Bài viết của Tùy Chí

[MINH HUỆ 14-11-2020] Trong một cuộc họp báo ngày 10 tháng 11 năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố có gần 50 nước và 170 công ty viễn thông đã đăng ký tham gia sáng kiến Mạng Sạch (Clean Network) do Hoa Kỳ đề xuất—một chương trình nhằm mục đích tạo ra các mạng viễn thông, các hệ thống điện toán đám mây, và các ứng dụng di động không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chẳng hạn như loại bỏ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng 5G.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Mạng Sạch sẽ giải quyết mối đe dọa dài hạn về bảo đảm tính riêng tư, bảo mật, nhân quyền và hợp tác có nguyên tắc mà các đối tượng độc tài nguy hiểm gây ra cho thế giới tự do.”

Ngoại trưởng Pompeo phát biểu trong buổi họp báo rằng 50 nước tham gia sáng kiến này đại diện cho gần 2/3 GDP của thế giới, trong đó có 27 trong 30 nước đồng minh NATO, 31 trong 37 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 26 trong 27 nước EU và 11 trong 12 nước vùng Bantic.

Ông còn cho biết “nhiều công ty hàng đầu thế giới” và “170 công ty viễn thông” đã tham gia.

Trong một bài phát biểu trước đó vào ngày 23 tháng 7 năm 2020 với tựa đề “Trung Cộng và tương lai của thế giới tự do”, Ngoại trưởng Pompeo đã cam kết làm việc với người dân Trung Quốc và “một nhóm các quốc gia cùng chí hướng, một liên minh mới gồm các nước dân chủ” để đánh bại sự độc tài chuyên chế của ĐCSTQ. Đây không chỉ là công cuộc bảo vệ công lý cho đức tin và lý tưởng trên trường quốc tế, mà còn là một cuộc chiến tranh công nghệ và thông tin. Sáng kiến Mạng Sạch sẽ ngăn chặn sự thâm nhập của ĐCSTQ và tạo ra một pháo đài an ninh, là điều còn quan trọng và cấp bách hơn.

ĐCSTQ đã sử dụng “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) ở Trung Quốc để kiểm soát người Trung Quốc, không cho họ tiếp cận với mạng Internet quốc tế và sử dụng dữ liệu lớn (big data) để giám sát và thao túng nhân dân Trung Quốc. Sau đó, ĐCSTQ sẽ sử dụng “Công trình Kim Thuẫn” (Golden Shield Project), một hệ thống giám toàn diện, như công nghệ nhận diện khuôn mặt, v.v. để phát triển phần mềm chặn thông tin và leo thang giám sát người dân Trung Quốc.

“Chính quyền Trung Quốc đã tích cực quảng bá bộ chiến lược quản trị mạng và internet của họ ở nhiều nước đang phát triển, mà gần đây nhất là dựa trên kết nối 5G và các dự án thành phố thông minh trên con đường tơ lụa kỹ thuật số”, bà Rebecca Arcesati, nhà phân tích tại Merics, một nhà cố vấn chiến lược có trụ sở tại Berlin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times.

Tờ Financial Times cũng báo cáo rằng Serbia chỉ là một trong nhiều nước đã ký dự án lắp đặt thành phố thông minh do Trung Quốc xây dựng toàn bộ cùng với các camera giám sát được cung cấp bởi Hikvision, một công ty đã bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen vì nghi ngờ có dính líu tới vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Trong một bài viết đăng trên Wall Street Journal hồi đầu tháng 10 với tựa đề “Trung Quốc lợi dụng Liên Hợp Quốc để mở rộng phạm vi giám sát” (China Uses the U.N. To Expand Its Surveillance Reach) của nhà nghiên cứu Claudia Rosett thuộc Viện Hudson tiết lộ rằng ĐCSTQ đã lợi dụng Liên Hợp Quốc để thu thập dữ liệu lớn trên toàn cầu, giành quyền xác lập các tiêu chuẩn quốc tế mới và xuất khẩu mô hình độc tài nhằm kiểm duyệt và giám sát người dân.

Bài viết trên tờ Wall Street Journal cho biết “Trung tâm địa không gian sẽ được đặt tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, nơi khởi lập khu công nghiệp địa không gian, cũng là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Thông tin Địa Không gian Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2018. Viện Dữ liệu Lớn ở Hàng Châu sẽ ở cách đó không quá một giờ lái xe. Đó cũng là trụ sở của gã khổng lồ công nghệ Alibaba.”

“Mối quan hệ mật thiết giữa Liên Hợp Quốc với các tỷ phú ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phục vụ cho tham vọng thống trị toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Một bài viết khác trên Wall Street Journal với tựa đề “Chiến lược của một thượng nghị sỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ” (One Senator’s Strategy for Containing Chinese Technological Dominance) của Thượng Nghị sỹ Mark Warner, Phó Chủ tịch của Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho hay ý đồ của ĐCSTQ hòng kiểm soát hạ tầng kỹ thuật số thế hệ tiếp theo đang đe dọa các giá trị của Mỹ như tính minh bạch, tiếp nhận ý kiến trái chiều và tôn trọng nhân quyền. “Các giá trị của Trung Quốc, chứ không phải các giá trị của Hoa Kỳ, sẽ thâm nhập trong quá trình thế giới sử dụng công nghệ.”

“Thu thập thông tin để lập hồ sơ về các cá nhân luôn là một nét đặc thù của các chính quyền theo chủ nghĩa Lênin. Cũng như trước đây, hồ sơ này được dùng để gây ảnh hưởng và dọa nạt, khen thưởng và uy hiếp, tâng bốc và bôi nhọ, chia rẽ và chinh phục”. “ĐCSTQ đã xây dựng lại chiến lược quốc gia nhằm khai thác triệt để kỹ thuật số để mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng của Đảng”, ông Matt Pottinger, Phó trưởng Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhận định trong một bài phát biểu có tựa đề “Tầm quan trọng của sự chính trực” (The Importance of Being Candid) hôm 23 tháng 10 năm 2020.

“Shenzhen Zhenhua Data Information Technology Co, công ty xây dựng các hồ sơ này, hỗ trợ cái mà CEO của nó gọi là “chiến tranh tâm lý”. Zhenhua đã thu thập và tổ chức dữ liệu công khai và riêng tư về chúng ta để khách hàng của họ sử dụng, vốn là các cơ quan của bộ máy an ninh Trung Quốc, theo trang web của công ty này.”

Sự bá quyền về kỹ thuật số của ĐCSTQ không chỉ ở chỗ giám sát internet và thu thập dữ liệu, mà còn ở chỗ nó thâm nhập vào mọi mặt của cuộc sống thường nhật của mọi người, khi họ bị xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng trong khi chơi trò chơi điện tử hoặc sử dụng mạng xã hội.

Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal ngày 28 tháng 10 năm 2020 mang tiêu đề “Nếu bạn chơi trò chơi điện tử, Trung Quốc có thể đang theo dõi bạn” (If You Play Video-games, China May Be Spying on You) của Dave Aitel, một cựu chuyên gia an ninh của NSA, và Jordan Schneider, nhà nghiên cứu của CNAS, đã chỉ ra rằng: “Hãy quên WeChat và TikTok đi. Ảnh hưởng Trung Quốc trên thị trường trò chơi điện tử toàn cầu là lỗ hổng bảo mật nhức nhối nhất, đó là nói đến các sản phẩm công nghệ dành cho người tiêu dùng của Trung Quốc.”

“Hơn 10 năm qua, gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc đã đầu tư vào hoặc mua đứt lại nhiều công ty trò chơi điện tử lớn nhất trên thế giới.” “Trung Quốc đã đang sử dụng trò chơi điện tử để mở rộng quyền lực mềm và thu thập dữ liệu về các công dân Hoa kỳ, như chính quyền đương nhiệm đã chỉ ra. Thâm hiểm hơn, việc Bắc Kinh truy cập vào hàng triệu máy vi tính của các game thủ đã cho các gián điệp của họ cơ hội độc nhất vô nhị để tiến hành các hoạt động gián điệp.”

“Cũng chính động lực này đã buộc Hollywood phải câm lặng trước sự lạm dụng của Bắc Kinh, mà việc này sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn tới các công ty phương Tây mong muốn kiếm tiền từ các game thủ Trung Quốc.”

Free House ghi nhận trong báo cáo thường niên “Tự do trên không gian mạng” (Freedom on the Net) của tổ chức này vào ngày 14 tháng 10 năm 2020 rằng “Đây là năm thứ sáu liên tiếp Trung Quốc được xác định là nước có tình trạng tự do internet tồi tệ nhất.”

“Cùng với sự bùng phát dịch COVID-19, mọi hoạt động của bộ máy kiểm soát internet của chính quyền này—bao gồm kiểm duyệt tự động, giám sát bằng công nghệ cao, và bắt giữ trên diện rộng—đã được kích hoạt để chặn đứng việc phát tán thông tin không chỉ về virus mà cả những thông tin không chính thức và những lời chỉ trích chính quyền.”

Trước đây, ĐCSTQ đã lấy khoa học và công nghệ làm phương tiện củng cố chế độ chuyên chế và kìm hãm quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Rồi nó lại quay sang trung tâm địa không gian của Liên Hiệp Quốc và trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn để mở rộng sự kiểm duyệt và giám sát công chúng ở nước ngoài. Hiện tại, các quốc gia đang mong muốn mở rộng việc xây dựng mạng 5G và nhiều người nghiện trò chơi điện tử đang rơi vào bẫy mạng đỏ của ĐCSTQ mà không nhận ra. Các chính phủ và quốc hội trên toàn thế giới phải cảnh giác và củng cố khuôn khổ an ninh quốc gia. Công chúng cũng phải nâng cao nhận thức về an toàn thông tin và viễn thông để đảm bảo tự do không gian mạng và các nhân quyền cơ bản không bị ĐCSTQ xâm nhập và lạm dụng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/14/415096.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/20/188342.html

Đăng ngày 29-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share