Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Mỹ

[MINH HUỆ 03-06-2019] Sư phụ đã nhắc nhở về hành vi của đồng tu Đại Lục khi đến hải ngoại trong hai lần giảng Pháp liên tiếp. Tại Pháp hội New York năm nay, Sư phụ giảng:

“Cho nên người mà mang theo rất nhiều thói quen sống [và] phương thức hành vi dưỡng thành ở [Trung Quốc] Đại Lục, [thì] ở xã hội quốc tế ắt phải tu sửa cải biến bản thân một chút. Tôi giảng điều này, là vì hiện giờ học viên đến từ Trung Quốc Đại Lục càng ngày càng nhiều, vượt qua con số đệ tử Đại Pháp vốn ở xã hội quốc tế, thậm chí đã thành chủ thể rồi, vậy thì chư vị càng nên phải chú ý những điều này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Tôi là đệ tử Đại Pháp sinh ra và lớn lên ở Đại Lục, ra nước ngoài du học sau khi trưởng thành. Hiện nay, tôi đang công tác tại một công ty của người thường ở Mỹ quốc. Phần lớn những người xung quanh tôi đều là người Mỹ. Tôi muốn thông qua những kinh nghiệm của bản thân mình, coi như phao chuyên dẫn ngọc (quăng viên gạch đi mà dẫn viên ngọc về) để cùng giao lưu chia sẻ với các đồng tu, thảo luận về một số hành vi và cách làm không thích đáng ở hải ngoại, cũng như làm thế nào để có thể hành xử tốt hơn và chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp trong cuộc sống thường ngày cũng như khi tham gia vào các hoạt động tại những nơi công cộng ở hải ngoại.

(1) Lễ nghĩa cơ bản

Khi tiếp xúc với người Tây phương và quan sát những hành vi lễ nghĩa của họ, tôi ý thức được một điểm lớn nhất về một số thói quen và hành vi vô ý dưỡng thành ở Trung Quốc Đại Lục là một loại tự tư, không chú ý đến biểu hiện của người khác. Ở xã hội phương Tây, tuy rằng có lúc lễ nghĩa của người Tây phương chỉ là những thứ trên bề mặt nhưng làm một người tu luyện, kỳ thực chúng ta có thể làm được đến mức phát tự nội tâm và chú trọng đến tiểu tiết hơn. Đối với người tu luyện mà nói, những thứ lễ nghĩa này kỳ thực cũng thể hiện ra tâm tính “vị tha” trong tu luyện của chúng ta, đồng thời cũng là chúng ta đang viên dung Pháp ở tầng người thường này.

Tôi xin đưa ra ví dụ như sau. Người Tây phương không thích tiếp xúc cơ thể với người lạ, kỳ thực đây cũng là thể hiện sự tôn trọng người khác. Cho nên ở những nơi công cộng khá chật hẹp đông đúc, nếu bạn muốn đi vượt lên trước người đang đi kế bên thì có thể sẽ va chạm vào người ta, lúc này người Tây phương thường hay nói “Excuse me (Xin lỗi)” để đánh động sự chú ý của đối phương rằng mình đang xin đường. Khi đối phương nghe thấy lời này thì họ cũng sẵn sàng nhường đường cho bạn đi qua. Tôi từng tham gia vào cuộc diễu hành, vào lúc chuẩn bị trước khi xuất phát, đúng lúc tôi đang đứng trong hàng ngũ bận bịu nhắn tin với đồng tu, đột nhiên từ phía sau có hai bàn tay nắm lấy bắp tay tôi và đẩy tôi sang một bên để chừa chỗ cho anh ta đi qua. Ở xã hội phương Tây, hành động đột nhiên chạm vào thân thể của một người lạ mà không hề có dấu hiệu báo trước như thế này là hết sức bất lịch sự, hơn nữa nó sẽ khiến người khác không lý giải được bạn. Có lúc tôi cũng quan sát thấy, có một số người Hoa hễ nhìn thấy có chút khoảng trống giữa người đang đi trên đường, nhắm chừng có thể lách người qua được thì họ bèn khom lưng uốn người luồn lách đi qua cho bằng được. Kỳ thực hành động như vậy không nhã nhặn chút nào. Vào thời xưa, Trung Quốc được coi là “lễ nghi chi bang”, rất nhiều người nho nhã và người có giai tầng trong xã hội thông thường sẽ không làm ra những việc khiếm nhã như vậy.

Tôi từng gặp qua một số đồng tu nói chuyện to tiếng ở những nơi công cộng, kỳ thực có thể thấy là họ không ý thức ra chỗ này. Người Tây phương thông thường không nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng. Ngày trước, tôi đi cùng một đồng tu người Anh đến từng cửa nhà để treo tập sách giới thiệu về Shen Yun. Khi chúng tôi làm xong việc, đồng tu người Anh muốn gọi tôi lên xe đang đỗ ở phía bên kia đường. Vị đồng tu này không hề gọi lớn tên tôi, mà anh ấy đứng ở bên đường kiên nhẫn vẫy tay thu hút sự chú ý của tôi. Lúc đó, trong nháy mắt tôi liền ý thức ra những hành vi dưỡng thành ở Đại Lục quá là không biết suy xét đến hình tượng của bản thân, chứ chưa nói đến việc chú ý cảm nhận của người khác.

Có một số người Hoa thường nói chuyện điện thoại to tiếng, hoặc là thích bật loa ngoài nghe nhạc ở nơi công cộng. Nếu chúng ta thử quan sát một chút người Tây phương lúc thưởng thức âm nhạc hay nói chuyện điện thoại ở nơi công cộng, thông thường họ sẽ không sử dụng loa ngoài, họ sẽ cắm tai nghe vào để tránh làm phiền người khác.

Còn có một số tiểu tiết nữa, thuận tiện tôi cũng xin nêu ra ở đây. Lúc người Tây phương mở cửa, trước khi rời đi, họ đều nhìn xem phía sau có người nào đang đi tới hay không. Nếu như có người đang đi tới thì thông thường người đi trước sẽ giữ cửa chờ cho người phía sau đi ra trước. Sư phụ cũng từng giảng trong các bài giảng Pháp về hành vi đóng sầm cửa trước mặt người khác là hết sức bất lịch sự.

Người Tây phương rất quan tâm đến những người già yếu và tàn tật. Ở những chỗ đóng mở cửa, thang máy, lên xuống cầu thang, và lúc xếp hàng, nếu như nhìn thấy có người già yếu và tàn tật thì họ thường đặc biệt quan tâm đến những người này. Thế nhưng, có một số người Hoa làm việc tâm tình nóng nảy, xếp hàng hay đóng mở cửa, làm gì cũng làm cho lẹ mà không chú ý đến những người ở xung quanh mình.

Sư phụ giảng:

“Ngoài ra, những người mà chư vị ngẫu nhiên gặp, những người gặp trong cuộc sống, những người gặp trong công tác, [với những người ấy] chư vị cần giảng chân tướng cho họ. Ngay cả với người ở nơi thế gian này mà chư vị gặp thoáng qua không kịp nói chuyện thì chư vị cũng cần để từ bi lưu lại cho họ; không được lạc mất [những ai] đáng được độ, càng không được lạc mất [người] có duyên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)

Tôi nhận ra những chỗ tiểu tiết bình thường ở nơi công cộng kỳ thực cũng triển hiện ra cảnh giới “vị tha” của đệ tử Đại Pháp. Ngay cả khi không có cơ hội để nói chuyện và giảng chân tướng, nhưng ít nhất chúng ta cũng cần lưu lại một số ảnh hưởng về mặt Thiện cho xã hội này.

Khi hắt hơi hay ho ở nơi công cộng, tốt nhất là chúng ta nên lấy tay che miệng lại. Hành động này có thể tránh làm văng nước bọt và nước mũi lung tung. Hơn nữa, trong những tình huống này, kể cả những lúc nấc cục, người Tây phương cũng thường hay nói “Excuse me (Tôi xin lỗi)” để biểu đạt tâm ý xin thứ lỗi của mình.

(2) Học cách nói cảm ơn và hỏi xin người khác

Có một lần tôi đi ăn cùng với đồng nghiệp, lúc ra khỏi nhà hàng sau khi dùng bữa xong, anh bạn đồng nghiệp của tôi rất lịch thiệp giữ cửa cho một phụ nữ người Hoa đang vội vã đi tới, người phụ nữ này vội vàng đi lướt qua chúng tôi và ngó lơ người đồng nghiệp đang giữ cửa cho cô ấy. Cô ấy không hề nói một lời cảm ơn nào. Anh bạn đồng nghiệp bèn tức giận nói: “Người Trung Quốc các bạn chẳng bao giờ biết nói cảm ơn sao?”

Kỳ thực trong cuộc sống hàng ngày, người Tây phương lúc nào cũng nói câu cảm ơn trên cửa miệng. Lúc người khác giúp đỡ mình việc gì, họ không chỉ là nói cảm ơn, mà còn nói là “I really appreciate”, ý tứ của câu này là “Tôi thật sự rất cảm kích bạn”. Ở xã hội phương Tây có ngày lễ Tạ ơn, ở chỗ tôi làm có tuần lễ cảm ơn nhân viên; ở những xã hội khá tốt, mối quan hệ giữa người với người thường rất thân thiện với nhau, hơn nữa họ còn giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời cũng tỏ lòng biết ơn với nhau, chứ không giống như xã hội ở Trung Quốc Đại Lục, mọi người đề phòng lẫn nhau, xem việc người khác giúp đỡ mình là chuyện cần phải làm, thậm chí là nghi ngờ người khác đang lừa mình. Cho nên trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn gặp người nào giúp đỡ mình thì đừng ngại biểu đạt lòng biết ơn đối với họ.

Lúc tôi vừa mới ra nước ngoài, có một đồng tu đã từng dạy tôi về việc trả lời câu hỏi của đối phương, ví dụ như khi có người hỏi bạn có cần uống nước hay không, nếu cần thì bạn hãy trả lời là “Yes, please (Vâng, cho tôi xin một cốc nước)”. Nếu như bạn không cần thì có thể nói là “I’m OK, thank you (Cảm ơn bạn, tôi không cần dùng nước)”. Kỳ thực ở đây cũng thể hiện ra một điều: người Tây phương lúc nói chuyện sẽ thể hiện sự cảm kích ra bên ngoài, mặt khác lúc họ từ chối người khác thì rất hiếm khi trực tiếp nói một cách cứng nhắc là “No (Tôi không cần)”, bởi vì nói như vậy sẽ lập tức đẩy người ta ra xa. Thay vào đó, họ sẽ nói một cách khéo léo để tránh làm tổn thương người khác như “Xin cảm ơn, tôi ổn, tôi không cần uống nước.”

(3) Ngữ khí nói chuyện

Trong quá trình luyện tập cách nói chuyện và giao tiếp với người Tây phương, tôi còn nhận ra điểm khác biệt rất lớn nữa là: cách người Đại Lục nói chuyện thường mang theo khẩu khí ra lệnh cho người khác. Kỳ thực trong cách nói chuyện này ẩn chứa thái độ mang tính cưỡng chế và chất vấn người khác. Ví dụ như, rất nhiều người lúc mới bắt đầu nói tiếng Anh không ý thức được sự khác nhau trong loại ngữ khí này. Ví như khi gọi món ở nhà hàng, những người không biết cách diễn đạt sẽ nói là: Cho tôi món này, Cho tôi nước uống … Thế nhưng, người Tây phương thông thường khi hỏi người khác cần thứ gì đó thì họ sẽ nói là: Bạn có thể mang cho tôi cái này không? Bạn có thể cho tôi một cốc nước không? Hơn nữa, họ còn thêm chữ “please (làm ơn)” vào lời nói của mình, và đây là lối biểu đạt khá khách khí. Khi tôi nhận ra sự khác biệt giữa hai phương thức biểu đạt này thì tôi cũng ý thức ra chủng “cao cao tự đại” và lối tư duy mệnh lệnh người khác bị ảnh hưởng bởi văn hóa đảng ẩn sâu trong tư tưởng của mình. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân vì sao một số người Hoa không biết nói cảm ơn, và cách họ nói chuyện tỏ ra hết sức gắt gỏng.

Trong công tác nếu gặp phải những việc tôi không chú ý, động chạm đến anh bạn đồng nghiệp thì anh ấy sẽ khéo léo lựa lời nói chuyện với tôi. Cách nói chuyện của người Tây phương rất khác với những người ở Đại Lục. Bản thân tôi khi nhìn thấy vấn đề của người khác, tôi sẽ thẳng thắn chỉ ra là bạn có chỗ này chưa đúng, bạn nên làm tốt và sửa cho đúng chỗ kia. Nhưng khi anh bạn đồng nghiệp chỉ ra vấn đề cho tôi, trước hết anh ấy sẽ khen ngợi ưu điểm của tôi, sau đó khéo léo chỉ ra từ đây về sau tôi nên chú ý hơn về chỗ nào đó, làm cho nó tốt hơn. Cách nói chuyện như vậy không chỉ không làm tổn thương đối phương, mà còn mang theo tâm thái khích lệ hy vọng đối phương sẽ làm tốt hơn, chứ không phải như kiểu “một gậy dập triệt để”. Cách nói chuyện uyển chuyển như vậy thường mang lại hiệu quả càng tốt hơn nữa.

(4) Người Tây phương đơn thuần nhưng không ngốc

Trong Pháp hội năm nay, Sư phụ giảng:

“Đừng coi người xã hội quốc tế là rất đơn giản. Họ tuy là tư tưởng rất đơn giản, [nhưng] chính vì tư tưởng càng đơn giản càng minh bạch, họ nhìn vấn đề càng thấu [triệt]; họ chỉ là không biểu đạt thế này, chỉ là không nói thế kia, [chứ] trong tâm thì hết sức rõ ràng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Lúc giao tiếp với người Tây phương, tôi thể nghiệm được mấy điều như sau. Một số người Hoa có thể cho rằng những nguyên tắc đặt ra ở xã hội phương Tây có nhiều khe hở, tồn tại rất nhiều lỗ hổng có thể dùi vào, thậm chí cho rằng người phương Tây quá ngốc. Kỳ thực là do tư tưởng của bản thân mình quá phức tạp, toàn nghĩ đến chỗ lợi ích nhỏ nhoi và kiếm chỗ để luồn lách.

Tôi xin kể một câu chuyện thế này, trước đây tôi có mua món đồ mỹ phẩm dạng chất lỏng, sau này mới nghĩ ra là mình dùng không hết nên đã mang nó đến chỗ bán để trả lại. Trên đường đi tôi bèn nghĩ, món đồ mỹ phẩm này là chất lỏng, dù mình có sử dụng qua hay chưa thì người bán hàng cũng không phát hiện ra. Lúc trả hàng, tôi còn cố ý giải thích với người bán hàng rằng mình thật sự chưa từng dùng qua lần nào. Thế nhưng, người bán hàng kia không hề xem qua sản phẩm đã dùng hay chưa, mà anh ấy lập tức hoàn lại tiền cho tôi. Lúc đó, tôi mới nhận ra nhiều quy tắc đặt ra ở xã hội phương Tây là dựa trên nền tảng tín nhiệm giữa con người với nhau. Nếu như bạn muốn luồn lách thì có thể luồn lách qua được, nhưng bản thân làm một đệ tử Đại Pháp, chúng ta đều biết rõ điều chúng ta đánh mất là gì. Hơn nữa, có lẽ lúc chúng ta chiếm được một chút lợi ích nhỏ nhoi thì vẫn chưa thấy vấn đề gì, nhưng về sau nó sẽ mang đến phiền phức lớn hơn.

Những người Tây phương mà tôi từng tiếp xúc trong công tác giúp tôi hiểu ra là họ không ngốc. Có một số người Tây phương, nhìn vào đôi mắt to tròn của họ trông như rất đơn thuần nhưng kỳ thực Sư phụ đã dạy chúng ta càng gần với Chân-Thiện-Nhẫn, càng có thể câu thông với đặc tính của vũ trụ. Tôi quan sát thấy một số người Tây phương có trực giác hết sức chuẩn xác, có lúc họ tiếp xúc với bạn, dường như họ biết rõ bạn đang nghĩ gì. Bởi vì không có nhiều tư tưởng phức tạp cho nên họ có thể trực tiếp cảm nhận được bạn có đang căng thẳng hay không, bạn đang vui hay đang buồn, bạn muốn biểu đạt điều gì, bạn có đang định lừa gạt họ hay không v.v. Khi tôi hiểu được chỗ này thì cũng lập tức nhận ra bản thân mình nhất định phải tu luyện cho tốt hơn nữa, cần phải phản bổn quy chân, tu bỏ những tư tưởng phức tạp dưỡng thành ở Đại Lục kia mới được.

(5) Làm việc một cách bình hòa, không cầu thành công mau lẹ

Sư phụ giảng:

“Rất nhiều người sau khi ra khỏi [Trung Quốc] Đại Lục, đến xã hội quốc tế thì thấy người ta sao mà đơn giản thế; nói chuyện, thậm chí làm các việc đều phi thường bình hòa.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến một vị đồng nghiệp gặp phải vụ việc tranh giành lợi ích mà dám nói dối trắng trợn, người kia nói rằng món giao dịch này nên được tính cho bà ấy. Lúc nhìn thấy người đồng nghiệp bị chiếm mất lợi ích xử lý mâu thuẫn này, tôi thấy anh ấy cũng tức giận, nhưng không phải xấu xa đến mức nổi giận đùng đùng mắng chửi người khác, mà là cố gắng hết sức kiềm chế tính khí nóng nảy của mình, anh ấy cũng không giống như quả bom vừa đụng vào liền nổ tung, bộc phát không màng đến những người xung quanh. Sau khi điều chỉnh cảm xúc của bản thân, anh ấy vẫn cố gắng tiếp tục liên lạc với đối phương. Nếu như phát hiện đối phương không có động tĩnh gì thì anh ấy cũng đành chấp nhận hiện thực này.

Kỳ thực nhiều lần gặp phải mâu thuẫn, tôi liền phát hỏa chẳng màng đến những người xung quanh. Có lúc còn cảm thấy như mình đã chạm đến giới hạn cuối cùng, tôi thấy mình vô cùng oán giận. Nếu so với đồng nghiệp của tôi về phương diện này, quả thật là tôi còn thua xa người thường. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của văn hóa đảng, mâu thuẫn sẽ bị phóng to trong tư tưởng, biến thành hết sức khôn khéo, có lúc những sự tình hết sức nhỏ nhặt cũng bị phóng đại lên đến mức cực đoạn. Người Tây phương khi xử lý mâu thuẫn, họ cố gắng làm cho nó giảm bớt đi, cũng có khi dùng đến phương thức hết sức hài hước để hóa giải mâu thuẫn.

Về sau này, tôi dần dần điều chỉnh tâm thái của mình. Tôi phát hiện ra người càng có hàm dưỡng sẽ càng không hiển lộ tính tình nóng nảy của mình, mà họ càng biết điều chỉnh tâm thái của bản thân cho phù hợp. Đồng thời, tôi cần phải mở rộng tấm lòng của mình, không thể giữ những thứ của văn hóa đảng như bụng dạ hẹp hòi, ỷ mình có lý mà chèn ép người khác.

Sư phụ giảng:

“Mọi người thử nghĩ xem, những người cao tuổi và người có văn hoá ở nơi người thường cũng giảng về hàm dưỡng như thế, không so đo với người khác. Huống nữa là người luyện công? Như vậy đâu phải là nhu nhược? Tôi nói đó là thể hiện của tâm Đại Nhẫn, là thể hiện của ý chí kiên cường; chỉ người luyện công mới có thể có tâm Đại Nhẫn như vậy.” (Chuyển Pháp Luân)

Tình huống loại này cũng xảy ra xung quanh tôi, giống như lúc đồng tu Đại Lục tiếp xúc với đồng tu Đài Loan, đồng tu Đài Loan đã nổi giận nhưng đồng tu Đại Lục lại không có chút cảm giác gì. Có lúc nóng giận, tôi muốn trút hết những lời trong lòng, trong tâm nghĩ là trút hết sầu não mắng chửi đối phương một trận mới xong. Kỳ thực là một người tu luyện, tôi chưa làm được cả cái Nhẫn cơ bản nhất, tâm thái vẫn còn khá cực đoan.

Tôi thể ngộ về chủng tâm thái không bình hòa này như sau. Dưới hoàn cảnh áp lực cao và bất ổn kia ở Đại Lục, tâm thái của con người trở nên căng thẳng tột độ, không thể thả lỏng và bình tĩnh. Mỗi ngày lúc nào cũng bận rộn tíu tít không có ngơi nghỉ, không biết tĩnh tâm xuống để nghĩ về chuyện tu luyện, nhân sinh, chiêm nghiệm về bản thân mình, cũng như cảm thụ về hoàn cảnh xung quanh. Trong tâm đâu đâu cũng là trạng thái căng thẳng, khi đụng phải bất cứ tình huống nào không thuận lợi thì rất dễ bùng nổ. Bất quá đây cũng chỉ là những thể ngộ của bản thân tôi, có lẽ những người khác nhau còn tồn tại nhân tố ở các phương diện khác nhau.

Lúc tôi vừa mới đi làm, tâm thái mong cầu thành công nhanh đến cũng khá là nổi bật. Lúc mới bắt đầu công việc, kỹ năng gì cũng phải học lại từ đầu, suốt ngày trong đầu tôi cứ nghĩ khi nào mình mới có thể thành thạo những thứ này, khi nào sự nghiệp của mình mới có khởi sắc. Hàng ngày, tôi không đặt tâm vào việc làm thế nào để học kỹ năng, mà chỉ toàn lo lắng vô duyên vô cớ về việc mình cần phải học tập kỹ năng làm việc. Bỗng dưng vào một ngày nọ, tôi nhận ra vấn đề này thì tôi mới biết dừng lại và thật sự đặt tâm vào việc học tập trình tự làm việc, cũng như quan tâm chú ý đến những chỗ tiểu tiết. Mỗi lần trong não xuất hiện niệm đầu này thì tôi liền nhắc nhở bản thân mình không thể mong cầu thành công nhanh đến.

Kỳ thực mỗi lần xuất hiện vấn đề, bản thân phạm sai sót hay gặp phải những vấn đề không hiểu được, tôi sẽ rất nhụt chí, mất đi dũng khí và tín tâm. Nhưng anh bạn đồng nghiệp thường hay dùng tư duy kiểu Mỹ để khích lệ tôi, anh ấy nói rằng: Đây là quá trình học tập, lần sau bạn sẽ biết làm thôi. Kể từ sau khi học được kiểu tư duy này từ anh ấy, tôi không còn phí thời gian tự ngồi đó trách mình. Tôi dần dần tiến bộ hơn, ngày càng trở nên chín chắn trưởng thành và thuần thục. Nếu như giữ lấy tâm thái bình hòa, tích lũy dần dần, và thể nghiệm kỹ càng về quá trình này, kỳ thực tôi đã có được những thu hoạch vô cùng to lớn. Hiện nay, lúc đã đạt được một số thành quả thu hoạch trong công tác, tôi phục vụ khách hàng càng ngày càng tốt, nghiệp vụ càng lúc càng điêu luyện, sự nghiệp dường như càng làm càng tốt hơn, quả là giống như Sư phụ giảng: “Vô cầu nhi tự đắc.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

(6) Công tác là một phần của cuộc sống

Sư phụ giảng:

“Có người nói rằng người Trung Quốc làm không được doanh nghiệp lớn. Tôi bảo mọi người này, người của xã hội quốc tế, tâm thái họ làm kinh doanh là thế nào? Họ làm kinh doanh dù nhỏ hay lớn, họ đều đặt nó thành một bộ phận cuộc sống của chính họ, họ là tận tâm tận lực làm nó cho tốt, sẽ làm cho nó được rất lâu dài. Loại tâm thái này sẽ khiến thái độ công tác, chất lượng sản phẩm rất là tốt. Rất nhiều người [Trung Quốc] Đại Lục, cứ là muốn phát tài sau một đêm, làm việc không có tính toán lâu dài, người của các nước khác không suy nghĩ thế, kinh doanh ấy là công tác, là cuộc đời của bản thân họ, chỉ nghĩ đạt hồi báo bình thường, họ là có lối nghĩ như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Trong hoàn cảnh công tác, tôi học được từ anh bạn đồng nghiệp tâm thái thuận theo tự nhiên dù làm việc có thành công hay không. Đối với bản thân chúng tôi mà nói, đương nhiên về mặt kỹ năng chuyên nghiệp thì cần phải càng làm càng tốt, nhưng do công ty và sản phẩm có một số hạn chế không thể thỏa mãn yêu cầu của từng khách hàng, cho nên không thể thành công ở một số việc do những mặt hạn chế này. Chúng tôi cũng không giống như một số doanh nghiệp hay nói lời hoa mỹ, tính toán khôn khéo, ép buộc mình phải làm cho bằng được những giao dịch này.

Nếu phát hiện ra có giao dịch làm chưa được, thì chúng tôi thường tiếc nuối nói lời xin lỗi với khách hàng, mong rằng công ty chúng tôi từ đây về sau sẽ có cải thiện về phương diện này, đồng thời cũng giải thích với khách hàng hiện nay công ty chúng tôi vẫn chưa có dịch vụ này. Nếu về sau công ty có cung cấp loại dịch vụ này thì chúng tôi sẽ lập tức gửi thông báo đến quý khách.Chúng tôi cứ làm từng chút như vậy, chờ cho đến lúc khách hàng cần đến chúng tôi. Khách hàng đã có ấn tượng rất tốt về dịch vụ trước đây của chúng tôi nên tự nhiên họ sẽ quay lại tìm chúng tôi làm cho họ.

(7) Tâm tật đố

So đo, khoe khoang, phù phiếm là những thứ hết sức phổ biến ở Đại Lục ngày nay, nếu đào sâu thêm một chút thì đằng sau chúng chính là tâm tật đố. Ở xã hội phương Tây, rất ít người đi tìm hiểu xem người kia lái xe gì, mặc quần áo hiệu gì, con cái đi học trường nào, mua túi xách, đồ mỹ phẩm tốn bao nhiêu tiền v.v. Mọi người thường hay trò chuyện với nhau nhiều hơn về kinh nghiệm trong cuộc sống, những nơi mình đã đi qua, những điều nghe thấy nhìn thấy, cũng như những câu chuyện thú vị giữa các thành viên trong nhà v.v.

Sư phụ giảng:

“Loại xã hội tự nhiên này, mọi người đều có trạng thái sinh tồn bình thường giống nhau là có một tấm lòng cởi mở, an hoà, sống Thiện, và rất ít phòng hờ người khác; đó là bình thường; người Trung Quốc trước khi có tà đảng cũng là như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Lúc ban đầu làm công tác ở xã hội phương Tây, tôi có chút lo lắng về việc bản thân mình không rành tiếng Anh, năng lực không đủ nên không thể cạnh tranh với các đồng nghiệp người bản xứ. Trong quá trình tiếp xúc với nhau nhiều hơn, sự khích lệ của các bạn đồng nghiệp giúp tôi tự tin hơn hẳn. Mặc dù chúng tôi cùng làm lĩnh vực bán hàng, cũng có một số cạnh tranh về thành tích bán hàng nhưng các bạn đồng nghiệp không hề bủn xỉn, họ truyền hết những kỹ năng của mình cho tôi, nhờ vậy tôi đã phá bỏ được chủng quan niệm “giấu nghề cho riêng mình”. Đồng nghiệp của tôi chia sẻ hết thảy những kỹ năng tốt cho chúng tôi, tạo nên bầu không khí hết sức tốt đẹp trong hoàn cảnh công tác của chúng tôi. Lúc người mới vào công ty cần sự giúp đỡ, tôi cũng học tập các bạn đồng nghiệp giúp đỡ người ta hết sức mình. Sau khi người mới nắm được một số kỹ năng, họ cũng tích cực phản hồi với tôi khiến cho sự hợp tác trong toàn bộ công ty chúng tôi càng thêm suôn sẻ.

Sau khi tôi gặt hái được một số thành tích, anh bạn đồng nghiệp thật sự cảm thấy vui mừng cho tôi. Sau này trong một lần nói chuyện với nhau, anh ấy đã nhắc đến kì thi chứng chỉ ban đầu lúc tôi mới vào nhận việc. Khi anh ấy biết rằng tôi đã vượt qua một kì thi khó như vậy thì anh ấy cảm thấy rất tự hào vì tôi.

Lúc đầu mới vào làm việc, tiếng Anh của tôi hết sức không tốt, nhưng điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là anh bạn đồng nghiệp nhìn thấy quan điểm của tôi không giống như kiểu tư duy quán tính của người Hoa; anh ấy nhìn thấy khuyết điểm cũng như sở trường và sở đoản của tôi. Anh ấy bảo, ở đây chỉ có bạn biết nói tiếng Trung cho nên thị trường nhiều người Hoa như thế này hoàn toàn là cơ hội dành cho bạn; tính cách của bạn rất tốt cho nên tôi khẳng định là bạn có thể xây dựng mối quan hệ rất tốt với khách hàng v.v. Thời gian sống ở xã hội phương Tây càng lâu, tôi càng ý thức được tâm tật đố ở bản thân mình. Khi nhìn nhận một người, tôi vẫn luôn nhìn vào khuyết điểm của đối phương, mà bỏ qua ưu điểm của họ. Lúc nhìn vào khuyết điểm của người ta, tôi lại muốn một gậy đập cho triệt để, dường như người này từ đây về sau không còn thuốc chữa nữa. Lúc xảy ra vấn đề, tôi vẫn luôn phàn nàn rằng thế nào mà lại xảy ra chuyện này, chứ tôi không dùng tâm thái tích cực để đối diện với nó và nhanh chóng giải quyết vấn đề.

Sau khi đào sâu xuống, tôi thấy nhân tố vị tư và oán hận phía sau tâm tật đố, chúng khiến cho bụng dạ người ta trở nên hẹp hòi, tư duy cũng không thể rộng mở khoáng đạt. Giống như anh bạn đồng nghiệp của tôi không so đo tính toán với người khác nên có thể nắm vững các kỹ năng, tấm lòng rộng rãi, thế mà những điều thu hoạch được luôn nhiều hơn nỗ lực mình đã bỏ ra.

Tôi muốn mượn cơ hội này để có thể giao lưu nhiều hơn với các đồng tu về phương diện tu luyện của chúng ta. Trong cuộc sống và công tác ở xã hội phương Tây, chúng ta cần phải đề cao, chia sẻ về những vấn đề cần chú ý để có thể duy hộ tốt hơn nữa hoàn cảnh tu luyện của chúng ta, đồng thời cũng có thể làm được yêu cầu của Sư phụ đối với chúng ta, cứu độ nhiều người hơn trên toàn thế giới.

Bài viết có chỗ nào chưa đúng, kính mong các quý đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/6/3/與在海外的大陸同修交流-388189.html

Đăng ngày 21-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share