Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-10-2020] Ngày 30 tháng 9 năm 2020, ba người dân ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã ra toà lần thứ ba vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà Vương Á Lợi đã liên tục yêu cầu điều tra về bằng chứng giả mạo chống lại bà, nhưng thẩm phán chủ toạ và công tố viên luôn khăng khăng rằng bằng chứng là hợp lệ.
Khoảng 2 giờ chiều ngày 8 tháng 11 năm 2018, hai cảnh sát mặc thường phục đã bắt giữ bà Vương tại khu chung cư của bà khi bà đi ra ngoài. Họ đưa bà vào một xe cảnh sát và lấy chìa khoá của bà. Sau đó họ lục soát nhà bà mà không được sự đồng ý của bà và yêu cầu bà ký vào danh sách các đồ vật bị tịch thu.
Hai học viên khác là bà Vương Thục Quế và bà Tôn Kim Khuê lần lượt bị bắt vào ngày 9 và 10 tháng 11 năm 2018.
Các vụ bắt giữ ba học viên là một phần trong chiến dịch càn quét của cảnh sát từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 11 ở khu Kê Quan. Bảy học viên khác cũng bị bắt trong ba ngày này, nhưng chỉ có ba người trong số họ bị giam và đối mặt với việc bị truy tố.
Dù bà Tôn và bà Vương Á Lợi không biết nhau, nhưng cảnh sát đã kết hợp hồ sơ của ba người lại và đưa họ ra xét xử chung. Viện Kiểm sát Thành phố Mật Sơn đã truy tố các học viên vào ngày 17 tháng 7 năm 2019 và chuyển hồ sơ của họ đến Toà án Thành phố Mật Sơn.
Phiên toà đầu tiên
Trong phiên toà đầu tiên vào ngày 5 tháng 11 năm 2019, bà Tôn và bà Vương Á Lợi đã biện hộ vô tội cho họ. Luật sư của bà Vương Thục Quế đã biện hộ vô tội cho bà.
Bà Vương Á Lợi chỉ ra rằng trong mô tả vụ án của bà, cảnh sát nói rằng bà bị bắt vào ngày 9 tháng 11, nhưng thực tế là bà bị bắt vào ngày 8 tháng 11. Cảnh sát yêu cầu bà ký vào ba biên bản liệt kê danh sách đồ vật bị tịch thu, nhưng bà chỉ ký vào một biên bản liệt kê máy tính và điện thoại di động. Bà cũng phủ nhận rằng bà có 230 cuốn tài liệu và 19 bó sách mà cảnh sát tuyên bố đã tịch thu từ nhà bà.
Khi hai công tố viên đưa ra ba biên bản tịch thu cho bà Vương xem, bà lặp lại là bà chỉ ký vào một biên bản và chữ ký trên hai biên bản kia là giả mạo. Bà yêu cầu kiểm tra nét chữ của các chữ ký. Một công tố viên cười và lẩm bẩm với bà: “Vậy thì tôi sẽ làm lại các tài liệu cáo trạng.”
Theo yêu cầu của luật sư của bà Vương, thẩm phán chủ toạ là Trương Oánh đã mở đoạn video cảnh sát lục soát nhà bà Vương. Luật sư chỉ ra rằng thời gian lục soát nhà là từ 2 giờ 40 phút đến 3 giờ 25 phút chiều, nhưng trên hồ sơ lại là 3 giờ 30 phút chiều đến 4 giờ 25 phút chiều. Thẩm phán Trương cười với nhận xét của luật sư và nói: “Họ để thời gian nào cũng không quan trọng. Nó chỉ là một con số.”
Trong video lục soát nhà, chỉ có hai cảnh sát có mặt tại hiện trường, nhưng hồ sơ truy tố cho thấy có bảy người. Luật sư đã yêu cầu cả bảy người xuất hiện tại toà để đối chứng.
Luật sư cũng tiếp lời của bà Vương rằng 230 cuốn tài liệu và 19 bó sách không phải của bà. Ông nói rằng cái tủ nhỏ mà công tố viên cáo buộc là nơi tìm thấy các cuốn sách thì không thể chứa nhiều sách đến như thế. Và video lục soát nhà cũng không có cảnh cảnh sát tịch thu những tài liệu bị cáo buộc.
Luật sư nói thêm rằng Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công vào năm 2011 và chưa bao giờ có cơ sở pháp lý nào cho cuộc bức hại. Ông cũng đưa ra những ví dụ về các toà án bãi bỏ các vụ án Pháp Luân Công trong những năm gần đây và đề nghị tha bổng thân chủ của ông.
Thẩm phán Trương đã trả lại hồ sơ cho cảnh sát để xác nhận bằng chứng trước khi kết thúc phiên toà.
Phiên toà thứ hai
Hai tháng sau, Toà án Thành phố Mật Sơn đã tổ chức phiên toà thứ hai vào ngày 9 tháng 1 năm 2020. Trương Oánh vẫn là thẩm phán chủ toạ, nhưng có hai công tố viên mới, họ không đeo bảng tên và không có thông tin trực tuyến về họ để xác định danh tính.
Cảnh sát tuyên bố họ đã kiểm tra các chữ ký của bà Vương Á Lợi trên danh sách tịch thu và kết luận rằng chúng là của cùng một người. Họ cũng đưa thêm các video lục soát nhà mới nhưng không thể mở được trên trang web của cảnh sát. Cảnh sát cũng lập luận rằng với những chi tiết được ghi chép trong quá trình lục soát nhà thì không cần nhân chứng (bảy cảnh sát được đề cập trong bản truy tố) phải ra toà.
Khi bà Vương yêu cầu kiểm tra nét chữ độc lập một lần nữa, một công tố viên mới trở nên tức giận và hét vào bà: “Cảnh sát đã nói rằng đó là chữ ký của bà và tài liệu được tìm thấy tại nhà bà!” Bà ta đã cố ngăn bà Vương nói.
Vì luật sư yêu cầu liên tục, nam công tố viên đã tiết lộ tên là Trương Tĩnh Nghĩa, nhưng nữ công tố viên không chịu cho biết tên.
Bà Vương lại đưa ra bằng chứng giả rõ ràng là chống lại bà, bao gồm ngày sai, chữ ký giả và tài liệu cáo buộc. Bà khăng khăng rằng bà không vi phạm pháp luật và là vô tội.
Thẩm phán Trương cao giọng với bà Vương: “Ngày thì có gì đáng lo đâu? Nếu bà khăng khăng đòi kiểm tra bằng chứng, tôi chắc chắn sẽ kết án nặng bà. Tôi không biết khi nào chúng ta có phiên toà tiếp theo. Nó có thể là trong thời gian dài. Chúng ta có thể trả lại hồ sơ để kiểm tra bằng chứng nếu bà nói thế. Tôi không ngại khi chơi trò chơi này với bà.”
Thẩm phán kết thúc phiên toà và nói rằng bà ấy sẽ có phiên toà thứ ba sau khi cảnh sát kết thúc việc điều tra nét chữ.
Phiên toà thứ ba
Ba học viên đã ra toà lần thứ ba vào ngày 30 tháng 9 năm 2020. Thẩm phán Trương vẫn từ chối giải quyết bằng chứng giả chống lại các học viên.
Bà Vương Á Lợi vẫn tiếp tục lập luận về việc kiểm tra nét chữ của cảnh sát được thực hiện bởi Phòng Công an Thành phố Kê Tây chứ không phải là một cơ quan thứ ba. Bà nói thêm rằng 3.000 nhân dân tệ cùng một điện thoại di động của bà đã mất tích trong quá trình lục soát nhà không được đưa vào danh sách tịch thu, nhưng thẩm phán Trương buộc tội bà không có bằng chứng hỗ trợ.
Thẩm phán Trương nhanh chóng kết thúc phiên toà và nói rằng bà ta sẽ thảo luận vụ án với bồi thẩm đoàn.
Bài liên quan:
Chứng cứ sai đã được đưa ra tại phiên tòa xét xử các học viên tỉnh Hắc Long Giang
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/5/413375.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/15/187822.html
Đăng ngày 23-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.