Bài viết của Thạch Chí và Thanh Sơn

[MINH HUỆ 30-06-2020] Vào tháng 6 năm 2019, tại một diễn đàn lớn, ông Cao Phúc, Chủ nhiệm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết: “Với bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nào ở Trung Quốc, dù mới hay tái phát, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sẽ biết trong vòng sáu giờ đồng hồ. Đó là bởi vì chúng tôi đã thiết lập một hệ thống báo cáo toàn quốc hiệu quả.”

Ông Cao không nói dối. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy dịch SARS vào năm 2003, WHO đã yêu cầu Trung Quốc thiết lập hệ thống cảnh báo bệnh truyền nhiễm mà sau đó được coi là một thành tựu trong sách trắng của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2017 với tiêu đề “Phát triển sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc là một yếu tố thiết yếu của quyền con người”. Hệ thống này được thử nghiệm vào tháng 7 năm 2019, với sự tham gia của hơn 8.200 người từ 31 tỉnh thành trực thuộc Trung ương. Kịch bản thử nghiệm là về cách ứng phó nếu virus bùng phát vào năm 2020.

Cuối năm 2019, một loại virus đã bùng phát. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo lại bị biến thành một cơ chế chặn thông tin chặt, trấn áp những người lên tiếng, và đánh lừa công chúng.

Lỗi hệ thống

Theo các bản tin và báo cáo nghiên cứu khoa học, ca nhiễm virus corona được phát hiện sớm nhất vào ngày 1 tháng 12 năm 2019. Đến giữa tháng 12, đã có một số ca lây nhiễm từ người sang người. Ngày 30 tháng 12, bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã nhận được kết quả xét nghiệm virus corona. Các bác sỹ đã báo cáo lên các quan chức cấp trên và truyền thông tin qua mạng xã hội.

Nhưng không có kênh liên lạc nào hoạt động. Vì gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của dịch bệnh mà bác sỹ Ngải Phân, Lý Văn Lượng và các bác sỹ khác đã bị cảnh sát Vũ Hán trừng phạt vì “tung tin đồn”. Họ bị buộc tội “bịa đặt phi pháp, tung tin đồn và gây rối trật tự xã hội”.

Ủy ban Y tế Quốc gia và CDC Trung Quốc đều có mặt ở mọi cấp chính quyền, trong đó Ủy ban Y tế Quốc gia là đơn vị giám sát CDC các cấp. Sau khi virus corona bùng phát, ngày 29 tháng 12, Ủy ban Y tế Quốc gia cử các quan chức đến điều tra tình hình ở Vũ Hán. Vào thời điểm đó, nhiều bệnh viện đã được báo cáo có các trường hợp nhiễm virus corona.

Ngày 30 tháng 12, Ủy ban Y tế Vũ Hán gửi thông báo tới các nhân viên y tế để cảnh báo họ về một bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, nhưng không đề cập đến virus corona. Ủy ban này cũng cấm nhân viên y tế bàn luận về thông tin này.

Ngày 3 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Y tế Quốc gia ban hành chính sách (Thông tư 2020 số 3) với các hướng dẫn sau:

1) Tất cả các chính quyền và ủy ban y tế cấp khu vực cần quản lý các mẫu virus corona gây ra bệnh viêm phổi ở Vũ Hán theo quy định về “Vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh cao (Loại 2);”

2) Khi chưa được phép thì không đơn vị nào được cung cấp kết quả xét nghiệm cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào khác;

3) Tất cả các cơ sở y tế phải lập tức ngừng mọi xét nghiệm virus đang tiến hành;

4) Tất cả các cơ sở y tế phải tiêu hủy tất cả các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân;

5) Các bác sỹ tuyến đầu ở Vũ Hán không được phép tiết lộ bất kỳ thông tin nào về bệnh viêm phổi ở Vũ Hán.

Chuỗi sự việc này cho thấy người dân không hề biết về đợt bùng phát virus corona bởi vì quan chức các cấp đều giấu thông tin để chờ mệnh lệnh của Đảng — và trừng phạt bất kỳ ai dám chống đối.

Đội quân dư luận viên trên Internet của Trung Quốc

Tung tin sai lệch chỉ là một phần của bức tranh kiểm duyệt và thao túng thông tin của Trung Quốc. Bên ngoài Trung Quốc đại lục, ĐCSTQ cũng tác động mạnh đến dư luận, đặc biệt là trên các mạng xã hội.

Một bài báo của Đài Á Châu Tự do (RFA) ngày 28 tháng 4 năm 2020 đã rà soát ba tài khoản Twitter trong hơn 100 ngày trước đó, bao gồm tài khoản của bà Hoa Xuân Oánh (@ SpokespersonCHN), ông Triệu Lập Kiên (@ zlj517) và Bộ Ngoại giao Trung Quốc (@MFA_China). Bà Hoa là Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn ông Triệu là Phó Vụ trưởng.

Ba tài khoản này đã đăng tổng cộng có 4.574 tweet từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 10 tháng 4. Trong tháng 1 và tháng 2, các nội dung tweet này chủ yếu ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong cuộc chiến với virus corona và lan tỏa “năng lượng tích cực” (một khẩu hiệu được ban lãnh đạo ĐCSTQ đề xuất từ năm 2014), nhưng không hề nhắc đến số ca xác nhận đã nhiễm virus tăng cao hơn bao giờ hết ở Trung Quốc.

Từ ngày 20 tháng 2, nội dung các tweet lại chuyển từ việc miêu tả Trung Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh thành tâng bốc Trung Quốc là vị cứu tinh của thế giới. Ngày 12 tháng 3, một ngày sau khi WHO tuyên bố dịch virus corona là đại dịch, Triệu tweet rằng, “Có thể chính Quân đội Hoa Kỳ đã đưa dịch bệnh đến Vũ Hán.”

Trên thực tế, gần 80% các tweet mà ba tài khoản Twitter này đăng đều có nội dung chỉ trích Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý là Twitter bị cấm ở Trung Quốc. Trong khi các thường dân Trung Quốc có thể bị phạt tù vì truy cập những nền tảng như vậy, thì các quan chức ĐCSTQ này lại lạm dụng chúng để thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ và tấn công phương Tây.

ĐCSTQ có một đội quân internet khổng lồ với nhiệm vụ tung tin thất thiệt ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Theo BBC ngày 7 tháng 4 năm 2015, ngoài các nhân viên được trả lương, khoảng 10 triệu tình nguyện viên được tuyển dụng với nhiệm vụ giám sát internet. Một tài liệu của Đoàn Thanh niên [2015-9], một tổ chức cấp dưới của ĐCSTQ, tiết lộ khoảng 4 triệu trong những tình nguyện viên này là sinh viên đại học.

Động đất ở Đường Sơn

Đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ che đậy và xử lý sai đại dịch virus corona, khi chế độ này hạ thấp tính nguy hiểm của các thảm họa này với danh nghĩa duy trì ổn định.

Một ví dụ khác là trận động đất Đường Sơn ở Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 28 tháng 7 năm 1976. Với cường độ 7,6 độ richter, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết khoảng 240.000 người đã thiệt mạng trong vụ thiên tai này. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng đa số các trường hợp tử vong là có thể tránh được.

Hai tuần trước khi xảy ra thảm họa, Văn phòng Động đất Bắc Kinh đã phát hiện những tín hiệu bất thường và liên lạc với Cục Động đất Quốc gia để có biện pháp xử lý tức thì. Tuy nhiên, Cục Động đất Quốc gia đã không trả lời cho đến ngày 26 tháng 7. “Cảnh báo động đất ở tỉnh Tứ Xuyên vốn đã hỗn loạn. Đường Sơn gần với Bắc Kinh, vì vậy hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm mọi thứ rối tung lên!”, một quan chức trả lời.

Ông Cảnh Khánh Quốc, chuyên gia của Văn phòng Động đất Bắc Kinh cho biết, ngay cả với các công nghệ vào thời điểm đó, việc dự đoán động đất có cường độ trên 5 độ Richter là khá dễ dàng, chứ đừng nói đến trận động đất ở Đường Sơn với cường độ 7,6 độ richter. “Thêm vào đó, 6 giờ trước khi trận động đất xảy ra, đã có âm thanh và ánh sáng bất thường từ mặt đất. Nếu người dân địa phương được cảnh báo, thiệt hại về nhân mạng sẽ ít hơn nhiều”, ông nói.

Thảm họa vẫn tiếp diễn

Từ tháng Sáu, nhiều khu vực ở Trung Quốc đã chìm trong lũ lụt. Khi mực nước dâng trên sông Chu, một nhánh của sông Dương Tử, các quan chức đã cho phép xả nước hai nơi vào ngày 19 tháng 7. Mặc dù mục tiêu là bảo vệ tỉnh Giang Tô, nhưng nhiều nơi ở tỉnh An Huy đã bị nhấn chìm tức thì.

Những điều tương tự đã xảy ra ở nhiều khu vực. Nghi Xương, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Hồ Bắc, bị ngập lụt vào ngày 27 tháng 6. Cư dân địa phương nghi ngờ các quan chức cố tình xả nước để bảo vệ đập Tam Hiệp.

Một cư dân mạng viết: “Nếu chúng tôi được thông báo trước về việc xả nước, tổn thất sẽ ít hơn nhiều. Đảng đối xử với chúng tôi như bùn đất.“ “Mạng sống của người dân chẳng có nghĩa lý gì chừng nào Đảng còn tồn tại”, một người khác nói thêm.

Ngày 23 tháng 7, phát biểu tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo cho biết, ông đã lớn lên và phục vụ trong quân đội trong thời chiến tranh Lạnh. Ông cho biết: “Và nếu tôi có học được điều gì, thì đó là những người cộng sản hầu như luôn nói dối. Lời nói dối lớn nhất của họ là họ cho rằng tiếng nói của họ đại diện cho 1,4 tỷ người, những người đang bị giám sát, áp bức và sợ không dám lên tiếng.”

“Ngược lại, ĐCSTQ sợ tiếng nói chân thật của người dân Trung Quốc hơn bất cứ kẻ thù nào, và tìm cách để không đánh mất quyền lực tuyệt đối – họ có lý do – [mà cũng] không cần lý do gì [để nói dối].” Ông giải thích, “Hãy nghĩ xem, thế giới sẽ tốt đẹp hơn tới nhường nào – chứ chưa kể đến chính người dân Trung Quốc – nếu chúng ta có thể nghe thông tin từ các bác sỹ ở Vũ Hán và nếu họ được cảnh báo về một loại virus mới đang bùng phát”, ông nói.

Nhưng trong rất nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo phương Tây đã lờ đi điều này. “Chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ nữa. Cũng như bất kỳ ai, họ hiểu rằng chúng ta không bao giờ có thể quay về trạng thái vốn có nữa”, ông cho biết.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/30/408357.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/4/186179.html

Đăng ngày 11-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share