Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-10-2020] Với tình trạng dân số già nhanh và các quan chức tham ô tham nhũng, quỹ hưu trí và các văn phòng an sinh xã hội ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ chi trả lương hưu của họ.

Một cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng để giải quyết vấn đề thiếu kinh phí là tước trợ cấp hưu trí của những người đã nghỉ hưu và đang trong thời gian ngồi tù. Với cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra, các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù vì giữ vững đức tin đang trở thành nạn nhân và bị tước trợ cấp hưu trí mà họ đã vất vả để kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình.

Theo thông tin tổng hợp từ Minghui.org, hơn 30 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã bị giữ lương hưu kể từ tháng 12 năm 2016, đối với cả trường hợp đã mãn hạn tù hoặc hiện đang thụ án. Đối với những học viên chưa đến tuổi nghỉ hưu trong thời gian thụ án, nơi làm việc của họ sẽ giảm số năm đóng bảo hiểm của họ theo thời hạn tù và tính lại lương hưu sau khi họ được thả.

Ngoài ra, một số học viên không được nhận lương hưu vì cảnh sát từ chối cấp thẻ căn cước cho họ. Một số người đã nghỉ hưu từ nhiều năm trước, nhưng các nhà chức trách không giả quyết đơn xin hưởng trợ cấp lương hưu của họ. Và một số học viên đã bị nơi làm việc sa thải vì cuộc bức hại và không được hưởng lương hưu nữa.

Kể từ năm 2020, Văn phòng An sinh Xã hội Cẩm Châu bắt đầu dừng chi trả lương hưu của tất cả các học viên đã bị kết án, bất kể trong thời gian ngồi tù họ đã nhận lương hưu hay chưa. Một số nhân viên tiết lộ rằng chính cảnh sát và Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại, đã ra lệnh cho họ dừng chi trả tiền lương hưu của các học viên.

Một nhân viên nói với một học viên: “Nếu bà bị kết án thì bà có thể quên việc nhận tiền trợ cấp lương hưu từ chúng tôi đi.”

Một số học viên cũng bị yêu cầu phải trả lại tiền lương hưu mà họ đã lĩnh trong thời gian bị cầm tù và bị đe dọa bắt giữ nếu họ từ chối làm như vậy.

Lương hưu của bà Nhâm Quế Hà đã bị ngừng chi trả từ cuối năm 2016. Bức hại tài chính đã khiến sức khỏe của bà bị ảnh hưởng ngiêm trọng. Bà bị lên cơn đột quỵ và qua đời vào tháng 2 năm 2017, hưởng thọ 57 tuổi.

Bà Ngụy Tú Anh đã đệ đơn kiện văn phòng an sinh xã hội sau khi lương hưu của bà bị dừng chi trả vào tháng 12 năm 2016. Vào tháng 8 năm 2018, Tòa án thành phố Lăng Hải đã đưa ra phán quyết có lợi cho trường hợp của bà Ngụy và yêu cầu văn phòng an sinh xã hội phải thanh toán đầy đủ cho bà trong vòng 10 ngày sau phán quyết. Văn phòng an sinh xã hội đã phản đối quyết định này và kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Cẩm Châu.

Mặc dù văn phòng an sinh xã hội đã rút đơn kháng cáo vào tháng 3 năm 2019, nhưng họ vẫn từ chối chi trả lại lương hưu cho bà Ngụy. Thay vào đó, họ sách nhiễu bà và yêu cầu bà trả lại tiền hưu mà bà đã nhận trong thời gian ngồi tù.

Lương hưu của bà Bạch Minh Phương đã bị đình chỉ sau khi bà mãn hạn tù 7 năm vào tháng 9 năm 2019. Bà đã đệ đơn kiện văn phòng an sinh xã hội, nhưng Tòa án Tùng Sơn đã ra phán quyết chống lại bà. Hiện bà đang kháng cáo quyết định này.

Bà Vũ Tú Lan, một nhà khoa học bảo vệ môi trường 75 tuổi, đã bị kết án hai năm tù vào tháng 9 năm 2015. Ngay sau khi bà được trả tự do, nhà chức trách đã đình chỉ lương hưu của bà, yêu cầu bà phải trả lại số tiền mà bà đã nhận trong khi thụ án. Nhưng hai năm sau, ngay cả khi bà đã bị khấu trừ lương hưu hai năm và đã hết “nợ”, văn phòng an sinh xã hội vẫn không phát lương hưu mới cho bà. Bà thường xuyên đến gặp nhân viên phòng an sinh xã hội để đòi công bằng cho mình nhưng vô ích.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/12/413687.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/25/188416.html

Đăng ngày 05-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share