Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Đại Lục

[MINH HUỆ 12-10-2020] Trong tu luyện, thỉnh thoảng sẽ lười biếng và giải đãi, có thể bạn sẽ phát hiện rằng, ngay sau khi buông lơi, tinh thần và cơ thể sẽ xuất hiện trạng thái không tốt, phải phó xuất thật nhiều hơn nữa mới có thể lên theo kịp. Nếu luôn giữ chính niệm mạnh mẽ, bảo trì trạng thái tinh tấn, thì trạng thái cơ thể sẽ tốt, và phiền phức cũng ít đi.

Tôi từng có tâm sợ hãi rất nặng, mỗi khi sắp đến những ngày nhạy cảm, khi tà ác làm ra những cái gọi là lớp tẩy não hoặc ký tên gì đó, thì trong tâm tôi liền sợ sệt. Có lẽ càng sợ càng nghe thấy đủ các tin tức xấu, luôn có đồng tu nói với tôi rằng: “Chị là trọng điểm, hãy mau cất giấu Pháp tượng Sư phụ và sách Đại Pháp trong nhà đi nhé.”

Vì vậy, trong giai đoạn “đồn đại” ấy, tôi chẳng dám đi đâu, ngày qua ngày sống trong sự lo lắng khẩn trương. Mặc dù vậy, cảnh sát cũng không có đến nhà quấy nhiễu tôi. Về sau, tôi không ngừng thanh lý vật chất sợ hãi trong trường không gian của bản thân, học Pháp và phát chính niệm lượng lớn, nên tâm sợ hãi cũng ngày càng ít đi. Lúc này tôi phát hiện có sự thay đổi về chất trong trạng thái của bản thân: Dám tham gia hội giao lưu chia sẻ với nhóm đông đồng tu; dám dán các chữ may mắn và tranh chúc mừng năm mới của Đại Pháp trong nhà; không cất giấu Pháp tượng Sư phụ và sách Đại Pháp… Với trạng thái thế này, tôi cảm thấy trong tâm mình rất nhẹ nhàng, dẫu lại nghe nói tà ác làm ra những hành động sách nhiễu nào đó thì cũng không còn bận tâm lo lắng nữa, rõ ràng là ba việc mà bản thân muốn làm chẳng có chút quan hệ nào với những thứ tà ác kia, cảm thấy trong tâm càng ít chuyện càng thuần tịnh.

Mặc dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng mỗi ngày đều cảm thấy rất khẩn trương, thời gian không đủ dùng, học Pháp, phát chính niệm và luyện công chiếm khoảng sáu giờ đồng hồ; nếu có đồng tu đến chia sẻ thì nửa ngày lại trôi qua. Đôi khi thức khuya hoặc mệt mỏi thì muốn ngủ muộn, ngủ lười một giấc, sau mấy lần như vậy liền xuất hiện trạng thái không tốt như: Phát chính niệm mê mờ, học Pháp buồn ngủ, nói nhiều chuyện người thường… bản thân biết rằng đã thụt lùi, lại phải gắng sức vượt lên, đồng thời nhận ra rằng phải phó xuất thật nhiều hơn nữa. Nếu luôn bảo trì trạng thái tinh tấn, thì đâu cần phải chịu thêm khổ thế này?

Tôi nhớ có một bài viết trên Minh Huệ Net rằng: Một đồng tu đến nhà một đồng tu nọ học Pháp, phát hiện trong nhà đồng tu có một con mèo, mỗi lần anh ấy đến đều cảm thấy có chút đặc biệt, ấy là con mèo cứ nhìn anh với ánh mắt rất tội nghiệp. Đồng tu này tu trong trạng thái khai mở nên nhìn thấy kiếp trước của con mèo này là một hòa thượng trong chùa, là sư huynh đệ với anh ấy, khi những người khác ngồi đả tọa thì hòa thượng này lười biếng, ham chơi, tu luyện không tốt, kết quả là tu không thành và kiếp này chuyển sinh thành một con mèo. Vậy mới nói tu luyện thật sự rất nghiêm túc, sẽ không ai thúc giục bạn đâu, nắm bắt hay không nắm bắt đều do bạn cả thôi, tất cả là tùy thuộc vào chính bạn.

Bên cạnh còn có một đồng tu nọ, đã từng rất tinh tấn, sáng học Pháp, chiều đi phát tài liệu, ngày ngày đều như thế. Tuy nhiên sau đó lại lười biếng, một khi sinh ra trạng thái lười biếng thì mọi thứ liền thay đổi: Học Pháp không theo kịp, khi phát chính niệm thì đổ tay, tính khí nóng nảy cũng tăng dần lên. Nhưng đồng tu này không lập tức sửa đổi những trạng thái không đúng đắn ấy, nên về sau bị bắt cóc và kết án tù, sau khi trở về thì nghe nói không tu nữa.

Còn có một đồng tu khác, cũng từng rất tinh tấn, sau đó cô ấy phát hiện trong tiểu khu có rất nhiều giấy cứng mà không có ai nhặt, vậy nên cô đã nhặt chúng và đem bán, sau một thời gian nhặt tới nhặt lui như vậy thì trở thành thói quen khó bỏ, hễ nhìn thấy đâu đó có giấy cứng thì không nhặt chịu không được. Lúc này, cô học Pháp rất khó nhập tâm, phát chính niệm cũng mê mờ, một bên chân cũng bị sưng tấy. Tình trạng càng như vậy thì cô càng không muốn học Pháp, càng không thể kiên trì phát chính niệm trong thời gian dài để đột phá, chỉ muốn làm sao cho cơ thể được khỏe hơn thôi? Và khi đó cảnh sát cũng quấy nhiễu cô. Không ít đồng tu xung quanh giúp cô phát chính niệm, đồng tu nói: “Nhà chị đâu có thiếu tiền, chị nhặt những giấy rác ấy làm gì?” Cô ấy nói: “Tôi cũng biết vậy nhưng không kiểm soát vững được bản thân.”

Đối với người tu luyện mà nói, rớt xuống thì dễ nhưng quay trở lại thì rất khó, để có thể quay trở lại trạng thái (tinh tấn) như thuở ban đầu, điều này cần phó xuất nhiều biết bao nhiêu?

Sư phụ giảng:

“Là vì chư vị muốn tu, nên tà ác không để chư vị tu, nhưng chư vị không tu cho tốt đi, sẽ trở thành đối tượng bức hại của tà ác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Càng về cuối càng nghiêm túc, mặc dù duy trì trạng thái tinh tấn không dễ dàng gì, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là buông lơi. Nếu lười biếng, bạn sẽ phát hiện rằng, thân thể và trạng thái tinh thần sẽ ngày càng yếu đuối, chẳng phải lại cần phó xuất thật nhiều mới có thể bắt kịp lên ư? Chúng ta nên cảnh giác với hiện tượng này.

Trên đây là một chút nhận thức nông cạn hiện nay của bản thân để các đồng tu cùng tham khảo.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/12/越精進-麻烦事越少-413700.html

Đăng ngày 16-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share