Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục
[MINH HUỆ 29-06-2020] Tôi nhận thấy có một số đồng tu thảo luận về các vấn đề tu luyện trên YouTube. Điều này dẫn tới một số ảnh hưởng tiêu cực vì một số chủ đề rất khó để khiến cho người thường hiểu, tin và chấp nhận.
Ví dụ, trên một kênh YouTube chế giễu Thuyết Tiến hoá, tôi thấy có một bình luận rằng: “Nhiều năm trước, nhà sáng lập Pháp Luân Công đã nói rằng có tồn tại nền văn minh tiền sử. Nhưng vì cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên người dân Trung Quốc không hiểu được điều này.” Với những người không hề biết tới Pháp Luân Công và tin theo Thuyết Tiến hoá, bình luận này có thể gây ra hiểu lầm về Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp).
Chính phủ Trung Quốc sử dụng hàng chục ngàn dư luận viên mạng (cũng được biết đến với tên “Đội quân 50 xu” vì họ được trả 50 xu cho một bình luận). Công việc của họ là xâm nhập vào các phòng chat, bảng tin và các nền tảng mạng xã hội. Họ bình luận trên internet với tư cách những người dùng bình thường để ủng hộ các lợi ích và mục tiêu của ĐCSTQ. Họ lan truyền các thông tin sai lệch. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý đến những thông tin mà chúng ta đưa lên mạng.
Tôi thấy rằng những bình luận đăng bởi các học viên Pháp Luân Đại Pháp thường khó hiểu đối với người thường. Với những người chưa hiểu rõ về Pháp Luân Đại Pháp, những bình luận như vậy có thể khiến họ tăng thêm ấn tượng xấu về Đại Pháp. Với những người đã biết một chút về Đại Pháp, nhưng chưa thật sự tin, họ có thể sẽ bị dao động bởi những bình luận này và trở nên nghi ngờ hoặc tệ hơn là chuyển sang phản đối chúng ta.
Không được tùy tiện nhắc đến Sư phụ
Theo quan sát của tôi, trong hơn một nửa số lần các đồng tu nhắc đến Sư phụ trong bình luận của họ, hiệu quả lại khá tiêu cực. Có những thời điểm thích hợp để chúng ta đề cập đến Sư tôn. Ví dụ, khi chúng ta giải thích về vụ tự thiêu giả tại quảng trường Thiên An Môn, chúng ta trích dẫn lời giảng của Sư phụ về việc cấm sát nhân hoặc tự sát.
Tôi nghĩ trong nỗ lực giảng chân tướng, chúng ta cần giúp người dân minh bạch rằng chúng ta là những người tốt và chúng ta bị bức hại vì tín ngưỡng của mình, như vậy là đủ. Khi chúng ta tùy tiện đề cập tới Sư phụ, nó thường khiến người dân nghĩ rằng chúng ta tôn thờ Sư phụ như một vị Phật sống và chúng ta cho rằng Sư phụ là một vị Thần cao hơn.
Có rất nhiều người ôm giữ sự oán ghét đối với Pháp Luân Đại Pháp. Thêm vào đó, “đội quân 50 xu” còn kích động thêm lòng hận thù của họ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Nếu những người thường đã hiểu nhầm chúng ta do những lời dối trá của ĐCSTQ, và nay họ lại có thêm nghi ngờ mới vì một người tu luyện đã đăng những điều vượt mức hiểu biết của họ, nó sẽ tạo chướng ngại trong việc thức tỉnh lương tri của họ.
Có lẽ lương tri của một người có thể đã được đánh thức sau khi họ đọc về chân tướng của vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn hoặc đọc Cửu Bình, hoặc xem các học viên hải ngoại giảng chân tướng. Chúng ta không cần tạo thêm chướng ngại khác cho họ bằng cách đề cập đến Sư phụ.
Không được tuỳ tiện nói về các hiện tượng huyền bí
Những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người biết cách vượt phong toả Internet để truy cập vào các trang web bên ngoài Trung Quốc, ít có xu hướng tin vào các hiện tượng huyền bí. Họ thường đặt khoa học hiện đại cao hơn hết thảy mọi thứ khác.
Sứ mệnh của chúng ta không phải là xóa bỏ chấp trước của họ vào khoa học hay thuyết phục họ trở thành người tu luyện, mà cần đánh thức lương tri của họ. Ví dụ, trên một kênh YouTube có chiếu một bộ phim về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, một ai đó có thể để lại bình luận rằng “Tôi không tin vào tu luyện nhưng tôi ủng hộ nỗ lực của Pháp Luân Công chống lại cuộc bức hại.” Bản thân bình luận này đã đủ để cho thấy rằng người này rất tốt, bởi vì anh ấy sẵn lòng ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp.
Tuy nhiên, một vài học viên có thể sẽ bình luận thêm, nói rằng Pháp Luân Đại Pháp có thể chữa bệnh, hay chúng tôi là những người tu luyện hay tôi đã bình phục từ một căn bệnh nhờ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và rất nhiều nữa. Một vài người thậm chí tranh cãi với người đó như thể người đó là một học viên.
Thay vì bình luận thêm như vậy, các học viên có thể nói ngắn gọn đơn giản: “Cám ơn sự ủng hộ và chính niệm của bạn. Chúng tôi là một nhóm người tu luyện và nâng cao đạo đức bản thân. Nếu mọi người trong xã hội đều như bạn, thì Trung Quốc sẽ không giống như hiện tại. Và ĐCSTQ sẽ không thể bức hại chúng tôi.” Một khi chúng ta thuyết phục được anh ấy thoái Đảng và các tổ chức liên đới, anh ấy sẽ đi đúng hướng. Chúng ta không cần phải kiểm tra xem anh ấy có tin rằng Pháp Luân Công có thể chữa bệnh hoặc anh ấy có tin là có Thần tồn tại hay không.
Cho mọi người thấy những cảm xúc mà họ lý giải được
Một hôm tôi xem một kênh YouTube phát sóng trực tiếp một đoạn phim ngắn về chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Câu chuyện này nói về một học viên Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại nhưng vẫn cố gắng đánh thức lương tri của người cảnh sát. Lúc đầu, tôi nghĩ điều này rất tốt và tôi phát chính niệm. Nhưng sau đó, các cảnh trong phim trở nên cường điệu và khó tin. Tôi cảm thấy xấu hổ khi đọc bình luận của người xem.
Một số bình luận tiêu cực có thể đến từ “đội quân 50 xu”, nhưng một số đến từ khán giả thật sự. Hầu hết các bình luận tiêu cực rất giống nhau. Ví dụ “Tôi ủng hộ báo Đại Kỷ Nguyên nói lên sự thật về Pháp Luân Công. Nhưng bộ phim này giống như làm đang làm quảng bá cho một tôn giáo.”
Tôi hiểu rất rõ nhóm độc giả này. Nếu tôi không phải là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tôi không có người thân trong gia đình tu luyện Đại Pháp, tôi có thể cũng tránh xa loại phim như thế này. Hãy tưởng tượng nếu bạn là một người thường ở Trung Quốc thỉnh thoảng có thể vượt qua phong toả Internet để đọc những tin tức bên ngoài Trung Quốc. Bạn vẫn là một người vô thần và có nhiều quan niệm người thường. Đột nhiên, bạn xem được một bộ phim quảng bá Pháp Luân Đại Pháp với nhiều tình tiết cường điệu hoá, cho thấy các học viên Pháp Luân Công như những chiến sỹ. Bạn sẽ nghĩ gì đây? “Ồ, chẳng phải làm hơi quá rồi sao…”
Người thường thường sống theo cảm xúc. Họ có thể rơi nước mắt khi nhìn thấy một cô bé nhìn chằm chằm vào viên kẹo trong cửa hàng. Họ có thể phẫn nộ khi thấy một bé gái bị các bạn cùng lớp bắt nạt vì bố mẹ cô ấy tập Pháp Luân Công. Họ có thể cảm thấy buồn đau khi thấy cảnh sát bức hại một học viên bằng cách đâm mũi kim vào các ngón tay của cô ấy. Khi một người thường nhìn thấy sự kinh hoàng của cuộc bức hại và cảm thấy phẫn nộ về điều đó thì người đó có cơ hội được thức tỉnh và hiểu được chân tướng.
Mặt khác, nếu một cô bé tỏ ra thờ ơ với kẹo vì cô không có chấp trước về nó, hoặc cô bé đáp trả các bạn khi bị các bạn cùng lớp bắt nạt, và các bạn cùng lớp quỳ gối trước mặt cô bé vì các nhân tố tà ác đã bị loại bỏ, tất cả những điều đó đều khó tin trong mắt của người thường. Người xem có thể cảm giác giống như xem tuyên truyền khi họ thấy một học viên không bị trầy xước khi bị tra tấn và thậm chí có vầng hào quang xung quanh nhờ những hiệu ứng đặc biệt.
Rất nhiều thanh niên hiện nay đều có niềm tin vững chắc vào khoa học hiện đại. Họ tin rằng họ hiểu thế giới này hơn những người khác. Họ tin là họ có thể hiểu mọi thứ trên thế giới này. Bên cạnh đó họ không tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Họ không tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh hay nền văn minh tiền sử. Nếu chúng ta đề cập đến Trung y, một vài người trong số họ có thể bắt đầu phê phán nó dựa trên những gì học được từ y học phương Tây. Để giúp họ có cái nhìn tích cực về Pháp Luân Đại Pháp, bạn nên nói với họ từ góc độ của một người bình thường, cho họ thấy sự tàn khốc của cuộc bức hại, tránh chấp trước của họ vào khoa học hiện đại, và khuyến khích họ ủng hộ công lý.
Nhiệm vụ của chúng ta không phải giúp họ vứt bỏ chấp trước của họ. Chúng ta cần cố gắng thức tỉnh lương tri của họ bằng cách để họ hiểu được những chân tướng cơ bản của Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại.
Quảng bá văn hoá truyền thống không phải là sứ mệnh của chúng ta
Một vài đồng tu quảng bá văn hoá truyền thống trên WeChat và các nền tảng mạng xã hội khác ở Trung Quốc. Họ đăng các bài viết về ý thức hệ và đạo đức của người xưa và tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của Trung y. Sau đó, ở cuối bài họ mơ hồ đề cập đến Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, chỉ có các đồng tu mới hiểu được những bài viết mơ hồ như vậy và nó không có tác dụng đối với người thường.
Nhận thức của tôi là chúng ta cần giới thiệu về truyền thống như những thông tin thường thấy trên trang web Chánh Kiến. Chúng ta phải đảm bảo rằng văn hoá truyền thống mà chúng ta giới thiệu phải là văn hoá truyền thống chân chính, không phải là những điều giả tạo được tiếp thị bởi người thường để kiếm lợi nhuận. Bởi vì trang web Chánh Kiến được lập bởi các học viên Đại Pháp, khi mọi người đọc các bài viết trên đó, họ có được cái nhìn đúng đắn về văn hoá truyền thống. Vì vậy, họ cũng có thể sẽ phát triển một ấn tượng tốt đẹp về các học viên Đại Pháp.
Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ nói đến văn hoá truyền thống mà không nói đến Pháp Luân Đại Pháp thì đó chỉ là một sự lãng phí tài nguyên. Tôi thấy một trang blog của một học viên trên một nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc. Những bài viết được đăng dựa trên rất nhiều điểm trong cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp. Ví dụ, một bài viết nói về giác quan của thực vật. Có rất nhiều lượt thích. Bài viết này không bị gỡ bỏ bởi đội kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ. Tại sao? Bởi vì ĐCSTQ nghĩ rằng bài viết này không có chút gì liên quan gì tới Pháp Luân Đại Pháp. Vậy cho dù một người thường thích nó thì nó phục vụ mục đích gì đây?
Đầu tháng này, Hàn Quốc Du, thị trưởng thành phố Cao Hùng đã bị bãi nhiệm. Hàn Quốc Du được biết đến là người có mối quan hệ thân cận với ĐCSTQ. Tôi nhìn thấy một bình luận, rất có thể của một học viên, rằng: “Hàn Quốc Du bị bãi nhiệm cho thấy Thần đã hiển linh.” Trong trường hợp cụ thể này, nhiều người dân thường cũng bình luận về việc ĐCSTQ đã mất đi một con rối ở Đài Loan. Tôi cảm thấy nếu chúng ta không thể nhân cơ hội này để giảng rõ chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp, thì tốt nhất chúng ta không nên bình luận gì cả.
Đừng cố gắng thuyết phục người khác tu luyện
Một lần tôi đọc một bình luận từ một người thường về một video chân tướng Đại Pháp. Người đó nói: “Tôi không tập [Pháp Luân Công] nhưng tôi ủng hộ các bạn”. Sau đó một đồng tu trả lời anh ấy: “Chúng tôi chủ yếu là tu tâm, luyện các bài công pháp là phụ trợ. Bạn có thể thử đọc cuốn Chuyển Pháp Luân…” Sau đó người đó từ chối, người học viên lại cố gắng giải thích sự khác biệt giữa “luyện” và “tu” ở bình luận tiếp theo mà không quan tâm xem người đó đã biết chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp hay chưa, ví dụ như vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn.
Đúng là một số người có tiền duyên có thể bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp sau khi biết chân tướng nhưng thường phải có tương tác trực tiếp với học viên để họ hoàn toàn minh bạch về tâm thái của người tu luyện, như vậy mới có thể thuyết phục họ tu luyện Đại Pháp.
Một lần tôi nhìn thấy một bình luận trên kênh YouTube chính thống của Shen Yun. Khi ĐCSTQ tung tin đồn là các nghệ sỹ Shen Yun đến từ Trung Quốc và đã lây nhiễm virus corona, một nhân viên của Shen Yun đã trả lời bằng tài khoản của họ rằng Shen Yun có trụ sở tại New York và không phải đến từ Trung Quốc. Và do cuộc đàn áp Pháp Luân Công nên họ không thể trở về Trung Quốc để thăm gia đình. Sau đó họ gắn kèm một liên kết để cung cấp thêm thông tin cụ thể. Hãy thử tưởng tượng xem nếu câu trả lời là “Chúng tôi là những người tu luyện và thân thể chúng tôi miễn nhiễm với virus”. Người đó và tất cả mọi người đọc được bình luận sẽ nghĩ gì?
Tập trung vào những chân tướng cơ bản về Pháp Luân Đại Pháp
Khi chúng ta giảng chân tướng trực diện, chúng ta có cơ hội nắm bắt suy nghĩ của người đối diện ngay tại lúc đó. Chúng ta có thể nhắm thẳng vào những thông tin mà người nghe hứng thú và nếu người đó có phản ứng tốt thì chúng ta có thể nói cao hơn một chút.
Trên Internet thì khác hẳn. Đầu tiên, chúng ta không thể hiểu được tâm thái của người đọc. Thứ hai, người đọc có thể nhanh chóng rời khỏi trang web khi chúng ta nói những điều ngoài tầm hiểu biết của họ. Chúng ta sẽ không có cách nào để biết hay giải khai sự hiểu lầm giống như khi chúng ta nói chuyện trực diện với họ. Cuối cùng, các bình luận trên Internet là công khai, nó có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực.
Nhận thức của tôi là khi chúng ta giảng chân tướng trên Internet, chúng ta nên tập trung vào những dối trá của ĐCSTQ, sự tàn bạo của cuộc bức hại và việc Pháp Luân Đại Pháp nâng cao đạo đức con người. Chúng ta không nên nói những điều vượt qua tầm hiểu biết của người thường hoặc những điều dễ bị hiểu sai. Dù sao thì người dân Trung Quốc ngày nay đã bị đầu độc nặng nề bởi ĐCSTQ. Họ thiếu niềm tin và có nhiều chướng ngại trong việc chấp nhận những điều chưa biết, đặc biệt về phương diện Thần Phật. Nếu một câu nói của chúng ta vượt quá tầm hiểu biết hay nhận thức của họ, điều đó có thể khiến họ đối đầu với Đại Pháp.
Bản tiếng Anh https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/29/185687.html
Đăng ngày 29-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.