Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 22-10-2020] Trong chiến dịch “xóa sổ” mới, các nhân viên từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở huyện Đại Hưng An Lĩnh thuộc tỉnh Hắc Long Giang, đã đi đến nhà một số học viên Pháp Luân Công và yêu cầu họ ký một bản tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng của mình. Nếu các học viên không có nhà, họ sẽ cố gắng bắt người nhà của học viên ký vào bản tuyên bố cho học viên.

Chiến dịch “xóa sổ” được thực hiện theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan đứng ngoài vòng pháp luật được giao nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công, như là một nỗ lực phối hợp nhằm bắt từng học viên trong danh sách đen của chính quyền để ép buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 2020, chồng bà Thiệu Lệ Hoa đang ở nơi làm việc thì bị triệu tập bởi Tống Du, trưởng Phòng An ninh Nội địa địa phương và Lục Truyền Quốc, trưởng Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương. Họ bảo ông ký vào một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công cho vợ ông, để họ có thể xóa tên bà khỏi danh sách của chính quyền. Họ hứa sẽ cấp cho ông 3.000 đến 5.000 Nhân dân tệ nếu ông đồng ý. Nhưng chồng bà Thiệu đã từ chối tuân theo.

Vào ngày 11 tháng 10, chồng của bà Thiệu và chồng của bà Triệu Bồi Kim đã bị những người quản lý ở nơi làm việc của họ thúc giục ký vào các bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thay cho vợ mình. Họ lại từ chối lần nữa.

Hai ngày sau đó, chồng bà Thiệu nhận được một cú điện thoại từ người quản lý tại nơi làm việc ra lệnh cho ông đến văn phòng và đe dọa ông sẽ phải gánh những hậu quả nghiêm trọng nếu ông không ký thay vào bản tuyên bố. Chồng bà Thiệu nói: “Sau khi tập Pháp Luân Công, bà Thiệu Lệ Hoa và cả gia đình chúng tôi đều có sức khỏe tốt. Trong 20 năm qua, chúng tôi chưa từng phải uống một viên thuốc nào. Bà ấy là một người vợ rất tốt và chăm chỉ”. Ông lại từ chối ký vào bản tuyên bố.

Chồng bà Triệu đã bị những người quản lý ông ở nơi làm việc triệu tập vào ngày 14 tháng 10. Họ lại nhắc lại yêu cầu ông ký vào bản tuyên bố cho vợ ông và hứa sẽ cấp cho ông 5.000 Nhân dân tệ cho việc đó. Ông đã nói với họ rằng: “Vợ tôi đã bị kết án 5 năm chỉ bởi vì bà ấy từ chối từ bỏ tín ngưỡng vào Chân-Thiện-Nhẫn. Bà ấy đã phải chịu khổ rất nhiều ở trong tù và bà ấy cũng bị mất việc”. Ông nói rằng cuộc đàn áp này đã đem đến nhiều nỗi khổ cho ông và gia đình ông, nhưng ông không thể ký vào đơn được.

Vào ngày 20 tháng 10, cả hai người chồng của bà Thiệu và bà Triệu đã bị bắt phải nghỉ không lương và được thông báo rằng họ chỉ có thể quay trở lại làm việc nếu họ thuyết phục được vợ mình từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngoài hai học viên nói trên, chồng bà Hạ Tú Mai đã bị gọi đến văn phòng của Ủy ban Chính trị và Pháp luật vào buổi sáng ngày 10 tháng 10 năm 2020, và bị ra lệnh ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thay cho bà Hạ. Nhưng ông đã từ chối.

Sáng hôm sau, người quản lý bà Hạ lại đến gặp chồng bà và hứa sẽ cấp cho ông một chút tiền nếu ông ký vào bản tuyên bố thay cho bà.

Chồng bà Hạ lại kiên quyết từ chối. Ông bảo người quản lý rằng ông đã chứng kiến sức khỏe của vợ mình đã được cải thiện như thế nào sau khi tập Pháp Luân Công: “Nếu không có Pháp Luân Công, chúng tôi đã không thể tưởng tượng nổi bà ấy sẽ phải chịu nhiều đau khổ thế nào vì đủ loại bệnh”.

Người quản lý nói: “Tên bà ấy nằm ở trong danh sách của chính quyền. Nếu ông ký cho bà ấy, chúng tôi sẽ xóa tên bà ấy ra khỏi danh sách. Chồng bà Hạ trả lời: “Tôi không nghĩ là điều đó liên quan gì đến chúng tôi”.

Chính quyền lại tiếp cận chồng bà Hạ vào ngày 20 tháng 10 và đe dọa sẽ sách nhiễu ông hàng ngày nếu ông không ký vào bản tuyên bố.

Những sách nhiễu tương tự đã xảy ra ở một khu vực khác tại tỉnh Hắc Long Giang. Một hôm, con trai của một học viên Pháp Luân Công nhận được một cuộc điện thoại từ tổ dân phố. Ông bị yêu cầu ký vào một bản tuyên bố rằng bố ông sẽ không tập Pháp Luân Công nữa. Nếu ông từ chối ký, ông sẽ bị cấm đi lại.

Người con trai của học viên này đã kiên quyết bác bỏ yêu cầu vô lý này. Chính quyền không từ bỏ và yêu cầu ông “đi ghi một đoạn video trong đó bố ông tuyên bố sẽ không tập Pháp Luân Công nữa”.

Người con trai trả lời: “Bố tôi sẽ không làm điều đó. Bố tôi đã hơn 80 tuổi rồi và tôi sẽ không thuyết phục ông làm bất cứ điều gì trái với ý ông. Nếu ông ấy là bố của anh thì anh sẽ làm gì?”

Người nhân viên ở đầu máy bên kia im lặng. Sau một lúc, anh ta nói: “Thôi được rồi, tôi hiểu”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/22/414098.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/21/188357.html

Đăng ngày 04-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share