 2000, hơn 85% các ca ghép tạng của thế giới được thực hiện ở Trung Quốc. Con số này là từ một tài liệu của Ủy ban Quân sự. Vài người được thăng chức đến cấp Tổng vì những ‘thành tựu’ trong ngành này.
Những nhân vật quân đội được thăng tiến bao gồm Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quân đội Trung ương ĐCSTQ, Liêu Tích Long, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần của quân đội Trung Quốc, và Tôn Đại Phát, Chính ủy của Tổng cục Hậu cần. Những người này đều chủ động điều hành hoạt động thu hoạch nội tạng sống.
Các chuyên gia ghép tạng quân đội xử lý các kỹ thuật phức tạp
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng Ngô Mạnh Siêu, một nhà nghiên cứu hàng đầu về chống miễn dịch trong ghép gan, và là Giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật Gan miền Đông thuộc Đại học Quân Y số 2, đã tìm ra cách chống lại sự phản ứng của máu trong ghép gan. Riêng ông ta đã thực hiện hơn 4.000 ca ghép gan cho đến cuối năm 2010.
Giang Trạch Dân đã bốn lần gặp Ngô Mạnh Siêu, và trao cho ông ta giải thưởng “Chuyên gia y tế gương mẫu” và một huân chương anh hùng hạng Nhất. Tôn Đại Phát, Chính ủy của Tổng cục Hậu cần, đã trao cho ông ta giải thưởng trị giá một triệu Nhân dân Tệ (161.163 USD) tại một buổi lễ ở Thượng Hải vào ngày 17 tháng 01 năm 2006.
Quân đội thu lợi lớn, bất hợp pháp từ thu hoạch nội tạng sống
Tổng cục Hậu cần Quân đội cung cấp nội tạng tức thời và theo yêu cầu cho hàng trăm bệnh viện cả quân sự và dân sự ở Trung Quốc, và thu tiền từ các bệnh viện. Phần lớn các bệnh viện thực hiện ghép tạng là thuộc quân đội. Bán tạng cho các bệnh viện dân sự là với mục đích thu hút khách hàng tiềm năng từ nước ngoài.
Doanh thu từ ghép tạng không được tính vào ngân sách quân đội. Vì vậy nghành ghép tạng sống là nguồn lợi khổng lồ chảy vào túi tiền các quan chức quân đội, đặc biệt là giới chức cao cấp.
Tổ chức Thế giới điều tra Pháp Luân Công đã nghiên cứu các bài báo và luận văn nghiên cứu y học được công bố, cũng như những con số được công bố trên các trang web bệnh viện vào năm 2014. Ước tính có hơn 800 bệnh viện ở Trung Quốc có các cơ sở ghép tạng, và đã thực hiện 160.000 ca ghép thận, 36.000 ca ghép gan và 120.000 ca ghép giác mạc.
Báo cáo chỉ phơi bày một phần của tảng băng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Phần lớn các ca ghép tạng được thực hiện ở các bệnh viện quân y, bao gồm bệnh viện Đa khoa của Ủy ban quân sự Trung ương, 12 bệnh viện Đa khoa thuộc bảy khu vực quân sự, các bệnh viện Đa khoa quân đội cấp trung, và các bệnh viện thuộc các trường Đại học Quân y.
Ví dụ, bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải, thuộc Đại học Quân y số 2, báo cáo đã thực hiện 4.230 ca ghép thận cho đến cuối năm 2013.
Bệnh viện số 281 của Quân giải phóng Nhân dân ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, một bệnh viện cấp hai vốn tự coi là “thiếu nhân lực và thiết bị, và không có phòng phẫu thuật phù hợp,” đã 28 lần thực hiện sáu đến chín ca ghép thận cùng lúc trước tháng 04 năm 2007.
Lý Tương Thiếp, Trưởng khoa Phẫu thuật và Niếu quản học của Bệnh viện Đa khoa khu quân sự Tế Nam, đã đưa khoa lập kỷ lục thực hiện 16 ca ghép thận trong 24 giờ.
Bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải, thuộc Đại học Quân y số 2, thông báo đã thực hiện 120 ca ghép gan cho các bệnh nhân bị viêm gan nặng giữa năm 2003 và 2006, và tiếp tục tuyên bố rằng có thể tìm được gan phù hợp nhanh nhất trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân nhập viện.
Bệnh viện số 1 của Đại học Y Trung Quốc công khai niêm yết giá của một ca ghép thận trên trang web ghép tạng quốc tế của mình là 60.000 USD. Chính trang web này cũng đăng rằng chi phí ghép gan là 100.000 USD, ghép tim và phổi là 150.000 USD.
Các bệnh viện tham gia thu hoạch tạng đã thu được khoản lợi bất chính khổng lồ. Bệnh viện số 309 có tên “Trung tâm Ghép tạng Quân đội” của Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Y tế, đã chứng kiến doanh thu tăng vọt từ 30 triệu Nhân dân tệ vào năm 2006 đến 230 triệu Nhân dân tệ vào năm 2010.
Bệnh viện Đại Bình, thuộc Đại học Quân y số 3, chứng kiến doanh thu tăng gấp 25 lần trong 10 năm, từ 36 triệu Nhân dân tệ vào năm 1999 đến 900 triệu vào năm 2009.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/10/302972.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/15/147973.html
Đăng ngày 28-01-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.