Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-07-2020] Ngày 1 tháng 7 năm 2020, ba cư dân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ trong khi đang dán thông tin Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Cảnh sát lục soát nhà của ba học viên và tịch thu sách cùng tài liệu Pháp Luân Công và máy tính cá nhân của họ. Kể từ khi bị bắt, bà Hứa Diễm Bình và bà Tả Anh bị giam giữ tại Trại tạm giam Giai Mộc Tư. Bà Lý Thục Hiền được bảo lãnh tại ngoại sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà vì huyết áp cao.
Cảnh sát đe dọa chồng bà Hứa: “Bà ấy bị bắt giữ vào ngày 1 tháng 7 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là ngày quan trọng để Đảng thông qua Dự luật An ninh Hồng Kông. Hiện tại họ đang giam giữ hình sự bà và họ đang lên kế hoạch để kết án bà ít nhất ba năm.”
Sợ mẹ chồng 80 tuổi nằm liệt giường của bà Tả không thể chịu đựng được vụ bắt giữ của bà, gia đình bà Tả đã nói với mẹ chồng rằng bà đang đi du lịch và sau một thời gian nữa bà sẽ quay về.
Sau đây là chi tiết về cuộc bức hại mà bà Hứa và bà Tả phải chịu đựng vì không từ bỏ Pháp Luân Công.
Hứa Diễm Bình
Bà Hứa, 58 tuổi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Bà tin rằng pháp môn đã giúp cải biến sức khỏe và nâng cao tinh thần của mình.
Ngày 30 tháng 3 năm 2002, vì thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh nên bà bị bắt giữ và bị đưa tới trại tạm giam Mật Vân ở ngoại ô Bắc Kinh.
Cảnh sát còng tay bà và buộc bà đứng chân trần trên sàn bê tông. Khi bà từ chối trả lời câu hỏi liên quan tới mình, cảnh sát đã tát vào mặt bà và dùng gậy đánh vào tay và cổ chân của bà. Tay và chân bà bị bầm tím.
Bốn ngày sau, bà bị đưa bà tới Giai Mộc Tư và tiếp đó cảnh sát đưa bà tới Đồn Công an Trường Thắng để thẩm vấn. Bà lâm vào tình trạng sức khỏe nguy hiểm và được tại ngoại. Cảnh sát tống tiền chồng bà 13.000 nhân dân tệ. Cả hai ngón tay cái của bà đều bị tê cứng hơn hai tháng sau khi bị đánh đập.
Khoảng 9 giờ tối tháng 9 tháng 4 năm 2002, bà Hứa bị bắt giữ một lần nữa. Họ tịch thu rất nhiều sách Pháp Luân Công của bà. Trong trại tạm giam, bà tái phát bệnh và được đưa về nhà vào khoảng nửa đêm.
Vụ bắt giữ và lục soát nhà tiếp theo của bà Hứa diễn ra vào ngày 30 tháng 10 năm 2007. Cảnh sát kết án bà một năm lao động cưỡng bức và cùng với lính canh trại tạm giam họ tống tiền chồng bà 16.000 nhân dân tệ. Sau 20 ngày giam giữ, bà Hứa bị ốm nặng và được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế.
Ngoài bắt giữ và giam giữ, cảnh sát còn thường xuyên sách nhiễu bà Hứa tại nhà và nơi làm việc. Sau nhiều năm sống trong sợ hãi, chồng bà mắc bệnh tim. Con trai của họ cũng bị buộc thôi học vào tháng 9 năm 2002 và phải di chuyển ra ngoài thị trấn để làm việc. Một vài năm sau, cháu đã qua đời trong một vụ tai nạn.
Bà Tả Anh
Bà Tả, 56 tuổi cũng bị bắt giữ nhiều lần trong 21 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 11 tháng 4 năm 2001, cảnh sát xông vào nhà bà, họ lục soát nơi ở và tịch thu khẩu súng đồ chơi của con trai 10 tuổi của bà khiến cậu bé khóc thét lên. Bà Tả và chồng, người không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị đưa tới đồn công an để thẩm vấn. Bà từ chối trả lời câu hỏi của họ và viết dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên một mảnh giấy. Cảnh sát giữ tay của bà và điểm chỉ dấu vân tay của bà lên một tờ giấy. Mặc dù ngay sau đó bà được trả tự do nhưng chồng bà vẫn bị giam giữ qua đêm. Cảnh sát cũng tống tiền gia đình bà 1.000 nhân dân tệ.
Ngày 3 tháng 6 năm 2011, cảnh sát lục soát nhà bả Tả một lần nữa và tịch thu máy tính cùng với một tờ lịch in thông tin Pháp Luân Công. Bởi bà không ở nhà nên cảnh sát đã bắt giữ chồng và con trai bà rồi thẩm vấn họ trong vài tiếng đồng hồ. Cảnh sát đã đánh con trai bà khiến cháu bị gãy nhiều xương sườn. Bà Tả buộc phải sống xa nhà nhiều tháng để trốn tránh cảnh sát.
Ngày 15 tháng 7 năm 2014, bà Tả bị bắt giữ một lần nữa vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Giai Mộc Tư.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/14/408979.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/6/186211.html
Đăng ngày 01-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.