Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-08-2020] Một phụ nữ bị bệnh nặng đã bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm để thụ án 3,5 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Cảnh Kế Thu ở thành phố Đại An, tỉnh Cát Lâm, đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 9 năm 2017. Sau khi được bảo lãnh điều trị, bà đã đi trốn để tránh bị bức hại thêm nữa.

Bà lại bị bắt vào tháng 8 năm 2019 trong khi đang xin cấp thẻ căn cước mới. Sau khi bị giam một năm tại trại tạm giam Thành phố Bạch Thành, Toà án Thành phố Taotan đã bí mật kết án bà 3,5 năm tù vào tháng 7 năm 2020. trại tạm giam liên tục không cho gia đình bà vào thăm và không thông báo cho gia đình bà biết việc kết án và án tù của bà.

Phải tốn rất nhiều công sức gia đình mới phát hiện ra bản án của bà và biết bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm. Gia đình cũng biết rằng tình trạng của bà đang rất nguy hiểm.

Vì nhà tù cũng không cho gia đình bà vào thăm hay gửi tiền vào tài khoản uỷ nhiệm của bà nên bà đang dựa vào các học viên khác bị cầm tù ở đó để mua các vật dụng cần thiết. Hiện gia đình rất lo lắng cho tình trạng của bà.

Bà Cảnh, 54 tuổi, từng làm việc tại Nhà máy Dầu Thực vật Thành phố Đại An. Ba tháng sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1997, chứng mỏi cổ và mệt mỏi kinh niên của bà đã biến mất. Bà có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống và tràn đầy hy vọng.

Vì kiên định đức tin của mình, bà Cảnh đã liên tục bị bắt và chịu gần một thập niên bị giam giữ và tra tấn vô nhân đạo. Bà bị suy sụp tinh thần và một lần suýt chết. Chồng đã ly dị bà vì áp lực và con trai bà đã bỏ học ở tuổi 15 và bắt đầu làm việc để tự nuôi sống mình.

Bức hại trong quá khứ

Bị bắt và tuyệt thực

Bà Cảnh bị bắt lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2000 khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát Bắc Kinh đã nhốt bà trong một cái lồng sắt ở Đồn Công an Tiền Môn trước khi đưa bà trở lại Cát Lâm. Một tháng sau bà lại bị bắt và bị giam bảy ngày.

Ngày 21 tháng 6 năm 2001, bà Cảnh bị cảnh sát bắt khi họ phát hiện bà đang treo áp phích về Pháp Luân Công. Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại tại Trạm tạm giam Thành phố Đại An. Lính canh đã bức thực bà vào ngày tuyệt thực thứ sáu và đã thả bà sáu ngày sau đó.

Bị cảnh sát đánh đập và lạm dụng tình dục

Ngày 31 tháng 10 năm 2002, bà Cảnh bị bắt tại nhà. Một cảnh sát đã chĩa súng vào đầu bà và lôi bà ra khỏi giường.

Sau một tuần bị giam ở trại tạm giam Khu Thao Bắc, bà Cảnh bị đưa đến phòng công an để thẩm vấn. Bà bị trói vào ghế cọp, bị cảnh sát bao vây và đánh đập. Một cảnh sát đã lạm dụng tình dục bà bằng cách túm lấy ngực của bà. Bà đã bất tỉnh do bị tra tấn và bị suy sụp tinh thần ba ngày sau đó.

Sức khoẻ yếu trong trại tạm giam và bản án 13 năm tù

Bà Cảnh bị đưa trở lại trại tạm giam sau khi bị thẩm vấn. Bà bắt đầu bị đau đầu cấp tính mỗi ngày và luôn ở trong tình trạng mê sảng. Bà bị sụt cân từng ngày.

Một ngày, bà ngã quỵ xuống đất vì đau đầu. Bà được đưa đến bệnh viện để hồi sức và được phát hiện bị áp lực nội sọ cao.

Bà Cảnh phải nhập viện 56 ngày. Sau khi bị đưa vào lại trạm tạm giam, bà vẫn rất yếu và hầu hết thời gian là ngủ. Bà được đưa trở lại bệnh viện vài ngày sau đó và ở đó thêm một tuần. Sau khi bị chuyển về lại trại tạm giam, các học viên khác đã chăm sóc bà và khuyến khích bà. Tình trạng tinh thần của bà đã hồi phục một chút và bà cũng tập các bài công pháp của Pháp Luân Công để cải thiện sức khoẻ.

Hai tháng sau, bà Cảnh cùng nhiều học viên khác đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Vào ngày thứ bảy, lính canh đã cạy miệng họ và bức thực. Bà Giang Thục Lan đã mất bốn cái răng.

Bà Cảnh suýt chết sau khi bị bức thực. Khi toà án tổ chức phiên toà xét xử bà trong trại tạm giam, bà được mang vào phòng. Thẩm phán đã tuyên án bà 13 năm tù 40 ngày sau đó. Thậm chí một số lính canh của trại tạm giam còn nói rằng bản án này quá nặng.

Bị tra tấn và ép dùng thuốc trong tù

Tháng 7 năm 2003, bà Cảnh bị bí mật đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Chuỷ Tử. Bác sỹ nhà tù đã đưa bà đến phòng cách ly bệnh lao, nơi đây có bảy tù nhân mắc bệnh đang được điều trị.

Bà Cảnh bị ép phải dùng thuốc không rõ nguồn gốc, 19 viên vào buổi sáng và 8 viên vào buổi tối. Lính canh lệnh cho hai tù nhân phải chắc chắn là bà đã uống thuốc. Nếu bà từ chối, họ sẽ bức thực bà.

Mỗi lần uống thuốc xong, bà cảm thấy rất yếu và buồn ngủ. Thị lực và thính lực của bà giảm dần. Bà bị ù tai và trở nên cáu kỉnh. Phản ứng của bà cũng trở nên rất chậm chạp.

Một ngày nọ, bác sỹ nhà tù lệnh cho bà phải uống một số thuốc cho bệnh tim. Vào ngày thứ hai sau khi dùng thuốc, bà không thể cử động nhãn cầu trong một thời gian dài.

Trong một chiến dịch toàn nhà tù năm 2004 nhằm ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, bà Cảnh đã bị trói trong tư thế đại bàng sải cánh trên giường chết trong nhiều ngày cho đến khi bà đồng ý viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

3a4e2f1876e6521786a98cd02cc714c7.jpg

Minh hoạ tra tấn: Tra tấn trên giường chết

Ngày 31 tháng 12 năm 2011, bà Cảnh được thả khỏi nhà tù sau chín năm kinh hoàng sau song sắt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/21/410754.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/9/186688.html

Đăng ngày 16-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share