Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-07-2020] Bà Mai Túc Phượng là một học viên Pháp Luân Công tại Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Bà hiện 74 tuổi và là một công nhân đã về hưu của Xưởng Đồng hồ Nam Xương.

Vì từ chối từ bỏ đức tin của mình mặc cho chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại vào năm 1999, bà đã bị bắt và giam giữ nhiều lần. Bà bị bắt vào một trung tâm tẩy não trong hơn 50 ngày và một Trại tạm giam trong tổng cộng hơn 80 ngày. Đáng nói hơn là cột sống của bà đã biến dạng trầm trọng vì bị tra tấn trong trại tạm giam sau lần bắt giữ vào tháng 7 năm 2002. Mặc kệ những thương tích của bà, trại giam vẫn cưỡng ép bà phải lao động nặng nhọc trong một năm. Vào năm 2015, bà bị kết án ba năm tù giam.

Bà đã không thể tham dự đám cưới của các con mình vào năm 2001 và 2003 vì lúc đó bà đang ở tù. Chồng bà đã rất lo lắng cho bà và phải chịu nhiều tổn thương tinh thần vì cuộc bức hại và ông đã qua đời vào năm 2006.

e53a68c7bebb3e07960fa382626a8d4a.jpg

Bà Mai Túc Phượng

Thụ ích từ Pháp Luân Công

Khi bà Mai còn trẻ, tính tình bà cởi mở và bà có sở thích về nghệ thuật và biểu diễn. Bà đã từng làm việc tại một đài truyền hình. Nhưng thời gian trôi qua, bà bắt đầu bị đau thần kinh toạ, đau cột sống, và chân yếu. Chồng bà phải cõng bà lên và xuống từ căn hộ ở lầu năm của họ. Bà đã phải sống trong đau đớn và phiền muộn.

Bà Mai bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Sức khoẻ của bà đã cải thiện và bà cảm thấy như được tái sinh. Bà đã quyết định sẽ kiên định tu luyện Pháp Luân Công kể từ đó.

Bị giam giữ nhiều lần, cột sống biến dạng trầm trọng

Hai tháng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, bà Mai đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 1999. Bà bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Cảnh sát đã đánh bà ở trong xe khiến cho mắt trái của bà thâm tím và sưng vù.

Tại đồn cảnh sát Thiên An Môn, cảnh sát đánh vào đầu bà bằng gậy và còng chặt tay bà ra đằng sau lưng. Họ đe doạ sẽ đốt tóc bà nếu bà không khai ra địa chỉ nhà mình. Sau đó, bà bị đưa trở về Nam Xương và bị giam tại trại tạm giam số 2 trong 30 ngày.

95568ec09a114a0c0b439b5ae4675f34.jpg

Mô phỏng hình thức tra tấn: Tay bị còng ra sau lưng

Bà Mai trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công với những học viên khác vào tháng 12 năm 1999 và bị bắt tại quảng trường Thiên An Môn lần nữa. Bà bị giam tại trại tạm giam số 2 Nam Xương trong 30 ngày và bị bắt đi tẩy não liên tục.

Vào nửa đầu năm 2000, Vương Ấn Căn, giám đốc Xưởng Đồng hồ Nam Xương và các sĩ quan đồn cảnh sát Đại học thường Nam Xương đã đưa bà Mai đến một trung tâm tẩy não tại quận Thanh Vân Phổ, Nam Xương. Bà đã phải ở đó trong hơn bảy tuần. Gia đình bà bị ép phải trả hơn 4.000 nhân dân tệ cho “chi phí ăn uống” của bà.

Vào tháng 7 năm 2002, bà Mai đến thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông để chăm sóc cho người chồng bị bệnh của mình đang làm việc ở đó. Khi bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại thị trấn Thạch Bài, bà đã bị tố cáo với cảnh sát. Sĩ quan đồn cảnh sát Thạnh Bài đã bắt và giam giữ bà tại trại tạm giam số 1 Đông Kiều ở thành phố Đông Kiều.

Ở trong trại tạm giam, có một lần khi các sĩ quan đến để kiểm tra, bà Mai đã hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp bị vu oan!” Giám đốc trại tạm giam đã chỉ thị một tù nhân lấy cái giẻ bẩn từ thùng rác ra để nhét vào miệng bà.

Họ còng tay và chân của bà vào một cái giường tầng. Phần còng sắt đã cứa vào da thịt ở cổ tay và mắt cá chân khiến bà đau đớn khôn xiết. Lúc đó là vào mùa hè và chiếc giường tầng chất đầy những sản phẩm đang làm dở của các tù nhân. Nhà vệ sinh ở ngay bên cạnh chiếc giường. Không gian vô cùng chật hẹp. Bà Mai không thể di chuyển hay xoay người. Người đứng đầu trại tạm giam đã xúi giục riêng các tù nhân không để bà Mai tắm hoặc thay quần áo trong ba tuần. Tay và chân của bà vẫn bị xích lại trong suốt khoảng thời gian đó. Bà không thể đứng, nằm, hoặc ngủ.

28fd5f63f126aeb3e9c6a6177d589cd1.jpg

Mô phỏng hình thức tra tấn: Tay và chân bị còng với nhau

Để phản đối bức hại, bà Mai đã tuyệt thực. Bà trở nên cực kì gầy. Các tù nhân ở chung phòng giam trở nên cảm thông và cố gắng thuyết phục bà ăn. Lính canh Vương đã mắng bà: “Nếu bà chết, chúng tôi sẽ cuộn xác bà bằng một cái chiếu và ném vào lò hoả thiêu. Chúng tôi sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào hết.”

Các lính canh cuối cùng đã tháo xích trên tay và chân bà Mai, sợ rằng bà có thể sẽ chết ở đó. Tuy nhiên cột sống của bà đã bị cong và bà không thể đứng thẳng vì đã bị còng tay trong hơn ba tuần. Bà đã phải di chuyển một cách khó nhọc.

Sau đó cảnh sát đã bắt bà vào Trại lao động cưỡng bức Tam Thuỷ tại tỉnh Sơn Đông. Khi chồng bà tới trại lao động để đón bà về nhà, ông đã rất đau lòng khi trông bà hốc hác, tóc bạc và gù lưng.

Bà Mai lại bị bắt lần nữa vào khoảng 8 giờ sáng ngày 22 tháng 9 năm 2011, khi bà cùng ba học viên khác dán các biểu ngữ chân tướng gần Trường trung học số 6 tại thành phố Nam Xương. Bà bị giam tại trại tạm giam huyện Tân Kiến. Bà từ chối ký các cam kết từ bỏ Pháp Luân Công và đã được thả vào ngày 12 tháng 10.

Bị tra tấn trong tù

Vào sáng ngày 24 tháng 2 năm 2015, bà Mai và bốn học viên khác đi đến thị trấn Kinh Lâu, cách Nam Xương khoảng 60 dặm, để phân phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Một người dân làng không hiểu sự thật về cuộc bức hại đã tố cáo họ. Các sĩ quan đội mũ bảo hiểm và được trang bị súng tiểu liên ngồi trên ba chiếc xe cảnh sát đã đến và bao vây họ. Những người dân làng đứng xem ở hai bên đường đã la lên: “Treo họ lên và đánh họ đi!”

Khi năm học viên đang cố gắng để kháng cự việc bắt giữ, cảnh sát đã đánh và tát họ. Bà Mai cố ngăn cảnh sát và nói: “Các học viên Pháp Luân Công đều là người tốt. Nếu các anh đánh họ, các anh sẽ tạo rất nhiều nghiệp chướng.” Cảnh sát sau đó đã bình tĩnh lại.

Sau đó, bà Mai và những người khác bị còng tay và đeo cùm, và bị đẩy lên xe cảnh sát. Cảnh sát giam họ tại trại tạm giam thành phố Chương Thụ trong năm ngày trước khi chuyển họ đến trại tạm giam thành phố Nghi Xuân, nơi họ bị giam giữ trong 10 tháng.

Bà Mai bị đưa đến Nhà tù Nữ thuộc tỉnh Giang Tây vào ngày 30 tháng 12 năm 2015, sau khi bà bị kết án tù ba năm.

Bà Mai bị giam tại Đội ba. Các cai ngục không cho bà gặp gia đình và cũng không để bà mua các nhu yếu phẩm như là giấy vệ sinh. Bác sỹ nhà tù đã sử dụng việc kiểm tra thể chất như một cái cớ để tiêm vào thân thể bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc nhiều lần. Kể từ đó bà thường chóng mặt và buồn nôn.

Cai ngục Ngô Tĩnh Mẫn cũng xúi giục các tù nhân tra tấn bà Mai. Họ viết những lời lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập Pháp môn trên tường và sàn, bắt ép bà phải dẫm lên nó. Khi bà từ chối, họ sẽ kéo lê bà khiến bà phải đạp lên.

Sau đó, bà Mai bị biệt giam. Tay và chân bà bị trói ra đằng sau một chiếc ghế. Bà cảm giác ngực mình như bị siết lại và bà thở rất khó nhọc. Bà cũng bị bắt phải nhìn thẳng vào TV đang chiếu những đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công trong thời gian dài. Ba tù nhân thay phiên nhau canh chừng bà không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Chỉ cần bà nhắm mắt, các tù nhân sẽ lắc cả người và đầu bà, và kéo tai bà.

991c08c8890640c05495f34feb90a7f1.jpg

Mô phỏng hình thức tra tấn: Bị trói vào ghế

Có lần, Ngô Tĩnh Mẫn đã xúi giục các tù nhân cưỡng ép bà Mai phỉ báng Pháp Luân Công ở trên bục. Sau khi bà Mai từ chối thoả hiệp, các cai ngục thậm chí tra tấn bà nặng nề hơn: họ cấm bà nói chuyện với bất kỳ ai và không để bà ngồi trên giường. Vào buổi tối khi bà đang ngủ, họ sẽ kéo chăn của bà. Họ cũng không để bà dùng nhà vệ sinh.

Bà Mai được thả vào tháng 2 năm 2018.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/10/408732.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/6/186645.html

Đăng ngày 18-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share