Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-11-2020] Ngày 18 tháng 11, một phiên điều trần về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã diễn ra ở Bundestag, Quốc hội Liên bang Đức. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) cũng như các đại diện của Tân Cương và Tây Tạng đã làm chứng về cuộc đàn áp đức tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Trung Quốc.

7ee359740d1799bbb3283f33d6eda7cf.jpg

Phiên điều trần về tình hình vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc tại Bundestag, Quốc hội Liên bang Đức hôm 18 tháng 11

Chủ trì cuộc điều trần là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo Gyde Jensen. Các diễn giả đã trình bày về các thủ đoạn “chuyển hóa tư tưởng” công khai ở Trung Quốc. ĐCSTQ sử dụng thủ đoạn này trên diện rộng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, từ đó điều chỉnh để áp dụng với các nhóm thiểu số khác.

d61cf98c0903decfaeb1b5433bb690ce.jpg

Bà Chu Lôi, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Đức, phát biểu trước phiên điều trần

Bà Chu Lôi, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Đức, cũng là một chuyên gia truyền thông kỳ cựu, đã nói về tình trạng các học viên bị ngược đãi ở Trung Quốc suốt 21 năm qua. Bà cho rằng giải thể ĐCSTQ là cách duy nhất để có thể chấm dứt hoàn toàn các vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Chuyển hóa tư tưởng ở Trung Quốc

Bên cạnh nhà tù và trại tạm giam, bà Chu cho hay, còn có các trung tâm tẩy não dựng lên ở hầu như mọi thành phố và thị trấn trên khắp Trung Quốc. Mặc dù những cơ sở này được gọi là “trung tâm giáo dục pháp luật”, “trung tâm cai nghiện”, hay “trường đào tạo hướng nghiệp”, nhưng đều là trung tâm tẩy não phi pháp được lập ra để cưỡng chế các học viên Pháp Luân Công từ bỏ niềm tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại trên toàn quốc và triển khai thông qua các Phòng 610 ở tất cả các cấp. Những trung tâm tẩy não đầu tiên được thành lập vào năm 2001. Không cần tuân theo thủ tục pháp lý nào, các nhà chức trách Phòng 610 các cấp có thể bắt giữ những người bất đồng chính kiến như học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc giáo và Hồi giáo cho đến khi họ ký tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng.

Các trung tâm tẩy não cũng sử dụng nhiều hình thức tra tấn như đánh đập, bức thực, trói hay ép nạn nhân vào tư thế gây đau đớn trong thời gian dài, sốc điện vào những khu vực nhạy cảm trên thân thể, trấn nước, gây ngạt, biệt giam, và xâm phạm tình dục. Theo thông tin của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hơn 4.500 người đã được xác nhận tử vong do bị bức hại. Con số này chưa bao gồm những trường hợp mất tích hay thiệt mạng do bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền tại Đức, Wenzel Michalski, cho hay thủ đoạn tẩy não người Hồi giáo của ĐCSTQ mang nặng tính áp bức. Có những tín đồ Hồi giáo chỉ vì cầu nguyện mà cũng bị cầm tù mấy năm. Ở trung tâm tẩy não, người bị giam giữ bị ép học chữ Hán và hát các bài hát ca ngợi ĐCSTQ. Bất cứ hoạt động tôn giáo nào đều bị trừng phạt ngay lập tức.

Nhà nhân chủng học Adrian Zenz, một học giả nổi tiếng nghiên cứu về các trại lao động cưỡng bức ở Tân Cương, cho biết ĐCSTQ muốn kiểm soát con người về mọi mặt, kể cả nơi ở, lời nói, đi vệ sinh bao lâu, trong tình huống nào thì khóc, suy nghĩ như thế nào, rồi khi nào thì bị sốc điện.

Chủ nhiệm Chiến dịch Quốc tế hóa Tây Tạng, Kai Müller, chỉ ra rằng ĐCSTQ đã phái 10.000 cảnh sát tới Tây Tạng, bề ngoài là để “kết bạn” với cư dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế, mục đích của họ là để kiểm duyệt thông tin và kiểm soát khu vực này. Bởi vậy, Phật giáo Tây Tạng hiện nay đã phải khuất phục trước hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, ngôn ngữ Tây Tạng bị coi là biệt ngữ, các lãnh tụ tôn giáo đều do chính quyền ĐCSTQ chỉ định.

Không chấp nhận tín ngưỡng nào

Một câu hỏi đặt ra trong phiên điều trần này là có khả năng nào mà ĐCSTQ sẽ cải cách chính trị để cho phép tự do tín ngưỡng không. Bà Chu cho rằng với hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, không có dấu hiệu nào cho thấy có thể xảy ra khả năng này.

Cụ thể là, chủ nghĩa cộng sản chủ trương tiêu diệt nền văn hóa và các giá trị vốn có, mà ở Trung Quốc, điều đó có nghĩa là những truyền thống phong phú được truyền thừa hơn 5.000 năm như Phật giáo, Đạo giáo, và Nho giáo dạy trọng đức và tu dưỡng bản thân. Để áp đặt bạo lực và thù ghét, vốn là những đặc tính căn bản của ĐCSTQ, nó đã phát động nhiều cuộc vận động trên toàn quốc để chà đạp văn hóa và tín ngưỡng truyền thống Trung Hoa.

Bởi vậy, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng hầu như không tồn tại ở Trung Quốc. Tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng đều phải đi theo hệ tư tưởng của Đảng. Các học viên Pháp Luân Công cố gắng cải thiện tâm tính và thân thể thông qua năm bài công pháp của Pháp Luân Công và hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Cách đây 20 năm, khi Pháp Luân Công trở nên phổ biến, ĐCSTQ đã coi môn tu luyện này như một mối đe dọa nên đã phát động chiến dịch đàn áp trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Cho đến nay, cuộc bức hại vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Bà Chu chỉ ra rằng, việc cộng đồng quốc tế lên án những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ có ý nghĩa trọng yếu. Mấy năm qua, ĐCSTQ đã đóng cửa hệ thống trại lao động và trả tự do cho một số tù nhân lương tâm do áp lực của các quốc gia phương Tây. Song, các vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc—cơn ác mộng đã tồn tại hơn 70 năm qua—vẫn chưa chấm dứt.

Hành động

Suốt mấy thập kỷ qua, các quốc gia phương Tây đã trợ giúp Trung Quốc phát triển kinh tế dưới nhiều hình thức, với hy vọng có thể dẫn đến việc cải tổ và cởi mở về chính trị. Nhưng dưới sự cai trị độc tài của ĐCSTQ, như chúng ta đã thấy, một Trung Quốc hùng mạnh lại kiểm duyệt càng gắt gao hơn, bóp méo thông tin càng toàn diện hơn, và mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới càng mạnh hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, vài tháng qua, ĐCSTQ đã dấn thêm một bước với chiến dịch thóa mạ các nước và các quan chức phương Tây. Bà Chu hy vọng Quốc hội Đức sẽ điều tra về vấn đề này. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là trừng phạt các công ty và cá nhân có liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Müller cũng đồng ý rằng chỉ lên án ĐCSTQ thôi là chưa đủ. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, như những người đã làm xói mòn Tây Tạng, phải chịu trách nhiệm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/21/415379.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/26/188436.html

Đăng ngày 28-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share