Theo một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Tên: Lâm Kiến Hoa (林建华)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 46
Địa chỉ: Quận Thái Điện, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: 23 tháng 5 năm 2010
Ngày bị bắt gần nhất: 4 tháng 12 năm 2003
Nơi bị giam gần nhất: Trại lao động cưỡng bức Hà Loan (何湾劳教所)
Thành phố: Vũ Hán
Tỉnh: Hồ Bắc
Hình thức bức hại: Lao động cưỡng bức, tẩy não, kết án bất hợp pháp, tiêm thuốc, đánh đập, treo lên, bỏ tù, tra tấn, lục soát nhà, thẩm vấn, giam cầm.
Những người bức hại: Sài Thụ Bân, trưởng Phòng 610 quận Thái Điện; Tống Sở Hòa, cựu trưởng Phòng 610 quận Thái Điện; Mao Quốc Khải, Chiêm Minh Quyền, Dương Vinh Quốc, và Lỗ Sơn, các viên chức tại Đội an ninh quốc nội quận Thái Điện.

[MINH HUỆ 4-11-2010] Bà Lâm Kiến Hoa là một học viên ở quận Thái Điện, Vũ Hán. Bà đã bị Phòng 610 sách nhiễu liên tục vì niềm tin của bà và bị giam hai lần tại Trại lao động cưỡng bức Hà Loan. Bà qua đời ở tuổi 46 vào ngày 23 tháng 5 năm 2010.

Bà Lâm tập luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp, bà đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập luyện Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 16 tháng 10 năm 1999. Hai ngày sau, bà đã bị bắt tại Cục thư tín và điện tín quốc gia. Sau đó bà bị chuyển trở về đồn công an địa phương nơi bà ở và bị giam một tuần.

Vào giữa tháng 11 năm 1999, nhiều đặc vụ của Phòng 610 quận Thái Điện đã đến bắt và đưa bà đến một trại tẩy não nằm bên trong Trường đảng quận Thái Điện. Họ đã gây áp lực buộc các học viên viết một tuyên bố bảo đảm. Bà Lâm đã từ chối. Họ ra lệnh cho họ hàng của bà thuyết phục bà, nhưng bà đã không bị thuyết phục. Họ lợi dụng công việc của chồng bà và việc học hành của con bà để đe dọa bà. Bà biết rằng họ có ý đó. Để bảo vệ gia đình, bà đã viết bản tuyên bố.

Vào sáng ngày 11 tháng 2 năm 2000, bà Lâm và nhiều học viên khác đã bị bắt vì tập luyện Pháp Luân Đại Pháp trong một khu vườn trên phố trước một rạp chiếu phim. Bà bị giam 15 ngày tại Trại lao động cưỡng bức nữ Đông Tây Hồ ở Đông, Vũ Hán.

Ngày 28 tháng 2 năm 2000, bà lại bị bắt vì “tụ tập bất hợp pháp” khi đang đọc các sách của Pháp Luân Đại Pháp cùng với ba đồng tu khác.

Vào đầu tháng 3, bà bị kết án một năm lao động cưỡng bức và bị tống giam tại Trại lao động cưỡng bức Hà Loan ở Vũ Hán.

Sau khi được thả vào năm 2001, các đặc vụ từ Phòng 610 đã liên tục sách nhiễu bà tại nhà.

Tháng 7 năm 2003, họ lại đưa bà đến trại tẩy não ở Trường đảng Thái Điện. Sau một bữa ăn, bà Lâm, bà Mao Thúy Loan, một học viên qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2009; cùng những người khác tất cả đều bị mất cảm giác ở miệng, dạ dày của họ rất khó chịu, họ không tỉnh táo, và run lên như bị lạnh.

Tháng 11 năm 2003, bà Lâm đã bị bắt vì phân phát tài liệu và đĩa DVD về Pháp Luân Đại Pháp. Công an đã lục soát nhà bà. Lần đầu tiên họ thẩm vấn bà tại Trại tẩy não trường đảng Thái Điện, sau đó là tại Trại giam số 1 Đông Tây Hồ, nơi bà bị đánh đập tàn bạo và bị treo lên trong nhiều ngày đêm. Họ kết án bà một năm lao động cưỡng bức tại Trại lao động cưỡng bức Hà Loan.

Bà đã bị tra tấn trong trại. Lính canh đã buộc bà đứng không được di chuyển bảy ngày trong lúc bà có kinh nguyệt. Máu đã chảy xuống hai chân bà rồi xuống đất. Họ không cho phép bà rửa ráy. Bàn chân bà sưng lên. Các lính canh đã bỏ những loại thuốc lạ vào nước uống của bà. Lưỡi bà cảm thấy tê đi sau khi uống nước.

Khoảng tháng 10 năm 2004, quản lý trại đã thông báo cho gia đình bà đến thăm và mang thức ăn cho bà. Gia đình được báo là bà bị bệnh phát ban đỏ rất kinh khủng ở trên cổ. Bà rất yếu và tinh thần rất kém.

Bà đã được trả tự do vào cuối tháng 12 năm 2004. Các bạn của bà nói rằng bà trông như một người hoàn toàn khác hẳn. Hai năm sau, tình trạng của bà tiếp tục xấu đi. Bà luôn cảm thấy khát và luôn uống nước lạnh hay nước đá. Đến năm 2007, bà thường xuyên bị sốt. Tóc bà bắt đầu rụng và bà trở nên tiều tụy. Bà mất thị lực vào tháng 2 năm 2008 và chỉ còn da bọc xương.

Gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện số 13 quận Thái Điện. Đặc vụ từ Phòng 610 và các viên chức từ đội an ninh quốc nội của quận đã không cho phép các bác sĩ ở bệnh viện khám cho bà. Gia đình sau đó đưa bà đến một bệnh viện tại Vũ Hán. Các đặc vụ và viên chức đã đi theo và cố ngăn không cho bà được chữa trị nhưng họ đã thất bại.

Bà Lâm đã qua đời ở tuổi 46 vào ngày 23 tháng 5 năm 2010.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/11/4/231925.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/11/13/121393.html
Đăng ngày: 04– 12– 2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share