Bài viết của Chung Duyên và Nhan Minh

[MINH HUỆ 20-07-2020] Năm 2020 là năm bất thường đối với Trung Quốc và thế giới. Bắt đầu là dịch virus corona bùng phát, thế giới chứng kiến ​​sự che đậy từ đầu đến cuối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dẫn tới một đại dịch toàn cầu. Cho đến nay, bệnh này đã gây ra hơn 16 triệu ca nhiễm và hơn 640.000 ca tử vong.

Trước những tác hại do ĐCSTQ gây ra, nhiều quốc gia đã thức tỉnh trước sự tàn bạo và dối trá của ĐCSTQ, cũng như mối đe dọa trực tiếp của nó đối với tự do. Trong nhiều tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra, Luật An ninh Quốc gia được ban hành gần đây ở Hồng Kông là bằng chứng mới nhất, còn cuộc bức hại Pháp Luân Công có lẽ là vụ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã nhắm vào khoảng 100 triệu học viên [mà tiến hành bức hại] dưới hình thức giam giữ, bỏ tù, tra tấn, tra tấn tinh thần, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Ngoài tra tấn dã man về thân thể, ĐCSTQ còn cưỡng chế tẩy não các học viên với cường độ cao nhằm ép họ từ bỏ đức tin của mình. Ngoài ra, truyền thông tin tức và hệ thống giáo dục cũng bị huy động trên toàn quốc để bôi nhọ Pháp Luân Công bằng các loại tuyên truyền, khiến đông đảo người Trung Quốc quay lưng lại với các học viên Pháp Luân Công vô tội và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Khi nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại này, ngày 18 tháng 7 vừa qua, hơn 600 nhà lãnh đạo từ khoảng 30 quốc gia đã ra tuyên bố chung nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã thể hiện sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công trong báo cáo tự do tôn giáo và các tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao.

Khi gần 200 quốc gia tiếp tục hứng chịu đại dịch virus corona, Trung Quốc lại phải trải qua những thiệt hại do lũ lụt, dịch châu chấu, và các thảm họa khác. Trước tình hình này, việc thoái xuất khỏi các tổ chức ĐCSTQ ở Trung Quốc và phản đối ĐCSTQ của cộng đồng quốc tế sẽ có lợi cho xã hội của chúng ta về lâu dài.

Hơn 600 quan chức ở 32 quốc gia ủng hộ

Ngày 20 tháng 7 năm nay ghi dấu kỷ niệm 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công. Danh sách của 600 người ký tên có tại Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, gồm các bộ trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm, cũng như các nhà lập pháp cấp quốc gia và cấp tỉnh, bang.

Tuyên bố viết: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những chiến dịch khắc nghiệt nhất đối với một nhóm tín ngưỡng trong thời hiện đại. Chúng tôi… kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế và… lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.”

Trong những người ký tên có 28 Thượng Nghị sỹ và Hạ Nghị sỹ Hoa Kỳ. Hạ Nghị sỹ Jaime Herrera Beutler của bang Washington, phát biểu: “Cảm ơn các bạn đã mời tôi tham gia buổi mít-tinh trực tuyến của các học viên Pháp Luân Công năm nay. Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ chân thành nhất đối với các học viên Pháp Luân Công. Hôm nay, chúng ta hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về cuộc bức hại này và những người vẫn đang phải chịu đựng ách thống trị chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Nghị sỹ Úc George Christensen cho biết hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ đồng nghĩa với việc nó sợ các nhóm có đức tin tín ngưỡng. Ông nhận định: “Họ không thích Pháp Luân Công, họ không thích các học viên Pháp Luân Công, họ không thích Cơ Đốc giáo, họ không thích Phật tử, họ không thích người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và có lý do đằng sau việc này. Phân nửa những lý do đó là bởi vì tất cả những ai tin rằng có đấng quyền lực cao hơn, quyền lực cao hơn ĐCSTQ, thì Đảng sẽ không chấp nhận, và đó là lý do tại sao lại có cuộc bức hại những người có đức tin, trong đó có cả các học viên Pháp Luân Công.”

Ngoài tuyên bố này, ngày 20 tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tương tự, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Geneva cũng đã tweet ủng hộ như sau: “Vào ngày này cách đây 21 năm, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thề xóa sổ môn tu luyện Pháp Luân Công. Hôm nay, chúng tôi sát cánh với cộng đồng tín ngưỡng ôn hòa này và kêu gọi trả tự do cho hàng ngàn người bị cầm tù bất công chỉ vì đức tin của họ.”

Kể từ tháng 7 năm 2015, hơn 3,65 triệu người từ 37 quốc gia đã ký tên vào các đơn tố cáo Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc nhằm kêu gọi truy tố cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Tại Canada, danh sách các thủ phạm nhân quyền mới đây đã được trình lên Ngoại trưởng François-Philippe Champagne, nhằm kêu gọi cuộc điều tra về vai trò của thủ phạm trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, và các biện pháp xử phạt dựa trên luật Magnitsky của Canada.

Hậu quả thảm khốc

Từ xa xưa, người Trung Quốc vẫn tin vào sự hòa hợp giữa trời, đất và nhân loại. Khi người ta phạm phải những việc làm sai trái, tai họa nghiêm trọng thường kéo theo.

Khi thế giới cúi đầu trước ĐCSTQ, cho phép nó thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản và những điều dối trá khác trên toàn cầu, thì cả thế giới phải gánh chịu. Đại dịch virus corona là ví dụ. Cô Diêm Lệ Mộng, nhà virus học người Hồng Kông đã trốn sang Hoa Kỳ hồi tháng 4, cho biết ĐCSTQ đã biết về virus corona từ tháng 12 năm 2019, nhưng đã quyết định không công bố.

Ảnh hưởng của ĐCSTQ cũng mở rộng sang Hồng Kông. Ngày 31 tháng 12 năm 2019, khi Tiến sỹ Diêm nghe các đồng nghiệp y khoa của cô ở Trung Quốc Đại lục nói về hiện tượng lây truyền từ người sang người, cô đã báo cho cấp trên của mình nhưng lại được yêu cầu giữ im lặng. Khi tình hình ở Trung Quốc Đại lục ngày càng xấu đi, đồng nghiệp cô nói: “Chúng ta không được nói về điều đó, nhưng chúng ta cần phải đeo khẩu trang. Cô đã thử nói lại với cấp trên của mình về điều này.” Cấp trên của cô trả lời: “Hãy giữ im lặng và cẩn thận. Đừng đi quá giới hạn. [Nếu không] chúng ta sẽ gặp rắc rối và chúng ta sẽ bị biến mất.”

Hiện tại, đại dịch đã lây nhiễm tới gần 200 quốc gia. Từ ngày 13 đến 17 tháng 7, đã có khoảng gần một triệu ca nhiễm mới được xác nhận chỉ trong bốn ngày này. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Tiến sỹ Diêm nói: “Tôi cũng muốn người dân Hoa Kỳ hiểu việc này khủng khiếp như thế nào. Đây không phải là điều các bạn đã từng thấy… Đây là một điều gì đó rất khác… Chúng ta không có nhiều thời gian.”

Bên trong Trung Quốc, lũ lụt đã và đang đe dọa sự an toàn của người dân khi đại dịch virus corona vẫn chưa được kiểm soát ở một số nơi. 27 tỉnh đang hứng chịu lũ lụt, trong đó có khu vực sông Dương Tử và sông Hoài. Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết kể từ tháng 6, đã có 433 con sông có mực nước cao hơn mức giới hạn báo động. Trong đó, 33 con sông có mực nước cao chưa từng thấy.

fcda9a071a50a1375b79839e1e06ac6b.jpg

Ngập lụt xảy ra nhiều nơi ở Trung Quốc

Đập Tam Hiệp, dự án chính trị tốn kém ở Trung Quốc từng được tuyên bố là để bảo vệ khu vực sông Dương Tử khỏi lũ lụt trong 1.000 năm, được báo cáo đã xả nước nhiều lần gần đây, khiến các khu vực hạ lưu càng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Cộng đồng quốc tế bài xích ĐCSTQ

ĐCSTQ không tiếp thu bài học từ đại dịch hay lũ lụt. Thay vào đó, họ ráo riết cưỡng chế Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông.

Những hành động nghiêm trọng này đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới hiểu rõ hơn về những thiệt hại mà ĐCSTQ gây ra cho xã hội chúng ta. Ngày 7 tháng 7 vừa qua, Giám đốc FBI Christopher Wray đã phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, DC rằng: “Chính người dân Hoa Kỳ là nạn nhân của những vụ đánh cắp của Trung Quốc trên quy mô lớn tới mức trở thành một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại.”

Chẳng hạn, năm 2017, quân đội Trung Quốc đã tấn công Equifax và đánh cắp thông tin cá nhân nhạy cảm của 150 triệu người Mỹ. Với những tình huống như vậy, cứ khoảng 10 giờ, FBI lại mở một vụ phản gián mới liên quan tới Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu soán ngôi Mỹ và thống trị thế giới, ĐCSTQ thường đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và sau đó sử dụng nó để cạnh tranh với chính những công ty mà nó đã trở thành nạn nhân.

Từ các chương trình tuyển dụng nhân tài như cái gọi là Kế hoạch Nghìn Nhân tài, cho tới tấn công quân sự cũng như [tổ chức] phi nhà nước, từ đánh cắp dữ liệu cho thu thập trí tuệ nhân tạo tới nhắm vào các nền tảng quan trọng như “cơ quan tư vấn”, “tất cả những áp lực dường như vụ vặt này lại tạo nên môi trường chính sách mà người Mỹ nhận thấy mình bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khống chế.”

Ông Wray cũng nhấn mạnh rằng ông không nói về người Trung Quốc—những người đã đóng góp lớn. Ông giải thích: “Khi tôi nói về mối đe dọa từ Trung Quốc, tôi muốn nói tới chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ. Trung Quốc có hệ thống về căn bản khác với chúng ta — và họ đang làm tất cả những gì có thể để lợi dụng sự cởi mở của chúng ta trong khi tận dụng lợi thế khép kín riêng của họ.”

Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, đã thông qua nghị quyết vào cuối tháng 5 kêu gọi đánh giá công bằng các phản ứng đối với đại dịch virus corona. Sáng kiến ​​này là do Úc và các quốc gia khác đề xuất, đã được 122 quốc gia ủng hộ, theo The Guardian ngày 18 tháng 5 trong bài báo có tiêu đề “Úc kêu gọi toàn cầu ủng hộ cuộc điều tra độc lập về virus corona”.

Úc là một trong những nước đồng bảo trợ sớm nhất và Ngoại trưởng Marise Payne cho biết nghị quyết có ba yếu tố chính mà chính phủ của ông muốn đạt được. Đó là, cuộc nghiên cứu phải “khách quan, độc lập và toàn diện”.

“Chúng tôi không thích đổ lỗi; chúng tôi không thích điều tra để truy tìm và khủng bố những người bất đồng quan điểm, chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, và còn nói thêm rằng đất nước của bà cũng ủng hộ động thái này.

Xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản: Xu thế toàn cầu

Bài báo của New York Times ngày 17 tháng 7 bàn về khả năng Chính phủ Hoa Kỳ cấm đảng viên ĐCSTQ nhập cảnh. Dù được một số người coi là sáng kiến ​​mới, nhưng đây thực ra là bước tiếp theo của phong trào xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ hơn 30 năm trước kéo dài cho tới gần đây.

Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào năm 1989, nhiều nước đã thông qua luật để điều tra các đảng viên đảng cộng sản. Một đạo luật của Cộng hòa Séc vào tháng 10 năm 1991 đã cấm tất cả nhân viên của StB, cảnh sát mật thời cộng sản, vào các cơ quan công quyền nhất định.

Các nước khác cũng có những hành động tương tự. Đức có cơ quan liên bang được gọi là Cơ quan Hồ sơ Stasi chuyên bảo tồn, bảo vệ tài liệu lưu trữ, và điều tra các hành động trong quá khứ của cựu cảnh sát mật Đông Đức. Sau khi thông qua dự luật thanh trừng đầu tiên vào năm 1992 và luật mới vào năm 1996, việc thanh trừng quan chức chính phủ là do văn phòng của Cục Công ích xử lý, sau này là Viện Tưởng niệm Quốc gia.

Từ khi cuốn Chín Bài Bình luận về Đảng Cộng sản được xuất bản vào năm 2004, đã có hơn 360 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức Đoàn, Đội của nó. Bà Dị Dung, người điều phối Trung tâm Phục vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu cho biết việc sự phản đối của các nước phương Tây gần đây khiến nhiều người Trung Quốc mong muốn thoát ly khỏi chính quyền Trung Quốc.

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/20/409231.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/25/409577.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/9/408778.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/20/409261.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/29/186085.html

Đăng ngày 12-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share