Bài viết của Lý Chưng, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-11-2020] Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng lần thứ ba được tổ chức tại Ba Lan, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Ba Lan đã chủ trì một hội thảo trực tuyến có tiêu đề “Cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc: Ngày ấy & bây giờ – 21 năm xâm phạm các quyền cơ bản của con người” vào ngày 18 tháng 11 năm 2020.

Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện truyền thống dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại tàn bạo từ năm 1999.

Hội nghị trực tuyến đã giới thiệu tổng quan về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Hội nghị cũng giới thiệu một số người đã trải qua cuộc bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Những người tham gia hội nghị còn thảo luận về lý do tại sao ĐCSTQ lại tấn công Pháp Luân Công dữ dội và dành quá nhiều nguồn lực cho cuộc bức hại đến vậy.

Nạn nhân của cuộc bức hại

Bà Trương Diễm Hoa, một học viên Pháp Luân Công, trong hội nghị đã kể về cuộc bức hại mà bà phải gánh chịu suốt hai thập kỷ qua. Bà Trương, 51 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1992. Trong bảy năm tiếp theo, bà đã thụ ích rất nhiều từ Pháp Luân Công, sống một cuộc sống bình yên, hài hòa. Nhưng cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 đã hủy hoại cuộc đời bà. Bà bị bắt vào năm 2001 và bị cầm tù suốt bảy năm trong một nhà tù ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Năm 2017, bà lại bị bắt và giam giữ trong ba tháng rưỡi.

“Họ thường xuyên tra tấn tôi đến khi tôi rơi vào trạng thái thập tử nhất sinh. Hễ tôi bình phục một chút, họ lại bắt đầu tra tấn tôi. Những hình thức tra tấn mà họ sử dụng đối với tôi bao gồm còng tay, treo lên lơ lửng, và đóng băng. Có lần, họ trói tôi vào giường và không cho tôi ngủ sau bảy ngày không cho tôi ăn gì. Còn có hai ngày tôi không được phép sử dụng nhà vệ sinh.”

7ea0e2fe5f65f75ae38b3ec92740cc41.jpg

Tái hiện hình thức tra tấn: treo người lơ lửng

Nghị sỹ Thụy Điển: Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lập tức chấm dứt cuộc bức hại này

2011-3-15-xgm-kuxing10--ss.jpg

Nghị sỹ Ann-Sofie Alm

Bà Ann-Sofie Alm, nghị sỹ Thụy Điển và thành viên của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), cũng nói về cuộc bức hại Pháp Luân Công dưới góc nhìn của bà.

Bà cho biết bà bị sốc khi nghe câu chuyện bị bức hại của các học viên và bà quyết tâm lên tiếng chống lại sự bất công đó.

“Tại sao tôi nghĩ rằng tiếng nói của tôi có thể được Bắc Kinh nghe thấy, và tại sao tôi có sự thôi thúc phải đứng lên đấu tranh cho nhân quyền ở Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản. Bởi không còn cách nào khác. Không thể làm ngơ trước những câu chuyện mà các bạn vừa được nghe. Không thể không làm gì khi bạn biết sự bất công, tàn ác đến vậy, đối với những người tu luyện chỉ vì họ có một niềm tin khác [với ĐCSTQ].“

Bà tiếp tục: “Đã 21 năm trôi qua kể từ khi cuộc bức hại này bắt đầu. Câu hỏi khó trả lời ở đây là làm thế nào tội ác này lại có thể diễn ra suốt 21 năm qua, và đến nay vẫn còn tiếp diễn. Theo tôi thấy, cuộc bức hại này không chỉ là vết nhơ của ĐCSTQ, mà còn là nỗi hổ thẹn của cả thế giới tự do. Cuộc bức hại Pháp Luân Công là vô nhân đạo. Nó quá man rợ. Và chúng ta phải yêu cầu và đòi hỏi một quy trình pháp lý để chấm dứt nó.”

Là thành viên của IPAC, Nghị sỹ Alm cho biết họ vẫn còn nhiều việc cần làm để bảo vệ các quyền cơ bản, phẩm giá và tự do của con người. Bà nói bà rất vui khi “thế giới tự do đang dần nhận thức được sự tàn ác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gây ra cho chính người dân của nó. Đảng Cộng sản Trung Quốc cần biết thế giới tự do muốn gì, và chúng ta muốn cuộc bức hại này và tất cả các cuộc bức hại khác phải chấm dứt. Nó cần phải chấm dứt ngay bây giờ.

“Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng, mạnh mẽ hơn và công khai hơn nữa, trong việc tố cáo chính quyền Trung Quốc vì sự đàn áp nhân quyền. Nhiệm vụ của chúng ta là đấu tranh cho quyền của tất cả mọi người.“

Nghị sỹ bày tỏ hy vọng rằng một ngày nào đó ĐCSTQ sẽ bắt đầu tôn trọng pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do tư tưởng của người dân.

Trong phần kết, bà Alm nói: “Pháp Luân Công là môn tu luyện thân thiện và ôn hòa. Chân-Thiện-Nhẫn có lẽ đây là điều thế giới cần ngay lúc này để đưa chúng ta vượt qua đại dịch này.”

Đại sứ Đài Loan: Pháp Luân Công được tôn trọng và bảo vệ ở Đài Loan

Giáo sư Tiến sỹ Tạ Chí Vỹ, Đại sứ Đài Loan tại Đức, cho biết tuy Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc, môn tu luyện này “được chấp nhận, bảo vệ và tôn trọng, đặc biệt là bởi những người nhận thức được những rủi ro mà người tu luyện Pháp Luân Công đang phải đối mặt [ở Trung Quốc] để có thể thực hành đức tin của họ.”

Ông cho biết thêm rằng chính phủ Đài Loan gìn giữ, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và đang nỗ lực để kiến thiết một xã hội dung hòa và biết chấp nhận lẫn nhau. Họ đã cung cấp cho các học viên Pháp Luân Công địa điểm để tổ chức các hoạt động luyện công nhóm và họp mặt. Người dân thường xuyên thấy các học viên Pháp Luân Công tại các trường cao đẳng, bên ngoài viện bảo tàng, công viên và các địa điểm du lịch. Những học viên này giới thiệu môn tu luyện cho mọi người và vạch trần cuộc bức hại đối với các đồng tu của họ ở bên kia eo biển. Theo ước tính, Đài Loan có hơn 600.000 học viên Pháp Luân Công. Họ cũng đã có những đóng góp to lớn cho xã hội.

Tiến sỹ Tạ cho biết ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công là vì Đảng là chế độ độc tài. “Đảng không thể chấp nhận một nhóm tín ngưỡng khác có nhiều tín đồ đến vậy. Họ lo sợ.“ Ông chỉ ra rằng không chỉ Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc, mà còn nhiều nhóm tín ngưỡng và các nhóm thiểu số khác, bao gồm cả các tín đồ Cơ Đốc giáo và Phật giáo.

Ông còn nhận định rằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công là những gì xã hội cần và tôn vinh.

Tiến sỹ Tạ cũng cho biết, là một ngọn hải đăng của tự do, Đài Loan sẵn sàng hợp tác với các quốc gia tự do khác trên thế giới để bảo vệ tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Họ cũng bênh vực những người đang bị các chính quyền độc tài bức hại, họ cũng chống lại sự bạo ngược, chuyên quyền của ĐCSTQ. Họ cam kết kiến tạo một thế giới nơi mọi người có thể tự do thực hành đức tin mà không bị bức hại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/21/415380.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/23/188394.html

Đăng ngày 28-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share